Tóm tắt lịch sử xã Quỳnh Vinh
- Thứ hai - 25/03/2019 09:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quỳnh Vinh là địa đầu của thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, vùng Nam Thanh- Bắc Nghệ, là địa phương có lịch sử phát triển lâu đời.
LỊCH SỬ XÃ QUỲNH VINH
ĐẢNG ỦY- HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN-ỦY BAN NHÂN DÂN
UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC XÃ QUỲNH VINH
BAN CHỈ ĐẠO
LÊ VĂN THÀNH-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND
LÊ ĐĂNG THUỲ-Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ
LÊ VĂN KỲ-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND
VŨ LÊ CÔNG-Phó Chủ tịch UBND
LÊ THẠC HÙNG-Chủ tịch UB MTTQ
BAN SƯU TẦM TÀI LIỆU
HỒ VĂN LONG-Cán bộ tiền khởi nghĩa
VŨ LÊ NHOẠN-Nguyên Bí thư Đảng ủy
LÊ SỸ THIỀM-Nhà giáo
LÊ NINH -Nhà giáo
BAN BIÊN TẬP
LÊ NINH: Chương I, II, III IV và phụ lục
TRẦN PHẦU: Chương V
PHẠM BÂN : Chương VI
LỜI GIỚI THIỆU
Quỳnh Vinh là địa đầu của huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, vùng Nam Thanh- Bắc Nghệ, là địa phương có lịch sử phát triển lâu đời. Trong quá trình hình thành và phát triển, các thế hệ con người sinh trưởng trên mảnh đất này đã không ngừng lao động cần cù, sáng tạo, dũng cảm, kiên cường vượt mọi khó khăn, gian khổ để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Từ ngày có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Quỳnh Vinh một lòng đi theo Đảng đã lập được nhiều thành tích trong sản xuất, xây dựng cuộc sống, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá-hiện đại hoá ngày nay. Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Vinh đang nổ lực phấn đấu, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển.
Để làm sáng tỏ sự hình thành và phát triển của Đảng bộ, nhân dân Quỳnh Vinh qua các chặng đường lịch sử, góp phần tìm hiểu lịch sử địa phương, giáo dục truyền thống cách mạng quê hương cho cho thế hệ mai sau. Thể theo nguyện vọng, mong muốn từ lâu của Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Vinh. Đảng uỷ đã ra Nghị quyết; thành lập Ban chỉ đạo, Ban sưu tầm biên soạn “Lịch sử xã Quỳnh Vinh”. Trong quá trình sưu tầm và xác minh tư liệu gặp rất nhiều khó khăn do các sự kiện diễn ra đã lâu, công tác lưu trữ không tốt, các nhân chứng lịch sử đã mất, lại bị thiên tai, chiến tranh làm mất mát quá nhiều; nhưng nhờ sự cố gắng nỗ lực của các đồng chí lão thành cách mạng, những người đã từng giữ các chức vụ lãnh đạo của địa phương qua các thời kỳ và sự giúp đỡ của nhân dân. Qua nhiều lần tọa đàm, góp ý của của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ sinh sống và làm việc tại địa phương qua các thời kỳ “Lịch sử xã Quỳnh Vinh” đã hoàn thành. Cuốn sách giới thiệu một cách tổng quát về Quỳnh Vinh qua các giai đoạn lịch sử; truyền thống của xã trong xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa, truyền thống chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước.
Nhân dịp phát hành cuốn “Lịch sử xã Quỳnh Vinh”, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các tập thể, cá nhân trong và ngoài xã, những người con quê hương đang ở xa đã có những đóng góp trong quá trình sưu tầm tư liệu và nhất là sự chỉ đạo tận tình của các đồng chí trong Ban Tuyên giáo Huyện ủy trong suốt quá trình biên soạn cuốn sách này. Xin chân thành cảm ơn các nhà giáo Lê Ninh, Trần Phầu, Phạm Bân đã biên soạn công phu, trách nhiệm, tâm huyết và hoàn thành cuốn lịch sử quê hương.
Nhân dịp chào mừng 82 năm ngày thành lập Đảng Công sản Việt Nam, 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và những ngày kỷ niệm lớn trong năm 2012, chúng tôi trân trọng cho ra mắt bạn đọc cuốn sách này. Mặc dầu đã có nhiều cố gắng nhưng cuốn sách không tránh khỏi thiếu sót. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc để cuốn sách có chất lượng tốt hơn trong các lần tái bản sau.
Quỳnh Vinh, tháng 10 năm 2012
T/M BAN THƯỜNG VỤ ĐẢNG UỶ
Bí thư
Lê Văn Thành
CHƯƠNG I
TỔNG QUAN VỀ XÃ QUỲNH VINH
I. Địa lý, lịch sử, thiên nhiên, tài nguyên và môi trường
1. Địa lý và lịch sử.
Làng Thọ Vinh, làng Quý Vinh trước Cách mạng tháng Tám là hai làng của Quỳnh Vinh ngày nay, có lịch sử văn hoá lâu đời. Những bậc tiên hiền của hơn 40 dòng họ lớn đặt chân đầu tiên trên đất này đã khai sơn, phá thạch góp phần xây dựng quê hương trong suốt cả quá trình dựng nước và giữ nước.
Theo dòng chảy lịch sử, vùng đất này đã chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh vũ trang lớn, là địa đầu, là phên dậu, là căn cứ trọng yếu của Quỳnh Lưu, Nghệ An. Lời người xưa còn lưu lại:
“Quỳnh Lưu chiến địa, Mai Giang huyết hồng”
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ: Tân Khai trong bài hát Quỳnh Lưu quê mẹ có đoạn: “Ai đi vô xứ Nghệ, ghé đất đỏ Hoàng Mai. Dừng chân ghé vào thăm quê tôi, Quỳnh Lưu đang lửa đỏ, mảnh đất Quỳnh Vinh suốt đêm ngày giặc phá giao thông, cầu Hoàng Mai đêm đêm xe cứ vượt đạn bom ra chiến trường...” Đã phần nào phản ánh “toạ độ địa lý đỏ” và truyền thống chống ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước của nhân dân Quỳnh Vinh.
Làng Thọ Vinh, làng Quý Vinh thuộc xã Quỳnh Vinh, Tổng Hoàng Mai, Phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, được hoạch định từ năm Minh Mạng thứ 11 (1831)
Làng Thọ Vinh nhập với làng Quý Vinh gọi là xã Vinh Lộc (1946)[1]
Năm 1947, nhập với xã Văn Hoá gọi là xã Vinh Hoa.
Từ năm 1948-1954, xã Vinh Hoa nhập với Quỳnh Trang, Quỳnh Thắng gọi là xã Quỳnh Mai.
Từ tháng 4 năm 1954, xã Quỳnh Mai được tách ra Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị, Quỳnh Trang, Quỳnh Thắng.
Tháng 5 năm 1976 Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị hợp nhất gọi là Xí nghiệp Quỳnh Mai.
Năm 1981, Xí nghiệp Quỳnh Mai tách ra 3 xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị[2].
Dẫu qua nhiều biến đổi, thăng trầm của lịch sử, tách nhập xã nhưng con người Quỳnh Vinh vẫn giữ được bản chất như bức đại tự đình làng đã ghi:
“ Thiên Thọ Bình Cách” (tính cách người làng Thọ rất cao thượng)
“Văn hiến sở tại” (đây là vùng đất văn hiến)
Phía Bắc giáp Tĩnh Gia (Thanh Hoá), một vùng kinh tế sôi động, có Nhà máy xi măng Nghi Sơn, có khu công nghiệp lọc hoá dầu, có nhà máy nhiệt điện và cảng nước sâu. Phía Tây giáp xã Tân Thắng nối với Quỳnh Vinh bằng đường Đông Hồi-Quốc lộ 1A-Thái Hoà với đường Hồ Chí Minh. Phía Đông giáp Quốc lộ 1A, là thị trấn Hoàng Mai đã một thời chung xí nghiệp Quỳnh Mai, cùng một chiến hào bảo vệ xây dựng quê hương. Phía Nam là sông Hoàng Mai, bờ bên kia là xã Quỳnh Trang và xã Mai Hùng gần một thập kỷ cùng chung làng, chung xã với Quỳnh Vinh, đấu cật chung lưng làm cách mạng giải phóng và xây dựng chủ nghĩa xã hội ...
Đứng trên núi Mồng Gà có độ cao 265m hay núi Xước có độ cao 431m nhìn về Quỳnh Vinh tác giả Văn Lê có thơ rằng:
"Quỳnh Vinh phong cảnh tuyệt vời
Non xanh nước biếc đất trời thần tiên
... Quê mình thắng cảnh lừng tên
Mai giang uốn khúc diệu huyền làm sao
Tây Bắc sừng sững núi cao
Trùng trùng sa võng đẹp nào ai hơn
Tiện sao cận thuỷ cận sơn
Sơn hào, hải vị nước non hữu tình"
Quỳnh vinh có diện tích tự nhiên: 4247 ha1.
Đất sản xuất nông nghiệp: 944 ha
Đất trồng cây hàng năm: 590 ha
Đất lâm nghiệp: 2593 ha chiếm 61% diện tích
Đất phi nông nghiệp: 520 ha
Dân số phân bố trên ba vùng: Đại Vinh, Tân Hoa, Tân Bình.
Tổng số hộ dân toàn xã 3.122 hộ với 15.221 khẩu, bình quân 5 khẩu/hộ với 22 xóm. Đồng bào theo đạo thiên chúa giáo có 236 hộ với 1.416 khẩu bình quân 6 khẩu/hộ.
2. Khí hậu.
Quỳnh Vinh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt độ trung bình 230C. Lượng mưa phân bố không đều theo thời gian trong năm xấp xỉ 180mm/năm.
Thời tiết có hai mùa rõ rệt: Mùa rét và mùa nóng
Mùa rét: Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, tháng giêng là tháng lạnh nhất có năm nhiệt độ dưới 70C, nhiệt độ trung bình mùa lạnh 180C. Mùa lạnh là mùa ít mưa, lượng mưa trung bình 100mm trong sản xuất nông nghiệp, đây là mùa hạn thiếu nước. Đặc điểm nổi bật của thời tiết này là gió mùa đông bắc, mưa phùn, rét đậm.
Mùa nóng: Tháng 4 là tháng chuyển tiếp từ mùa lạnh sang mùa nóng, tuy vậy giữa tháng 4 vẫn còn những đợt rét “Nàng Bân” tím da tím thịt. Mùa nóng thực chất bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9, tháng 7 thường nóng nhất, nhiệt độ có ngày lên đến 400C, nhiệt độ trung bình dao động từ 250C – 280C.
Qua thời khô nóng là đến thời kỳ bão lụt từ tháng 8 đến tháng 9, tháng 10. Nhiều trận mưa trút nước xối xả, gây lũ lụt ngập úng hư hại hoa màu như năm 1958, 1971, lụt kết hợp với triều cường, vùng đập Đắp không tiêu được nước, nước dâng cao lên, vùng Đại Vinh nước tràn vào nhà, dâng cao hàng mét.
"Cảnh trời Quỳnh Vinh
Chang chang nắng hạ
Bão lụt mùa thu
Âm u mùa đông
Một thoáng nắng hồng mùa xuân"
Quy luật ấy cũng đúng với vận hành tạo hoá: Xuân sinh, hạ tưởng, thu thu, đông tàn.
Để tồn tại và phát triển ông cha ta đã nắm chắc chu trình đó của thời tiết để chọn giống cây trồng vật nuôi phù hợp. Tuy vậy để sinh kế cũng thật vất vả gian nan. Mùa hạn đất nẻ chân chim chỉ trồng được 1 vụ khoai lang nhưng rồi:
"Khoai lang tháng một
Nắng suốt hai, ba
Dân chúng bàn hoà
Cầu mưa, cầu gió
Thánh thần không ngó
Khoai “tốt bỏ vùng”
Có năm hạn hán, ngày Rằm tháng Bảy, có gia đình đốt vàng mã tàn lửa bốc cao làm cháy nhà, cháy hết cả làng Đồng Chay. Trước năm (1945) đại bộ phận là nhà tranh tre, nứa, mét, nắng to, gió mạnh tàn lửa bốc cao, không dập tắt được. Gia phả họ Lê còn chép lại năm 1882 dưới thời Tự Đức (1847-1883) có trận hoả hoạn lớn đốt cháy khắp làng Thọ Vinh, gia phả một số dòng họ được cất trong ống tre, sơn son thiếp vàng cũng thành tro bụi. Sự thể đó đã làm cho con cháu vô cùng khó khăn trong việc phục chế gia phả, tìm cội nguồn họ tộc.
3. Địa chất địa hình.
Quỳnh Vinh là vùng bán sơn địa tiếp giáp giữa hai vùng đồi núi, đồng bằng nên địa hình có ba dạng: Đồi núi, đồng ruộng bậc thang và vùng đồng bằng ven sông. Đồi núi chiếm 3/5 diện tích đất đai.
Đất vùng Tân Hoa kiểu đất đỏ bazan phù hợp cho việc trồng cây công nghiệp, cây ăn quả như: Cà phê, chè chuối, mít, dứa, nhãn, vải...
Vùng An Bình đất cát pha đá bù mềm tầng trên, phía dưới là đất sét thích hợp cho chè, chuối, sắn, khoai từ, khoai sọ, ... Là vùng đất suốt từ đầu thế kỷ XIX đến năm 60 của thế kỷ XX: "Chè xanh rợp bóng, chuối xanh rợp gò".
Vùng Đại Vinh phía Bắc lạch Đồng Sác – sông Thơm, phía Tây Nam sông Mai là đất cát pha và đất thịt thuận lợi cho việc trồng khoai, lạc, đậu và sản suất lúa hai vụ.
Về địa mạo: Quỳnh Vinh nằm ở vùng đất đỏ Hoàng Mai. Từ dãy núi Vu Vi kéo một mạnh như trường thành từ Tây Nam sang Đông Bắc về núi Mồng Gà băng sang núi Nhọn xuống Chỗ Cang về Rục Chùa. Từ đường phân thuỷ của những dãy núi đó, trước đây đi thêm 10 km nữa vẫn là đất Quỳnh Vinh. Vùng Khe Lầy, Bãi Tập, lèn Răng Cưa, Thủng Lộn, Hang Thờ, Mu Cua, Dốc Đâm, Khe Trù, Hòn Ngang về Đồng Kin là rừng chuối bạt ngàn và đồng cỏ mênh mông với các trại chăn bò lớn của các cụ Tuần Vịnh, Đoàn Thành, cụ Kham, ...
Cách chúng ta ngày nay khoảng 400 trăm năm, đây là vùng cây cối um tùm kiểu đại ngàn, có rất nhiều loại gỗ quý như lim, gụ, trắc, sến, vàng tâm, đinh hương,… Gỗ làm Đền Vưu, nhà Thánh, gỗ làm Đền Cờn đều lấy ở núi Nhà Nhất, núi Nhọn Quỳnh Vinh. Về sau này các họ Trần, Lê Văn,... chỉ cần lên núi Nhọn là đã có gỗ lim để khai thác làm nhà thờ. Theo sách "Quỳnh Lưu phong thổ ký" của Hồ Tất Tố, Quỳnh Vinh xưa vốn là vùng rừng rậm nhiều thú dữ: “chân voi, móng hổ đạp chồng lên nhau”.
Cũng theo đường thiên lý Bắc Nam, qua khỏi cầu đường bộ Hoàng Mai nhìn về phía Tây – Bắc thấy hai ngọn núi Cấp Mồng Gà và Hòn Nhọn như hai đỉnh của một đường hình sin rồi thấp dần về phía đồng ruộng. Có truyền thuyết nói rằng xưa có 100 con chim phượng hoàng to lớn sau khi ăn quả 99 cây thị, uống nước 99 giếng nước vùng Phú Mỹ (Quỳnh Hoa) vì còn thiếu 1 cây thị và 1 giếng nước nên con đầu đàn sải cánh bay về phía Bắc đến Quỳnh Vinh một chân ở núi Nhọn, chân kia vừa chạm tới đỉnh Mồng Gà, thì đỉnh núi cụp xuống có hình mào gà bị hẫng chân; con đầu đàn tiếp tục bay đi, cả đàn cũng bay theo. Thế là đất làng Phú Mỹ, đất Hoàng Mai chưa được chọn là nơi định đô của các triều đại phong kiến xưa của Việt Nam.
4. Tài nguyên.
Các cụ nói lại: Thời Pháp thuộc bằng những phương pháp khoa học đơn giản: Dùng con lắc đơn để xác định gia tốc trọng trường, người Pháp đã phát hiện ra mỏ vàng ở núi Mồng Gà, núi Xước, mỏ than ở Hòn Vu Vi, Thung Kiệu, mõ kẽm ở Rú Thông, đá vôi có trữ lượng lớn ở lèn Răng Cưa.
Theo tài liệu của Hội đồng đánh giá trữ lượng quốc gia: Dãy núi đá vôi phía Tây Quốc lộ 1A từ Mỏ Đá đến Tân Hùng có trữ lượng 130 triệu tấn.
Nguồn đất sét của dãy núi Mồng Gà – Hòn Nhọn – Chỗ Cang – Bài Bằng đảm bảo chất lượng tốt cho sản xuất ximăng mác cao hàng trăm năm.
Ngoài ra đá bazan, chất phụ gia của ximăng lại rất sẵn ở vùng núi phía Tây Nam của xã giáp Nghĩa Đàn. Ngoài đá vôi, đất sét, chúng ta còn có nguồn nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt và nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Người ta đã khoan ba hố sâu 75m với trữ lượng nguồn nước ngầm 3000m3/ngày đêm. Vùng An Bình chỉ cần khoan sâu 50m là đủ nước phục vụ cho tưới tiêu và sinh hoạt gia đình. Nguồn tài nguyên trên mặt đất, trong lòng đất đã góp phần làm giàu cho đất nước xây dựng quê hương.
5. Đồng ruộng.
Do kiến tạo của địa hình, nên hầu hết đồng ruộng Quỳnh Vinh là bậc thang, độ dốc lớn như đồng Mân, đồng Đừng, đồng Sổ, Cửa Mẹt, ... Chỉ có đồng Gia là bằng phẳng hơn cả. Nhân dân ta đã có câu:
"Nước Khe Bung vừa trong vừa mát
Đường đồng Gia lắm cát dễ đi"
Mỗi xứ đồng, mỗi cánh rừng đều có sự tích ly kỳ:
Rú Chùa, rú Đất: Được ông Đùng vận chuyển từ đồi núi cao về định đặt ở hai bờ sông Thơm tạo điều kiện cho con người đắp đập ngăn mặn, lấy nước tưới cho đồng ruộng nhưng chưa đến nơi dự định thì gãy đòn gánh.
Đồng Chỗ Tát, Bức Thây: Thực ra gọi tránh đi của từ hổ táp, mất thây. (Một lão nông đi cày sớm trên xứ đồng này không may bị hổ vồ)
Đồng Thầy Cầu, Nàng Eo: Thủa xưa có thầy đi cúng yên mồ mả cho một gia đình trên đường về tỏ lời “nguyệt hoa” với cô chủ nhà xinh đẹp .v.v, dân làng lấy sự kiện này đặt tên cho xứ đồng.
6. Nguồn nước.
Phía Tây Nam của Quỳnh Vinh có sông Mai bắt nguồn từ núi Văn Lâm (Nghĩa Đàn), qua Quỳnh Thắng, Bến Nghè, Bến Bần về Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị rồi đổ ra Lạch Cờn Quỳnh Phương về biển có chiều dài 40km, lưu vực hơn 3700 km2, là con sông nước mặn dài, rộng nhất Quỳnh Lưu có thuỷ triều lên xuống.
Tuy không tưới mát cho đồng ruộng nhưng là đường giao thông thuỷ rất quan trọng trong vùng từ Nghĩa Đàn, Quỳnh Thắng, Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Mai Hùng, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị, Quỳnh Phương và thông thương với biển cả.
Thời thuộc Pháp cùng với dự án đưa nước từ Bara Đô Lương về Diễn – Yên – Quỳnh, là dự án đắp đập ngăn sông Mai đưa nước tưới cho vùng Hoàng Mai (1936) nhưng rồi chiến tranh xảy ra... Mãi sau này đất nước giải phóng, năm 1978 Hồ Vực Mấu được khởi công xây dựng, đắp chắn sông Mai đưa nước tưới cho cả vùng Hoàng Mai, Quỳnh Xuân và một số xã phía Nam Quỳnh Lưu. Có người đã ví Mai Giang là nàng Tiên Mai: "Mai Giang xanh biếc trôi êm
San dòng Vực Mấu làm nên mùa vàng"
Đồng ruộng, con người Quỳnh Vinh sử dụng nguồn nước từ hồ nước Vực Mấu trên 95% và hình ảnh ông Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Hữu Đợi "thay trời, đổi đất, sắp xếp lại giang sơn” mãi mãi trong tim mỗi người dân vùng bán sơn địa.
7. Giếng nước uống.
Xưa kia rất ít gia đình có giếng nước dùng riêng, hầu hết mỗi làng có 1 giếng nước dùng chung. Những giếng nước có niên đại khoảng 400 năm là:
Giếng Nhàn: Phía trên ghép đá tròn, đáy dưới vuông khung gỗ Vội mỗi chiều một mét, giếng có mạch nước ngầm, không bao giờ cạn, đủ dùng cho cả làng.
Giếng Đồng Cùa: Đường kính trên 10m, mạch nước to, nước trong xanh, mát lạnh hầu như đủ nước uống cho cả làng Thọ.
Cạnh giếng có miếu thờ long mạch, thần giếng bảo hộ cho nước mát quanh năm
Giếng Kia: Lấy nước rửa và cho trâu bò uống.
Giếng Đồng Sác: Được đào bên cạnh cầu Thơm, nhờ lạch sông Thơm thấm vào, giếng không bao giờ cạn. Do yêu cầu đủ nước sinh hoạt năm 1950-1951, các xóm tổ chức đào thêm các giếng: Giếng Mới, giếng Đồng Nổ, giếng Quan, sau năm 1990 do không có nhu cầu sử dụng các giếng nước Đồng Sác, giếng Mới, giếng Đồng Nổ, giếng Quan, ... giao cho các hộ đấu thầu nuôi cá.
8. Hệ thống hồ đập, đê điều.
(Xem thêm phụ lục các công trình thuỷ lợi, đắp hồ đập nước Quỳnh Vinh)
Quỳnh Vinh là vùng bán sơn địa, đồng ruộng bậc thang, độ dốc lớn hễ nắng là nứt nẻ chân chim, hễ mưa là ngập lụt, xưa kia mỗi năm chỉ làm một vụ lúa nước duy nhất nên được mùa hay mất mùa hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Vì vậy công tác đắp bờ giữ nước, đắp hồ đập là rất cần thiết.
Năm 1957-1958, cùng với nhân dân trong huyện nhân dân xã Quỳnh Vinh đã đắp đập Đồng Bung.
Năm 1965, Quỳnh Vinh khởi công đấp đập Khe Chuối, bổ sung nước cho đập Đồng Bung đủ nước tưới cho hàng trăm ha.
Năm 1970-1971, đắp đập Đồi Tương bằng phương pháp cơ giới. Đập Đồi Tương với 3 km mương dẫn hợp dòng với hệ thống mương dẫn Đồng Bung đưa nước tưới cho cả vùng Vinh – Thiện – Dị.
Năm 1967-1968, khởi công đắp đập Đồng Làng đủ nước tưới cho 10ha; đập Đồng Thạch đủ nước tưới cho 6 ha ở xóm 14.
Năm 1968 -1969, đắp đập Khe Trũng (Bãi Bằng) dẫn nước tưới cho hàng chục ha.
Năm 1976-1977, đắp đập Khe Điển lấy nước thừa Đồi Tương, Đồng Bung tưới cho đồng ruộng xóm 4.
Năm 1978, huyện khởi công đắp đập Vực Mấu.
Năm 1982, khởi công đắp đập Cầm Kỳ.
Cùng với nhân dân huyện nhà, nhân dân Quỳnh Vinh đã góp phần xứng đáng giành lá cờ đầu về thuỷ lợi toàn miền Bắc thời kỳ 1958-1960; 1970-1975.
Đúng như Tố Hữu đã viết:
Đã nghe nước chảy lên non
Đã nghe đất chuyển thành con sông dài...
9. Cây trồng vật nuôi.
Cây trồng
Lúa: Do đặc điểm của địa hình, thời tiết, khí hậu, lại chưa có hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu nên trên hầu hết diện tích chỉ gieo, vãi được một vụ lúa mùa. Giống lúa chủ yếu là: Lúa trắng, lúa cằm, lúa cút, lúa lốc mỡ là loại lúa cây cao.
Gieo vãi hoặc dùng tỉa nọc vào tháng 2, tháng 3 âm lịch. Lúa gieo xong nằm đó chờ mưa mới nảy mầm. Trận mưa tháng 3 rất quan trọng lúa phát triển, bón thúc phân chuồng, bạt bờ cuốc cỏ chờ trận mưa tháng 4, tháng 5 rồi: tỉa chỗ dày, dắm chỗ sưa. Đến tháng 8 mới có mưa lớn, tháng 9 mới trổ bông tháng 10 âm lịch mới gặt, dùng hái để gặt không phải dùng bằng liềm. Ruộng nhất đẳng điền cũng chỉ được 1,2-1,5 tạ/sào.
Trồng khoai, sắn: Khoảng 1/3 diện tích đất canh tác là đất cát pha như các xứ đồng: đồng Đò, đồng Dũ, Bức Thây, Chỗ Tát, Nàng Eo được làm hai vụ, một vụ trồng khoai hoặc lạc, đậu và một vụ lúa mùa.
Ngoài lúa, khoai lang được coi là cây chủ lực trong cơ cấu mùa vụ. Khoai lang vốn là cây dễ trồng, chịu hạn tốt và là cây chống đói hiệu quả, ăn được cả lá và củ, được sử dụng dưới nhiều hình thức. Củ khoai rửa sạch, thái lát phơi khô dòn cho vào bồ, chum ăn dần. Lá khoai được sử dụng cho trâu bò, lợn ăn tươi hoặc phơi khô để dành phòng mùa mưa bão. Khoai lang còn được nhân dân trồng ở đồi núi: Hang Thờ, Mu Cua, Đá Nhảy, khe Trù, Vũng Môn, Hòn Ngang vào dịp tháng 7, tháng 8 âm lịch mưa nhiều, trên các triền đồi đất sụn, loại khoai lang ruột đỏ được trồng theo đường đồng mức. Vụ khoai lang trái này cứu đói được nhiều nhà. Ngoài khoai lang thì khoai từ, khoai dong riềng, khoai chân chó, khoai vạc cũng được nhân dân trồng nhiều ở các thung lũng như Hòn Ngang, Mu Cua, Đá Nhảy những loại khoai cũng không kém phần quan trọng.
Sắn cũng là loại cây được trồng nhiều, hầu như gia đình nào cũng có vài sào sắn, vào dịp giáp hạt mới thấy khoai, ngô, sắn là cần thiết.
Việc nắm bắt quy luật thiên nhiên, tính chất các loại đất để chọn trồng giống cây gì, được người xưa hết sức chú ý:
"Bốc mộ tránh ngày trùng tang
Trồng khoai lang tránh ngày gió bấc"
Hay "Làm ruộng phải biết thổ nghi
Trồng cây phải biết thì, thục"
(Thổ nghi: đất đai, khí hậu; Thì, thục: là thời vụ, kỹ thuật)
Không biết tự bao giờ nhân dân ta đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng
"Dỹ nông vi bản
Nông suy bách nghệ bại..."
Với đức tính cần cù siêng năng, "Một nắng, hai sương" tinh tường kỹ thuật, chắt chiu, tiết kiệm mà qua nhiều trận đói lớn như trân đói: Năm Kỷ Sửu 1769, cuối đời Lê và năm Ất Dậu (1945) cuối triều Nguyễn:
Một cơn gió bụi vừa tan,
Hai triệu sinh linh đã mất,
Khí oan tối cả đất trời
Thây lạnh phơi đầy cỏ đất.
Vào đầu thế kỷ XIX, nghề trồng chè xanh được du nhập về Quỳnh Vinh. Cả vùng đồi núi hàng trăm hécta từ cấp Mồng Gà đến Khe Trĩn, Cầm Kỳ, Thung Lân, đồng Dũ, Cần Chanh về Chỗ Cang, ... bạt ngàn chè xanh. Khác với Đô Lương, Anh Sơn, giống Tĩnh Gia (Thanh Hoá), chè xanh Quỳnh Vinh hái lá (lá nhỏ, dày, vàng rôm là chè đảm bảo xanh, chát, thơm ngon). Chiều chiều vào phiên nại (ngày lẻ) các bà, các chị từ các nại chè gánh về chợ đình bán, chè đựng trong rổ, đơm thành ngọn rất đẹp.
Người Thanh Hoá, Diễn Châu đến mua đưa đi khắp nơi bán. Người buôn lẻ mang đi chợ Khoa Trường, Trúc Lâm, chợ Giát bán. Chè Quỳnh Vinh hơn 100 năm từ 1850 – 1963 từng nổi tiếng khắp vùng Thanh – Nghệ là thơm ngon.
