Sữa mẹ sau khi vắt để ngoài được bao lâu? Các lưu ý khi bảo quản sữa mẹ 

Chủ nhật - 18/07/2021 08:35

 

Sữa mẹ được tiết dưới dạng sữa tươi bởi các tuyến vú của người mẹ để nuôi dưỡng cho con sau khi chào đời trong giai đoạn sơ sinh. Đây là nguồn dinh dưỡng chính cho bé trước khi chúng có thể tự ăn và tiêu hóa những loại thực phẩm khác và có thể kết hợp với chế độ ăn dặm cho trẻ sơ sinh lớn hơn đến giai đoạn biết đi từ sáu tháng tuổi. Vậy sữa mẹ để ngoài có dùng được không, bảo quản như thế nào?


Tại sao phải bảo quản sữa mẹ sau khi được vắt ra?

Với nhu cầu của mỗi bé là khác nhau cũng như bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như công việc của mẹ, lượng sữa tiết ra mỗi lúc khác nhau,... nên để đảm bảo bé luôn được cung cấp sữa mẹ đầy đủ hàm lượng dưỡng chất cao thì phương pháp bảo quản sữa mẹ không xa lạ đối với các mẹ bỉm. Tuy nhiên, bảo quản như thế nào để sữa mẹ không bị biến chất, gây hại cho bé mà vẫn đủ chất thì vẫn là một trong những băn khoăn cho các mẹ bỉm. Vậy bảo quản sữa mẹ trong bao lâu để có chất lượng tốt nhất?


Vì những sự khác nhau của mỗi mẹ về khối lượng sữa bảo quản, chất liệu dụng cụ bảo quản, nhiệt độ phòng khi đang vắt sữa, nhiệt độ bảo quản trong tủ lạnh, tủ đông, độ sạch môi trường vắt sữa và nơi bảo quản,... nên vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho việc bảo quản sữa mẹ bên ngoài được bao lâu.


Dưới đây là một số thông tin giúp mẹ bỉm sữa lựa chọn được cách bảo quản sữa mẹ phù hợp nhất, chất lượng nhất cho mình.
 


Sữa mẹ để ngoài được bao lâu?

Để biết được sữa mẹ để ngoài được bao lâu thì cần phải dựa vào phương thức bảo quản, điều kiện bảo quản cho mỗi phương thức: nhiệt độ phòng, ngăn mát tủ lạnh và ngăn đông tủ lạnh.


Sữa mẹ được bảo quản ở nhiệt độ phòng

Theo khuyến cáo của CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) thì trong điều kiện nhiệt độ phòng khoảng 25 độ C thì sữa mẹ bảo quản trong khoảng tối đa 6 giờ và khoảng 4 giờ thì sữa sẽ có chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, từ 26 độ trở lên thì thời gian bảo quản sẽ ngắn dần hơn chỉ khoảng từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ. 


Phương thức bảo quản ngăn mát tủ lạnh cho sữa mẹ sau khi vắt 

Theo WHO, UNICEF và Viện Dinh Dưỡng quốc gia Việt Nam thì bảo quản sữa mẹ trong ngăn mát tủ lạnh với điều kiện nhiệt độ là 4 độ C được khoảng tối đa 4 ngày và 2 đến 3 ngày là thời gian sử dụng tối ưu.


Lưu ý: Bảo quản sữa không nên để ở cánh cửa tủ lạnh vì khu vực đó nhiệt độ bất thường, không ổn định để bảo quản tốt nhất.


Phương thức bảo quản ngăn đông tủ lạnh cho sữa mẹ sau khi vắt 

Trong điều kiện tủ đông có nhiệt độ âm 18 độ C trở xuống thì theo khuyến cáo của WHO, UNICEF và Viện Dinh Dưỡng quốc gia Việt Nam thì sẽ bảo quản sữa mẹ tối đa 12 tháng và thời gian sử dụng tối ưu nhất là 6 tháng.


Lưu ý: 

Trước khi cho sữa vào tủ động nên để ngăn mát tủ lạnh từ 12 đến 24 tiếng.
 


Hướng dẫn sử dụng sữa sau khi bảo quản

Bảo quản nhiệt độ phòng

Sau khi vắt sữa và bảo quản trong các chai đã được khử vô trùng chất liệu nhựa hay thuỷ tinh,... an toàn cho bé. Trong thời gian bảo quản thì sẽ diễn ra tình trạng sữa tách lớp nên trước khi cho bé uống, bạn xoay chai nhẹ nhàng giúp sữa đồng nhất các lớp. (Không nên lắc, khuấy mạnh sữa).


Sau đó lấy lượng sữa phù hợp với từng bữa trước đó của bé để tránh dư thừa vì sau khi cho bé uống sữa mẹ bảo quản nếu vẫn còn thì sẽ phải đổ đi vì vi khuẩn từ miệng bé có thể đã xâm nhập vào sữa nên nếu cho bé uống lại sữa đó thì không tốt.