"Ai ơi chè Quỳnh Vinh
Càng chát mới càng ngon
Và chuối lùn chuối ngự
Vàng hươm màu quyến rũ
Rất bổ dưỡng thơm ngon"
Để có chè xanh vàng rộm, uống thơm ngon hấp dẫn người mua. Người trồng chè cũng phải chọn giống, chất đất, tạo tán che phủ cho chè và cách giữ ẩm, tạo màu cho đất hàng năm. Ngoài chè xanh, chuối là loại cây đặc sản vào những năm đầu thế kỷ XX mỗi gia đình ngoài vài sào nại chè, còn có nại chuối ít nhất cũng vài trăm bụi chuối. Mấy cánh rừng: Hòn Ngang, Khe Trù, Mu Cua, Thung Lộn, Đốc Đâm, Hang Thờ, Đá Nhảy, ...bạt ngàn chuối. Thanh niên khoẻ cũng chỉ gánh được bốn buồng 28 nải là cùng. Phiên chợ Chiền chuối ngự, chuối lùn bán liền mấy dãy. Cùng với gừng, nghệ, vỏ mang. Người Thanh Hoá, Yên Thành, Diễn Châu kéo từng đoàn xe cút kít ra mua đưa đi bán khắp nơi.
Chăn nuôi
Rừng đồi, thung lũng, đồng cỏ tự nhiên mênh mông, nhưng chăn nuôi của Quỳnh Vinh thời trước chưa phát triển. Trại chăn nuôi trâu bò lớn cũng chỉ vài chục con như: Trại bò Vũng Môn của cụ Tuần Vinh, Trại bò Hòn Ngang của cụ Diên Trường,... Mỗi gia đình thường nuôi một trâu, bò để cày kéo, một trâu bò đẻ để lấy giống. Mỗi làng thường có một vài người chăn bò thuê chuyên nghiệp. Sáng sớm từ các cổng làng từng đàn trâu bò được chăn ra đồng hoang ăn cỏ, chiều ngả bóng mặt trời, con nào con nấy hông căng tròn vo lại về chuồng. Rất ít khi trâu bò mất mát thất lạc.
10. Ngành nghề.
Nghề sơn tràng
Nghề sơn tràng khá phát triển, lớp thanh niên, trung niên khoẻ có kiến thức về gỗ, giỏi chặt, đẽo, từ 3 giờ sáng rìu, rạ vào rừng khai thác gỗ. Có gia đình làm xong nhà mới, lại bán rồi lại tiếp tục khai thác, xem đây là một ngành dịch vụ.
Ngoài khai thác gỗ làm nhà, dân sơn tràng còn khai thác gỗ làm thuyền. Phiên chợ Chiền ngày chẵn, thuyền từ Vạn Phần, Tiến Thuỷ, Quỳnh Phương tấp nập cập bến mua hàng. Gỗ lúc ấy vận chuyển chủ yếu là khiêng, vác. Với các loại gỗ như lim, giành lèn, chua khét, ...Trai sơn tràng nổi tiếng như cụ Doãn, cụ Thương, cụ Hiếu, cụ Trì, ...
Nghề săn bắn, đánh bẫy thú rừng
Do có lợi thế, đồi núi âm u, cây cao, bóng cả lại chân hổ, móng gấu, lợn rừng đạp chồng lên nhau nên mỗi làng có tới 3-4 phường săn. Từ mờ sáng vào rừng, sau khi phán đoán hướng chạy tháo của thú rừng họ dăng lưới chặn đường, dùng chó săn giỏi dục sủa..., các thành viên trong đoàn mang theo giáo, mác, súng săn “ngoát”, hò reo vang rừng, nai, hoãng, lợn rừng hoảng hồn chạy vào lưới, các thợ săn nhanh tay đâm giáo. Người đầu tiên vừa đâm vừa hô nhất tôi, người thứ hai vừa đâm vừa hô nhì tôi, tiếp đến người thứ ba, người thứ tư, ... cho đến khi con thú chết; phường trưởng căn cứ vào vị thứ để chia phần. Riêng trùm phường được ưu đãi cả đùi con thú... Săn bắn vừa là một nghề vừa là một thú vui, thích thú nào bằng: “Săn về thường chén thịt rừng quay”. Nhiều phường săn nổi tiếng như cụ Đoàn Thành, cụ Tịnh, cụ Thương Vành, cụ Chủ Hớn, cụ Vũ Lê, cụ Bình Bường, ...
Nghề đánh bẫy thú rừng có vẻ lặng lẽ hơn: Chiều chiều sau khi dõi vết chân của thú rừng những thợ bẫy tạo đường đi; sáng hôm sau tới, nếu thú rừng sa bẫy, dùng súng săn bắn chết hoặc trói sống mang về. Cụ Kham, cụ Quế, cụ Vinh, cụ Tri Kỹ,... là những thợ bẫy thú rừng nổi tiếng. Các tay ‘súng săn’’ nổi danh là các cụ Hoá Sươu, cụ Hiển, cụ Đôn, cụ Thiết, ... các cụ đã đi săn thế nào chiều về cũng có chiến lợi phẩm.
Nghề săn bắn thú rừng thời đó vừa mang lại nguồn thực phẩm quý hiếm, giá trị dinh dưỡng cao vừa bảo vệ mùa màng hoa màu (nại chuối, nại sắn, nại lúa)... vừa rèn luyện bản lĩnh linh hoạt, dũng cảm hợp đồng tác chiến.
Nghề hái lượm
Một số hộ nghèo, ít ruộng, hoặc lúc nông nhàn từng tốp người vào rừng nhặt hạt dẻ, bứt quả đâm về xéo cơm, hái dâu da rừng, nấm rừng, bóc vỏ mang, nhặt nến đất, bứt dây thó về thắt dóng, hái chè rừng, chặt đót về kết chổi, đào củ nâu, đào khoai mài, ...
Có gia đình, có người suốt đời hoặc truyền đời sống bằng nghề ấy, họ đã vào rừng là có sản phẩm, phiên lẻ đi, phiên chợ bán là có gạo, cá thịt, tuy vất vả nhưng thanh bần.
Nghề đốt than, hái củi
Do phân công lao động, kinh nghiệm nghề nghiệp, một số người và một số gia đình chỉ sống bằng nghề than củi tiêu biểu là gia đình: Cụ Lễ, cụ Quế, bà Thiệp, cụ Hảo, ... Kỹ thuật đốt than hái củi của họ thật điêu luyện. Củi phải dễ đốt, nhẹ, đỏ và cháy đượm, ... Dân kẻ Càn, kẻ Trắp, kẻ Thơi, kẻ Vạn đưa thuyền cập bến chợ Chiền mua, trao đổi cá, muối. Một gánh củi, gánh than bán lúc rẻ cũng được yến gạo, dăm chục cá trích, chai nước mắm ngon, cả nhà dùng được vài phiên chợ, rồi phiên lẻ lại tiếp tục đi rừng: "Chợ Chiền ba dãy củi than
Bốn dãy chè, chuối cả làng ấm, no".
Nghề mộc
Nghề mộc phát triển khá sớm. Từ thế kỷ XVII (1699), khởi công xây dựng Đền Vưu do hai tốp thợ mộc Quý Vinh và Thọ Vinh thực hiện.
Nhà Văn Thánh Quý Vinh được xây dựng năm 1769 cũng do các tốp thợ làng thực hiện.
Đình làng Thọ Vinh, Quý Vinh, thợ phó là người làng, chỉ một số bộ phận chạm trổ phải mời thợ làng Phú Nghĩa.
Nhiều nhà thờ lớn như họ Trần, họ Lê, họ Vũ, ... với các bộ phân kiến trúc được chạm trổ hết sức tinh vi với bộ long, ly, quy, phượng hài hoà, hoàn chỉnh đều do các thợ phó và thợ bạn tài hoa của làng đảm nhận.
Còn người là còn nghề, có nghề sẽ truyền nghề. Theo quy luật đó nhiều tốp thợ mộc Quỳnh Vinh ngày càng trưởng thành điêu luyện. Những tốp thợ lớp trước như phó Điểm, phó Liêm, phó Trang, phó Tụ, phó Lưu, phó Trương, phó Ngợi... đục nết nhà nào cũng “tươi mực” gia đình chủ sự làm ăn tấn tới, nổi tiếng khắp cả vùng miền. Rồi các lớp thợ trẻ ngày nay như phó Hiền, phó Đặng, phó Mỵ,... Đã khởi mộc những nết nhà bẩy trường 7,5 thước, 8,5 thước, 12,5 thước với những đường nét thanh tú, hài hoà chạm trổ tinh vi được khách tham quan tấm tắc khen ngợi như nhà cụ Trần Phầu,... Không những đi làm thợ trong huyện, ngoài tỉnh lớp thợ trẻ năng động ngày nay mở xưởng mộc, xưởng cưa tại nhà với những phó mộc, tay thợ giỏi nghề như: Chủ xưởng Lê Hiền, Nguyễn Khuê, Trần Quế,... Sản phẩm làm ra như: Tủ, cửa panô,... đi khắp huyện ra Thanh Hoá, Hà Nội, giải quyết việc làm cho hàng chục người, đời sống khấm khá.
Với lợi thế, tài hoa, ngành nghề truyền thống và xu thế thị hiếu, được sự quan tâm của Đảng uỷ, chính quyền các cấp tạo điều kiện về cơ sơ vật chất tiền vốn, thị trường, quảng bá thương hiệu,… nghề mộc, sản xuất đồ gỗ đã và đang đem lại thu nhập không nhỏ cho người dân.
11. Y học dân gian.
Theo các tài liệu lịch sử: Cư dân cổ đại vùng Hoàng Mai ban đầu sinh sống trên các sườn đồi, dần dần tiến về tả, hữu ngạn sông Hoàng Mai.
Theo truyền thuyết Vua An Dương Vương bị Triệu Đà đuổi chạy vào Nghệ An; Cư dân Hoàng Mai đã sung vào đội quân của ông Bùi Thôn tiến từ Lạch Cờn vào chặn đánh quân Triệu Đà.
Từ thế kỷ X, XI nhiều vùng đất Hoàng Mai được khai phá, dân mọi miền đến lập nghiệp đông dần. Gia phả họ Lê ở Quỳnh Trang cho hay ông Tổ từ Bắc vào lập nghiệp đã 36 đời khoảng 900 năm. Làng Ưa, làng Cần, làng Mít, Quý Vinh, Thọ Vinh xưa là vùng hẻo lánh nước độc, người thưa. Núi rừng âm u, heo hút, sơn lâm chướng khí...
Để tồn tại, tăng cường sức đề kháng, khi ốm đau bệnh tật người xưa chủ yếu dùng thuốc nam với các bài thuốc dân gian.
Thầy thuốc nam nổi tiếng lớp trước là cụ Học Nghị, cụ Học Lạp, cụ Cựu Khuyên, ... các cụ còn nhiều bài thuốc hay còn lưu truyền.
Bài thuốc chữa rắn, rít cắn
Bài 1: Lấy vài củ sắn dây, lá khoai lang, một con nhái (bỏ ruột) cả ba thứ đập dập lấy một phần đắp vào chỗ rắn, rít cắn dùng băng cột chặt. Hai phần còn lại bỏ vào siêu với ba bát nước, sắc lấy một bát cho uống vài lần là khỏi.
Bài 2: Rắn cắn phải dùng đến gà
Áp vào vết cắn thì gà chết ngay
Tiếp thêm con khác nhanh tay
Khi gà không chết khỏi ngay tức thì
Bài thuốc từ trứng gà, mật ong, nghệ vàng
Trị bệnh thuộc tâm: Thiếu máu
Trị bệnh thuộc phế: Viêm phế quản
Trị bệnh thần kinh: Đau đầu mất ngủ
Trị bệnh tiêu hoá: Viêm đại tràng
Trị bệnh can thận: Viêm đa khớp, đau vai cổ, sinh lý yếu
Trị bệnh phụ khoa: Kinh nguyệt không đều khí hư
Bài thuốc
Trứng gà 1 quả bỏ lòng trắng, mật ong tốt 2 thìa cà phê
Nghệ vàng một củ nhỏ rửa sạch giã nhuyễn lọc lấy nước cho vào lòng đỏ trứng gà với hai thìa mật ong chưng cách thuỷ
Sử dụng:
-Ăn vào buổi tối, nam 7 ngày, nữ 9 ngày
- Nếu chưa khỏi 10 ngày sau ăn tiếp
- Kiên trì mang lại hiệu quả
Chữa hóc xương
Đặt người bệnh ngồi lên đùi mình, mặt hướng ra phía trước rồi dùng hai tây ép mạnh vào bụng bệnh nhân theo chiều hướng lên ngực áp lực hơi trong bụng có thể đẩy dị vật ra ngoài.
Cấp cứu người treo cổ
Thấy có người treo cổ tự tử, đừng cắt dây, trước hết hãy lấy dẻ bịt kín hậu môn của nạn nhân sau đó cởi dây và hạ xuống mà làm hô hấp nhân tạo rất có nhiều khả năng cưu sống!
12. Về thuật xem ngày chọn giờ.
Trước đây các gia đình trong làng khi có đại sự thường có cơi trầu, hươu rượu đến nhờ cụ Học Lạp chọn ngày giờ. Sau này có cụ Nhiên Tuổn; Các cụ dùng phép độn lục nhâm và phép âm dương ngũ hành để xác định. Xin chép phép độn lục nhâm của các cụ:
Độn lục nhâm theo ngày sóc của tháng
Sử dụng bảng như sau: Ví dụ ngày 24/8 âm lịch tức 12/10 năm 2009 động thổ nhà Quốc hội
- Tháng Tám ngày sóc là lưu liên vậy 24 là Đại an
- Làm nhà, xuất hành, ... cưới hỏi, làm giỗ ngày Đại an là tốt
Và bảng ngũ hành âm dương của các cụ theo hệ can chi
Cách dùng bảng: Ví dụ ngày 21/5 âm lịch là ngày Mậu thân
Nhìn thấy bảng: Mậu là hành thổ, Thân là hành kim
Thổ sinh kim: Tương sinh là ngày bảo nhật (tốt)
(Bằng bàn tay trái bấm đốt, 5 phút trả lời đầy đủ cho người hỏi)
Đối chiếu với lịch vạn niên của Tân Việt, nguyên lý chọn ngày theo lịch can chi của Giáo sư Tiến sỹ y khoa Hoàng Tuấn thấy hoàn toàn trùng khớp. Thế mới rõ các nhà nho y chúng ta xưa kia thật uyên bác khả kính.
II. THỌ VINH VÀ QUÝ VINH XƯA.
1. Làng Thọ Vinh.
Làng Thọ Vinh xưa có các xóm: Xóm Đông, xóm Đoài, xóm Phú, xóm Quý, xóm Yên Lộc, Yên Trạch (Quỳnh Hợp – Mai Hùng ngày nay)
Xóm Đông
Hiện nay là dân của hai xóm 16 và xóm 17. Phía Đông giáp xóm Phú, xóm Đoài, phía Tây là làng Quý Vinh và phía Nam là sông Hoàng Mai, phía Bắc là đồng ruộng Tay Lái, Đồng Đò. Dân số năm 1945 khoảng 160 hộ, 800 khẩu, thống kê năm 2011 có 300 hộ, 1500 khẩu.
Trong xóm có các nhà thờ lớn:
Nhà thờ họ Nguyễn Bá ông tổ là Nguyễn Trọng Định
Nhà thờ họ Lê Thạc ông tổ là Lê Tuấn
Nhà thờ họ Lê Sỹ ông tổ là Lê Sỹ Chiếu
Nhà thờ họ Lê Văn ông tổ là Lê Văn Giang
Nhà thờ họ Lê Công ông tổ là Lê Huy
Nhà thờ họ Lê bà tổ là Hồng Nhung
Các giếng lớn mà nhân dân sử dụng là: Giếng Đồng Sác, giếng Quan, giếng Nhàn
Các ngành nghề chính
Xóm Đông là xóm thuần nông, chủ yếu trồng khoai, lúa và nương rẫy. Nhà nào cũng có nại chè, nại chuối, mỗi nhà vài sào ruộng lúa, vài sào nại chè vài trăm gốc chuối, vài sào nại sắn.
Nghề mộc khá phát triển: Các phó nhà bẩy nổi tiếng là phó Điểm, phó Trang, phó Ngợi, phó Mạo Sươu, ngoài làm nhà còn tự chế súng kíp, súng săn, cải tiến nông cụ sản suất, về sau ông làm việc ở Hợp tác xã cơ khí Hồng Lực.
Trong quá trình làm thợ bạn với các phó mộc làng Phú Đa, Phú Nghĩa các thợ xóm Đông tuy đã giỏi nghề nhưng chưa xuất phó được vì chưa lấy được mực nhà bẩy, nhà bẩy thanh gươm và chạm trổ. Bằng tay nghề và sự thông minh các cụ chinh phục được thợ phó, Phó Huỳnh nổi tiếng làng Phú Nghĩa chỉ gợi ý “tam tứ thành ngũ” ngẫm nghĩ một thời gian cụ Điểm, cụ Trang hiểu ra đó chính là định lý Pi ta go; trở thành phó mộc nhà bẩy nổi tiếng nhờ sự gợi ý đó của lớp phó đi trước mà các cụ phải bỏ một thời gian tầm sư học nghề và sau này chính các cụ lại truyền nghề cho các phó Sơn Thái, Hiền Thảo, ... Những nhà bẩy cổ đẹp, tươi mực như nhà thờ cụ Ninh Phương, hay nhà bẩy hiện đại của cụ Trần Phầu đều do các phó là học trò của các cụ làm nên.
Truyền thống văn hoá
Vào thời cuối đời Nguyễn có người con nuôi của cụ Lê Thạc Hanh khôi ngô, tuấn tú giỏi binh lược sau này trở thành dũng tướng. Thủa ấy có bọn giặc cỏ là Quản Chiềng chiêu quân ở lèn Răng Cưa, Bãi Tập thường xuyên xuống khu dân cư Quỳnh Vinh, Quỳnh Trang bắt con gái đẹp, cướp của, Quản Chiềng là tên tướng cướp giỏi võ nghệ. Dũng tướng là con nuôi họ Lê đã phối hợp với nhân dân dẹp tan loạn giặc cỏ Quản Chiềng cứu thoát nhiều mỹ nữ, giữ yên làng xóm. Nhờ chiến tích đó của người con nuôi, cụ Lê Thạc Hanh được vua phong phó sở sứ đồn điền.
Cụ Nguyễn Bá Ngoạn vừa là cán bộ lão thành hoạt động thời tiền khởi nghĩa một trong ba đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở làng Thọ Vinh năm 1935 (Vũ Lê Lự, Nguyễn Bá Ngoạn, Nguyễn Bá Thếp). Được tổ chức bố trí, cụ lại được nhân dân tín nhiệm bầu làm lý trưởng. Sau năm 1945 cụ mở lớp dạy học tại nhà từ lớp 1 đến lớp 3, lớp học được tổ chức ngay ở nhà thờ họ Nguyễn Bá mà cụ là trưởng tộc.
Cụ Học Lơu, Học Duyệt vừa là thầy dạy học vừa là thầy thuốc nổi tiếng cả vùng.
Chi bộ Đảng Quỳnh Vinh thành lập đầu tiên 18/9/1946 được tổ chức tại nhà đồng chí Phạm Nhơ (xóm Đông) do hai đồng chí cán bộ Huyện uỷ là Nguyễn Đức Nghi và Nguyễn Thị Du chủ trì. Chi bộ gồm 5 đồng chí là: Phạm Nhơ, Hồ Văn Long, Lê Thạc Tạo, Nguyễn Hữu Nghị, Văn Đức Huế.
Những chức sắc trong xóm thời kỳ trước 1945 là cựu Thức, cựu Tưu, lý Hoè là lý trưởng cuối cùng của chế độ phong kiến.
Bộ Oánh, Bộ Nhoan, Dich Ngựu là những ngũ hương trong hội đồng hào mục của làng là những người vừa có năng lực vừa có học vấn.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Trận đánh giặc đổ bộ bằng đường không xuống Đồng Lách là trận đánh mở đầu dân quân du kích Quỳnh Mai, chủ yếu là dân quân du kích làng Thọ Vinh và làng Ưa, tiểu đội chủ yếu là xóm Đông. Sau thất bại Việt Bắc thu đông 1947, chiến dịch Biên giới năm 1950, địch ra sức củng cố thế phòng ngự. Sau một thời gian dài địch tiếp tục quấy phá vùng tự do cho nhảy dù, tung gián điệp, biệt kích xuống Đồng Lách, xã Quỳnh Mai với mục tiêu ngăn chặn căn cứ ở Nghệ An và Thanh Hoá cung cấp người và của cho chiến trường miền Bắc.
Ngày 5/11/1953, Pháp đã 4 lần thả dù người, hàng hoá cùng các phương tiện khí tài với 19 tên biệt kích do tên Doanh là toán trưởng, Nguyễn Sơn toán phó. Được tin báo từ đồng chí Vi Văn Lá, khi đó ở Quỳnh Mai ông Nguyễn Tượu là Bí thư, ông Trần Lưu là Chủ tịch xã, ông Trân Lơng là Xã đội trưởng một mặt báo cáo với cơ quan quân sự huyện, một mặt giao cho tiểu đội du kích do đồng chí Lý Xuân Nhãn chỉ huy tiếp cận bao vây truy kích địch.
Tiểu đội du kích xóm Đông khi đó là: Phạm Nhơ, Lê Đăng Thới, Lê Thạc Liễn, Lê Đăng Đuôn, Lê Văn Thắm, Nguyễn Đình Tuy, ... cùng với dân quân du kích làng Ưa, Thiện Kỵ hợp đồng tác chiến với bộ đội địa phương huyện, sau hơn một tuần truy kích ta tóm gọn 17 tên địch. Ngay từ phút đầu tiên ta tiếp cận nổ súng bắn chết tên trinh sát, đồng chí Nguyễn Đình Tuy ném lựu đạn làm bị thương tên Doanh, Doanh nhờ chỉ điểm dẫn đường chạy về Diễn Hạnh (Diễn Châu) rồi cũng bị bắt.
Lực lượng dân quân du kích hy sinh hai người:
Đồng chí: Lê Thạc Tài xóm Đông Quỳnh Vinh
Đồng chí: Vi Văn Lá dân tộc Mãn Thanh làng Đá Bạc Quỳnh Thắng
Bộ đội địa phương hy sinh một người là đồng chí Nguyễn Lưu.
Sau trận đánh thắng địch đổ bộ Đồng Lách; Quỳnh Mai được Tỉnh khen thưởng, đồng chí Lý Xuân Nhãn được cử báo cáo trận đánh ở Quân khu 4 và được quân khu tăng giấy khen.
Sau Cách mạng tháng Tám và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhiều cán bộ chủ trì xã là con em của xóm Đông:
Đồng chí: Phạm Nhơ: Đảng viên 1946 Bí thư Chi bộ đầu tiên Quỳnh Vinh
Đồng chí: Hồ Văn Long: Đảng viên 1946 Phó Bí thư Chi bộ đầu tiên Quỳnh Vinh
Đồng chí: Lê Văn Trương: Bí thư Chi bộ
Đồng chí: Lý Xuân Nhãn: Bí thư Đảng ủy, CT UBND
Đồng chí: Vũ Lê Nhoạn: Bí thư Đảng ủy, CT UBND
Lớp thầy giáo đầu tiên của làng Thọ Vinh sau 1945 là Lê Sỹ Thiềm, Lê Sỹ Trường, Trần Trương sau này là hiệu trưởng, cán bộ Huyện uỷ, chuyên gia giáo dục.
Trong xóm có bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tâm có con trai duy nhất là liệt sỹ Lê Thạc Tập.
Anh hùng LLVT Lê Đăng Tới, chiến sỹ thi đua nông nghiệp giai đoạn 1961-1962 Nguyễn Xuân Tơn. Hàng chục liệt sỹ, thương bệnh binh thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Hàng trăm thanh niên tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam, có gia đình bốn thế hệ tham gia quân đội nhân dân Việt Nam như gia đinh cụ Vũ Lê Ngựu.
Nhiều đại tá QĐNDVN: Lê Đăng Nhiệm, Lê Đăng Trung, ...
Toàn xã thời kỳ 1945-1951, có 150 đảng viên riêng xóm Đông có 39 đảng viên nhiều nhất so với các xóm.
Hàng chục kỹ sư, bác sỹ giỏi như Lê Khắc Thạo, Lê Thạc Xinh, Lê Khắc Nghị, Nguyễn Xuân Nga, Lê Văn Thiêm, Lê Văn Hanh, ...
Trên nhiều lĩnh vực các thế hệ con em xóm Đông đang làm rạng rỡ truyền thống quê hương đất nước.
Xóm Đoài (nay là xóm 15 và một phần xóm 16)
Phía Bắc là đình làng Thọ Vinh, sân vận động, phía Nam là chòm Phú, phía Tây là xóm Đông, phía Đông là đường lên ga và xóm Quý.
Trên đất xóm Đoài có nhiều công trình lịch sử văn hoá, đình Thọ Vinh thờ thánh thần và nhân thần cổ kính uy nghiêm được xây dựng từ thế kỷ XVI. Là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử lớn của làng, tiếp đó là sân vận động đạt chuẩn đảm bảo cho vui chơi lễ hội TDTT của làng trước đây và ngày nay. Các buổi chiều phiên lẻ (phiên nại) sân vận động là chợ chuối, chợ chè các khách hàng làng trong như Diễn Châu, Yên Thành.., khách làng ngoài Tĩnh Gia (Thanh Hoá) tấp nập mua bán và vận chuyển đi khắp Thanh Hoá, Nghệ An.
Nhà văn thánh thờ Khổng Tử lúc trước được xây dựng ở Đồi Thông, sau này chuyển về đồng Cồn Cổng phía Bắc xóm. Năm 1948, nhà thánh được bán cho ông Kiểm Thi làm nhà ở và cho xã Quỳnh Dị làm trường học.
Nhân dân xóm Đoài sử dụng bốn giếng nước lớn: Giếng cổ Đồng Cùa có mạch nước trong xanh, ngọt như nước mưa đủ dùng quanh năm. Giếng Đồng Sác hầu như không bao giờ cạn nước. Để thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất sau năm 1945, nhân dân đào thêm giếng Mới. Giếng Kia lọc nước ao dùng để rửa, tưới hoa màu. Cái ao làng dài vòng vèo trên 3 cây số chảy từ đồng Chay Thủng xóm Đoài đổ về Đồng Nấy làng Quý Vinh, vừa tiêu nước mùa mưa lũ, tưới nước cho hoa màu mùa nắng hạn nay đã bị lấn chiếm hầu hết.
Các ngành nghề
Ngoài trồng lúa, khoai là chính, dân xóm Đoài nổi tiếng làm nương rẫy, nại chè, nại chuối, nại sắn. Các khu vực đồng Dốc Đâm, Mu Cua, Khe Trù, Hòn Ngang bạt ngàn chuối chủ yếu là do xóm Đoài sản suất. Chè xanh hái lá vùng Đồng Dũ, Cầm Kỳ, Khe Trĩn, Cần Chanh lá vàng hươm dòn khúm hội đủ ba tiêu chí chát, xanh, ngon.
Nghề sắn bắn thú rừng cũng khá phát triển, các phường săn lên rừng là có sản phẩm rừng mang về cung cấp một lượng thực phẩm tương đối ổn định.
Truyền thống văn hoá
Là xóm có truyền thống văn hiến, 3 nhà thờ của họ Trần được xây dựng ở đây: Họ Trần Đức (Trưởng tộc Trần Đức Oanh). Họ Nguyễn Trần (Trưởng tộc Trần Thanh)
Cụ Trần Xuyên đỗ phó bảng khoa Ất Sửu làm đốc học ở Quảng Nam dân làng họ tộc gọi là quan đốc được thờ tại nhà thờ chi đệ nhị họ Trần, xóm Đoài.
Hai trong 5 đảng viên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Quỳnh Vinh là Lê Thạc Tạo, Nguyễn Hữu Nghị là người xóm Đoài. Nguyễn Hữu Nghị về sau công tác ở UBMTTQ huyện, Lê Thạc Tạo là cán bộ tổ chức Tỉnh uỷ. Đồng chí Vũ Lê Lự là cán bộ tiền khởi nghĩa. Ông Bùi Đình Chi là Trưởng Ban bình dân học vụ đầu tiên. Năm 1947, làm Chủ nhiệm Việt Minh.
Năm 1945 dân số khoảng 150 hộ, hơn 370 khẩu.
Thời kỳ 1945-1951, có 37 đảng viên. Đảng viên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là Bùi Đình Sỹ, Lê Thạc Lam, đồng chí Bùi Đình Sỹ hy sinh anh dũng ở Điện Biên Phủ. Cụ Lê Thạc Lam năm 1957 phục viên tham gia cấp ủy, chính quyền xã. Lớp cán bộ lãnh đạo của xã, huyện xuất thân từ xóm là: Lê Thị Vang, Hoàng Đình Trương, Nguyễn Hữu Nghị, Lê Thạc Tạo, Lê Văn Cầu, Trần Duy, Lê Thạc Lam, ... Xóm có hàng chục sỹ quan quân đội là Nguyễn Xuân Thảo, Lê Sỹ Lịch, Lê Thạc Tạo, Lê Đăng Tuấn, ...
Lớp thầy giáo xưa có thầy Học Lạp, thầy Học Vơn nho-y-lý số uyên bác, sau này có thầy Trần Trương, thầy Bùi Đình Châu là cán bộ quản lý.
Nối tiếp thế hệ cha anh, con em xóm Đoài Quỳnh Vinh trên mọi miền Tổ quốc đang viết tiếp trang sử hào hùng của quê hương, thi đua làm giàu cho gia đình và xã hội. Xứng đáng với truyền thống cần cù, chăm chỉ, thông minh, sáng tạo và rất nhân văn hiếu nghĩa.
Xóm Phú
Phía Bắc giáp xóm Đoài, phía Nam giáp xóm Quý, phía Tây giáp xóm Đông, Phía Đông là Đồng Nổ, Đồng Lại.
Bốn giếng nước lớn là giếng Đồng Cùa, Đồng Sác, sau 1945 thêm giếng Mới và giếng Đồng Nổ, là nguồn nước chính cung cấp cho 170 hộ dân của xóm.
Xóm có 7 nhà thờ họ lớn: Họ Trần, họ Vũ Lê, họ Lê Sỹ, họ Lê Danh, họ Trần Đức, họ Nguyễn Sỹ, họ Lê Đức, 2 nhà thờ chi đệ nhị họ Lê và họ Trần.
Các ngành nghề chính
Có thể nói 100% nhân dân xóm Phú sống bằng nghề trồng trọt: Những nại chè xanh, nại chuối, nại sắn, nại rau, nại lúa đã mang lại một nguồn thu đáng kể cho người dân nơi đây. Vì mỗi năm chỉ một vụ, sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên nên nên ngô, khoai, sắn, khoai từ, khoai vạc là rất quan trọng.
Nghề săn bắn và bẫy thú rừng khá phát triển, các tốp thợ săn cứ vào rừng là có thú rừng mang về, cứ đặt bẫy là có thú rừng mắc bẫy vừa góp phần bảo vệ mùa màng, vừa có thực phẩm quý hiếm vừa là thú vui chơi lúc nông nhàn. Nghề bóc vỏ chay, vỏ mang, lặt hạt dẻ, đào củ nu, khoai mài, lượm hái quả đâm, quả dâu da rừng rất phát triển. Nghề đốt than hái củi, sơn tràng, đẽo mái chèo tạo thu nhập lúc nông nhàn cũng rất được chú ý.
Truyền thống văn hoá
Truyền thống anh hùng bất khuất chống giặc ngoại xâm:
Hưởng ứng “Chiếu Cần Vương” của vua Hàm Nghi, ở Quỳnh Lưu có cuộc khởi nghĩa do Phan Bá Niên lãnh đạo, ông là người làng Tam Lễ liên kết với các làng trong huyện, trong tỉnh gây nhiều cơ sở, đánh thắng nhiều trận lớn khiến giặc Pháp chịu nhiều tổn thất lớn. Năm 1885, vua Hàm Nghi phong chức tước cho ông là Đề đốc quân vụ. Dân quen gọi là Đề Niên.
Trong làng Thọ Vinh, tổng Hoàng Mai ông Đề Niên gây cơ sở với ông Nguyễn Sỹ Mỡi, địa điểm liên lạc là nhà riêng của ông Mỡi.
Hàng năm, cụ Đề Niên cùng với nghĩa quân đi từ Tam Lễ đến Bến Nghè, từ Bến Nghè ven sông Hoàng Mai về nhà ông Mỡi. Ông Mỡi bàn với lý trưởng của làng, với hội đồng kỳ hào cung cấp lương thực, động viên trai làng, nhân dân tham gia nghĩa quân trao cho cụ Đề Niên từ năm 1890-1897. Bí mật theo dõi bọn chánh tổng, mật thám Pháp, quan huyện đến nhà ông Mỡi lục soát, bắt khai báo, tra tấn dã man và trói hai chân của ông vào yên ngựa, cho ngựa phi từ nhà cụ Mỡi ra chợ Chiền mấy vòng liền để uy hiếp tinh thần. Để giữ bí mật cho cuộc khởi nghĩa của cụ Đề Niên và thể hiện khí tiết trung quân ái quốc qua chiếu Cần Vương, cụ Nguyễn Sỹ Mỡi không một lời khai báo. Khí phách sỹ phu yêu nước của cụ Nguyễn Sỹ Mỡi làng Thọ thật khả kính.
Sớ tấu trình của nhà tu hành Nguyễn Sỹ Hiền được vua Lê Hiến Tông xem xét, giải nổi oan cho làng Thọ Mai xưa đã thể hiện sự thông minh mẫn tiệp, có lý, có tình trong lời lẽ cũng là bài học cho hậu thế, thật xứng đáng với sắc phong: “Nguyễn Quý Công tự thiên đạo giác linh thần vị”. Đây cũng là xóm có nhiều người đỗ đạt làm quan dưới thời phong kiến: Cụ Lê Văn Luyện hai kỳ thi hương và thi hội đều đỗ đầu làm quan đến ngự sử đài cháng chưởng sau đó dạy học ở Quốc tử giám (1825-1845).
Các sắc phong của triều đại nhà Nguyễn cho quan ngự sử còn được họ Lê Sỹ gìn giữ hầu như nguyên vẹn.
Họ Trần có nhiều người làm quan như: Cụ Trần Lê là tri huyện Quảng Xương (Thanh Hoá), cụ Trần Xuyên là đốc học Quảng Nam. Là xóm có nhiều chánh tổng, lý trưởng được nhân dân cảm mến như: Chánh Thoanh, cựu Khương, cựu Hường, ...
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc có: Cụ Trần Văn Thương đảng viên thời kỳ 1930-1931 là đại biểu HĐND tỉnh khoá 1, Phó Chủ tịch UB di cư tản cư, là liệt sỹ, cán bộ hoạt động trước năm 1945; cụ Trần Dục là cán bộ tiền khởi nghĩa; bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Vinh có con duy nhất là liệt sỹ Lê Sỹ Mẫn. Và hàng chục liệt sỹ, thương binh, nhiều gia đình chỉ có một con trai duy nhất hy sinh như bà Nguyễn Thị Nhoan có liệt sỹ Vũ Lê Chinh; bà Chính Xơng có Liệt sỹ Trần Chính.
Có rất nhiều cán bộ cao cấp quân đội, công an như: Đại tá Trần Lập, đại tá Lê Thạc Ngoan, đại tá Lê Khắc Khánh, trung tá Lê Khắc Khâm, trung tá Lê Sỹ Tiêm... Là xóm có truyền thống hiếu học, nhiều gia đình có con đều tốt nghiệp đại học, thạc sỹ, tiến sỹ như gia đình cụ Trần Dục, cụ Lê Sỹ Nhạ, cụ Nguyễn Bá Võ, ...
Ngày nay các thế hệ con em xóm Phú không ngừng học tập tiếp bước truyền thống cha ông viết tiếp trang sử hào hùng, xứng đáng với mảnh đất địa linh nhân kiệt.
Xóm Quý
Phía Đông giáp làng Thiện Kỵ và đường quốc lộ 1A, xưa là đường thiên lý Bắc - Nam, phía Tây giáp làng Quý Vinh, phía Bắc giáp chòm Phú và cách đồng Lại, Đồng Bạc, Đồi Đất, Đồng Đập, phía Nam giáp sông Hoàng Mai, phía hữu ngạn là hai xóm Yên Lộc và Yên Trạch.
Xóm Quý có công trình văn hoá lịch sử Đền Vưu, đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Có chùa Đồng Bạc vừa thờ Phật vừa thờ thánh.
Chợ Chiền Thọ Vinh đặt ở xóm Quý là trung tâm buôn bán thương mại không những của Quỳnh Lưu mà cả Diễn Châu, Tĩnh Gia (Thanh Hoá).
Trải qua các bước thăng trầm của lịch sử, chợ Chiền qua nhiều lần di chuyển, từ xóm Quý về sân động Thiện Kỵ (1960-1962), sau đó về sân đền Vưu, về Đồi Hà, Giếng Rục, lò Gạch, và hiện nay là ở xóm 18, Quỳnh Vinh. Nhưng gốc chợ Chiền cũ (chợ hôm), dưới bóng cây đa, không ngày nào vắng họp dù nắng mưa.
Năm 1945, xóm có khoảng 150 hộ, 750 khẩu. Tại đây có hai nhà thờ họ tổ là họ Lê Đăng và họ Nguyễn Sỹ.
Các ngành nghề chính
Cũng như các xóm khác trong làng, xóm Quý sống bằng nghề nông là chủ yếu. Ngoài đồng nhà (đồng gần) cùng với nhân dân xóm Phú, nhân dân xóm Quý còn canh tác ở các cánh đồng: Khe Lách, Lèn Nậy, Đồng Dũ, Đồng Kin, Bồ Bóng, Đồng Sác cách nhà 5-7 km.
Ngoài trồng lúa nhân dân còn có nại chè, nại chuối, và còn mở trại khai hoang ở Đồng Châu, Thạch Luyện (Tĩnh Gia) nói đến tên xứ đồng là nói đến những người có công đã khai sơn phá thạch ra vùng đất đó.
Ngoài ra do vị trí địa lý các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp khá phát triển ở xóm Quý là thợ may, xay xát, rèn, đánh cá trên sông, bán buôn hàng quán ở chợ khá năng động. Nhờ nghề buôn bán nhỏ, các hoạt động dịch vụ và ngành nghề truyền thống nên đời sống nhân dân trong xóm khá hơn so với các xóm khác trong làng, con cháu thoát ly, làm ăn rất nhanh nhạy và năng động
Truyền thống văn hoá
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, mảnh đất này đã sinh ra và nuôi dưỡng trưởng thành nhiều thế hệ thông minh hiếu nghĩa.
Đời vua Lê Hiến Tông (1740-1787), có cụ Nguyễn Sỹ Hiền được phong tước hiệu “Thiếu khanh tự thiên đạo giác linh thần” vì đã có sớ tâu lên vua Lê hợp lý, hợp tình về sự kiện tên địa chủ làm loạn không những bị chém mà nhân dân làng Thọ Vinh còn bị vạ lây đốt nhà, phá đồng ruộng. Nhận sớ tấu trình thấy hợp tình hợp lý, nhà vua hạ lệnh quan án sát, quân lính cùng nhà sư Nguyễn Sỹ Hiền cùng hội đồng kỳ hào chiêu dân, lập ấp ổn định đời sống dân tình. Ghi nhớ công lao của ông, nhân dân làng Thọ Vinh coi ông như thành hoàng lập bài vị thờ ở đình làng.
Đời vua Thiệu Trị (1840-1847), có cử nhân họ Lê Sỹ làm quan hành khiển ở triều đình. Có cụ Quyền Viên là quyền Lý trưởng, có con trai là cụ Trần Tình làm hương bộ. Phó lý có các cụ như phó Kỹ, phó Lơn, phó Thảo,... Lý trưởng có các cụ như cựu Phơng, cựu Khánh, cựu Đượu, .... Hương kiểm có cụ Kiểm Đờn, cụ Mục Nhởn,... Là những người vừa giàu có, vừa trí tuệ được lòng bề trên và rất chăm dân.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945:
Cụ Nguyễn Bá Khính là Chủ tịch UBHC xã
Cụ Trần Thường UVUBHC phụ trách kinh tài
Cụ Lê Đăng Tải là cán bộ đoàn
Cụ Nguyễn Viết Xiển là Bí thư Nông hội xã
Lớp cán bộ chủ trì xã những thập niên 70, 80 của thế kỷ XX.
Cụ Lê Thị Vinh, Chủ tịch xã
Cụ Trần Ngoạn Phó, Chủ tịch xã
Cụ Nguyễn Thị Hoà ,Phó Chủ tịch xã
Cụ Hồ Linh, Phó Chủ tịch xã
Cụ Lê Đăng Ngọ, UV UBND xã
Cụ Trần Đức Hanh, Bí thư- Chủ tịch xã
Cụ Bùi Đình Tuất, Chủ tịch UBND xã
Cụ Trần Lơng, Xã đội trưởng Quỳnh Mai (1949-1953)
Là xóm có nhiều cán bộ, giáo viên, kỹ sư viên chức: Thầy Nguyễn Bá Ngơn, thầy Lê Đăng Thành, thầy Lê Đăng Đại, thầy Nguyễn Bá Ôn, cô Lê Thị Huân, ...
Trong Cách mạng tháng Tám và trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ các thế hệ con em xóm Quý lớp cha trước, lớp con sau đã thành đồng chí chung khúc quân hành, nhiều gia đình có hai, ba thế hệ là quân nhân như gia đình cụ Nguyễn Bá Nhu, ...
Xóm có 3 bà mẹ Việt Nam anh hùng là mẹ Nguyễn Thị Bường, mẹ Trần Xuân Luận, mẹ Nguyễn Thị Nguôn; có hàng chục liệt sỹ, thương binh, bệnh binh qua các thời kỳ kháng chiến, hàng chục thanh niên xung phong chống Pháp, chống Mỹ, dân công hoả tuyến, dân quân du kích tự vệ. Ở đâu trên chiến trường nào, dù khó khăn gian khổ đến đâu, họ vẫn xứng đáng với truyền thống anh hùng, bất khuất năng động sáng tạo của quê hương.
Xóm Yên Lộc, Yên Trạch
Trước đây gọi là xóm Nhồi, thời Lê - Nguyễn đổi thành Yên Lộc và Yên Trạch. Phía Bắc giáp xóm Quý được phân cách bởi sông Mai, phía Tây- Bắc giáp xóm Chiền (làng Quý Vinh) nay là xã Quỳnh Trang, phía Nam giáp xóm Yên Lễ, phía Đông giáp làng Thiện Kỵ ranh giới bởi sông Mai. Yên Lộc, Yên Trạch thuộc giáp Yên cùng với bốn giáp (Đông, Đoài, Phú, Quý) tạo nên làng Thọ Vinh, tổng Hoàng Mai.
Xóm có các di tích
Đình Yên Lộc ở trung tâm xóm, hướng về phía Nam, có hai tòa, tường bao xung quanh, sân lát gạch, cổng ra vào có hai cột nanh, trên có nghê chầu, đây là trung tâm của lễ hội, sinh hoạt xuyên suốt quá trình lịch sử cho tới nay.
Đền Cửa Truông thờ thần bản thổ Giáp Yên.
Chùa phía Bắc núi Sui thờ Phật, cảnh chùa thanh tịnh, trước sân trồng nhãn, thị, có giếng nước trong, Rằm tháng Bảy hàng năm nhân dân bày cỗ tế thập loại chúng sinh.
Nghè xóm Cung (Yên Trạch) thờ thần bản cảnh, có hai tòa, phía trước có bốn cây thông cổ thụ, xung quanh cây xanh tươi tốt. Nghè đã được trùng tu, nâng cấp mua sắm đồ tế khí rất uy nghiêm.
Các ngành nghề
Nhân dân làm nghề nông là chủ yếu, do ruộng ít, đất xói mòn, bạc màu, năng suất thu hoạch thấp 70-80 kg/sào, nên việc khai hoang ở núi Sứ để trồng khoai, sắn, chè, mít, dứa cũng được chú ý. Cùng với nghề trồng trọt, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm đưa lại nguồn kinh tế đáng kể. Nghề buôn trẩy khá phát triển, các nhà giàu như ông Giáp Duy, Chánh Xí,… dùng thuyền mành lớn vận tải, buôn bán lâm thổ sản khắp nơi rồi đưa cá khô, nước mắm, vải lụa về bán ở chợ Chiền.
Nghề rèn phát triển khá sớm, được xem là nghề truyền thống của họ Nguyễn Xuân.
Các dòng họ
Tại Yên Lộc, Yên Trạch có hơn 10 dòng họ cùng chung sống:
Họ Lê ở Thanh Hóa vào gồm Lê Công, Lê Hữu, Lê Đức, Lê Bá, Lê Xuân; họ Lê Đức ở xóm Đoài (Thọ Vinh) là một nhánh của Lê Xuân, Yên Lộc.
Họ Nguyễn (với các tên lót: Xuân, Văn, Hữu, Bá); Ở Quỳnh Vinh có bốn trưởng tộc với bốn nhà thờ lớn đều mang tên họ là Nguyễn Xuân, các bậc kỳ lão trong hội đồng gia tộc đã đi tìm tông tích, đối chiếu gia phả đều thấy Nguyễn Xuân ở Quỳnh Vinh với Nguyễn Xuân ở Yên Lộc đều cùng chung ông tổ Nguyễn Khâm tự là Nguyễn Xuân Lai từ Hà Trung (Thanh Hóa) vào năm 1611(Tân Hợi).
Họ Văn đến Yên Lộc khá sớm, mộ tổ ở núi Sứ, là dòng họ khoa cử, đỗ đạt và có nhiều chức sắc.
Họ Quách có gốc từ Thái Bình di chuyển về làng Dỵ Nậu rồi lên Yên Lộc gần 500 năm.
Truyền thống văn hóa
Mảnh đất này đã sinh ra, nuôi dưỡng, trưởng thành nhiều thế hệ có trình độ học vấn: Cử nhân Văn Đức Duân, Văn Đức Trứ được phong hàm Cửu phẩm, cụ Văn Đức Ngoan-Thất phẩm, cụ Văn Đức Viêm là Chủ nhiệm Việt Minh lãnh đạo cướp chính quyền ở hai làng Thọ Vinh, Quý Vinh tháng 8/1945.
Ông Văn Đức Huế, một trong năm đảng viên ĐCSVN thuộc lớp đầu của Chi bộ Vinh Lộc. Các ông Văn Đức Quảng, Quách Hữu Năng cán bộ ban nghành cấp tỉnh, ... ông Văn Đức Chất, Đại úy Sở Công an Nghệ An, các nhà giáo Văn Đức Ân, Văn Hồng Nhinh, Văn Đức Minh, Văn Đức Hùng, … ông Quách Hữu Đăng cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳnh Lưu là tác giả của hàng chục đầu sách lịch sử địa phương, chủ biên "Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Quỳnh Lưu", tham gia biên soạn sách Quỳnh Lưu huyện địa đầu xứ Nghệ,…
Vượt khó, cần cù, sáng tạo trong lao động, anh hùng, bất khuất chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm là nét nổi bật của xóm Yên Lộc, Yên Trạch xưa. Ngày nay con em của xóm đang viết tiếp trang sử vàng của ông cha trên nhiều lĩnh vực ở mọi miền đất nước, quê hương.
2. Làng Quý Vinh
Làng Quý Vinh có 4 xóm (xóm Rục, xóm Chiền ở hữu sông Mai, xóm Nhàn, xóm Rí). Xóm Rí (gồm ba khu vực: Đồng Gốc, Vinh Lễ, xóm Rí). Làng có: Đình Kẻ Trấu, đền Nhà Bà, Chùa Trin. Bốn xóm đều có đình xóm.
Xóm Rục (nay là xóm 18).
Phía Bắc là cánh đồng Nấy, phía Nam là xóm Đông, phía Tây là sông Hoàng Mai, phía Đông là xóm Đoài.
Xóm Nhàn
Là khu dân cư tiếp nối xóm Rục dọc tả ngạn sông Mai tới bến đò xóm Chiền ngang cồn Kẻ Trẩu.
Xóm Rí, gồm số hộ ở Đồng Gốc phía Tây núi Nhà Thờ đến gần núi Nhà Nhất, với khoảng 30 hộ dân ở chân núi Nhà Nhất đến cầu đường sắt Hoàng Mai
Xóm Vinh Lễ, khoảng 40 hộ dân (1960) ở xung quanh núi Nhà Thờ khi chiến tranh phá hoại xẩy ra những hộ dân ở đây sơ tán về vùng Tân Hoa nay là thôn 3B (họ giáo Quý Vinh)
Xóm Chiền, nằm bên kia sông Hoàng Mai, từ 1954 tách về Quỳnh Trang.
Theo cụ Nguyễn Soạn 90 tuổi người xóm Rục giải thích rằng người làng Quý Vinh rất đơn giản trong cách đặt tên xóm:
Giếng Rục có trước, nhân dân đến ở vùng xung quanh nên gọi là xóm Rục, đình xóm dựng nên gọi là đình xóm Rục.
Giếng Nhàn thuộc loại giếng cổ, giếng có nước mạch, không bao giờ cạn nhân dân đến ở xung quanh nên gọi là xóm Nhàn.
Cầu đường sắt qua sông Hoàng Mai do Pháp làm, dân gọi đơn gian là cầu Tây. Vùng đồng ruộng, cồn bãi gần cầu Tây gọi là đồng Rí, nhân dân ở vùng đó gọi là xóm Rí.
Vùng đồng Gốc nhân dân đến ở nên gọi là xóm Đồng Gốc.
Vùng cư dân theo đạo thiên chúa ở xung quanh đồi Nhà Thờ thuộc làng Quý Vinh gọi là xóm Vinh Lễ.
Làng Quý Vinh xưa có ba giếng nước lớn: giếng Rục dùng để rửa tưới hoa màu, giếng Quan bên cạnh giếng có đình xóm Rục, giếng Nhàn là giếng có mạch nước ngầm lớn hầu như cung cấp đủ nước uống cho nhân dân xóm Rục và xóm Nhàn. Vùng xóm Rí dọc bờ sông Mai chỉ cần đào 2-3 mét là có nước ngọt để dùng. Đất dọc hai bên bờ sông Mai đoạn này là đất cát nhẹ màu mỡ. Nhân dân làng Quý Vinh trồng rất nhiều cây ăn quả như xoài, mít, thị, bưởi, cau, ...
Các nghành nghề chính
Nhân dân Quý Vinh chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, đất trồng lúa chủ yếu trên các cánh đồng: Đồng Nấy, đồng Trin, đồng Gia, xung quanh rục Hàn, Cửa Mẹt,... Đất vườn nhà nào cũng 3-4 sào chủ yếu trồng các loại cây ăn quả.
Nghề bẫy thú rừng và săn bắn cũng khá phát triển.
Nghề rèn khá nổi tiếng do ông tổ nghề rèn từ Hà Tĩnh ra hiện nay các cụ như cụ Quyền, cụ Mỡn, cụ Tục, cụ Đạm,... là những thợ rèn nổi tiếng của làng, ngày nay lớp con cháu vẫn tiếp tục phát huy truyền thống của nghề như con cháu họ Nguyễn Công.
Truyền thống văn hoá
Làng có đình làng, xóm nào cũng có đình xóm. Làng có các dòng họ lớn sau:
Họ Nguyễn Ngọc trưởng tộc là Nguyễn Ngọc Dưu.
Họ Lê Văn trưởng tộc là Lê Văn Diên.
Họ Nguyễn Hữu trưởng tộc là Nguyễn Hữu Thụ.
Họ Lê Xuân trưởng tộc là Lê Xuân Lan.
Các dòng họ trên đất Quý Vinh đều chưa có nhà thờ họ riêng (Lê Văn, Lê Xuân, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Văn, Lê Công,...) nhưng xóm nào cũng có đình xóm, nơi diễn ra hầu hết các sự kiện lớn nhỏ của xóm.
Thời kỳ 1930-1945, làng là trung tâm của nhiều cuộc họp bí mật thời tiền khởi nghĩa của tổng Hoàng Mai. Cuộc họp thành lập Chi bộ Quý Vinh - Thiện Kỵ năm 1935. Cuộc họp tháng 11 năm 1939, tại nhà ông Nguyễn Bá Thếp gồm các ông lãnh đạo huyện là Nguyễn Đức Nghi, Văn Đức Viêm, các Bí thư Chi bộ trong vùng là Trần Phúc Giác, Vũ Lê Lự, Nguyễn Bá Ngoạn, Nguyễn Bá Thếp bàn việc xây dựng cơ sở Đảng ở Hoàng Mai. Tháng 5/1936, cuộc họp Tổng uỷ mở rộng tại nhà ông Nguyễn Bá Thếp: đòi dân sinh, dân chủ. Cuộc họp Tổng uỷ Hoàng Mai ở đình Kẻ Trấu năm 1945, bàn về việc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành chính quyền. Các cuộc họp quan trọng này đều do cụ Trần Dục, Nguyễn Bá Mỡn liên lạc, thông tin, cảnh giới, bảo vệ.
Các lý trưởng, chánh Đoàn của làng đều là những chức sắc có học vấn, có điều kiện kinh tế, công tâm được nhân dân tiến cử làm nhiệm vụ. Các cựu lý trưởng: Cựu Khuyên, cựu Hùng, cựu Hiệu, cựu Khế (xóm Chiền), cựu Tiệu, cựu Tiệp, Quyền Yên,... chánh Cận, các hương bộ Nguyễn Toản, bộ Vang là những người được lòng trên và luôn có ý thức chăm dân. Lý trưởng cuối cùng của triều đại phong kiến là cụ Lê Công Đôn là con rể của cụ Nguyễn Bá Thếp.
Cũng như các bậc chân nho xưa, các cụ Nguyễn Bá Ngoạn, Nguyễn Bá Thếp, Nguyễn Bá Mỡn thực hiện phương châm “Tiến vi quan thoái vi sư”; khi bị ngừng tham gia hoạt động cách mạng vì bị quy sai thành phần địa chủ, các cụ lại mở lớp dạy học để lại sự nể trọng trong nhiều thế hệ học trò, dân làng gọi là thầy cựu Tưu, giáo Mỡn, giáo Viễng.
Nguyễn Bá Ngoạn, Nguyễn Bá Thếp đã được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa.
Làng có hơn 20 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 1945-1951. Có gia đình cụ Lê Văn Nghĩa là gia đình có công với cách mạng. Có nhiều sỹ quan cao cấp của quân đội và công an như cụ Lê Văn Khương, Lê Thanh Thoàn, .... Có nhiều cán bộ xã qua các thời kỳ như: Lê Văn Thung, Lê Văn Khiêm, Lê Xuân Thả, Nguyễn Ngọc Trớc, Nguyễn Văn Tuyển, ... Và ngày nay, hàng trăm con em của làng đang viết tiếp trang sử vàng của làng Quý Vinh xưa trên khắp mọi miền Tổ quốc.
III. CÁC DÒNG HỌ Ở QUỲNH VINH.
Theo Địa chí văn hoá Quỳnh Lưu, vào đời Đường Huyền Tông (860-874) Cao Biền một tướng nhà Đường được cử sang vùng Hoan Diễn giữ chức Kiêm Biện công bộ thư đã huy động sức dân đào hai đoạn kênh: Kênh Hoàng Mai và kênh Đò Cấm để nước chảy xuôi ra biển, kênh Hoàng Mai chảy từ Tĩnh Gia đến gặp đê Nông Đoàn, rồi chảy ra Cửa Trắp gọi là Kênh Son. Điều đó chứng tỏ cư dân vùng Hoàng Mai, dọc theo tả, hữu ngạn sông Mai đã khá đông đúc, để làm chức năng dân phu đào Kênh Son (sau này là kênh nhà Lê).
Năm 1041, Lý Nhật Quang con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ được triều đình xuống chiếu cử đi làm Tri châu Nghệ An. Do công lao mở mang biên cõi, từ thế kỷ 11 để ghi nhớ công lao của Lý Nhật Quang nhân dân Quỳnh Vinh đã dựng Miếu Vưu, rồi đến 1699 đã nâng cấp như hiện nay. Cư dân cổ Thọ Vinh, Quý Vinh đã có mặt từ thủơ đó. Theo thống kê trên đất Quỳnh Vinh có 40 dòng họ.
Trong quá trình phát triển của xã hội, việc ghi chép lịch sử một dân tộc, một đất nước hay một họ tộc đều được các triều đại, các sử gia và các danh nhân chú ý. Nhưng do nhiều biến cố của lịch sử, thăng trầm của xã hội nên việc gìn giữ khó có thể hoàn hảo, đầy đủ.
1. Các dòng họ Lê (17 dòng họ Lê)
Vài nét tổng quan về họ Lê
Hiện thời, theo các tài liệu để lại, cũng như các di tích đền đài, miếu mạo, các văn tự, phả hệ đã chứng minh được: Họ Lê chỉ có ở Việt Nam. Xuất xứ của họ Lê đều ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá).
Thời Tiền Lê (980-1009) vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) quê ở Thọ Xuân-Thanh Hoá. Đến triều Lê Sơ (1428-1527), Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cũng quê ở Thọ Xuân-Thanh Hoá. Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam thì hai triều đại tiền Lê và hậu Lê có 400 năm trị vì đất nước.
Thời Tiền Lê: Lê Hoàn khi chưa làm vua đã thống lĩnh toàn quân, giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, khi lên làm vua trị vì được 25 năm, là vị vua có tài về quân sự, nội trị, ngoại giao xuất sắc. Là người mở lễ hội tịch điền, nhà vua cùng nhân dân cày ruộng. Ông là người đầu tiên khơi thông kênh Bà Hoà (kênh nhà Lê), có tầm nhìn chiến lược lâu dài về quân sự, kinh tế.
Thời Hậu Lê: Lê Lợi lãnh tụ tối cao của nghĩa quân Lam Sơn, anh hùng giải phóng dân tộc với chiến công hiển hách 10 năm kiên trì đánh thắng quân Minh thống nhất giang sơn đất nước.
Lê Thánh Tông vị hoàng đế anh minh toàn tài, ông là nhà văn hoá lớn, nhà ngoại giao, nhà kinh tế giỏi. Ông đã cho ra đời bộ luật Hồng Đức, ông đang được nhà nước đề nghị tổ chức giáo dục khoa học và văn hoá liên hợp quốc (UNESCO) công nhận danh nhân văn hoá thế giới. Hiện nay hàng năm cùng với nhà nước, UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức lễ hội Lam Kinh tế tổ tại Lam Sơn (Thọ Xuân – Thanh Hoá). Đại lễ là ngày 21, 22 tháng Tám âm lịch (đúng ngày giỗ Lê Lai, Lê Lợi)
1.1 Họ Lê
Ông tổ là Lê Thông, trưởng tộc là Lê Ngan, từ Thanh Hóa vào đã 24 đời. Ông tổ Lê Thông được tôn vinh là bậc Tiên Hiền của làng, người đặt chân sớm nhất góp công sức khai sơn phá thạch tạo nên xóm làng trù phú như ngày nay. Nhà thờ trước năm 1963 ở xóm Phú nay chuyển về xóm 14. Trong một thời gian dài là “độc đinh”, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 phát đinh mạnh hơn. Là dòng họ có nhiều ưu binh kỳ lão tham gia Vệ quốc quân chống Pháp và giải phóng quân. Lớp kháng chiến chống thực dân Pháp có: Lê Ngan, Lê Hòa….là sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Lê Ngan phục viên tham gia công tác địa phương, Đại úy Lê Hòa chuyển ngành là viên chức nhà nước. Lớp tiếp theo có Lê Thế, sau nhiều năm tham gia quân đội nay là bệnh binh.
Con cháu họ Lê trên mọi miền Tổ quốc, nhiều lĩnh vực viết tiếp truyền thống vẻ vang của các bậc tiền nhân.
1.2 Họ Lê
Ông tổ là Lê Chính từ Thanh Hóa vào đã 13 đời, nhà thờ trước ở xóm Phú nay chuyển về xóm 13, trưởng tộc Lê Dưỡng. Cụ Lê Dưỡng nhiều năm là cán bộ UBND xã, Chủ tịch UBMTTQ, Chủ nhiệm HTX về hưu, Lê Loan, Lê Doãn cán bộ hoạt động ở cơ sở rồi thoát ly, Lê Tự cán bộ lâm nghiệp về hưu, các con thành lập công ty TNHH, chế biến hải sản Phương Mai là công ty ăn nên làm ra, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
1.3 Họ Lê
Bà tổ: Hồng Nhung, nhị thế tổ Lê Mỹ từ Thanh Hóa vào gần ba trăm năm, trưởng tộc là Lê Hảo, nhà thờ ở xóm 17.
Trong kháng chiến chống Mỹ có sỹ quan, bác sỹ Lê Văn Hanh phụ trách Bệnh xá trung, sư đoàn. Hòa bình, chuyển ngành làm Giám đốc bệnh viện Đa Khoa Hoàng Mai. Có cử nhân sinh học Lê Bình tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Hà Nội làm Hiệu trưởng trường THCS.
Con em trong dòng họ có nhiều em học ở trường chuyên của Bộ, tỉnh là kỹ sư, giáo viên ở các trường THPT như: Lê Thắng, Lê Hạnh, Lê Liêm… Trên mọi miền Tổ quốc ở các lĩnh vực họ đang viết tiếp trang sử vàng của ông cha xưa.
1.4 Họ Lê Văn (làng Quý Vinh)
Ông tổ là Lê Văn Thịnh (tự là: Đức Thịnh) từ Thanh Hóa vào hơn 500 năm, trưởng tộc là Lê Văn Diên, nhà thờ mới xây dựng khá khang trang. Đây là một trong những dòng họ đến sớm của làng Quý Vinh.
Dòng họ được xem có nhiều ưu binh kỳ lão: Cụ Lê Văn Hòa, Lê Văn Chính là những người võ nghệ cao cường, được tuyển chọn sung vào đội quân Nguyễn Huệ tham gia triệt phá đồn Ngọc Hồi 1789. Trong họ có gia đình cụ Lê Văn Tuổn được xem là chuẩn mực” Tứ đại đồng đường” cụ luôn động viên, khuyến khích con cháu lao động sản xuất, tổ chức cuộc sống tốt đẹp, kinh tế phát đạt, số người trong gia đình có lúc tới 25 thành viên.
Lý trưởng Lê Văn Tân (Cựu Hùng) làm việc mấy nhiệm kỳ liền, được nhân dân, cấp trên đương thời nể trọng.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến có Đại tá Lê Văn Khương, Trưởng ban Tổ chức Cán bộ Tỉnh đội Nghệ An.
Trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược, hàng chục con em trong dòng họ đã lên đường nhập ngũ chiến đấu, hy sinh anh dũng như: Liệt sỹ Lê Văn Hân, Lê Văn Năm… Ngày nay con em dòng họ Lê Văn noi gương tiên tổ đang lao động, sản xuất tiếp bước truyền thống của ông cha xưa.
1.5 Họ Lê Văn (làng Quý Vinh)
Ông tổ là Lê Thiện Tài từ Thanh Hóa vào đã 13 đời, trưởng tộc là cụ Lê Văn Thung, trước đây Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Chạp, chi một: Lê Văn Thung, chi hai: Lê Văn Bỉnh, chi ba: Lê Văn Đình cùng con cháu ra làng Dừa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa tế thủy tổ, sau này mới nhận ra là anh em cùng chung ông thủy tổ gốc Thanh Hóa.
Dòng họ có cụ Lê Văn Thung, năm 1946 là cán bộ ở xưởng chế tạo vũ khí Quỳnh Lưu sau đó được tỉnh điều lên xưởng cơ khí Cao Điền, Thanh Chương, năm 1954-1955 làm đội trưởng Cải Cách ruộng đất ở Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, sau đó về làm Chủ tịch UBND xã thời 1965-1967, có Lê Văn Ngân tốt nghiệp trường Lâm nghiệp Trung ương từ 1960 làm Phó giám đốc lâm trường Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.
Trong kháng chiến chống Mỹ có hàng chục con em nhập ngũ chiến đấu khắp chiến trường,... Ngày nay trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, văn hóa- giáo dục, con em họ Lê Văn đang cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
1.6 Họ Lê Văn ( xóm 16)
Ông tổ là Lê Văn Tính, từ làng Dừa huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vào đã 14 đời. Trưởng tộc Lê Văn Vĩnh, nhà thờ ba gian cổ kính, hoành phi câu đối, bức đại tự sơn son thếp vàng rực rỡ, phả hệ được sơ đồ hóa khúc chiết. Dòng họ có Lê Văn Bỉnh, Lê Văn Điểng là cán bộ hoạt động ở cơ sở, làm xã đội trưởng, Phó Chủ tịch UBND, về hưu được tặng huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, có Lê Văn Thành làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Vinh Hoa, rồi ủy viên BCH Huyện ủy; Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã. Ngày nay con em của dòng họ trên các lĩnh vực ở mọi miền Tổ quốc, đã và đang học tập công tác suất sắc, xứng đáng với truyền thống của cha ông.
1.7 Họ Lê Văn ( Xóm 17)
Ông tổ là Lê Văn Giang, ở Thọ Vinh đã 250 năm, hiện vẫn chưa rõ từ đâu về. Trưởng tộc: Lê Văn Trung, nhà thờ ở xóm 17, họ có ba chi, chi một nhánh trưởng, chi hai Lê Văn Uyên, chi ba Lê Văn Kỳ.
Thời Thiệu Trị (1840-1847), có cụ Lê Văn Nghi đỗ hạng ưu kỳ thi hương được bổ nhiệm làm quan viên. Thời vua Tự Đức (1847- 1883), có cụ Lê Doãn, hiệu Tùng Phong đậu cử nhân năm Giáp Tý (1864) được bổ làm quan bố chính tỉnh Sơn Tây, năm 1875 làm Huấn đạo rồi tri huyện Tam Dương, tỉnh Sơn Tây.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945 có hai anh em Lê Hớn và Lê Đang đảng viên. Năm 1948, cụ Lê Hớn được tổ chức phân công bồi dưỡng kết nạp đảng đồng chí Lý Xuân Nhãn sau này là Bí Thư Đảng ủy; cụ Lê Đang là Vệ quốc quân, dũng sỹ diệt giặc. Lớp sau có Lê Văn Trương, Bí thư Chi bộ Quỳnh Vinh năm (1956-1957), có Lê Văn Cường, Bí thư Đoàn thanh niên (1955-1956), có Lê Văn Cầu cán bộ xí nghiệp, thương nghiệp Quỳnh Lưu về hưu, Lê Văn Khải Trưởng tạm y tế xã.
Thế hệ tiếp nối có Lê Văn Thành, Huyện ủy viên-Bí thư Đảng bộ xã, Lê Văn Kỳ Phó Bí thư Đảng bộ-Chủ tịch UBND xã. Nhiều con em họ Lê Văn là kỹ sư, bác sỹ, dược sỹ cao cấp, du học nước ngoài đang viết tiếp trang sử vàng-khoa cử, học vấn của ông cha xưa.
1.8 Họ Lê Sỹ
Ông tổ là Lê Sỹ Chiếu, từ Thanh Hóa vào đã 16 đời, trưởng tộc là Lê Sỹ Tỷ, nhà thờ ỏ xóm 16, họ có ba chi. Chi một thuộc nhánh trưởng tộc, trưởng chi hai: Lê Sỹ Nhạ, nhà thờ ở xóm 19, trưởng chi ba là Lê Sỹ Thiêm, nhà thờ ở xóm 19.
Dòng họ có cụ Lê Văn Toát đỗ hương cống năm Quý Mạo (1903) được vua Thành Thái(1889-1907) bổ làm quan viên ở Quảng Nam, có cụ Lê Văn Luyện (1789-1855), trong kỳ thi hương năm Kỷ Mạo (1819) và kỳ thi hội năm Ất Dậu 1825 đều đỗ đầu, cụ được vua Minh Mạng bổ làm quan Ngự sử Đài chánh chưởng, rồi quan Đốc học ở Phủ Lạng Giang (1837-1841) sau đó về Viện đô sát của triều đình. Sắc phong của vua Minh Mạng, Thiệu Trị gần 200 năm, câu đối, tàn, lọng vua ban các thế hệ tộc trưởng giữ gìn nguyên vẹn trong hòm sắc sơn son thếp vàng.
Trong 2 cuộc kháng chiến có hàng chục thanh niên xung trận lập công xuất sắc, có thượng tá Lê Sỹ Phúc, trung tá Lê Sỹ Tiêm, Lê Sỹ Lịch, thiếu tá Lê Sỹ Cường, nhiều con em đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng: Lê Sỹ Tác, Lê Sỹ Vinh, Lê Sỹ Thảo, Lê Sỹ Mẫn, Lê Sỹ An, Lê Sỹ Doan, có bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thi Vinh.
Trong học hành khoa cử có Tiến sỹ Lê Sỹ Tuấn CBGD Đại học Kinh tế; Thạc sỹ Lê Sỹ Thống, CBGD Đại học Mỏ địa chất; Thạc sỹ Lê Hào Quang, Thạc sỹ Lê Sỹ Chiến... Nhiều năm liền được tỉnh, huyện, xã khen thưởng là dòng họ làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Con cháu họ Lê Sỹ ngày càng làm rạng danh truyền thống dòng họ mình.
1.9 Họ Lê Thạc
Thuỷ tổ là Lê Bôi, từ Thanh Hóa vào Hà Tĩnh, hậu duệ đời thứ 9 của cụ ra Nghệ An.
Cụ Lê Bôi sinh năm Canh Thân (1380 - ?) là dũng tướng của chủ tướng Lam Sơn Lê Lợi. Năm Giáp Thân (1424), Lê Bôi chỉ huy đánh thắng giặc Minh nhiều trận, giòn giã nhất ở Khả Lưu, Bồ Ải thuộc đạo Nghệ An, do lập nhiều công tích tháng 6 năm Đinh Mùi (1427) được thăng từ chức Thượng tướng lên Thiếu uý Tổng quản Chấp lệnh công và được phong ấp ở Việt Yên1.
Khu lăng mộ và nhà thờ cụ Lê Bôi-Vị khai quốc công thần triều Lê ở Việt Yên nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia ngày 23/12/1995.
Ông tổ họ Lê Thạc là Lê Tuấn tự Phúc Hạnh, hậu duệ đời thứ 9 của cụ Lê Bôi ra Thọ Vinh lập nghiệp khoảng 400 năm, 16 đời là chi đệ tam của đại tôn Lê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Nhà thờ ở xóm Đông nay là thôn 17, họ có 4 chi, trưởng tộc Lê Thạc Đức, trước Cách mạng tháng Tám là dòng họ có nhiều người có quyền, chức như: cựu Liễn, cựu Hường, cựu Thức và Lê Thạc Khơm là lý tưởng cuối cùng (1942-1945)
Sau Cách mạng tháng Tám, có Lê Thạc Tạo, đảng viên 1946 làm Bí thư Chi bộ, cán bộ xã rồi lên tỉnh làm cán bộ tổ chức Tỉnh ủy, Lê Thạc Loan Chính trị viên phó Huyện đội, Đại tá, tiến sỹ ở Bộ Công an Lê Thạc Ngoan, Lê Thạc Xinh, Lê Thạc Ninh du học nước ngoài, về nước hai anh em thay nhau làm Tổng Giám đốc Công ty phát triển khoảng sản.
Lê Thạc là dòng họ nổi tiếng về học hành khoa cử, đỗ đạt trong xã, trong hai cuộc kháng chiến, dòng họ có hàng chục con em tham gia chiến trận, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, là dòng họ được tỉnh, huyện tuyên dương làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
1.10 Họ Lê Đăng ( xóm 20)
Ông tổ Lê Đăng Long từ Thanh Hóa vào đã 13 đời gần 400 năm, trưởng tộc Lê Đăng Xuôn, họ có 3 chi. Chi một nhánh trưởng là Lê Đăng Xuôn, một phái tách ra là Lê Đăng Dụ. Trưởng chi hai là Lê Đăng Sơn, một phái tách ra là Lê Đăng Thỉ, phái 2 tách ra là Lê Đăng Dơng. Trưởng chi ba Lê Anh Tuấn, chi được đối chiếu phả hệ nhập với Lê Đăng từ năm 1970.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có Lý trưởng Lê Đăng Định, sau cướp chính quyền cụ tham gia mặt trận Việt Minh, bà Lê Thị Đằng con gái cụ là Chủ tịch Hội phụ nữ thời 1945-1948. Lớp cán bộ trưởng thành trong kháng chiến có đại tá Lê Đăng Nhiệm, Lê Đăng Trung, thiếu tá Lê Anh Tuấn, đại úy Lê Đăng Minh…. Lớp cán bộ hoạt động ở địa phương có Lê Đăng Ngọ- Uỷ viên UBND xã, Lê Đăng Nhợi- cán bộ HTX nông nghiệp, Lê Đăng Thùy- Phó Bí thư Đảng bộ xã, nhiều nhà giáo uy tín như: Lê Đăng Trọng-Hiệu trưởng trường cấp I, thạc sỹ Lê Đăng Thành cán bộ giảng dạy ĐHSP Vinh, nhà giáo Lê Đăng Đại-Phó Hiệu trưởng THCS, thầy giáo Lê Đăng Tài,… Con cháu họ Lê Đăng trên mọi miền Tổ quốc đang viết tiếp trang sử hào hùng của ông cha xưa.
1.11 Họ Lê Khắc.
Ông tổ là Lê Khắc Huệ, từ Thanh Hóa vào đã 15 đời, trưởng tộc Lê Khắc Dũng, nhà thờ ở xóm 15. Họ có hai chi, nhà thờ họ, nhà thờ chi được xây dựng cổ kính, uy nghi.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có nhiều chức sắc, có Hương dịch (dịch Ngưu) trong Hội đồng Ngũ hương (1938-1942), có cụ Lê Khắc Tiết, Cửu phẩm 1941. Sau Cách mạng tháng Tám có Lê Khắc Vượng, thủ lĩnh bảo an, tham gia Mặt trận Việt Minh, giành chính quyền rồi Phó Chủ tịch xã, lên huyện làm cán bộ Huyện ủy; Lê Khắc Thạo làm cán bộ Nông nghiệp Trung ương; Lê Khắc Nghị công tác ở Bộ Lao động Thương binh xã hội; có đại tá Lê Khắc Khánh Cục quân khí hải quân; có trung tá Lê Khắc Khâm-giảng viên chính trị Quân khu 4, có Lê Khắc Nho Huyện ủy viên-Chủ tịch UBND xã.
Ngày càng nhiều con em họ Lê khắc là tiến sỹ, thạc sỹ, cán bộ giảng dạy ở các trường đại học, du học nước ngoài. Doanh nghiệp Cần Bòng trồng rừng của Lê Khắc Trị tạo việc làm cho hàng chục người lao động trong xã, là giám đốc có nhiều đóng góp trong công tác từ thiện, và đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng xây dựng quê hương.
1.12 Họ Lê Công
Ông tổ là Lê Huy từ Thanh Hóa vào đã 14 đời. Sau 1945, dòng họ lấy tên lót là Lê Công, trưởng tộc là Lê Công Tăng, nhà thờ ở xóm 16.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, có Lê Công Nhộng, Lê Công Tần là cán bộ xã phụ trách công tác thuế vụ. Lớp con cháu có Lê Công Trọng là cán bộ tổ chức Công ty vận tải biển. Có Lê Công Kỷ, Lê Công Tình là cán bộ nhà nước. Con em họ Lê Công ngày nay nhiều người đậu đạt, thành danh.
1.13 Họ Lê Danh
Ông tổ là Lê Đàm từ Thanh Hóa vào đã 14 đời, trưởng tộc Lê Danh Tuyết ở xóm 19. Dòng họ có Lê Danh Huề trình độ tú tài, Pháp văn, Hán học thông thạo; Lê Danh Cần là cán bộ kế hoạch hợp tác xã nông nghiệp trong nhiều thập kỷ; Lê Danh Luận-Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn thanh niên xã. Dòng họ đoàn kết, cần cù lao động sản xuất, tham gia hoàn thành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
1. 14 Họ Lê Hữu
Ông tổ là Lê Xuân từ Thanh Hóa vào Yên Lộc, mùa xuân năm Tân Hợi (1611) về xóm Đoài, Thọ Vinh. Trưởng tộc là Lê Hữu Cho, nhà thờ ở xóm 15, họ có 40 hộ hơn 100 đinh.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có cụ Lê Hữu Lịch (Giáp Lịch) có năng lực, đức độ làm cán bộ xóm (giáp) hàng chục năm. Trưởng thành sau Cách mạng tháng Tám có y sỹ Lê Thịnh, trạm trưởng y tế xã. Hàng chục con em tham gia quân ngũ, dũng cảm chiến đấu, có liệt sỹ Lê Đàm, Lê Hiệp,… thương binh Lê Hộ.
Ngày nay con em trong dòng họ đang nối tiếp truyền thông ông cha xưa, cần cù lao động sản xuất giỏi.
1.15 Họ Lê Xuân (làng Quý Vinh)
Ông tổ là Lê Xuân Chút từ Thanh Hóa vào Yên Lộc rồi về Quý Vinh đã 9 đời. Họ có hai chi; chi một thuộc nhánh trưởng-trưởng chi là cụ Lê Xuân Lan ở xóm 17, chi hai là Lê Xuân Hữu ở xóm 9.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, có cụ Lê Xuân Vơn-Uỷ viên UBND xã; cụ Lê Xuân Thả-cán bộ hợp tác xã nông nghiệp liên tục từ năm (1964- 1965) đến 1971.
Trong kháng chiến chống Mỹ có hàng chục con em họ Lê Xuân xung trận: Lê Xuân Vân, Lê Xuân Tài, Lê Xuân Ninh, Lê Xuân Huề, đại tá Lê Thanh Thoàn, trung tá Lê Xuân Thuần, thiếu tá Lê Xuân Khả về hưu làm CTMTTQ…
Tiếp nối truyền thống cha anh, con em Lê Xuân ngày càng tiến bộ, lập công xuất sắc trên mọi lĩnh vực.
1.16 Họ Lê Trần
Trưởng tộc là Lê Trần Duy. Trong thời kỳ đổi mới đây là dòng họ có nhiều hộ làm ăn phát đạt, năng động sáng tạo, kinh tế phát triển, con em học hành tiến bộ.
1.17 Họ Lê
Ông tổ là Lê Điệt, trưởng tộc là Lê Thân, đến Quỳnh Vinh 6 đời.
Tiếp nối truyền thống cha anh, con cháu họ Lê học hành đỗ đạt ngày càng nhiều, xuất hiện nhiều tiến sỹ, hàng chục thạc sỹ, hàng trăm cử nhân trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.
Những đóng góp qua các thời kỳ của cha ông mãi mãi là niềm tự hào của các con cháu tộc Lê và con cháu họ Lê sẽ cống hiến hết sức mình để xứng danh họ Lê anh hùng bất khuất, hiếu học, học giỏi trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
2. Các dòng họ Trần (4 họ Trần)
2.1 Họ Trần
Ông tổ là Trần Phúc Thông (Thái sư) từ Hải Dương vào 13 đời. Trưởng tộc hiện nay là Trần Hùng, nhà thờ ở xóm 19.
Thời hậu Lê có cụ Trần Lễ làm quan đến Phó đô đốc chỉ huy sứ, tài công bá.
Thời nhà Nguyễn, dưới triều vua Gia Long (1802-1820), có cụ Trần Lê đỗ hương cống hạng năm được bổ làm Tri huyện Quảng Xương sau đó được phong Doãn đốc. Thời vua Minh Mạng (1820-1840), có cụ Trần Xuyên đậu phó bảng làm Đốc học tỉnh Quảng Nam (quan đốc). Cụ Trần Thoanh (chánh Thoanh) làm chánh tổng Hoàng Mai.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cụ Trần Dục là cán bộ tiền khởi nghĩa.
2.2 Họ Trần Đức
Ông tổ là Trần Công Toản từ Hải Dương vào 11 đời. Trưởng tộc hiện nay là Trần Đức Oanh, nhà thờ ở xóm 15.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ có nhiều chiến sỹ xung trận lập công xuất sắc, trưởng thành như: Trung tá Trần Đức Dưỡng, Trần Đức Hanh rời quân ngũ về địa phương làm Bí thư Đảng uỷ, Trần Sỹ Mỹ-Phó Chủ tịch xã, nhiều chiến sỹ hy sinh anh dũng như: Trần Đức Nhạ, Trần Đức Tuất, ...
2.3 Họ Trần
Ông tổ là Trần Tam Lang tự Phúc Lung cùng chung ông cao cao tổ khảo với họ Trần Đức. Trưởng tộc Trần Đức Đương, nhà thờ ở xóm 14.
Tên lót của dòng họ có nhiều thay đổi:
Nhất thế tổ: Trần. Nhị thế tổ và tam thế tổ: Trần Viết sau đổi lại Trần Đức.
Họ có Trần Đức Đương làm cán bộ hợp tác xã, uỷ viên UBND xã, Bí thư chi bộ nhiều năm, Trần Thuỷ cán bộ Công an xã.
2.4 Họ Trần Văn
Ông tổ là Trần Văn Tuệ, từ Diễn Hùng (Diễn Châu) ra năm 1885, gốc ở Diễn Châu cũng từ ngoài Bắc vào. Trưởng tộc hiện nay là Trần Văn Sơn, nhà thờ ở xóm 19. Cả bốn họ Trần trên đều chung thuỷ tổ là cụ Trần Quốc Kinh.
Cán bộ hoạt động trước 1/1/1945, có cụ Trần Văn Thương (liệt sỹ); cụ Trần Văn Trường uỷ viên UBHC cách mạng lâm thời 1945, trung tá Trần Liên đảng viên năm 1946, Chủ tịch UB KCHC (1946-1947), hoạt động ở địa phương từ đầu năm 1945, sau đó tham gia vệ quốc quân, làm chuyên gia quân sự tại Lào; cụ Trần Lưu Chủ tịch UBKCHC (1952-1954). Là dòng họ về xã chưa đầy 130 năm nhưng có nhiều cán bộ chủ chốt Đảng, Chính quyền, kiểu nhà ở và nhà thờ kiến trúc đẹp. Thế hệ thứ ba, thứ tư của dòng họ có nhiều giám đốc như: Trần Văn Thanh-Giám đốc Sở Xây dựng Bà Rịa-Vũng Tàu; Trần Văn Sơn-Giám đốc Công ty điện lực; Trần Văn Dũng-Giám đốc Công ty xây dựng, ... Trần Văn Tùng- cán bộ Công ty thương nghiệp Thanh Hoá, Trần Kim Dung nhà giáo,... Dẫu xa quê nhưng con em trong dòng họ vẫn đầy tình cảm sâu nặng.
Tiếp nối truyền thống cha anh, con cháu họ Trần học hành đỗ đạt ngày càng nhiều, xuất hiện nhiều tiến sỹ, hàng chục thạc sỹ, hàng trăm cử nhân trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Ngày nay con cháu họ Trần Đức trên mọi miền đất nước, trên các lĩnh vực đang viết tiếp trang sử hào hùng của cha ông, tô thắm truyền thống khoa cử hiếu học, anh hùng bất khuất của dòng họ.
3. Các dòng họ Nguyễn
3.1 Họ Nguyễn Bá
Sơ lược về dòng họ
Ông tổ là Nguyễn Trọng Định từ Thanh Lương, Thanh Chương về năm 1587, đã 17 đời, trưởng tộc Nguyễn Bá Duôi, nhà thờ họ ở xóm 16, họ có 4 chi.
Các danh nhân và truyền thống họ Nguyễn Bá
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có các cụ: Cụ Nguyễn Bá Ngoạn là lý trưởng, cụ Nguyễn Bá Xuổn là hương bản, cụ Nguyễn Bá Oánh làm hương bộ, cụ Nguyễn Bá Đụa giữ chức bát phẩm (còn gọi là bát Đụa). Các cụ là những người thông minh, phong độ, giàu có, trình độ học vấn là tú tài.
Cụ Nguyễn Bá Thếp-Phó Bí thư Chi bộ Thọ Vinh năm (1935-1936); cụ Nguyễn Bá Mỡn-Chủ tịch UBKCHC từ (1947-1948).
Cán bộ hoạt động cách mạng trước 1/1/1945 có Nguyễn Bá Ngoạn, Nguyễn Bá Thếp, Nguyễn Bá Khính-Chủ tịch uỷ ban cách mạng lâm thời, sau 1945 ông Nguyễn Bá Tưu-Phó Chủ tịch UBHC xã được điều đi làm Chủ nhiệm Công ty lâm thổ sản Vinh.
Trong chống Mỹ và sau khi đất nước thống nhất có: Thầy Nguyễn Bá Ngơn, Hiệu trưởng cấp 2 Quỳnh Vinh đầu tiên, là Tiến sỹ chính trị, cán bộ giảng dạy trường Nguyễn Ái Quốc, nguyên Phó Bí thư Huyện uỷ. Tiến sỹ CNTT Nguyễn Bá Hoàng-cán bộ giảng dạy ĐHGT Hà Nội. Anh Nguyễn Bá Hoà công tác ở Bộ Năng lượng.
Là dòng họ có nhiều gia đình làm nghề thầy giáo như gia đình ông Nguyễn Bá Ngơn, Nguyễn Bá Hoằng và nhiều gia đình đều là kỹ sư như gia đình ông Nguyễn Bá Võ, Nguyễn Bá Khiêm, Nguyễn Bá Châu,... Con em dòng họ Nguyễn Bá có hàng trăm người tốt nghiệp đại học, cao đẳng đang công tác ở mọi miền Tổ quốc. Đang viết tiếp trang sử của cha ông anh hùng cách mạng, hiếu học làm rạng danh dòng họ, quê hương.
3.2 Họ Nguyễn Xuân
Sơ lược về dòng họ
Họ nguyễn Xuân có 4 nhà thờ lớn ở xóm 15, xóm 19, xóm 17 và xóm 15.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đặc biệt từ ngày đất nước thống nhất các bậc kỳ lão trong hội đồng gia tộc đã đi tìm tông tích của dòng họ và thấy 4 dòng họ Nguyễn Xuân ở Quỳnh Vinh nói trên với Nguyễn Xuân ở xóm Yên Lộc đều cùng thờ ông tổ là Nguyễn Khâm tự là Nguyễn Xuân Lai, từ Hà Trung (Thanh Hoá) vào năm 1611.
Và theo gia phả bí mật ở Hà Trung, Thanh Hoá, trước đây các cụ chỉ nói nhỏ với các trưởng phái thì Nguyễn Xuân hay Nguyễn Hữu,... đều là họ Nguyễn có chung ông thuỷ tổ là Nguyễn Bậc danh tướng khai quốc công thần của nhà Đinh.
Các danh nhân và truyền thống họ Nguyễn Xuân
Cụ Cựu Hiệng làm cửu phẩm, một chức sắc trong triều Nguyễn, cụ là thành viên chính thức của hội văn (nhà Văn Thánh). Trong các ngày lễ của làng được mời ngồi chiếu trên và được mọi người nể trọng. Cụ Bộ Nhoan trong hội đồng ngũ hương (Hương bộ) trông coi việc sinh tử, giá thú, quản lý hệ thống văn bản của chánh phó lý. Do đức độ uyên bác cụ làm mấy khoá liền. Cụ Kiểm Đoan coi việc trị an tuần phòng giám sát về mặt hành chính trong làng Thọ Vinh, là người phong độ. Cụ Nguyễn Xuân Xang (cựu Khánh) làm lý trưởng nhiều năm, cụ thuộc lớp cán bộ cũ được lòng trên dưới.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến và hoà bình có nhiều cán bộ các cấp có uy tín như: Cụ Nguyễn Xuân Lịch-Chủ tịch UBHC xã; Nguyễn Xuân Lương đảng viên 60 năm tuổi Đảng; Nguyễn Xuân Thảo-Đại tá QĐNDVN; Đại uý Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Xuân Đại, Nguyễn Xuân Nga-Vụ phó lao động tiền lương Tổng liên đoàn lao động; Nguyễn Xuân Kỳ-Giám đốc công ty xây lắp điện 4; Nguyễn Xuân Thịch-công tác mỏ đá Hoàng Mai; Nguyễn Xuân Doãn Trưởng Công an xã nhiều nhiềm kỳ.
3.3 Họ Nguyễn Hữu
Sơ lược về dòng họ
Họ có 3 chi, từ Thanh Hoá vào đã 12 đời, ông tổ là Nguyễn Hữu Tạo, ông thuỷ tổ là Nguyễn Bậc.
Chi lớn nhất là chi 3 ở làng Quý Vinh xưa, nay là xóm Chiền. Trưởng tộc là Nguyễn Hữu Thụ và nhà thờ ở xóm 17
Các danh nhân và truyền thống họ Nguyễn Hữu
Cụ Nguyễn Hữu Hiệu (cựu Hiệu) làm lý trưởng dưới triều đại nhà Nguyễn, trước đó làm nghề giáo ở Bắc Hà, rất nhiều sỹ tử xứ Bắc mến mộ bởi đức tài của cụ. Trong thời gian đó cụ đưa theo hai đệ tử là Nguyễn Công Tuệ, Nguyễn Công Vinh ra làm công nhân in. Con cháu cụ Tuệ là Nguyễn Công Thương giáo viên trường trung cấp dạy nghề Hà Nội. Cụ Nguyễn Hữu Yên (quyền Yên) là quyền Lý trưởng.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 có các ông: Nguyễn Hữu Địch Thường vụ Huyện uỷ, PCT UBND huyện Quỳnh Lưu; Nguyễn Hữu Đồng Trưởng phòng TBXH huyện Quỳnh Lưu; Nguyễn Hữu Khiêu Huyện uỷ viên, HĐND huyện, Trưởng phòng thuỷ lợi.
3.4 Họ Nguyễn Đình
Sơ lược về dòng họ
Ở Quỳnh Vinh có 4 trưởng tộc và 4 nhà thờ lớn là:
Trưởng tộc Nguyễn Đình Mãn, nhà thờ ở xóm 15
Trưởng tộc Nguyễn Đình Trâm, nhà thờ ở xóm 17
Trưởng tộc Nguyễn Đình Bổng, nhà thờ ở xóm 9
Trưởng tộc Nguyễn Hữu Tấn, nhà thờ ở xóm 16
Trong quá trình chắp nối gia phả đã nhận ra đều chung ông tổ là Nguyễn Chính, tự là Huyền Minh thuộc dòng Nguyễn Xí từ Nghi Lộc ra đã 14 đời.
Các danh nhân và truyền thống họ Nguyễn Đình
Cụ Nguyễn Đình Thái đỗ cử nhân thời Thiệu Trị nhưng không ra làm quan, về nhà mở trường dạy học, bốc thuốc trị bệnh cứu người là danh y nổi tiếng. Cụ Học Lạp (Nguyễn Đình Thợn) là thầy thuốc và thầy dạy chữ Hán nổi tiếng ở Hoàng Mai. Các cụ Lý Trân (chủ Trân) thuộc lớp học vấn, đỗ tú tài, cáo quan về làm lý trưởng, phó lý đều là hội viên hội văn thánh.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 có: Nguyễn Đình Yên là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong; Nguyễn Đình Cương-kỹ sư điện, du học Liên Xô; Nguyễn Đình Vĩnh, du học Trung Quốc làm cán bộ ngân hàng ở Vinh; Nguyễn Đình Nhan trung tá, Trưởng ban quân nhu Quân khu 7; Nguyễn Đình Tờng-cán bộ lâm nghiệp; Nguyễn Đình Quế, Đại uý QĐNDVN. Lớp cán bộ gắn bó với cơ sở, xã, HTX cho đến lúc về hưu có: Nguyễn Đình Chinh, Nguyễn Đình Minh, Nguyễn Đình Chi, ... Lớp đảng viên đầu tiên có: Nguyễn Hữu Nghị (1946), Nguyễn Hữu Sự (1947), Nguyễn Hữu Túc (1949). Sau này các cụ là cán bộ UBMTTQ huyện, cán bộ lương thực, bưu điện.
Lớp thế hệ trưởng thành sau những năm 1960 có: Nguyễn Hữu Sơn-Giám đốc công ty vận tải ô tô; Nguyễn Hữu Tấn-cán bộ Tổng cục lâm nghiệp; Nguyễn Hữu Biên -Hiệu phó trường cấp 1, cấp 2; Nguyễn Thị Nam-Hiệu phó trường cấp 1; Nguyễn Thị Hồng-thạc sỹ cán bộ giảng dạy CĐSP Cần Thơ; Nguyễn Đình Huỳnh trung uý, thương binh về hưu, có các liệt sỹ như: Nguyễn Đình Ngoan, Nguyễn Đình Phương, Nguyễn Đình Cầu,...
Sơ lược về dòng họ
Ông tổ là Nguyễn Phúc Tịnh từ Thanh Hoá vào đã 13 đời. Trưởng tộc hiện nay là Nguyễn Viết Tảo, nhà thờ họ ở xóm 19. Mộ tổ ở lèn Thung Cùng.
Các danh nhân và truyền thống họ Nguyễn Viết
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có cụ phó Lơn làm phó lý trưởng nhiều năm. Có cụ cựu Đượu làm lý trưởng nhiều năm, đức tài toàn vẹn được việc nhân dân cảm mến.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Nguyễn Viết Xiển là Bí thư Nông hội đầu tiên ở Quỳnh Vinh, cụ vào Đảng năm 1947. Sau đó được trên điều động công tác ở tỉnh Nghệ An, rồi ra Thanh Hoá làm Chủ nhiệm Công ty thương nghiệp Thanh Hoá. Thầy Nguyễn Viết Nhiêm giáo viên cấp 1 rồi cấp 2, Hiệu trưởng trường cấp 2 Quỳnh Vinh từ năm 1965. Được Bộ Giáo dục điều động vào Nam làm PGĐ Sở Giáo dục và đào tạo Long An rồi Tỉnh uỷ viên, Trưởng Ban Khoa giáo Tỉnh uỷ. Các con của thầy đều là giáo viên cấp 3 và cao đẳng ở miền Nam. Ông Nguyễn Viết Nghĩa là đại uý dũng sỹ diệt Mỹ cấp ưu tú. Có con là Nguyễn Viết Hoà-đại tá quân đội. Ông Nguyễn Viết Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học Sở Xây dựng.
3.6 Họ Nguyễn Công
Sơ lược về dòng họ
Ông tổ họ tại Quỳnh Vinh là Nguyễn Công Sự, ông thuỷ tổ là Nguyễn Công Bài. Trưởng tộc hiện nay là Nguyễn Công Ký (Ký Cường).
Họ từ Bắc về Đức Thọ, Hà Tĩnh rồi ra Hoàng Mai, Quỳnh Văn, Quỳnh Xuân. Tại Quỳnh Vinh đến nay có 12 đời.
Đến Quỳnh Vinh dòng họ Nguyễn Công chủ yếu làm nghề nông nghiệp, ngoài ra còn có nghề truyền thống là rèn. Nghề rèn ở Quỳnh Vinh có nhiều nhưng các cụ họ Nguyễn Công là những người có chuyên môn và kỹ thuật. Rèn rìu, rạ, dao, dao cắt thuốc lào là phải nhờ các cụ, các cụ nhìn ánh lửa phát ra màu ánh sáng biết được nhiệt độ tôi nếu để quá lửa là hỏng.
Các danh nhân và truyền thống họ Nguyễn Công
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Có cụ cựu Khuyên làm Lý trưởng nhiều năm ở Quý Vinh.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 có các cụ: Nguyễn Công Sơng là UVUBHC lâm thời, sau đó cụ công tác ở bộ thuế, điền địa. Con cái cụ đều là viên chức nhà nước. Các cụ Nguyễn Công Tuệ, Nguyễn Công Vinh được cụ cựu Hiệu đưa ra đi làm cán bộ nhà in Hà Nội. Con cái cụ đều là viên chức nhà nước. Nguyễn Công Bang là giáo viên, rồi PGĐ Sở Giáo dục Bình Trị Thiên về hưu làm Chủ tịch UBMTTQ xã, Chủ tịch Hội cựu giáo chức, Chủ tịch hội người cao tuổi. Con cái thành đạt.
3.7 Họ Nguyễn Sỹ
Sơ lược về dòng họ
Trưởng tộc là Nguyễn Sỹ Thắng, nhà thờ họ ở xóm 19 ở Quỳnh Vinh 12 đời khoảng 300 năm. Ông Tổ họ là Nguyễn Sỹ Huyền sinh năm 1679 (Kỷ Mùi), mộ ở Đồi Thông. Họ có hai chi: chi một là nhánh trưởng, chi hai là Nguyễn Sỹ Đức ở xóm 21, họ có 60 hộ. Vì chưa rõ nguồn gốc, hội đồng gia tộc đã tìm đến làng Kim Lũy, huyện Diễn Châu, ở đó có chi họ Nguyễn Sỹ cũng thờ ông tổ là Nguyễn Sỹ Huyền, đối chiếu gia phả, thì Nguyễn Sỹ ở Diễn Châu là một nhánh của Nguyễn Sỹ ở Quỳnh Vinh. Trong lịch sử, họ Nguyễn Sỹ xuất hiện thế kỉ XIII với nhà thơ Nguyễn Sỹ Cố đời Trần Thánh Tông(1258-1278), ông là một nhà thơ Nôm có tài, đã cùng Hàn Thuyên xây dựng nền tvăn học chữ Nôm đầu tiên của nước ta1.
Thế kỷ XV, có ông Nguyễn Sỹ Nguyên ở huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc đỗ Hoàng Giáp khoa Mậu Tuất (1478), đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Thượng bảo Tự Khanh Lục Cấp sự trung2. Từ các ông Nguyễn Sỹ Cố, Nguyễn Sỹ Nguyên đến các chi họ ở Nghệ An chưa tìm ra manh mối.
Ở Nghệ An từ thế kỷ XVI, XVII đã có nhiều chi họ Nguyễn Sỹ ở các nơi như: Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, thành phố Vinh, Quỳnh Lưu, Diễn Châu. Theo gia phả của một số chi họ này thì thủy tổ các dòng họ Nguyễn Sỹ từ ngoài Bắc vào Ái Châu (Thanh Hóa), rồi từ Ái Châu di cư vào Hoan Châu (Nghệ Tĩnh ngày nay), thời kì Lê- Mạc, Trịnh-Nguyễn phân tranh thế kỷ (XVI-XVII).
Các danh nhân và truyền thống văn hóa
Các chi họ Nguyễn Sỹ ở phân tán, qua tìm hiểu gia phả, thực tế sinh hoạt thấy có một số đặc điểm như: Coi trọng gia giáo, gìn giữ nhân luân, cách ứng xử, giao tiếp và ý thức cộng đồng. Trong giáo huấn các cụ đặc biệt nghiêm cấm con cháu không được sa vào vòng ăn chơi quá đà, ham mê tửu, sắc, bài bạc, hút hít, ...
Sống có đạo lý: Các bậc tôn trưởng trong họ luôn khuyên bảo con cháu sống theo đạo lý, không được vì tiền của, giàu sang, bỏ đạo nghĩa, đạo làm dâu... Tiêu biểu là gia đình cụ Nguyễn Sỹ Hảo, Nguyễn Sỹ Thoành, con trai, con gái các cụ đều phương trưởng, là cán bộ của Đảng và Nhà nước, các con rể từng là Chủ tịch UBND xã Quỳnh Mai, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, sỹ quan QĐNDVN.
Các danh nhân có: Cụ Nguyễn Sỹ Hiền1 người đã có công chiêu dân lập ấp được vua Lê Hiến Tông phong tước hiệu ‘‘Thiếu Khanh tự thiện đạo giác linh Thần vị’’, làng Thọ Vinh xem là bậc Tiên hiền lập bài vị thờ ở đình làng. Cụ Nguyễn Sỹ Mỡi2 đã phối hợp với Đề đốc quân vụ Phan Bá Niên (Đề Niên) cung cấp quân lương, xây dựng cơ sở, chiến đấu nhiều trận khiến giặc Pháp khiếp sợ.
Tiếp nối truyền thống cha ông, con cháu Nguyễn Sỹ đã tích cực tham gia hai cuộc kháng chiến, lập công xuất sắc: Liệt sỹ Nguyễn Sỹ Thiết, các thương bệnh binh: Nguyễn Sỹ Tiệp, Nguyễn Sỹ Trường, …. lớp cán bộ đảng viên thời kì đầu (1947) có Nguyễn Sỹ Hài, … Trong học tập, khoa cử là dòng họ có nhiều kỹ sư, bác sỹ, thầy giáo THPT, ….
3.8 Họ Nguyễn Ngọc
Sơ lược về dòng họ
Ông tổ là Nguyễn Ngọc Toàn từ Thanh Hoá vào đã 12 đời, họ có hai chi: Chi 1 thuộc trưởng tộc Nguyễn Ngọc Dưu; trưởng chi 2 Nguyễn Ngọc Hưu, nhà thờ ở xóm 18 có ba gian được trùng tu lại khang trang cổ kính, phả hệ được vẽ khúc chiết, đẹp.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có Nguyễn Ngọc Cửu (chánh Cận) làm chánh tổng từ (1910-1915), Nguyễn Ngọc Cận (bản Dưu) làm hương bản từ (19411945).
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, có Nguyễn Ngọc Trớc đảng viên, Nguyễn Ngọc Phơn là cán bộ hợp tác xã nhiều năm, ...
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có nhiều con em họ Nguyễn Ngọc xung trận lập công xuất sắc như: Nguyễn Ngọc Hoan, Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Ngọc Thung, ...
3.9 Họ Nguyễn Trần
Sơ lược về dòng họ
Họ Nguyễn Trần, ông tổ là Nguyễn Doãn từ Hoàng Hoá (Thanh Hoá) vào 10 đời. Cụ Nguyễn Doãn con nuôi họ Trần Đức, để tri ân người dưỡng dục, con cháu mang dòng họ Nguyễn Trần. Một thời gian sau con cháu gọi tắt là Trần. Trưởng tộc hiện nay là Nguyễn Trần Thanh, nhà thờ ở xóm 15.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, có cụ Nguyễn Trần Phương, chuyên trách cán bộ thuế tín dụng xã; Nguyễn Trần Hoàng kỹ sư nông nghiệp; Nguyễn Trần Hoá-kỹ sư cán bộ tổ chức Tổng cục địa chất; Trần Khâm-Chủ tịch xã, ...
3.10 Họ Nguyễn Văn (làng Quý Vinh)
Sơ lược về dòng họ
Ông tổ là Nguyễn Phù Tiên ở Diễn Hùng, Diễn Châu. Cụ là hậu duệ đời thứ 20 của Nguyễn Trãi. Nhị thế tổ là Nguyễn Bảo ra Quý Vinh gần 140 năm, trưởng tộc là Nguyễn Văn Tuyên, nhà thờ ở thôn 18.
Các danh nhân và truyền thống họ Nguyễn Văn
Dòng họ có Nguyễn Văn Tuyên-Thường vụ Đảng uỷ xã phụ trách tổ chức, sau được trên điều lên làm cán bộ tổ chức Huyện uỷ Quỳnh Lưu. Ngoài ra còn có các cựu giáo chức Nguyễn Đức Quý, Nguyễn Đức Dung, nhạc sỹ Nguyễn Đức Tiến, ... Cô Nguyễn Thị Sâm Hiệu trưởng trường tiểu học, Nguyễn Văn Thanh cán bộ UBND xã, ....
Ngày nay, con em dòng họ Nguyễn trên mọi miền Tổ quốc đang học tập, công tác trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hoá - giáo dục, tiếp nối truyền thống cha ông anh hùng bất khuất trong chiến tranh vệ quốc và giải phóng dân tộc, khoa cử sáng tạo, xứng đáng với các bậc tiền nhân.
4. Họ Bùi Đình
Sơ lược về dòng họ
Ông thuỷ tổ là Hiền Lâm (tự Phúc Đề) từ Nam Định vào đến nay đã 10 đời. Trưởng tộc là Bùi Đình Lan, nhà thờ họ ở xóm 15.
Theo Giáo sư Bùi Đình Nguyên công tác ở trường ĐHQG Hà Nội thì các họ Bùi ở Nghệ An là một.
Các danh nhân và truyền thống họ Bùi
Theo gia phả họ Bùi Đình ở Quỳnh Vinh có: Cụ Bùi Văn Uyển: Thượng thư bộ hình; Cụ Bùi Văn Cần được phong sắc trung kỵ uý chư quân; Cụ Bùi Sỹ Lâm được phong sắc trung quân đô đốc phủ; Cụ Bùi Sỹ Chiêu phong sắc chỉ huy sứ đông tư thuần mạnh hầu; Cụ Bùi Đình Chi là Trưởng Ban Bình dân học vụ, rồi Chủ tịch Mặt trận Việt Minh năm (1945-1946). Cụ Bùi Đình Sỹ (vợ là Nguyễn Thị Trơng Chủ tịch Hội phụ nữ Quỳnh Vinh) là trung uý đại đội trưởng vệ quốc quân, tham gia nhiều trận đánh trong chiến tranh vệ quốc hy sinh ở Điện Biên Phủ (24/02/1954). Cụ Bùi Đình Tuất-Chủ tịch UBND xã, PCT UBMTTQ xã; Thầy Bùi Đình Châu-Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường cấp 1 từ năm 1968, ... Trong công cuộc giải phóng dân tộc họ Bùi có hàng chục con em hy sinh trên khắp các chiến trường.
Tiếp nối truyền thống cha anh, con cháu họ Bùi Đình ở Quỳnh Vinh học hành đỗ đạt ngày càng nhiều, xuất hiện hàng trăm cử nhân trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Ngày nay, con em họ Bùi Đình trên mọi miền Tổ quốc đang công tác, học tập tiếp nối truyền thống cha ông anh hùng bất khuất trong chiến tranh vệ quốc và giải phóng dân tộc. Khoa cử sáng tạo thật xứng đáng với các bậc tiền nhân.
5. Họ Vũ Lê
Sơ lược về dòng họ
Trưởng tộc là Vũ Lê Phương xóm 19, ông tổ là Vũ Mạnh từ Vụ Bản - Nam Định vào đã được 14 đời (khoảng 360 năm) dòng họ di chuyển theo hướng Bắc Nam vào Quỳnh Lưu năm 1650 (vùng Quỳnh Xuân, nam ghi là Võ, nữ ghi là Vũ). Khi di chuyển về Quỳnh Lưu, ông tổ họ được người họ Lê ở Quỳnh Văn dưỡng dục trưởng thành, để ghi nhớ công ơn họ Lê nên gọi là Vũ Lê.
Các danh nhân và truyền thống họ Vũ Lê
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có Lý trưởng Vũ Lê Tuyển, là người đức độ, có trình độ kỹ thuật sản xuất nên đời sống gia đình khá giả, là lý trưởng có uy lực thương dân. Sau khi sửa sai, cụ được trả tự do về đời sống thường nhật phụ trách sản xuất ở vườn các cụ Đại Vinh, cụ hướng dẫn trồng khoai khoai tốt, trồng cà cà sai được tập thể các cụ yêu mến. Con cái và con rể của cụ đều là đảng viên.
Cụ Vũ Lê Lự làm hương bộ, do tổ chức Việt Minh bố trí để hoạt động, vào Đảng từ năm 1935 ở Chi bộ Thiện Kỵ - Quý Vinh, cụ là cán bộ tiền khởi nghĩa được công nhận thời kỳ đầu; Cụ Bản Nhượng trong hội đồng ngũ hương phụ trách thủ quỵ tài chính.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, lớp vệ quốc quân có ông: Vũ Lê Ngựu, Vũ Lê Bởn, Vũ Lê Nhương, ... Lớp giải phóng quân có: Vũ Lê Nhoạn, Vũ Lê Chính, Vũ Lê Thảo, Vũ Lê Mẫn, Vũ Lê Mãn, ... Có gia đình có một con trai cũng lên đường nhập ngũ và hy sinh liệt sỹ Vũ Lê Chinh. Có nhiều gia đình bốn thế hệ tham gia quân đội như gia đình cụ Vũ Lê Ngựu, ...
Nhiều con em là cán bộ chủ trì của xã như đồng chí: Vũ Lê Nhoạn-Bí thư, CTUBND xã; Vũ Lê Thảo-quyền Bí thư Đảng uỷ; Vũ Lê Mãn, cán bộ tổ chức Huyện uỷ; Vũ Lê Nhân-CT hội Nông dân; Vũ Lê Công-PCT UBND xã,... Thầy giáo Vũ Lê Thống là Phó Giám đốc sở giáo dục tỉnh Thanh Hoá,...
Tiếp nối truyền thống cha anh, con cháu họ Vũ Lê ở Quỳnh Vinh học hành đỗ đạt ngày càng nhiều, xuất hiện hàng trăm cử nhân trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Ngày nay con em họ Vũ Lê trên mọi miền Tổ quốc đang công tác, học tập tiếp nối truyền thống cha ông anh hùng bất khuất trong chiến tranh vệ quốc và giải phóng dân tộc. Khoa cử sáng tạo thật xứng đáng với các bậc tiền nhân.
6. Họ Hoàng
Sơ lược về dòng họ
Họ HoànG có 2 chi: Hoàng Đình và Hoàng Năng. Họ Hoàng Đình, trưởng tộc là Hoàng Đình Viễng, nhà thờ ở xóm 15. Gia phả không nói rõ từ đâu về, đã có 13 đời.
Họ Hoàng Năng, trưởng tộc là Hoàng Năng Hưng, nhà thờ ở xóm 15. Theo nhiều tài liệu cho biết thì tổ tiên xa xưa của họ Hoàng là người quận Giang Hạ, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Họ Hoàng sinh tụ ở nhiều nơi của đất nước, ở miền Nam gọi là họ Huỳnh.
Thế kỷ XIII, Hoàng Tá Thốn (được gọi là Sát Hải Đại Vương) ở làng Vạn Phần (Diễn Châu), ông là thuỷ tổ của dòng họ Hoàng ở Diễn Châu và Quỳnh Lưu.
Các danh nhân và truyền thống họ Hoàng
Là dòng họ đến sau so với các dòng họ khác ở Quỳnh Vinh nên công lao khai sơn, phá thạch, tham chính không phản ánh nhiều trong phả hệ.
Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, họ Hoàng Năng có cụ Nguyễn Thị Bường, vợ cụ Phó Thảo là bà mẹ Việt Nam anh hùng, có con duy nhất Hoàng Năng Phương là liệt sỹ.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, có cụ Hoàng Đình Trương là Bí thư Đảng bộ Quỳnh Vinh đầu tiên (1960-1961), sau đó làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã. Sau này cụ là đại biểu HĐND huyện, Trưởng phòng lương thực Quỳnh Lưu. Đại tá Hoàng Đình Tuất Giám đốc trại 3; thượng tá Hoàng Đình Sơn giáo viên trường Đại học lục quân 1; thiếu tá Hoàng Đình Hải Công an Nghệ An.
Tiếp nối truyền thống cha anh, con cháu họ Hoàng ở Quỳnh Vinh học hành đỗ đạt ngày càng nhiều, xuất hiện hàng trăm cử nhân trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Ngày nay, con em họ Hoàng trên mọi miền Tổ quốc đang công tác, học tập tiếp nối truyền thống cha ông anh hùng bất khuất trong chiến tranh vệ quốc và giải phóng dân tộc. Khoa cử sáng tạo thật xứng đáng với các bậc tiền nhân.
7. Họ Lý
Sơ lược về dòng họ
Ông tổ họ là Lý Xuân Trung từ xã Quỳnh Bá ra đến nay đã 6 đời, trưởng tộc hiện nay là Lý Xuân Tục, nhà thờ ở xóm 18.
Các danh nhân và truyền thống họ Lý
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 có: Cụ Lý Tiêu, Lý Tiệp thay nhau làm lý trưởng nhiều năm ở làng Quý Vinh.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, có Cụ Lý Xuân Nhãn là Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh, Trưởng trạm đón tiếp thương bệnh binh trên đường 559. Cụ từng tham gia các trận chiến ở Quỳnh Lưu, mũi trưởng trận đánh giặc năm 1949 tại Lạch Cờn – Hoàng Mai, phụ trách trung đội dân quân du kích Quỳnh Mai phối hợp với bộ đội chủ lực huyện tóm gọn toán biệt kích đổ bộ đường không xuống đồng Lách năm 1953. Sau chiến thắng cụ được mời báo cáo điển hình tại Quân khu 4.
Trong lễ đón nhận bằng Di tích lịch sử văn hoá đền Vưu năm 1992, cụ được Sở Văn hoá Nghệ An mời ngồi vào ghế đoàn Chủ tịch với tư cách là hậu duệ đời thứ 40 của Lý Nhật Quang vị Uy Minh Vương được thờ tại đền. Con cháu họ Lý có trung uý quân đội nhân dân Việt Nam Lý Xuân Tác; thạc sỹ Lý Xuân Thành, giáo viên trường CĐSP Cần Thơ,...
Tiếp nối truyền thống cha anh, con cháu họ Lý ở Quỳnh Vinh học hành đỗ đạt ngày càng nhiều, xuất hiện hàng trăm cử nhân trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Ngày nay, con em họ Lý trên mọi miền Tổ quốc đang công tác, học tập tiếp nối truyền thống cha ông anh hùng bất khuất trong chiến tranh vệ quốc và giải phóng dân tộc. Khoa cử sáng tạo thật xứng đáng với các bậc tiền nhân.
8. Họ Phạm Văn
Sơ lược về dòng họ
Ông tổ là Mạc Mậu Giang từ ngoài Bắc chuyển về. Tại Quỳnh Vinh trước đây có hai chi: Chi 1 trưởng tộc là Phạm Văn Lực, xóm 14; Chi 2 trưởng tộc là Phạm Văn Tăng, xóm 8. Gần đây 2 chi đã lần tìm nguồn ngốc, dựng lại phả hệ.
Theo Phạm Đăng Nhật ở Viện nghiên cứu Văn hoá dân gian Hà Nội: Thì tại nhà thờ họ Mạc Lều ở Nhị Khê Thường Tín có câu đối:
Tứ bách niên tiền chung phục thuỷ
Thập tam thế hậu dị nhi đồng
(Bốn trăm năm trước cuối cùng sẽ phục hoàn như ban đầu, mười ba đời sau từ chỗ khác nhau trở thành đồng nhất).
Họ Mạc ở Nghệ An đã sinh trưởng thành 38 chi rải rác ở 8 huyện: Thanh Chương, Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Diễn Châu và Quỳnh Lưu. Ở Quỳnh Lưu có các chi: Phạm Văn, Hồ Đăng, Bùi Thái,... Ở Quỳnh Vinh có Phạm Văn.
Các danh nhân và truyền thống họ Phạm Văn
Là dòng họ đến sau so với các dòng họ khác nên công lao khai sơn, phá thạch, tham chính không phản ánh trong phả hệ.
Lớp con cháu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 có cụ: Phạm Văn Xan-CT hội Nông dân; Cụ Phạm Văn Han- UV UBND xã; Cụ Phạm Văn Năm-cán bộ lâm nghiệp; Cụ Phạm Văn Thường-Trưởng trạm y tế; Cụ Phạm Văn Dưỡng-Hiệu trưởng THCS; Thầy Phạm Bân-giáo viên; Thiếu tá Phạm Đào, ...
Tiếp nối truyền thống cha anh, con cháu họ Phạm Văn ở Quỳnh Vinh học hành đỗ đạt ngày càng nhiều, xuất hiện hàng trăm cử nhân trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Ngày nay, con em họ Phạm Văn trên mọi miền Tổ quốc đang công tác, học tập tiếp nối truyền thống cha ông anh hùng bất khuất trong chiến tranh vệ quốc và giải phóng dân tộc. Khoa cử sáng tạo thật xứng đáng với các bậc tiền nhân.
9. Xứ Yên Hoà gồm các họ giáo (Yên Hoà, Quý Vinh, Dị Lễ, và Sơn Trang)
Vài nét sơ lược về họ Yên Hoà (nay là xóm 4 Quỳnh Vinh)
Từ năm 1968 về trước, họ giáo Yên Hoà thuộc xã Quỳnh Trang. Từ 24/4/1969, theo Quyết định 201 của Bộ Nội vụ: Yên Hoà nhập vào xã Quỳnh Vinh. Dân số năm 2011 là 147 hộ, 926 khẩu, bình quân 6 người/hộ, trong lúc đó bình quân toàn xã chưa đến 5 người/hộ. Cũng như các xứ họ khác ở Quỳnh Lưu, xứ Yên Hoà thuộc hạt Thuận Nghĩa.
Theo các tài liệu về tôn giáo: Thiên chúa giáo vào Việt Nam từ năm 1533 dưới triều đại vua Lê Trang Tông. Các giáo sỹ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đặt chân truyền giáo đầu tiên ở Bùi Chu Phát Diệm.
Ở Quỳnh Lưu vào khoảng năm 1805 giáo xứ ở Cầm Trường được thành lập gồm 32 họ, Yên Hoà là một trong số các họ giáo đó; Nhà thờ được xây dựng vào năm 1901
Các linh mục đã công tác ở Yên Hoà:
Linh mục Phao Lô Nguyễn Hoàng (1835-1909).
Linh mục Nguyễn Diệu sinh năm 1868, ở xứ từ 1909-1933
Linh mục Nguyễn Tân nhậm chức 1920, ở xứ từ 1933-1939
Linh mục Nguyễn Dy sinh năm 1882, nhậm chức 1921, ở xứ từ 1939-1949.
Linh mục Nguyễn Bang nhậm chức 1934, ở xứ từ 1949-1951
Linh mục Nguyễn Thụy nhậm chức 1936, ở xứ từ 1951-1954
Linh mục Nguyễn Chỉnh sinh năm 1918, nhậm chức 1951, phụ trách xứ
Linh mục Nguyễn Hậu nhậm chức 1932, phụ trách 1956-1958
Linh mục Hồ Đức Hoàn sinh năm 1923, nhậm chức 1957, phụ trách từ 1958-1961
Linh mục Nguyễn Hồng Thanh sinh năm 1929, phụ trách từ 1961-1967
Linh mục Lê Đình Phúc sinh năm 1937, nhậm chức 1967, phụ trách từ 1967-1971
Linh mục Nguyễn Khắc Thanh sinh năm 1936, phụ trách từ 197-1994
Linh mục Nguyễn Đình Thăng sinh năm 1964, nhậm chức 1994-2004.
Linh mục Phạm Ngọc Quang sinh năm 1972 nhậm chức 2004-2010.
Linh mục Đinh Văn Minh sinh năm 1976, nhậm chức 2010-nay
Năm 1964, nhà thờ Yên Hoà bị giặc Mỹ ném bom đỗ nát, năm 1987 nhân dân xóm 4 Yên Hoà xây dựng lại to đẹp như ngày nay.
Năm 1995-1996, khuôn viên được mở rộng, hệ thống tường xây bao quanh kiên cố, cây cảnh đẹp, phòng học giáo lý cao tầng thoáng mát, hệ thống loa đài chiếu sáng tốt, thánh đường lộng lẫy.
Họ giáo Yên Hoà trong cuộc chiến tranh cứu nước và bảo vệ Tổ quốc
Với nhận thức sâu sắc: "Không có gì quý hơn độc lập tự do và còn đế quốc Mỹ xâm lược, còn Nguỵ quyền Sài Gòn thì còn chiến tranh, chia cắt đất nước và còn đau thương tang tóc cho đồng bào do chúng gây nên".
Từ hàng giáo phẩm đến mọi người trong cộng đồng dân chúa đều thực hiện quyết tâm: "Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước không chịu làm nô lệ". Có 24 thanh niên đã lên đường nhập ngũ, 2 thanh niên xung phong, 15 dân công hoả tuyến. Trên khắp chiến trường họ đã góp phần cùng quân dân cả nước hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong trận chiến có ba liệt sỹ: Nguyễn Văn Hồ, Lê Xuân Lan, Hồ Minh. Có thương binh Hồ Đức Hiến đã để lại một phần xương máu, cơ thể mình nơi chiến trường, hiện về với đời thường là CCB xuất sắc của xã. 43 gia đình đã nhường nhà của mình cho bộ đội, TNXP ở và để hàng hoá sơ tán chờ vận chuyển vào Nam.
Các công chức thoát ly gồm các ông: Nguyễn Hữu Khiêu đảng viên, Huyện uỷ viên, đại biểu HĐND huyện Quỳnh Lưu; Nguyễn Hữu Kiều đảng viên; Nguyễn Văn Thể đảng viên, Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh. Các đảng viên kết nạp sau năm 1968 có: Nguyễn Văn Thống, Nguyễn Văn Xuân, Hồ Đức Hiến.
Cán bộ hoạt động ở địa phương gồm: Lê Văn Đình-UVBCH Hội Nông dân huyện; Nguyễn Văn Thống-UVUBND xã phụ trách thuỷ lợi từ 1993-2004; Nguyễn Văn Xuân-UV UBMTTQ xã, đại biểu HĐND xã; Nguyễn Văn Vân đại biểu HĐND xã, UV UBMTTQ xã. Nhiều con em họ giáoYên Hoà là cán bộ ở các cơ quan nhà nước, ở các công ty như: Hồ Văn Tình, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Diệu, Nguyễn Văn Sơn, Hồ Đức Thanh, Hồ Văn Cậy ...
Nhiều gương sáng về phục vụ nhân dân trong cuộc sống hàng ngày của các linh mục, giáo phẩm, nam nữ tu sỹ và của các giáo dân trong xóm. Điều đó được thể hiện rõ trong thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước và các cuộc vận động như: Đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, chăm sóc đời sống các gia đình thương binh liệt sỹ, giúp đỡ trẻ mồ côi cơ nhỡ, bệnh nhân phong, ... Đặc biệt là trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội, mại dâm, ma tuý, trộm cắp và lối sống trái với luân thường đạo lý Việt Nam và giới răn của đạo Thiên chúa.
Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã được xứ họ hưởng ứng có nhiều cá nhân, gia đình tiên tiến được UBND xã khen ngợi như: gia đình các ông Hồ Cậy, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Hoài, Nguyễn Hữu Khoa, ...
10. Họ giáo Vinh Lễ
Vài nét tổng quát
Họ giáo Vinh Lễ thuộc xứ hạt Thuận Nghĩa nay thuộc xứ Yên Hoà linh mục Quang quản xứ. Từ năm 1964 về trước, nhân dân họ giáo Vinh Lễ quần tụ xung quanh nhà thờ họ ở núi Nhà Thờ. Năm 1965, máy bay Mỹ đánh bom phá hoại, nhà thờ sụp đổ, nhà cửa nhân dân hư hại tan hoang.
Theo chủ trương của xã, họ giáo Vinh Lễ chuyển về ở xóm 3 bây giờ. Dân cư lúc đó khoảng 20 hộ, vài trăm khẩu. Nhà thờ hiện nay đã được xây dựng lại khang trang, khuôn viên thoáng đẹp đáp ứng nhu cầu thờ tự, cầu nguyện hành lễ của giáo họ.
Họ giáo Vinh Lễ trong cuộc chiến tranh cứu nước và bảo vệ đất nước
Thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ", nhân dân xứ đạo Vinh Lễ đã kề vai sát cánh cùng toàn dân tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc.
Tham gia vệ quốc có ông Lê Văn Hoá nhập ngũ năm 1953-1958, ông Nguyễn Văn Án nhập ngũ năm 1953-1958 đến 1960 tái ngũ tham gia các trận đánh ở Quảng Trị. Tham gia chiến tranh giải phóng có: Nguyễn Văn Ban, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Văn Hùng, Lê Văn Hướng, Hồ Đức Hiến, Nguyễn Kim Long. Đi dân công có Lê Văn Giám, Lê Văn Công, ...
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh Biên giới phía Bắc có: 12 bộ đội, 8 dân công hoả tuyến, nhà cửa của nhân dân hầu như cho nhà nước mượn để hàng hoá, lương thực cung cấp cho chiến trường.
Đội ngũ bám cơ sở hoạt động ở địa phương có ông Nguyễn Văn Ty, đảng viên từ năm 1964 sau chuyển về Quỳnh Thanh làm CT UBMTTQ xã. Ông Hoàng Đình Loan đảng viên từ năm 1958, là cán bộ Công an viên xã, xóm gần suốt cuộc đời. Ông Hoàng Đình Chính đảng viên từ năm 1967, làm nghề y trị bệnh cứu người được nhân dân yêu quý. Trong công cuộc xây dựng đời sống mới, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá do UBMTTQ đề xướng đã được họ giáo Vinh Lễ hưởng ứng mạnh mẽ. Nhiều gương sáng về làm ăn kinh tế giỏi như gia đình: Lê Văn Thành, Nguyễn Văn Bột, Nguyễn Văn Ban, Trần Tứ Sỹ,... Nhiều gia đình chăm lo cho việc học của con cái như gia đình ông: Lê Hữu Tài, Nguyễn Kim Long, ...
Nhìn lại tiến trình lịch sử, người công giáo họ Vinh Lễ đã có những đóng góp trong chiến tranh vệ quốc và giải phóng dân tộc.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, họ giáo đã và đang góp sức mình trong công cuộc xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Điều đó chứng tỏ sự hoà nhập, gắn bó với quê hương, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, theo đường hướng thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống phúc ấm giữa lòng dân tộc, kính chúa yêu nước”.
Như vậy trong quá trình tìm hiểu, với hơn 40 dòng họ ta thấy các họ tộc ở Quỳnh Vinh không tách biệt, đối lập với làng, các họ luôn tồn tại trong khuôn khổ của làng. Làng có nhiều dòng họ nhất là làng Thọ Vinh với 30 dòng họ, làng Quý Vinh với 10 dòng họ. Họ Lê có 17 dòng họ. Họ Lê ở Thọ Vinh và họ Lê Văn ở Quý Vinh đến từ khá sớm cách đây khoảng 600 năm.
Cả 40 dòng họ, đến trước hay đến sau đều có xu hướng chấn hưng, khởi sắc, ý thức trở về cội nguồn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc cùng chung sức xây dựng xóm làng quê hương ngày càng giàu đẹp. Các dòng họ đều có ý thức giữ gìn, phát huy, tái lập gia phả, tộc phả, liên kết các tộc phả của chi họ ở từng địa phương thành tộc phả của dòng họ trên phạm vi vùng, tỉnh, quốc gia như họ Nguyễn, Trần, Lê,...
Ngày nay, trong không khí hội nhập, giao lưu, giữa các dòng họ đã có mối quan hệ chặt chẽ, điều đó góp phần thúc đẩy nâng cao các giá trị, truyền thống và bản sắc văn hoá của thôn xóm, làng xã, quê hương.
Trong tương lai gần Quỳnh Vinh là xã văn hoá khi đó hơn 3000 hộ là gia đình văn hoá, hơn 40 dòng họ là dòng họ văn hoá. Vì mọi người Quỳnh Vinh dù ở nơi đâu, làm gì họ đều cùng chung mục tiêu: Xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh sao cho xứng đáng với truyền thống văn hoá của Thọ Vinh, Quý Vinh xưa.
CHƯƠNG II.
THIẾT CHẾ LÀNG XÃ, PHONG TỤC TẬP QUÁN
I. THIẾT CHẾ LÀNG XÃ
1. Tên gọi người đứng đầu xã qua các thời kỳ
Tổ chức nhà nước Văn Lang – Âu Lạc rất đơn giản, sơ khai, đứng đầu nhà nước Âu Lạc là các vua Hùng, giúp vua có các Lạc Tướng. Lạc Tướng đứng đầu các bộ, dưới bộ là các làng do già làng cai quản. Các gia phả dòng họ ở Quỳnh Vinh không thấy ghi tên già làng nào cả, dòng họ Lê ở Quỳnh Trang có ghi danh một số hậu duệ già làng, trưởng bản.
Đến đời nhà Lý năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, cả nước chia thành nhiều lộ, trấn do các hoàng tử (thời Lý), an phủ sứ (đời Trần, Hồ) cai quản. Đơn vị hành chính cơ sở là xã; thời Trần những người đứng đầu xã gọi là xã quan.
Đời hậu Lê, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, lãnh tụ tối cao của nghĩa quân Lam Sơn là Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Lê, khôi phục quốc hiệu Đại Việt. Năm 1460, khi đất nước cường thịnh, vua Lê Thánh Tông tiến hành cải cách hành chính cả nước được chia thành 13 đạo thừa tuyên. Dưới đạo là phủ, huyện, châu, .. Người đúng đầu xã là xã trưởng do dân bầu.
Cuối thế kỷ XVI, nhà nước phong kiến được xây dựng khá hoàn chỉnh với danh nghĩa thống trị toàn bộ đất nước, cả đàng ngoài được chia thành 12 trấn dưới trấn là phủ, huyện, châu, xã như cũ.
Sau khi đánh bại vương triều Tây Sơn, năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long lập ra nhà Nguyễn đóng đô ở Huế. Năm 1804, nhà Nguyễn đổi tên nước là Việt Nam sau đó đổi thành Đại Nam. Chính quyền Trung ương tổ chức theo thời Lê với sự gia tăng quyền lực của vua, cai quản cả nước, các trấn, dinh vẫn giữ như cũ.
Năm 1831-1832, Minh Mạng quyết định chia cả nước thành 30 tỉnh, một phủ Thừa Thiên, mỗi tỉnh có một tổng đốc cai quản. Các phủ, huyện, tổng, xã vẫn giữ như cũ. Đứng đầu xã là lý trưởng do dân bầu, một bộ luật mới được ban hành gọi là “Hoàng triều luật lệ” gồm 400 điều quy định việc bảo vệ nhà nước, tôn ti trật tự phong kiến từ Trung ương đến làng xã.
Những người được chọn bầu lý trưởng phải đủ các điều kiện kinh tế, giàu có, khoẻ mạnh, thông thạo quốc ngữ và hán học, làm việc ba năm trở lên được trừ phu phen tạp dịch, làm việc 9 năm được hưởng hàm bá hộ. Tất cả dân đinh có hộ tịch ở làng đều được dự bầu chánh, phó lý.
2. Thiết chế làng xã dưới triều Nguyễn
Hội đồng hào mục, gồm:
- Các quan viên chức sắc, chánh, phó tổng về hưu hoặc đương chức
- Hàng ngũ hương của làng sau ba năm đương chức không bị can án
- Hàng cửu phẩm, bát phẩm, thất phẩm (như Cửu Hiệng, Bát Đụa, Thất Ngoan, ...)
Đứng đầu hội đồng hào mục là người có phẩm hàm chức vụ cao nhất. Hội đồng hào mục có nhiệm vụ cố vấn cho những người đương chức.
Người đứng đầu làng xã
Là lý trưởng hoặc phó lý trưởng do dân bầu theo các tiêu chí nêu trên. Khi lý trưởng đột ngột từ trần, hay bị giáng chức mà chưa hết nhiệm kỳ thì cử phó lý lên thay gọi là quyền lý trưởng (cụ Quyền Yên, cụ Quyền Nghiêm làng Quý)
Hội đồng Ngũ hương
Giúp việc cho chánh phó lý trưởng gồm:
Hương bộ: coi ghi chép việc sinh, tử, giá thú, như Bộ Nhoan, Bộ Tự, Bộ Vang,...
Hương kiểm: coi việc an ninh, tuần phòng, hành chính, kiếm thú, như Kiểm Thuyệt, Kiểm Đoan, Kiểm Thi, ...
Hương bản: coi việc tài sản, công quỹ, như Bản Chất, Bản Dưu, ...
Hương mục: coi việc giao thông, thuỷ lợi, như Mục Miêng, ...
Hương dịch: coi việc tế lễ, như Dịch Ngựu
Người đứng đầu các xóm (gọi là giáp)
Giáp có vai trò thừa hành công vụ của hội đồng ngũ hương (Hào mục) như cắt cử khiêng đám ma, đám rước, đốc thúc thuế khoá, phu phen hoà giải trong phạm vi giáp như Giáp Dụ, Giáp Nhân, Giáp Mãn, Giáp Xinh, ...
Người giúp việc cho giáp là tuần phu. Tuần phu phụ trách bảo vệ an ninh, mùa màng, loan tin, phát phần lễ hội, ... như Tuần Diên, Tuần Trọn, Tuần Xan, Tuần Triều. Bọn trẻ nhỏ, dân chăn bò thuê thấy các tuần 1 tay cầm roi mây, một tay cầm rạ phát là sợ phát khiếp. Lo mà chăn dắt trâu bò, chớ có dại mà lo mót lúa, mót khoai, lạc để bò chạy rông làm hỏng hoa màu của nhân dân.
Hội đồng kỳ mục làng Thọ Vinh
Để phân biệt, tỏ lòng tôn kính trước đây nhân dân không gọi tên theo khai sinh mà chỉ gọi tên theo tên con.
Cựu lý: lý trưởng nhiệm kỳ trước hay nguyên là lý trưởng
Hội đồng kỳ mục làng Quý Vinh
Hệ thống quan lại, chức sắc từ chính quyền trung ương đến làng xã khá chặt chẽ, các chánh tổng, phó chánh tổng, lý trưởng, phó lý trưởng, ngũ hương,... phần lớn đều có học thức, đường bệ, phong độ. Từ năm 1930 về sau ta đều bố trí những người có thiện cảm với cách mạng vào giữ các chức vụ từ làng, xã đến tổng,...
II. PHONG TỤC TẬP QUÁN
1. Việc hiếu hỷ-phong tục thờ cúng
Việc hiếu hỷ
Việc hiếu:
Các cụ cao tuổi Quỳnh Vinh khá thông thạo cuốn sách "Thọ mai gia lễ" của Hồ Sỹ Tân viết năm 1725, cung cách bài bản, hơi rườm rà và được cải biên. Khi trong nhà có người lâm chung trình tự các bước là: Lễ khâm lượm, lễ nhập quan, lễ thành phục, lễ cúng cơm, lễ thổ thần. Con cháu có cơi trầu, hươu rượu xin xóm để cắt cử đưa tang. Các lễ này đều do anh em con cháu nội tộc đảm nhận, riêng khâm lượm, nhập quan con cái không được làm. Sau khi khâm lượm con cháu phải túc trực bên linh cữu. Tất cả các lễ đều do đại diện họ tộc chuẩn bị kể cả hiệu bụt. Sau đó là lễ truy điệu do ban lễ tang của giáp chuẩn bị được cử hành tại gia. Tiếp đến là lễ đưa tang, di quan về nghĩa địa.
Đoàn đưa tang theo thứ tự: Cờ tang, trướng điếu, minh tinh (cờ triệu) linh xa, nhà tang, phường trống kèn, rồi con cháu, thân hữu, xóm làng. Con cái thực hiện: Đi đưa về đón, đi thụt lùi, đội mũ rơm, áo sổ gấu, gắn tấm phục, cha mất chống gậy tre, mẹ mất chống gậy vông. Nhà giàu có bát âm chấp hiệu dẫn đường thưởng tiền cho đám khiêng qua đường dốc, hẽm, ...
Lễ hạ huyệt chọn giờ hoàng đạo
Lễ thiết lập bàn thờ: Lập ở gian tả hoặc hữu, ở gian giữa sau cát táng mới làm lễ xin phép gia tiên lập bàn thờ chung.
Tất cả những người tham gia đưa tang, sau lễ tưởng niệm ở phần mộ xong vẫn hàng ngũ chỉnh tề về gia chủ; với tốc độ nhanh hơn. Sau lễ tế ngu, tang chủ có chén rượu nhạt để tỏ lòng cảm ơn thân hữu, xóm làng. Tiếp đến lễ cúng ba ngày, 49 ngày, 100 ngày. Trong lễ cúng 100 ngày gia chủ đưa con bạch chôn ở phần mộ. Linh hồn từ đó không còn ở trên bàn thờ nữa mà đã nhập thể. Ngày nay, với tinh thần tùy gia, phong kiệm, các bước và việc cúng lễ có giảm lược đi để phù hợp với gia đình, lối sống mới. Việc hỷ (cưới hỏi)
Xưa kia trai gái đến tuổi yêu đương không được tự do tìm hiểu mà phải tuân theo sự sắp đặt của gia đình, cha mẹ theo cách thức: Môn đăng hộ đối, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, lấy vợ xem tông lấy chồng xem họ. Đó là các tiêu chuẩn chung nhưng phương châm là : “phải biết mình biết ta”, “bước xuống ba bước để chọn vợ, bước lên vài bước để tìm bạn”. Theo cách thức tiêu chuẩn đạt rồi, hai phía gia đình thông thuận sẽ tiến hành các thủ tục, các lễ: Lễ đi dạm hỏi (lễ rào ngõ), lễ bỏ trầu, lễ ăn hỏi, lễ xin cưới, lễ cưới. Có 5 lễ tất cả, trước mỗi lễ đều có gặp gỡ xã giao, ngõ ý giữa hai phía gia đình nam nữ, có sự đồng tình mới biện lễ.
Ngày đón dâu là ngày trọng đại nhất: Nhà trai làm cỗ bàn thịnh soạn đón họ gái cô dâu, người cầm hoa, người phù dâu, phù rể, người đại diện giao dâu, phát biểu phải được lưa chọn song toàn, hoạt bát, xã giao. Tiệc cưới thì thịnh soạn, mừng cưới chỉ giản đơn lít rượu, trầu cau, bạn hữu, anh em chú bác giúp đỡ nhau vật chất thì theo kiểu bác có việc chú giúp, chú có việc bác giúp lại. Sau lễ cưới 2 hoặc 3 ngày có lễ lại mặt, nhà trai soạn mâm cỗ đến nhà gái, hai phía gia đình trò chuyện, rút kinh nghiệm... Ngày nay, việc hiếu hỷ đã tinh giảm nhiều nhưng về mặt nghi lễ đại loại theo kiểu đó với đạo lý đẹp: yêu nhau chín bỏ làm mười tất cả vì hạnh phúc lứa đôi.
Phong tục thờ cúng
Người Quỳnh Vinh trọng lễ, trọng lễ thì ân nghĩa giữ phần quan trọng. Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình. Người con hiếu thảo phải biết ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ.
Khi ông bà cha mẹ còn sống, con cháu phải phụng dưỡng, đường ăn nết ở cho các cụ vừa lòng. Khi các cụ qua đời phải lo ma chay, chôn cất và thờ phụng như thờ cúng tổ tiên về trước. Thờ cúng tổ tiên phải lập bàn thờ tại nhà, cúng bái ngày mồng một, ngày rằm, giỗ, tết.
Có hai họ giáo, các gia đình tuy không lập bàn thờ cúng tổ tiên tại gia nhưng những ngày giỗ chạp họ vẫn làm cỗ cầu nguyện cho người đã khuất. Việc không có bàn thờ tổ tiên chỉ là việc chuyển đổi bàn thờ tổ tiên đến bàn thờ chúa, tức là vẫn có sự thờ cúng tổ tiên.
Dân ta có quan niệm “Kính như tại” coi vong hồn gia tiên luôn ở gần mình. Người sống như được tiếp xúc với giới vô hình qua việc cầu cúng, lễ bái. Khi có biến cố lớn, gia chủ đều khấn vái gia tiên trước là giãi bày, sau là xin phù hộ độ trì, như: Vợ sinh con trai, con chẵn tháng, con cái đi thi, con cái thi đỗ, dựng vợ cho con trai, cho con gái về nhà chồng, xây nhà mới, phong chức tước phẩm hàm, ... Con cháu đều sắm lễ cúng vái tổ tiên không chỉ việc vui, cả việc buồn để cho tiên tổ phù trợ cho tai qua nạn khỏi.
Ngày giỗ: Là ngày tưởng nhớ ngày người chết qua đời, còn gọi là ngày kỵ. Ngày giỗ là làm cỗ bàn mời thân bằng, quyến thuộc. Những gia đình khó khăn thì “lễ bạc lòng thành” chỉ hương, đăng, trà, tửu, đĩa xôi, cân thịt, ... để khỏi bỏ giỗ.
Trong ngày giỗ có phân biệt giỗ đầu, giỗ hết khó, và có nhiều tên gọi về ngày giỗ.
Ngày giỗ đầu gọi là tiểu tường
Ngày giỗ hết khó gọi là đại tường
Ngày giỗ thường từ năm thứ ba trở đi
Ngày giỗ sau lễ cát táng gọi là cát kỵ
Ngày giỗ cát táng sau ba năm (24 tháng + 3 tháng) là có thể cát táng.
Trước khi cúng giỗ, chủ sự phải làm lễ cáo yết Thổ Công, Ông Bếp, được phép Thổ Công hương hồn người chết mới được về nhà hưởng giỗ. Khấn giỗ ngoài việc khấn mời hương hồn người được cúng giỗ, còn phải mời hương hồn nội ngoại gia tiên về dự giỗ với quan niệm: “âm dương đồng nhất lý”.
2. Lễ Tết và lễ hội
Lễ Tết
Tết nguyên đán: Chiều 30 tết cúng mời tiên tổ, ông bà và cúng tết trong ba ngày (mồng 1, mồng 2 và mồng 3) chiều mồng 3 làm lễ tắt nhang tiễn ông bà tiên tổ.
Tết thượng nguyên: 15 tháng giêng (âm lịch)
Tết đoan ngọ: mồng 5 tháng 5 (âm lịch)
Tết trung nguyên: rằm tháng bảy (âm lịch)
Trong đó có hai cái tết con cái phải tết ông bà cha mẹ là ngày 05/5 và tết nguyên đán, thường gọi là mồng năm ngày tết.
Lễ hội
Ngoài bốn cái tết lớn, còn có hai lễ: Lễ hạ nêu (7/1 âm lịch): Cả năm được Rằm tháng Bảy, cả thảy được rằm tháng giêng. Báo hiệu kết thúc tết, ngày lao động sản xuất bắt đầu, thường kết hợp với yết lão mừng thọ.
Lễ tiễn Ông Công, Ông Táo về trời: Vào ngày 23/12 âm lịch.
Hội làng
Hội làng có hai phần: Phần lễ và phần hội
Hội làng Thọ Vinh, Quý Vinh mỗi năm một lần vào 18 tháng 5 hoặc tiết thanh minh ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch. Ban lễ nghi dưới sự chỉ đạo của hương dịch tổ chức biện lễ, chủ tế, bồi tế, độc thư, xướng lễ tuyển chọn từ ban lễ nghi phải là người tinh anh, không chịu tang khó, song tuyền, chữ tốt, văn hay, đọc thư phải chọn giọng đọc âm vang trầm hùng, ...
Phần lễ gồm có: Lễ cúng thành hoàng (vị thần khai phá đầu tiên của làng) phù hộ độ trì cho đình, đền, miếu mạo không bị ngoại lực công phá, quốc thái dân an, kinh tế phát triển, mưa gió thuận hoà. Những người có công với dân với làng cũng được tôn làm thành hoàng. Các vị tiên hiền của các dòng họ lớn đến sớm: khai sơn phá thạch xây dựng xóm làng được tôn là công thần khai làng mở ấp.
Phần hội gồm có: Rước thần thành hoàng từ thượng đường lên kiệu: Bên tả là thanh niên sinh năm rồng (thìn), bên hữu là thanh niên sinh năm hổ (dần). Theo sau là bốn kiệu của bốn giáp (Đông, Đoài, Phú, Quý) và đội xinh tiền, bát âm. Nghĩa trượng đi trước tất cả đi một vòng quanh làng, đôi rước thuyền xuất phát từ bến đò Chiền. Tất cả gặp nhau tại Đền Vưu rồi trở về đình làng. Nhân dân quần áo lễ chỉnh tề đứng hai bên vẫy chào đoàn rước và nghênh thần.
Buổi chiều tiếp tục phần hội, với các trò chơi dân gian. Vui nhất là cờ tướng, thẻ do người cầm quân: Quân xanh do người mặc áo xanh, quân đỏ do người mặc áo đỏ, có lĩnh xướng, trống nhỏ dồn. Buổi tối với các tiết mục văn nghệ nơi sân đình như tuồng, chèo thu hút đông đảo người xem, vỡ diễn hay nhất là của các giáp Phú, Quý.
3. Các lễ chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Theo các tài liệu lịch sử và gia phả các dòng họ để lại thì tuổi thọ trung bình trước 1945 của người Việt Nam khoảng 45 tuổi.
Cổ nhân nói:
Tam thập nhi lập
Tứ thập bất nhi hoặc
Ngũ thập tri thiên mệnh
Lục thập như nhị thính
Thất thập tòng tâm, sở dục nhi bất du cũ
Đúng là 50 tuổi đã biết mệnh hệ của mình rồi, 70 tuổi đã là xưa nay hiếm, nên quy định tuổi thọ các làng của xã Quỳnh Vinh có khác các vùng miền: Tuổi 56 là lên lão, được miễn thuế thân, không phải đóng góp, gánh vác việc làng, tuổi 66 là lên trung, tuổi 76 là lên thượng, từ 77 tuổi trở lên là thượng thượng thọ.
Yết lão và mừng thọ: Đầu xuân mới các làng thường tổ chức mừng thọ cho các cụ lên trung lên thượng và thượng thượng thọ. Các cụ trên trăm tuổi được vua tặng quà, các cụ trên 90 được tổng phủ tặng quà, các cụ 66-76 tuổi được làng tặng áo đỏ, áo vàng. Đây là một thuần phong mỹ tục đẹp biểu hiện truyền thống: kính lão đắc thọ. Trong lễ mừng thọ sau khai mạc của ban tổ chức là chúc thư của lý trưởng, hương dịch và các giáp là liên hoan văn nghệ tại gian tả của đình làng. Sau đó các cụ được con cháu, ban tổ chức đưa về tận nhà mang theo quà mừng thọ.
4. Khuyến học, khuyến tài
Từ xa xưa, người Quỳnh Vinh đã chăm lo việc học cho con cháu với nhận thức: “Nhân bất học, bất tri lý”, và mong muốn cho con cháu chăm học, tu dưỡng phẩm hạnh, nhân cách: Nghèo chữ quá nên trọng người hay chữ
Bóp bụng nuôi con thành ông cử ông nghè
Sáu mươi tuổi mẹ lội bùn cấy hái
Ông cử áo dài, ông cử sống ly quê...
Những người đi học được dân làng quý trọng: Tuổi thành niên gọi là anh mới, đi học mới gọi là nhiêu học. Đi thi hương gọi là thầy nho, thầy khoá. Nhiêu học được miễn phu phen, tạp dịch. Xuân thu nhị kỳ được dự lễ với các bậc khoa bảng trong hội văn. Và được mời dự các ngày lễ của làng ngồi chiếu quan trọng ở đình làng. Làng có để một số ruộng để tặng những người đậu tú tài trở lên gọi là ruộng học điền. Họ Trần, họ Vũ, họ Lê đã trích một phần ruộng hương hoả để ban tặng cho con cháu đỗ đạt. Những người đỗ tú tài, cử nhân trở lên được làng đón rước trọng thể. Những người được phong tặng hàm, sắc: lục phẩm, thất phẩm, cửu phẩm được làng mừng tặng và ăn khao. Những người đỗ tú tài, cử nhân trở lên được khắc vào bia đá đặt ở nhà văn thánh, lúc qua đời được hội đồng kỳ mục, hội đồng ngũ hương, quan viên chức sắc làm lễ truy điệu, tống táng, có câu đối, trướng điếu, tiền bạc phúng viếng.
Nhờ có những chính sách khuyến khích, cổ vũ việc học mà con em Quỳnh Vinh xưa và nay đều thi đua học hành, tu nghiệp làm rạng danh cho gia đình, dòng họ và quê hương.
III. HỆ THỐNG ĐÌNH, ĐỀN, CHÙA VÀ NHÀ VĂN THÁNH
1. Đình làng Thọ Vinh.
Đình trong phạm vi làng là nơi mở hội làng, nơi tụ hội “xuân thu nhị kỳ”, nơi xử kiện, thu thuế, hội họp... Trong khuôn viên đình làng, đời sống tín ngưỡng hoà nhập với cuộc sống trần thế. Ở đây mọi người chỉ được hướng mặt lên bàn thờ, khi ra sân chỉ được đi giật lùi, khi nói phải quỳ, mắt nhìn bài vị thành hoàng với niềm tin “kính như tại”. Trung tâm văn hoá làng cũng chính là sân đình nơi diễn ra: tuồng, chèo, cờ người.
Đình làng Thọ Vinh toạ lạc trên khuôn viên 0,5 hécta, xây dựng hoàn chỉnh lần hai vào đầu thế kỷ XVII. Vị trí địa lý theo thuyết phong thuỷ thật tuyệt vời. Đình tựa lưng vào núi Nhọn, núi Mồng Gà, phía trái là dãy núi đá vôi, phía phải là núi Đồng Đo. Trước mặt núi Sứ và sông Hoàng Mai. Đúng là tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chẩm, hậu trùng sơn.
Đình trong, ba gian là nơi thờ tự có cửa đóng mở.
Đình ngoài, ba gian, gỗ trường 10 (4m), đường kính khoát thước (0,4 m), toàn bằng gỗ táu.
Phía Tây là nhà Ông: Ba gian có thượng đường, hạ đường, thượng đường là nơi đặt bài vị, đồ tế khí.
Phía Đông là nhà Lé: Ba vì hai đốc bốn gian hoàn toàn bằng gỗ lim thượng xông, hạ bẩy thanh gươm. Đây là nơi làm việc của các chức sắc trong làng.
Đền thờ: Bàn cảnh thái giám, Khuông Đức Công sắc phong: Dực bảo trung hưng linh phù đôn ngưng tôn thần. Các vị tiên hiền của những dòng họ lớn đến làng Thọ Vinh sớm góp phần khai sơn phá thạch, xây dựng thôn ấp; các nhân thần có công với làng như ông Nguyễn Sỹ Hiền (1740-1767) được vua Lê Hiến Tông phong tước hiệu Thiếu khanh tự thiên đạo giác linh thần vị vì có sớ tâu hợp lý, hợp tình. Trên ba gian xà của tiền đường có ba bức đại tự sơn son thiếp vàng, các bức đại tự ghi như sau:
Bức đại tự gian giữa ghi: “Quang Tiền Dư Hậu” (làm rạng rỡ đời trước, nêu gương sáng đời sau)
Bức đại tự gian tả ghi: “Ca Tụ Ư Tư” (múa hát cũng ở đây)
Bức đại tự gian hữu ghi: “Thiên Thọ Bình Cách” (tính cách người làng Thọ rất cao thượng)
Tương truyền vào thế kỷ XIX, sau tiếng súng của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp, phong trào khởi nghĩa của nông dân nổ ra sôi nổi. Thủ lĩnh Phan Bá Niên (Đề Niên) (1883-1885) đã lấy đình Thọ Vinh, Quý Vinh làm nơi tập hợp nghĩa quân, huấn luyện binh sỹ.
Phong trào dân sinh, dân quyền, dân chủ và phong trào đoàn thanh niên Phan Anh đều lấy đình làng Thọ, làng Quý làm trụ sở bí mật, họp kín bàn kế hoạch hoạt động cho các tổ chức này.
Tháng 8/1945, sau tiếng trống làng vang dội dòng người từ 5 xóm (Đông, Đoài, Phú, Quý, Yên Lộc) đã mang theo băng cờ, khẩu hiệu để mít tinh biểu tình và giành chính quyền về tay nhân dân ngày 18/8/1945. Sau đó buộc Lý trưởng cuối cùng của chế độ phong kiến Lê Thạc Khơn mang theo ấn tín, sổ sách nộp lại cho chính quyền cách mạng. Từ năm 1955 đến năm 1969, đây là trường cấp 1 Quỳnh Vinh. Sân đình cũng là nơi diễn ra nhiều buổi liên hoan văn nghệ giao lưu giữa Khoa Vật lý ĐHSP Vinh với thanh niên địa phương Quỳnh Vinh những năm (1969-1972).
2. Đình làng Quý Vinh (Đình Kẻ Trấu)
Đình được xây dựng đồng thời với đình Thọ Vinh, khuôn viên của đình khoảng 2000m2. Đình có thượng đường và hạ đường. Thượng đường là nơi đặt bàn thờ, bài vị, đồ tế khí. Từ ngoài vào, cổng đình có hai trụ cao tả hữu là hai cổng phụ trên đỉnh cổng là hai con nghê chầu, hai bên cổng phụ là hai con ngựa chiến, đình lợp bằng ngói vảy, trên đỉnh mái ngói là hình tượng hai con rồng chầu.
Đình là nơi tế lễ, hội họp của làng. Những năm 1944-1945, đây là nơi tập luyện của dân quân du kích, dưới sự hướng dẫn của uỷ viên quân sự xã. Là nơi họp bí mật để thành lập Chi bộ Quý Vinh - Thiện Kỵ. Năm 1946, đình là nơi diễn ra Đại hội Chi bộ lần hai do đồng chí Phạm Ngọc Nhơ-Bí thư Chi bộ chủ trì.
Ngày 18/8/1945, dưới sự lãnh đạo của uỷ ban khởi nghĩa Tổng Hoàng Mai và lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thủ lĩnh xã là ông Văn Đức Viêm - phụ trách Việt Minh cùng hai dân quân du kích tự vệ là: Lê Văn Thung và Nguyễn Công Sơng vượt sông Hoàng Mai qua nhà Lý trưởng Lê Công Đôn (Lý Giảng) đọc lệnh giao nộp ấn tín, sổ sách cho chính quyền cách mạng. Sau lễ bàn giao, quần chúng rầm rộ kéo về đình nghe hiệu triệu của Việt Minh. Đình Quý Vinh một lần nữa chứng kiến sự kiện chính trị quan trọng.
3. Chùa Đồng Bạc.
Quỳnh Vinh có hai chùa: Chùa Đồng Bạc ở làng Thọ Vinh và chùa Trin ở làng Quý Vinh. Cả hai chùa đều không có sư, sãi; chùa có tượng Phật, điều lạ là chùa thờ Phật mà lại có cả tượng Lão Tử (Thái thượng lão quân) nhà tư tưởng vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc, dân gian coi Lão Tử tượng trưng cho sự trường thọ. Đó là biểu hiện của tư tưởng tam giáo đồng nguyên, mà ở đây nho giáo được đặt lên hàng đầu. Nho giáo được tôn sùng thuộc phạm trù đạo đức nhưng không trở thành tôn giáo.
4. Chùa Trin.
Được xây dựng trên đồng Trin thuộc làng Quý Vinh (xóm 21 bây giờ) cũng giống như chùa Đồng Bạc là chùa thờ Phật và Thái thượng lão quân, kiến trúc theo kiểu chùa Đồng Bạc. Tương truyền khi xây dựng chùa, làng đều cử những người có hiểu biết có kiến thức về Nho giáo, Phật giáo tham quan các đình đền có kiến trúc đẹp và mời thầy địa lý giỏi về giúp xác định vị trí, hướng xây dựng chùa.
5. Đền Vưu.
Trên cột quân của đền có khắc mấy dòng chữ Hán: “Chính hoà nhị thập nhất niên, thập nhị nguyệt, thập lục nhật, nhị thôn” (Thọ Vinh và Quý Vinh) phát mộc khởi.
“Tân Tỵ niên, chính nguyệt, tam thập nhật hoàn thành. Tạm dịch là: Năm Chính Hoà thứ 21 ngày 16 tháng 12 hai thôn (Thọ Vinh và Quý Vinh) phát mộc khởi công xây dựng, ngày 30 tháng 01 năm 1701 (Tân Tỵ) hoàn thành. Qua đối chiếu với năm dương lịch trong niên biểu Việt Nam ta biết được: Đền Vưu do hai làng Thọ Vinh và Quý Vinh góp công sức, tiền của xây dựng vào cuối thế kỷ XVII (năm 1699) và hoàn thành năm 1701.
Tổng thể kiến trúc của di tích bao gồm ba toà nhà lập thành Nghi môn – Bái Đường – Hậu Cung mặt bằng bố trí theo kiểu chữ @ (tam toà). Cách bố trí tạo cho không gian nội thất của đền có chiều sâu gợi cảm giác thâm nghiêm, tôn kính. Nghệ thuật kiến trúc và kỹ thuật xây dựng cao được phản ánh khá rõ nét ở di tích. Việc bố trí mặt bằng xây dựng, vị trí (trên đường thiên lý Bắc Nam thời Lê), hướng di tích, chứng tỏ ông cha ta rất thông tuệ về phong thuỷ, ...
Ngôi đền cổ kính, mái ngói đỏ hồng, phủ rêu xanh theo thời gian, các hoạ tiết điêu khắc chạm trổ tinh vi, nét cong của mái chuyền với dáng rồng bay, đêm ngày soi bóng bên dòng Mai Giang, hẳn làm cho con cháu dẫu đi xa và khách thập phương đã một lần thăm viếng đều không thể nào quên được. Đền Vưu – Sông Mai – kiến trúc và thiên nhiên hoà nguyện vào nhau tạo cho quê hương Quỳnh Vinh một danh lam thắng cảnh đến say lòng người.
Năm 1992, Đền Vưu được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp bằng di tích lịch sử văn hoá kiến trúc nghệ thuật. Đảng uỷ, UBND, UBMTTQ, nhân dân xã Quỳnh Vinh tổ chức đón nhận bằng vào ngày 28/3 năm Bính Tý.
Kể từ khi xây dựng đến nay đã hơn ba trăm năm, di tích đã qua nhiều lần tu sữa. Trên xà ngang của hậu cung ghi lại 1 lần sửa: “Tự Đức nhị thập tứ niên, tuế tại tân vị thập nguyệt thốn cải tạo” nhưng tổng thể kiến trúc thay đổi không đáng kể. Đây là một trong hai công trình kiến trúc, lịch sử có giá trị của thời Lê còn giữ được trên đất Quỳnh Vinh xứ Nghệ thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và các vị thần được thờ tại Đền Vưu
Theo thần phả sắc phong và bài vị hiện còn ở đền ta biết đền thờ các vị:
Uy Minh Vương Lý Nhật Quang
Đông Chính Vương Lý Nhật Lực
Dực Thánh Vương (thần phả không ghi tên huý)
Lý Nhật Quang là con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, ngay từ nhỏ người tỏ ra thông minh, hiếu học, thích văn thơ, ưu thời mẫn thế. Đến tuổi thành niên, người đã cùng cha và các anh gánh vác việc triều đình, giữa chốn triều trung, ông tỏ ra lỗi lạc góp nhiều ý hay, kế giỏi, vua cha quý mến và phong tước Uy Minh Hầu – Lý Nhật Quang.
Năm Đinh Mão 1027, Lý Thái Tổ băng hà nhường ngôi cho con là Lý Thái Tông. Năm 1028, Lý Thái Tông lên ngôi, thấy tài đức của Lý Nhật Quang và vị trí chiến lược của vùng đất viễn trấn. Tháng 11 năm Tân Tỵ 1041, Lý Thái Tông xuống chiếu phong Lý Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An.
Năm 1044, Lý Thái Tông thân chinh ra trận đánh quân Chiêm xâm lược bờ cõi phía Nam Đại Việt. Lý Nhật Quang được giao trách nhiệm về việc quân lương, ông đã cho dựng nhiều đồn trại, kho lương dọc đường hành quân của nhà vua và trong một lần xung trận cùng nhà vua chính ông đã chém đầu Sa Đẩu vua Chiêm xâm lược Đại Việt.
Uy minh Hầu Lý Nhật Quang là một người văn võ song toàn, kinh bang tế thế, thạo chính sự, hết sức quan tâm đến đời sống nhân dân, đề ra các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế, thi hành nghiêm lệnh vua: “không được lấy của dân, ai lấy sẽ bị xử phạt trăm trượng”
Sự nghiệp mở mang, giữ yên bờ cõi, phát triển kinh tế, bảo vệ giang sơn đất nước của ông mãi mãi là tấm gương sáng cho muôn đời sau. Để tưởng nhớ công ơn của ông cùng với truyền thống hiếu nghĩa tri ân của các bậc tiền nhân, nhân dân Quỳnh Vinh đã lập đền thờ ông, ngàn năm chiêm bái khói hương.
Ngoài ba vị thần được thờ tại đền Vưu nói trên, do thời gian, do chiến tranh tàn phá, đình Thọ Vinh, Quý Vinh, chùa Đồng Bạc, Đồng Trin, đền Nhà Bà, các đình xóm đều bị tàn phá, trong tình thế đó, với truyền thống hiếu nghĩa và tấm lòng “ẩm thực tư nguyên”. Ban lễ nghi thời 1959-1960 là các cụ Thênh Vành họ Lê Thạc, cụ Lộc Vanh họ Nguyễn Đình và năm 1970-1980 cụ Trần Ngoạn đã biện lễ cúng trời đất, thánh thần, khất ba đài âm dương đều đồng thuận và cho phép hợp tự các chư vị thánh linh về Đền Vưu.
6. Nhà văn thánh – văn miếu (nhân dân thường gọi là nhà thánh)
Nhà thánh làng Thọ Vinh thờ Khổng Tử, Mạnh Tử và thất thập nhị hiền.
Đức Khổng Tử (551- 479 TCN), cách chúng ta 25 thế kỷ đã được các tầng lớp đế vương và nho gia phương Đông tôn là vạn thế sư biểu (gương sáng về người thầy muôn đời). Nhà văn thánh được xây dựng năm 1769 (Kỷ Sửu) thời Lê Cảnh Hưng. Trên khâu đầu thượng đường có khắc dòng chữ: “Kỷ sửu niên, nhị nguyệt sóc nhật dị lập”. Nhà văn thánh có cấu trúc chữ tam (tam toà). Thượng đường có tượng Khổng Tử, hai bên cột quân có hai câu đối khảm xà cừ còn nguyên vẹn. Câu đối phía tả là:
Thiên hồi thời hành bách vật sinh
(Vận hội đến vạn vật sinh trưởng)
Câu đối phía hữu là: Nhân tâm cường chính cữu thọ hoan
(Lòng người trung chính hạnh phúc muôn đời)
Trung đường là nhà hai vì, thượng xông hạ bẩy thanh gươm, trên xà ngang có bức đại tự: Văn hiến sở tại (đây là đất văn hiến). Khi tế lễ xong đây là nơi cao đàm khoát luận của các bậc văn nhân khoa cử và chức sắc của làng (ít nhất từ nhiêu học trở lên mới được chọn tuyển vào hội văn thánh). Những tú tài bán phần: cụ Bỉnh Tân, Lê Sỹ Thiềm, Trần Dục cũng đã một vài lần tham gia tế lễ và đàm đạo văn chương thời thế.
Một số hội viên hội văn thánh còn sống tại thời điểm năm 2011, thì nhớ được nhà văn thánh làng Thọ Vinh, còn phần lớn nhân dân chỉ biết tên vùng đất nhà thánh. Nhà thánh lúc đầu được xây dựng ở núi Thông nhìn xuống dòng sông Thơm xanh mát và xa nữa qua cánh đồng làng Thọ. Có lẽ việc đi lại, giao lưu tế lễ không thuận tiện, làng đã di chuyển về đồng Cồn Cổng bây giờ.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng hoá giá bán cho cụ Trần Nghiện thượng đường, nết nhà, câu đối, bức đại tự và bậc đá xanh tam cấp còn nguyên vẹn. Hạ đường toàn gỗ lim bán cho cụ Sinh (Quỳnh Lập khung nhà còn nguyên vẹn). Bái đường bán cho xã Quỳnh Dỵ làm trường học (không còn dấu tích nữa)
Chiếc khanh đá với hoa văn đẹp với Văn Thọ
Năm 1844 (Giáp thìn) Thiệu Trị (1841-1847)
Và với ký khải:
Trong lịch sử phát triển văn hoá giáo dục, thời nhà Nguyễn chủ trương độc tôn nho giáo, tín ngưỡng dân gian tiếp tục phát triển. Đình làng, đền thờ, chùa chiền mọc lên ở khắp xóm làng...
Bức đại tự, câu đối, nhà thượng đường, hạ đường, khanh đá có văn thọ, ký khải kể cả bậc đá tam cấp còn nguyên vẹn, ngót 242 năm tồn tại (1769-2011) với sự nguyên vẹn của nó. Nhà văn thánh là yếu tố cần thiết cho đời sống tinh thần xã nhà và cũng là một công trình văn hoá đặc sắc điểm xuyết vào phong cảnh nơi trấn thành đô hội tương lai, ... của một vùng cư dân nổi tiếng văn hiến lâu đời.
Từ di tích lịch sử văn hoá đền Bình An, chùa Bình An, theo tả ngạn Mai Giang đến di tích lịch sử văn hoá quốc gia Đền Vưu, đến đình Thọ Vinh, Đình Quý Vinh qua nhà văn thánh Thọ Vinh được phục dựng; đài tưởng niệm liệt sỹ Quỳnh Vinh tới nhà thờ xứ đạo Yên Hoà, khu du lịch sinh thái đầu nguồn Vực Mấu sẽ là những điạ danh du lịch gắn với văn hoá tâm linh của du khách gần xa.
IV. TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
1. Quỳnh Vinh là đất văn vật
Các di sản văn hoá vật thể tồn tại thật đáng tự hào: Nhà Văn Thánh, đình làng Thọ Vinh, đình làng Quý Vinh, chùa Đồng Bạc, chùa Trin, đền Nhà Bà, đền Vưu và các nhà thờ họ Lê, Nguyễn, Trần, Vũ có kiến trúc đẹp, uy nghi.
Có thể nói đó là những công trình văn hoá tâm linh đặc sắc, thể hiện tính nhân bản, nhân văn, lòng hiếu nghĩa và truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân.
2. Truyền thống văn hoá quý trọng hiền tài, tình nghĩa, thuỷ chung
Từ thời Lê Trung Hưng, nhân dân đã cử người có học vấn tìm hiểu Văn miếu Quốc tử giám, trường đại học đầu tiên của nước ta với nhận thức: Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp.
Nhìn vào đội ngũ kỳ hào, hội đồng hương mục qua các thời kỳ ta thấy việc tôn vinh người có kinh nghiệm, tuyển chọn chánh phó lý, ngũ hương của làng rất thận trọng từ tài năng, đức độ, phong độ đến việc ứng xử linh hoạt như: chánh Thanh, chánh Cận, cựu Phơng, cựu Tưu, cựu Thức, cựu Khương, cựu Đượu, cựu Hiệu, cựu Khế, lý Hoè, lý Đôn, ... phó Kỷ, phó Lơn, phó Việng, phó Thiêm, ... bộ Tự, bộ Nhoan, bản Chất,...
Cơ cấu hành chính làng xã đảm trách rất tốt công tác theo quy định ví dụ: việc tế lễ làng, việc giao thông thuỷ lợi, việc tuần tra canh phòng rất nghiêm ngặt…
Trên đường thiên lý Bắc - Nam, đoạn qua Rú Chùa, Đồi Đất về chợ Chiền năm 1945, người chết đói la liệt. Được sự hướng dẫn của chánh phó lý, các giáp, tuần phu, nhân dân đã chôn cất chu đáo, ghi chép ngày mất, nhận dạng, báo tin cho người nhà tỉnh bạn sau này tìm hài cốt, tri ân muôn thủa.
3. Ứng biến trong tín ngưỡng, tâm linh
Tìm hiểu phong tục thờ cúng, quan niệm thờ cúng, nghi thức cúng, cáo gia tiên, đồ tế lễ, thờ phụng trong ngày tết. Cách lập bàn thờ: tổ tiên, bàn thờ họ, bàn thờ người mới chết. Các hoành phi, câu đối, bức đại tự… đều thể hiện sự thành tâm, tín ngưỡng của con cháu, nhưng cũng rất ứng biến linh hoạt. Không chỉ lo mâm cao cỗ đầy mà cốt: “lễ bạc lòng thành” tri ân tiên tổ, ông bà, cha mẹ với ý thức: “Tổ tiên có trước rồi sau có mình”
Việc hiếu hỷ, tang ma rất chu đáo, khoa học, bài bản, ứng biến và cụ thể, trở thành văn hoá nghi lễ, “luật bất thành văn”.
Trong gia tộc có người mất ai được gọi là đại tang, thời gian để tang cho mọi đối tượng (chồng cô, vợ cậu, nhông dì cả ba người ấy chết thì không tang). Và có thể được mang thai sinh con khi phải chịu đại tang, ... Người chết từ 23 tháng chạp trở đi thì không phải chọn giờ ngày nữa vì các thần đều đã bận công tác khác ở thiên đình. Người bị bệnh tật truyền nhiễm chết là nhập lượm ngay để chôn cất không để trong nhà quá 24 giờ, dưới hòm là các đoạn cây chuối hột hút tà khí. Đối chiếu quy ước văn hoá ngày nay, ta thấy có nhiều việc giao thoa tương đồng.
4. Truyền thống tuyên truyền văn hoá.
Trong gia phả họ Nguyễn Đình có nói: Cụ Nguyễn Đình Thái đỗ cử nhân, nhưng cáo quan về nhà mở lớp dạy học và bốc thuốc trị bệnh cứu người, khi đã ngoài 70 cụ được làng mời tham gia hội đồng kỳ hào cụ nói đại ý “tôi nay vừa chẵn 70 nếu làng sai tôi đấu võ hoặc đuổi hổ thì tôi già thật, nhưng nếu khiến tôi bàn việc chính trị cho làng xã thì tôi rất trẻ.” Cụ Thái đã có nhiều cao kiến xây dựng làng xã, chăm lo sự học, sức khoẻ cho nhân dân. Những ý kiến của cụ thật sâu sắc, chí tình.
Về tuyên truyền văn hoá: Đời vua Lê Hiến Tông (1740-1786) và đời Minh Đô Vương chúa Trịnh Doanh (1740-1767), có ông Nguyễn Sỹ Hiền được nhà vua phong tước hiệu “Thiếu Khanh Tự Thiện Đạo Giác Linh Thần Vị” vì đã có công chiêu dân lập ấp.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, quân đội Nhật vào Trung bộ bằng tàu hoả, ga Hoàng Mai là nơi dừng chân nghĩ tạm để chúng đi tiếp vào Nam. Ở Quỳnh Vinh, quân Nhật bố trí một trung đội thường trực. Trung đội địch được chia làm hai tiểu đội: Tiểu đội ở rú Nhà Nhất làm nhiệm vụ bảo vệ cầu đường sắt (cầu Tây); Tiểu đội đóng ở xóm Đồng Gốc (xóm 21 bây giờ) làm nhiệm vụ bảo vệ nhà ga, đoạn đường sắt phía Nam, phía Bắc ga Hoàng Mai. Ngày phiên chợ, bọn chúng thay phiên nhau đi chợ Chiền mua qùa bánh, lương thực, thực phẩm và lúa ngô cho ngựa. Khi mua bọn chúng không trả đủ tiền, dân không bán chúng cướp luôn.
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Đức Nghi, Văn Đức Viêm được cấp trên giao nhiệm vụ nắm tình hình và có đối sách phù hợp. Ngày phiên chợ, các ông Hồ Văn Long, Phạm Nhơ, Văn Đức Huế... có mặt cùng với Nguyễn Nhân, Lê Tân thông thạo tiếng Nhật, tiếng Pháp làm phiên dịch. Các ông đã giải thích cho bọn chúng về quan hệ Việt – Nhật và gặp tên trung đội trưởng Jnosan nói chuyện. Qua tiếp xúc với cán bộ ta với vốn tiếng Nhật, tiếng Pháp thông thạo cùng với sự hiểu biết lịch sử, văn hoá giao tiếp tốt, ứng biến linh hoạt, chúng đã cho mời cán bộ ta giao lưu gặp gỡ và hứa sẽ không quấy nhiễu nhân dân. Từ đó mọi hoạt động diễn ra bình thường, chợ họp đông đủ, không còn cảnh lính Nhật cướp bóc.
Về Sinh hoạt cộng đồng: Ở Quỳnh Vinh thời nào cũng có những người có tài kể chuyện sự tích dân gian và lịch sử như cụ: Học Lạp, Bỉnh Tân, Lê Đăng Lường. Các cụ kể cho mọi người nghe vè những truyện lưu truyền trong dân gian của Trung Quốc như Tam quốc diễn nghĩa, Thuỷ hử, Tôn ngộ không, ... sơn tinh thuỷ tinh, sự tích trầu cau, họ Hồng Bàng, bánh chưng bánh dày, ... rồi các chuyện lịch sử như tổng đốc Nguyễn Tri Phương đánh Pháp ở Đà Nẵng hay tổng đốc Hoàng Diệu đánh Pháp ở Hà Nội,...
Sau sự kiện tranh chấp đất đai giữa hai xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện cuối cùng UBND tỉnh đã ra quyết định khẳng định vị trí địa lý, giao cho Đảng uỷ, chính quyền và tổ chức đoàn thể hai xã giải quyết và khắc phục hậu quả. Để góp phần bình thường hoá quan hệ cụ Bùi Đình Tuất-Phó Chủ tịch UBMTTQ kiêm Chủ tịch Hội người cao tuổi đã chủ trì hội nghị giao lưu văn nghệ hội người cao tuổi trong vùng. Tham dự hội nghị có đầy đủ các đại biểu, cán bộ huyện tham dự. Khai mạc hội nghị cụ nói: Thưa quý đại biểu thưa các cụ. Hôm nay chúng ta về đây gặp mặt giao lưu văn hoá, văn nghệ hội người cao tuổi thuộc xã Quỳnh Mai cũ... Tại buổi giao lưu này chúng ta sẽ ca hát, ngâm vịnh thơ ca và toạ đàm về truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân Quỳnh Mai xưa, đồng thời cũng lấy làm tiếc về lỗi lầm mà hai xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện đã mắc phải trong năm 1993 vừa qua và chúng ta tin tưởng rằng:
Lỗi lầm âu cũng áng mây qua
Lương tâm rồi sẽ trong như ngọc
Tình nghĩa Thiện Vinh sẽ một nhà ...
Buổi giao lưu đã diễn ra trong không khí thân mật, vui vẻ thấm đẫm nghĩa tình truyền thống. Bế mạc buổi giao lưu cụ có bài thơ: "Cùng hát ca" tặng cho mọi người.
Nắm tay nhau cùng hát ca
Vinh, Trang, Thiện, Dị đều là anh em
Sông Mai một giải trôi êm
San dòng Vực Mấu làm nên mùa vàng
Quê mình một thủa gian nan
Quỳnh Lưu chiến địa, Mai Giang huyết hồng
Hoàng Mai quê mẹ anh hùng
Trận càn bốn chín địch không đường về
Mây đen bao lớp trôi đi
Chiến công Đồng Lách mãi ghi sử vàng
Quê mình thức dậy tiềm năng
Năm hai ngàn có ximăng ra lò
Một vùng trời đất nên thơ
Nắm tay nhau, hát bài ca kết đoàn
Đồng chí Chủ tịch UBMTTQ huyện thay mặt đại biểu cấp huyện khen ngợi cuộc giao lưu hội người cao tuổi Quỳnh Mai cũ. Tuyên dương cụ Tuất là người đoàn kết, văn thơ dân dã mà cải thế. Cụ thật xứng đáng với huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc mà Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt tặng.
Lớp cán bộ, giáo viên chính trị, cán bộ tuyên giáo giỏi đã trải qua trường lớp đào tạo bài bản là các thầy giáo: Nguyễn Bá Ngơn giáo viên chính trị cấp 2, 3, cán bộ giảng dạy trường Nguyễn Ái Quốc; cán bộ tuyên huấn Huyện uỷ, quyền Bí thư Huyện uỷ. Đã để lại trong lòng nhiều thế hệ cán bộ, học trò nhiều sự nể trọng quý mến. Thầy Lê Sỹ Thiềm cử nhân văn chương Hiệu trưởng cấp 1, 2 rất uyên bác, kiến thức, lại có giọng ca tài tử đã từng làm hiệu trưởng hầu hết các trường THCS vùng Hoàng Mai, lớp học trò cũ gặp lại nhau luôn nhắc về người thầy tài hoa hết mình vì sự nghiệp trồng người. Cụ Lê Sỹ Trường nguyên Trưởng phòng Văn hoá huyện, văn thơ lai láng, khoan dung, đĩnh đạc để lại nhiều dấu ấn hoạt động văn hoá, thông tin tuyên truyền thời (1963-1985) của huyện nhà. Thầy Trần Phầu khi về hưu sinh hoạt ở địa phương là báo cáo viên giỏi của huyện các năm 1995, 1996...
5. Truyền thống đại đoàn kết, anh hùng bất khuất, dũng cảm sáng tạo.
Sông Thơm uốn lượn dài ghê
Mai Giang lặng lẽ trôi về biển đông
Đồng Lách – Núi Nhọn oai phong
Địa danh chiến tích anh hùng quê hương
Đó là âm vang hào hùng của lịch sử có sức lay động trong tâm hồn người Quỳnh Vinh muôn thủa.
Suốt chặng đường dài của lịch sử đất nước. Nhất là khi khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, những người con của quê hương đã tham gia nghĩa quân, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc (hầu hết gia phả họ Lê, Trần, Nguyễn đều có ghi danh các ưu binh kỳ lão để tôn vinh) góp phần làm nên cuộc kháng chiến trường kỳ thần thánh để rồi: Mở tiệc khao quân chén rượu ngọt ngào, khắp tướng sỹ một lòng phụ tử...
Đền Nhà Bà thờ Mỵ Nương công chúa, người đã biến hoá thành thỏ trắng đánh lạc hướng địch để cứu sống Lê Lợi, là biểu tượng của truyền thống trung quân, hiếu nghĩa và khát vọng chiến thắng của nhân dân ta.
Ngày 29/11 năm Mậu Thân (26/12/1788) hưởng ứng lời kêu gọi của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, nhân dân của làng Quỳnh Vinh xua đã sung vào đội quân của ông. Theo lịch sử Nguyễn Huệ dừng chân ở đất Nghệ An 10 ngày để tuyển quân và củng cố lực lượng, nâng số quân lên 10 vạn, trên đường thiên lý Bắc Nam qua Quỳnh Vinh hàng trăm trai trẻ Thọ Vinh và Quý Vinh đã gia nhập đội quân góp phần làm nên chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa năm 1789.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hàng chục thanh niên đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh ở Điện Biên Phủ, hơn 50 TNXP tham gia phục vụ chiến đấu, hàng trăm dân công xe thồ chở lương thực, thực phẩm ra chiến trường, ...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với hơn 4000 lượt thanh niên tham gia trên khắp các chiến trường ác liệt và đã hy sinh 140 liệt sỹ, 145 thương bệnh binh các loại, ... Có 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng chục gia đình chỉ có một con trai duy nhất cũng sẵn sàng lên đường tham gia chiến đấu ngoan cường, dũng cảm và đã anh dũng hy sinh.
Tổ quốc, quê hương muôn đời ghi nhớ công ơn các anh, chị đã góp phần làm nên lịch sử oai hùng của dân tộc. Thế hệ trẻ chúng ta được tắm mình trong dòng chảy lịch sử ấy và rất tự hào về ông cha mình bao đời nay đã kiên cường bất khuất, dựng nước và giữ nước. Đó là ý thức lịch sử là thành tố quan trọng của nền văn hoá cần được gìn giữ và phát huy.
6. Văn học nghê thuật
Ca dao dân ca
Các thế hệ cha ông đã để lại những di sản tinh thần vô cùng quý giá, trong đó có ca dao, dân ca, phản ánh đời sống tâm hồn phong phú của con người Quỳnh Vinh, vừa mang sắc thái riêng, vừa thể hiện bản sắc chung của Nghệ An như. Lời ru con của các bà mẹ, đã gửi gắm ước mơ trong bài học đầu đời cho con:
Ru con con ngủ à ơi
Trông cho con lớn nên người khôn ngoan
Làm trai gánh vác giang san
Mẹ cha trông xuống thế gian trông vào
Ru con con ngủ đi nào
Cù lao dưỡng dục biết bao cho cùng
Làm trai quyết chí anh hùng
Ra tay đánh giặc vẫy vùng nước non ...
Trong lời ru và lời dạy con của các bà mẹ đều thể hiện giáo lý:
Con ơi, mẹ dặn câu này
Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm
Làm người đói sạch rách thơm
Công danh là nợ, nước non phải đền
Có trèo dốc Đàng Động, Khe Trù, Dốc Đâm gánh chuối, hay Kỳ Bờ Đẹp, Kỳ Khe Trĩn, Cần Chanh hái chè mới có ca dao ca ngợi vẻ đẹp duyên dáng, khoẻ mạnh của các cô gái Quỳnh Vinh:
Hàng ngày hai buổi trèo non
Lấy gì mà đẹp, mà giòn hỡi anh
Đó là lời nói nhún mình đó thôi.
Mỗi ngày hai bận trèo non
Thế mà vẫn đẹp vẫn giòn hỡi anh
Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh
Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng núi nào cũng xinh
Những câu ca dao tự giới thiệu, thăm dò và khẳng định :
Quê chàng ở gần hay xa
Dỵ Nâu, Thiện Kỵ hay là Thọ Vinh
Quê ai có được quê mình ?
Nhìn O xinh đẹp dáng hình như tiên
Mời chàng vãng cảnh thần tiên
Cảnh thì đã đẹp, người tiên cũng nhiều
Hay những ca dao xuất phát từ thực tế làng xã để rồi dựng vợ gả chồng cho con:
Bắc thang lên hỏi ông trời
Bên đạo có lấy bên đời được không
Và rồi cũng được hò đối đáp giải thích:
Đạo, đời tín ngưỡng mà thôi
Yêu nhau, bên đạo, bên đời cứ lấy nhau
Chân dung con người, vùng văn hoá Thọ Vinh, Quý Vinh với bản lĩnh cứng cỏi, trọng nghĩa khinh tài, điềm tĩnh, sâu sắc và phong phú đa dạng làm giàu cho nền văn hoá vùng miền, quê hương, đất nước.
Văn thơ của các tác giả nổi tiếng ca ngợi Hoàng Mai – Quỳnh Vinh
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Thời Lê Trịnh danh sỹ Hải Thượng Lãn Ông trên đường về kinh thành Thăng Long dừng thuyền ở kênh nhà Lê, ngắm nhìn núi non hùng vĩ “bây giờ gọi là núi Bài Thơ” tức cảnh làm thơ rồi cho thợ đục khắc bài thơ lên vách đá.
Ký sự
Đất này Hoan Ái đi vòng
Đất liền với núi một lòng đón đưa
Đường mây vọng tiếng triều ca
Gió từ hang thẳm lẫn hòa tiếng chim
Giữa đường vách đá đứng im
Một vòm mây biếc lung linh ngang trời
Người về thôn xóm thảnh thơi
Riêng ta rảo bước tới nơi kinh kỳ
Hồ Phú Hào dịch
Khe nước Lạnh
Nước xanh trong ngắt một dòng khe
Mát rượi lòng ta những trưa hè
Đền Mới mây hồng hoa chẹn lối
Lèn Ngang vách dựng bóng nghiêng che
Chim hót líu lo ngày thống nhất
Rộn ràng nhộn nhịp chuyến tàu xe
Địa giới phân chia Thanh với Nghệ
Một dòng sữa mẹ nét tranh quê
Lãn Sư Hào Phú
Văn thơ của các tác giả quê hương
Trong di chúc của cụ Thượng Lạp (Họ Nguyễn Đình) có dặn con cháu:
Sống không để tiếng đời ca thán
Chết được về quê quán hương thôn
Mới hay trăm sự vuông tròn
Sống lâu đã trãi, chết chôn chờ gì
Đồ khâm liệm chớ nề xấu tốt
Kín chân tay đầu gót thời thôi
Tế đừng có viết văn mà đọc
Trướng điếu đừng gấm vóc làm chi
Minh tinh con cũng bỏ đi
Mời quan đề chữ con thì không nên
Môn sinh chớ bổ tiền đặt giấy
Bạn của thầy cũng vậy mà thôi
Khách quen chớ viết thiếp mời
Ai đưa lễ phúng con thời chớ thu
Chẳng qua nợ để cho người sống
Chết đi rồi còn ngóng vào đâu
Việc tống táng nhung nhăng qua quýt
Cúng cho thầy một ít rượu hoa ...
Được đọc di chúc của các cụ ta mới thấy tầm văn hoá của các cụ thật cao sâu, đến bây giờ còn nguyên gia trị.
Nhà giáo Lê Sỹ Thiềm nhân ngày xuân về đền Vưu thắp hương vãng cảnh đền viếng Lý Nhật Quang tức sự có bài thơ:
Ngày xuân
Ngày xuân viếng Lý Nhật Quang
Vẳng nghe tiếng sóng Mai Giang gọi đò
Tưởng đi tìm nghĩa hư vô
Hoá vui lịch sử hai bờ sông trôi
Phút thiêng được đứng bên người
Vời trông non nước mây trời xôn xao ...
Cụ Lê Sỹ Trường, nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Quỳnh Lưu có bài:
Quê tôi
Quê hương tôi sơn thuỷ hữu tình
Ngọt ngào hai tiếng Quỳnh Vinh
Em bảo quê mình lam lũ
Đồi núi xanh xanh bao phủ
Quanh năm than củi nhọc nhằn
Dòng sông Mai nước mặn quanh năm
Phong thổ hiền hoà chất phác
Luỹ tre xanh kiên trung mộc mạc
Cách mạng mùa thu cờ rợp bóng quê nhà
Mẹ bảo đời mình thoát khổ
Kháng chiến trường kỳ bom rơi đạn nổ
Trẻ già trai gái cang gân
Nghĩa vụ thiêng liêng đất nước thuỷ chung
Hạt thóc cắn đôi quân lương chẳng thiếu
Tổ quốc lâm nguy hiến dâng kỳ diệu
Trai săn sàng, gái đảm đang, bao bà mẹ anh hùng
Giặc phá điên cuồng, cắt khúc ruột miền Trung
Anh dũng cứu hàng băng mình qua lửa đạn
Giặc nước xua tan nghe lời của Đảng
Diệt đói nghèo cả nước ra quân
Sản xuất hăng say tăng vụ thâm canh
Xanh ruộng, xanh rừng xanh vùng trang trại
Quấn quýt đàn con thấm lời mẹ kể
Đời mẹ xưa không được học hành
Nay con đến trường quyết chí đua tranh
Hết trung học bước chân vào đại học
Cuộc sống đổi thay non sông gấm vóc
Cao vút câu hò dạ hội đêm thanh
Đẹp người đẹp đất Quỳnh Vinh
(Trích từ cuốn Quỳnh Vinh – Quê hương tôi do hội viên người cao tuổi sáng tác)
CHƯƠNG III
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH CHỐNG CƯỜNG QUYỀN, ÁP BỨC CỦA NHÂN DÂN QUỲNH VINH TRONG LỊCH SỬ
I. TRƯỚC KHI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI
Hoan Diễn là phên dậu của quốc gia, một căn cứ trọng yếu của đất nước. Quỳnh Lưu là huyện địa đầu của Hoan Diễn nằm ở phía Bắc tỉnh Nghệ An.
Xã Quỳnh Vinh – Hoàng Mai có vị trí chiến lược quân sự rất quan trọng trong huyện Quỳnh Lưu, nơi có núi cao, rừng rậm, gần Cảng Xước là yết hầu của mạch máu giao thông, có đường thiên lý Bắc - Nam đi qua, vị trí phòng thủ, hay tiến công đều lợi hại. Nên thời nào cũng có các tướng lĩnh thiết lập căn cứ đây cũng chính nơi diễn ra nhiều trận chiến vô cùng ác liệt.
Trong quá trình đấu tranh chống sự thống trị của phương Bắc, nhân dân vùng Hoàng Mai đã tham gia nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại bọn xâm lược.
Đầu thế kỷ X, nhà Đinh và tiền Lê xây dựng kinh thành ở Hoa Lư, thì dải đất phía Nam của Đại Việt là chỗ dựa vững chắc của nhà nước phong kiến Việt Nam. Vua Lê Hoàn đã cho mở rộng kênh nhà Lê nối với sông Hoàng Mai tạo thành hệ thống đường thuỷ vận tải quân lương và ngăn chặn hiệu quả các cuộc xâm lược của phong kiến phương Bắc và phương Nam.
Nhà Trần đã cho xây dựng trên đất này nhiều kho hàng để cất dấu quân lương, căn cứ Bà Hoà ở Đông Bắc Quỳnh Vinh – Hoàng Mai là một trong những nơi có nhiều cơ sở cất dấu hồi đó. Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là người có công lớn dự trữ quân lương, mở mang giao thông, giữ yên biên cõi cùng nhà vua đánh tan quân Chiêm Thành xâm lược. Tri ân đức tài của ông nhân dân Thọ Vinh, Quý Vinh đã dựng đền Vưu từ thủa ấy. Năm 1699, được trùng tu nâng cấp như ngày nay.
Bước sang thế kỷ XIV, do tầm quan trọng của Bắc Nghệ An nhà Hồ đã xây dựng cương phủ, kho tàng. Hồ Quý Ly đào kênh với ý định nối sông Thái với sông Hiếu ở Nghĩa Đàn nhưng ý đồ đó bị bỏ dở bởi sự xâm lược của nhà Minh.
Nhà Minh đã dùng nhiều chính sách tàn bạo, âm mưu biến nước ta thành một quân huyện của chúng. Năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi đã dấy binh khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hoá). Theo kế của tướng quân Nguyễn Chích, Lê Lợi đã cho quân vào Nghệ An tạo thế trận. Vùng Hoàng Mai trở thành vị trí quan trọng, trở thành hậu phương lớn của cuộc khởi nghĩa. Cả vùng Tây Bắc Quỳnh Lưu nơi nào cũng có thờ vị thần thượng ngàn công chúa Bạch y đại vương, mẫu thượng ngàn.
Tương truyền, sau khi Lê Lợi vào Hoan Diễn, giặc Minh vẫn đuổi gấp đến vùng phía Tây Quỳnh Lưu. Trên đường chạy trốn, Lê Lợi gặp một người con gái bị giặc Minh giết chết và hiển linh mặc áo trắng xin được giúp, giặc Minh đến gần, người con gái đó biến thành cáo trắng, giặc Minh liền đuổi theo, nhờ vậy Lê Lợi thoát nạn. Đất nước khải hoàn Lê Lợi phong Vương và dựng đền thờ sắc phong thượng ngàn công chúa, thượng thượng đẳng thần.
Đền Nhà Bà ở núi Nhà Bà được xây dựng từ thủa ấy, qua nhiều biến cố của lịch sử đền bị sụp đổ. Năm 2007, ông Lê Khắc Thạo (công tác ở Hà Nội) với tấm lòng hướng về cội nguồn, được sự đồng ý của địa phương đã cùng với các nhà hảo tâm phục chế lại đền Nhà Bà uy nghi hoành tráng hơn xưa đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân quanh năm hương khói phụng thờ thượng ngàn Mỹ Nương công chúa thượng thượng đẳng thần.
Đi đôi với việc chống ngoại xâm, nhân dân lao động, từ đời này sang đời khác đã không ngừng chống lại ách áp bức, bóc lột của các tầng lớp thống trị. Đó là quá trình đấu tranh lâu dài, lúc ngấm ngầm, lúc bùng lên mãnh liệt để bảo vệ đất đai, ruộng vườn mà ông cha ta đã khai phá. Chống lại sự bất công của chế độ cũ như thuế má, phu phen...
Dưới thời thực dân, phong kiến, người Quỳnh Vinh luôn sống trong sự nghèo nàn, tủi nhục, đất đai canh tác ít, ruộng đất khô cằn. Nạn bao chiếm đất đai của địa chủ đã khiến cho không ít nông dân làng Thọ Vịnh, Quý Vinh lâm vào cảnh không có miếng đất cắm dùi. Nông dân lĩnh canh ruộng đất, nạp tô cho địa chủ hơn 50% hoa lợi, nhiều gia đình phải làm ruộng rẽ, nuôi trâu bò rẽ. Thuế đất ruộng nặng nề, từ 5% năm 1908 đến 30% năm 1928.
Dưới sự thống trị của thực dân Pháp, nạn bóc lột càng thậm tệ hơn nặng nề hơn, chúng độc quyền buôn bán muối, rượu, thuốc phiện. Chúng cấm đồng bào ta nấu rượu nhưng lại bắt chúng ta tiêu thụ rượu cồn của chúng. Tại Cầu Giát và Hoàng Mai, Pháp lập ra các đại lý kinh doanh loại rượu cồn độc hại ấy. Để bảo vệ việc kinh doanh nguồn lợi này hàng ngày bọn chúng cùng với hào lý lùng sục bắt bớ những người nấu rượu.
Việc bắt phu lính đi đào sông, làm đường, làm bia đỡ đạn cho Pháp diễn ra thường xuyên với chiêu bài: “Hỡi anh em bạn cùng chinh”, hàng trăm con em gạt nước mắt xa vợ con quê hương đi làm bia đỡ đạn cho thực dân Pháp. Các cụ binh Bường, binh Nhường, binh Đuôn, binh Lam, binh Kế, ... là nạn nhân của chiêu bài kêu gọi đó.
Năm 1908, dân làng vùng Hoàng Mai đã nổi lên đấu tranh chống bọn Tây đoan ở đồn Ngọc Huy về bắt người nấu rượu, buộc chúng phải bỏ chạy thục mạng về đồn. Hành động tiên phong này của dân chúng Hoàng Mai đã châm ngòi nổ cho phong trào quần chúng nổi dậy chống cường quyền áp bức.
Từ những cuộc nổi dậy chống bắt nấu rượu, chống bao chiếm ruộng đất, chống tham nhũng công quỹ cũng phát triển, đặc biệt phản ứng thái độ hách dịch của lý trưởng hương hào; gia đình nào không nạp đủ thuế chúng khoét nong phơi tằm cho vào cổ xoay buộc phải hứa nạp đủ mới tha về.
Tuy nhiên đến trước năm 1930, các cuộc nổi dậy đấu tranh của dân chúng ở Quỳnh Vinh cũng như nhiều địa phương khác còn mạng tính tự phát, nhưng đó là ngọn lửa đầu tiên được nhen nhóm để rồi bốc cao lên khi gặp ngọn gió mới của cách mạng.
II. TỪ KHI CÓ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI ĐẾN CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
Trên cơ sở phát triển mạnh mẽ của phong trào yêu nước và đội ngũ công nhân Việt Nam, một chính Đảng của cách mạng Việt Nam - Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930). Đây là sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của nhân dân yêu nước Việt Nam trong những năm 1930, 1931.
Ngày 20/4/1930, tổ chức Đảng ở Quỳnh Lưu được thành lập tại Thanh Sơn (Sơn Hải) do đồng chí Nguyễn Đức Mậu làm Bí thư. Từ đây phong trào đấu tranh của quần chúng đã có sự chỉ đạo của Huyện uỷ và những người cộng sản.
Tại Thọ Vinh những hạt nhân tích cực được đưa vào hoạt động bí mật trong đội ngũ hương hào, lý trưởng như: Vũ Lê Lự, Nguyễn Bá Ngoạn, Nguyễn Bá Thếp. Ông Trần Văn Thương (ký Thương) luôn là người tiên phong trong các cuộc đấu tranh chính trị ở Quỳnh Vinh từ những năm (1928-1929), ông luôn bị mật thám Pháp theo dõi tình nghi hoạt động cộng sản. Trên thực tế ông luôn giữ liên lạc với địa phương cung cấp thông tin phổ biến chủ trương của tổ chức Đảng cấp trên.
Tháng 11/1930, ông bị mật thám bắt vì tham gia hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản ở Quỳnh Lưu, Hoàng Mai1.
Ngày 1/8/1930, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Cứu tế đỏ, Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức treo cờ đỏ búa liềm ở nhiều nơi trong huyện và vận động bà con nông dân kéo tới nhà hào lý lấy thóc chia cho dân chúng.
Ở Cầu Giát, Quỳnh Đôi, Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, ban cán sự đã có quyết định treo cờ rải truyền đơn ở các vị trí xung yếu để cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng. Ngọn cờ đỏ búa liềm được treo trên ngọn cây gạo chợ Chiền làm nức lòng quần chúng, khiến hào lý khiếp sợ. Ở làng Thọ Vinh có Lý trưởng Vũ Lê Tuyển, làng Quý Vinh có Lý trưởng Lê Công Đôn cho rằng cộng sản đã nổi dậy toàn thắng và đóng nhà sợ hãi chạy trốn.
Bước sang năm 1931, phong trào cách mạng ở các làng xã ở Quỳnh Lưu có nhiều bước chuyển biển hơn. Ngày 4/2/1931, Huyện uỷ Quỳnh Lưu tổ chức một cuộc biểu tình quy mô với khẩu hiệu: Chống sưu cao thuế nặng, chống bắt muối, bắt rượu, chống khủng bố đốt nhà.
Hưởng ứng chủ trương của Huyện uỷ Quỳnh Lưu dân chúng các làng Phương Cần, Thiện Kỵ, Thọ Vinh, Quý Vinh, ... kéo vào huyện đường Quỳnh Lưu biểu tình đưa yêu sách. Trước sức mạnh của quần chúng bọn cường hào khiếp nhược, bọn nha lại và tri huyện trốn biệt.
Tiếp theo cuộc biểu tình này phong trào đấu tranh của quần chúng khắp các địa phương trong huyện phát triển mạnh mẽ hơn trước. Các cuộc mít tinh, diễn thuyết, treo cờ búa liềm, kể tội ác thực dân, quan lại phong kiến diễn ra khắp các làng xã. Nhưng bọn giặc Pháp, tay sai khủng bố phong trào ác liệt hơn, chúng lập thêm nhiều điếm canh, tăng cường lính khố xanh, khố đỏ và lính lê dương ở các đồn. Ngày đêm bọn mật thám truy lùng đảng viên, quần chúng yêu nước, khắp nơi diễn ra cảnh bắt bớ tù đày.
Quần chúng hoang mang, dao động bởi chính sách khủng bố trắng của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều.
Cuối năm 1935, Huyện uỷ Quỳnh Lưu được kiện toàn Ban chấp hành lâm thời Huyện uỷ gồm ba đồng chí: Phan Hữu Khiêm-Bí thư, Phạm Diên-phụ trách tổng Hoàng Mai, Nguyễn Xuân Mai phụ trách tổng Thanh Viên.
Được sự phân công của Huyện uỷ, đồng chí Phạm Diên ra Hoàng Mai lập đại lý thuốc bắc tại nhà ông Văn Sỹ Thọ và trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Hoàng Mai.
Giữa năm 1935, 4 Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở Hoàng Mai: Chi bộ Quý Vinh – Thiện Kỵ, Chi bộ Hải Lệ (Quỳnh Lộc), Chi bộ Phương Cần (Quỳnh Phương), Chi bộ Nhị Yên (Quỳnh Trang)
Đảng viên Chi bộ Quý Vinh – Thiện Kỵ gồm các ông :
ĐẢNG ỦY- HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN-ỦY BAN NHÂN DÂN
UỶ BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC XÃ QUỲNH VINH
BAN CHỈ ĐẠO
LÊ VĂN THÀNH-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND
LÊ ĐĂNG THUỲ-Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ
LÊ VĂN KỲ-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND
VŨ LÊ CÔNG-Phó Chủ tịch UBND
LÊ THẠC HÙNG-Chủ tịch UB MTTQ
BAN SƯU TẦM TÀI LIỆU
HỒ VĂN LONG-Cán bộ tiền khởi nghĩa
VŨ LÊ NHOẠN-Nguyên Bí thư Đảng ủy
LÊ SỸ THIỀM-Nhà giáo
LÊ NINH -Nhà giáo
BAN BIÊN TẬP
LÊ NINH: Chương I, II, III IV và phụ lục
TRẦN PHẦU: Chương V
PHẠM BÂN : Chương VI
LỜI GIỚI THIỆU
Quỳnh Vinh là địa đầu của huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, vùng Nam Thanh- Bắc Nghệ, là địa phương có lịch sử phát triển lâu đời. Trong quá trình hình thành và phát triển, các thế hệ con người sinh trưởng trên mảnh đất này đã không ngừng lao động cần cù, sáng tạo, dũng cảm, kiên cường vượt mọi khó khăn, gian khổ để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Từ ngày có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Quỳnh Vinh một lòng đi theo Đảng đã lập được nhiều thành tích trong sản xuất, xây dựng cuộc sống, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá-hiện đại hoá ngày nay. Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Vinh đang nổ lực phấn đấu, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển.
Để làm sáng tỏ sự hình thành và phát triển của Đảng bộ, nhân dân Quỳnh Vinh qua các chặng đường lịch sử, góp phần tìm hiểu lịch sử địa phương, giáo dục truyền thống cách mạng quê hương cho cho thế hệ mai sau. Thể theo nguyện vọng, mong muốn từ lâu của Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Vinh. Đảng uỷ đã ra Nghị quyết; thành lập Ban chỉ đạo, Ban sưu tầm biên soạn “Lịch sử xã Quỳnh Vinh”. Trong quá trình sưu tầm và xác minh tư liệu gặp rất nhiều khó khăn do các sự kiện diễn ra đã lâu, công tác lưu trữ không tốt, các nhân chứng lịch sử đã mất, lại bị thiên tai, chiến tranh làm mất mát quá nhiều; nhưng nhờ sự cố gắng nỗ lực của các đồng chí lão thành cách mạng, những người đã từng giữ các chức vụ lãnh đạo của địa phương qua các thời kỳ và sự giúp đỡ của nhân dân. Qua nhiều lần tọa đàm, góp ý của của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ sinh sống và làm việc tại địa phương qua các thời kỳ “Lịch sử xã Quỳnh Vinh” đã hoàn thành. Cuốn sách giới thiệu một cách tổng quát về Quỳnh Vinh qua các giai đoạn lịch sử; truyền thống của xã trong xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa, truyền thống chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước.
Nhân dịp phát hành cuốn “Lịch sử xã Quỳnh Vinh”, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các tập thể, cá nhân trong và ngoài xã, những người con quê hương đang ở xa đã có những đóng góp trong quá trình sưu tầm tư liệu và nhất là sự chỉ đạo tận tình của các đồng chí trong Ban Tuyên giáo Huyện ủy trong suốt quá trình biên soạn cuốn sách này. Xin chân thành cảm ơn các nhà giáo Lê Ninh, Trần Phầu, Phạm Bân đã biên soạn công phu, trách nhiệm, tâm huyết và hoàn thành cuốn lịch sử quê hương.
Nhân dịp chào mừng 82 năm ngày thành lập Đảng Công sản Việt Nam, 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và những ngày kỷ niệm lớn trong năm 2012, chúng tôi trân trọng cho ra mắt bạn đọc cuốn sách này. Mặc dầu đã có nhiều cố gắng nhưng cuốn sách không tránh khỏi thiếu sót. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc để cuốn sách có chất lượng tốt hơn trong các lần tái bản sau.
Quỳnh Vinh, tháng 10 năm 2012
T/M BAN THƯỜNG VỤ ĐẢNG UỶ
Bí thư
Lê Văn Thành
CHƯƠNG I
TỔNG QUAN VỀ XÃ QUỲNH VINH
I. Địa lý, lịch sử, thiên nhiên, tài nguyên và môi trường
1. Địa lý và lịch sử.
Làng Thọ Vinh, làng Quý Vinh trước Cách mạng tháng Tám là hai làng của Quỳnh Vinh ngày nay, có lịch sử văn hoá lâu đời. Những bậc tiên hiền của hơn 40 dòng họ lớn đặt chân đầu tiên trên đất này đã khai sơn, phá thạch góp phần xây dựng quê hương trong suốt cả quá trình dựng nước và giữ nước.
Theo dòng chảy lịch sử, vùng đất này đã chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh vũ trang lớn, là địa đầu, là phên dậu, là căn cứ trọng yếu của Quỳnh Lưu, Nghệ An. Lời người xưa còn lưu lại:
“Quỳnh Lưu chiến địa, Mai Giang huyết hồng”
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ: Tân Khai trong bài hát Quỳnh Lưu quê mẹ có đoạn: “Ai đi vô xứ Nghệ, ghé đất đỏ Hoàng Mai. Dừng chân ghé vào thăm quê tôi, Quỳnh Lưu đang lửa đỏ, mảnh đất Quỳnh Vinh suốt đêm ngày giặc phá giao thông, cầu Hoàng Mai đêm đêm xe cứ vượt đạn bom ra chiến trường...” Đã phần nào phản ánh “toạ độ địa lý đỏ” và truyền thống chống ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước của nhân dân Quỳnh Vinh.
Làng Thọ Vinh, làng Quý Vinh thuộc xã Quỳnh Vinh, Tổng Hoàng Mai, Phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, được hoạch định từ năm Minh Mạng thứ 11 (1831)
Làng Thọ Vinh nhập với làng Quý Vinh gọi là xã Vinh Lộc (1946)[1]
Năm 1947, nhập với xã Văn Hoá gọi là xã Vinh Hoa.
Từ năm 1948-1954, xã Vinh Hoa nhập với Quỳnh Trang, Quỳnh Thắng gọi là xã Quỳnh Mai.
Từ tháng 4 năm 1954, xã Quỳnh Mai được tách ra Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị, Quỳnh Trang, Quỳnh Thắng.
Tháng 5 năm 1976 Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị hợp nhất gọi là Xí nghiệp Quỳnh Mai.
Năm 1981, Xí nghiệp Quỳnh Mai tách ra 3 xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị[2].
Dẫu qua nhiều biến đổi, thăng trầm của lịch sử, tách nhập xã nhưng con người Quỳnh Vinh vẫn giữ được bản chất như bức đại tự đình làng đã ghi:
“ Thiên Thọ Bình Cách” (tính cách người làng Thọ rất cao thượng)
“Văn hiến sở tại” (đây là vùng đất văn hiến)
Phía Bắc giáp Tĩnh Gia (Thanh Hoá), một vùng kinh tế sôi động, có Nhà máy xi măng Nghi Sơn, có khu công nghiệp lọc hoá dầu, có nhà máy nhiệt điện và cảng nước sâu. Phía Tây giáp xã Tân Thắng nối với Quỳnh Vinh bằng đường Đông Hồi-Quốc lộ 1A-Thái Hoà với đường Hồ Chí Minh. Phía Đông giáp Quốc lộ 1A, là thị trấn Hoàng Mai đã một thời chung xí nghiệp Quỳnh Mai, cùng một chiến hào bảo vệ xây dựng quê hương. Phía Nam là sông Hoàng Mai, bờ bên kia là xã Quỳnh Trang và xã Mai Hùng gần một thập kỷ cùng chung làng, chung xã với Quỳnh Vinh, đấu cật chung lưng làm cách mạng giải phóng và xây dựng chủ nghĩa xã hội ...
Đứng trên núi Mồng Gà có độ cao 265m hay núi Xước có độ cao 431m nhìn về Quỳnh Vinh tác giả Văn Lê có thơ rằng:
"Quỳnh Vinh phong cảnh tuyệt vời
Non xanh nước biếc đất trời thần tiên
... Quê mình thắng cảnh lừng tên
Mai giang uốn khúc diệu huyền làm sao
Tây Bắc sừng sững núi cao
Trùng trùng sa võng đẹp nào ai hơn
Tiện sao cận thuỷ cận sơn
Sơn hào, hải vị nước non hữu tình"
Quỳnh vinh có diện tích tự nhiên: 4247 ha1.
Đất sản xuất nông nghiệp: 944 ha
Đất trồng cây hàng năm: 590 ha
Đất lâm nghiệp: 2593 ha chiếm 61% diện tích
Đất