Sử dụng sữa mẹ sau khi bảo quản tủ lạnh

Nếu bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh thì sữa mẹ sau khi lấy ra chỉ cần để nguội bên ngoài tới nhiệt độ phòng hoặc ngâm trong nước ấm phù hợp với nhiệt độ cơ thể bé.


Nếu bảo quản sữa mẹ điều kiện ngăn đá thì để sữa từ ngăn đá xuống ngăn mát tủ lạnh  rã đông rồi hâm nóng bằng nước ấm hoặc máy hâm sữa trong nhiệt độ 40oC.


Lưu ý: 

- Trong thời gian hâm sữa để tránh biến chất thì không được thay đổi nhiệt độ sữa đột ngột. Nếu không có máy hâm sữa thì ngâm sữa trong nước ấm một cách tăng nhiệt độ từ từ đến mức phù hợp với cơ thể bé.

- Tuyệt đối không hâm nóng sữa bằng lò vi sóng hoặc đun sữa trực tiếp vì việc tăng nhiệt đột ngột sẽ phá huỷ một số kháng thể, dưỡng chất sống trong sữa khi nhiệt độ không đồng nhất. 

- Không dùng sữa bảo quản quá hạn vì một số hợp chất trong sữa có thị bị biến đổi.

Một số câu hỏi thường gặp và lưu ý

 


Sữa mẹ vắt ra để ngoài có cần hâm nóng? 

Việc hâm nóng sữa tuỳ thuộc vào nhiệt độ bảo quản nên hâm nóng sữa bằng cách ngâm sữa trong nước ấm hoặc sử dụng máy hâm nóng sữa để sữa bé bú có nhiệt độ phù hợp với cơ thể sinh lý của bé, hạn chế một số bệnh lý như tiêu chảy, sốc nhiệt,...


Cách bảo quản sữa mẹ khi hút ra ngoài

Có ba phương thức là bảo quản ở nhiệt độ phòng khoảng 25 độ C, ngăn mát tủ lạnh với khoảng nhiệt 4 độ C và từ âm 18 độ trở xuống trong ngăn đông tủ lạnh.


Sữa mẹ vắt ra mẹ có uống được không? 

Vì là sữa tự nhiên từ cơ thể mẹ tiết ra với nhiều dưỡng chất cần thiết, kháng thể nên rất tốt cho mẹ khi uống.


Sữa mẹ trữ đông đổi màu có sao không? 

Trong quá trình bảo quản sữa ngăn đông, do sự thay đổi của một số chất béo nên sữa có thể bị thay đổi màu sang hơi nâu, vàng hoặc xanh nhạt nhưng không hề có hại cho bé, vẫn đảm bảo dưỡng chất an toàn cung cấp cho bé.


Một số lưu ý khi bảo quản sữa mẹ sau khi vắt

Để đảm bảo nguồn sữa mẹ bảo quản sau khi vắt đạt chất lượng cao nhất cho con cần lưu ý một số điều như sau:

- Sát khuẩn tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn có cồn,... trước khi thực hiện thao tác vắt sữa cho bé.

- Mọi dụng cụ hỗ trợ vắt sữa, bảo quản sữa như mắt hút sữa, túi hay hộp đựng sữa,... đều phải được làm sạch, khử trùng với chất liệu an toàn cho bé, phù hợp với điều kiện bảo quản, không gây biến tính cho sữa. 

- Vắt sữa bằng tay hoặc máy hút sữa đều được.

- Một số dụng cụ bảo quản như túi đựng sữa, hộp đựng sữa có nắp,... đều phải được kín khi bảo quản.

- Ghi chú chi tiết về ngày giờ vắt sữa. 

- Luôn luôn phải rã đông sữa mẹ, hâm nóng sau khi bảo quản.

- Không sử dụng lò vi sóng, đun sữa trực tiếp để làm nóng sữa vì sẽ làm phá huỷ dưỡng chất sống, kháng thể có trong sữa hay làm biến tính một số chất.


Tài liệu tham khảo

  1. Lưu ý khi nuôi con bằng sữa mẹ, Trungtamthuoc.com. Truy cập ngày 05 tháng 06 năm 2023.

  2. 3. Chuyên gia của CDC, cập nhập ngày 24 tháng 01 năm 2023. Proper Storage and Preparation of Breast Milk, CDC. Truy cập ngày 05 tháng 06 năm 2023.

  3. 3. Gatien A G Lokossou, cập nhập ngày 05 tháng 04 năm 2022. Human Breast Milk: From Food to Active Immune Response With Disease Protection in Infants and Mother, Pubmed. Truy cập ngày 05 tháng 06 năm 2023.

  4. 3. Enrico Bertino, cập nhập ngày 05 tháng 10 năm 2018. Donor Human Milk: Effects of Storage and Heat Treatment on Oxidative Stress Markers, Pubmed. Truy cập ngày 05 tháng 06 năm 2023.

 

Tác giả: Dược sĩ Cẩm Tú, tốt nghiệp khoa Dược – Đại học Đại Nam.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây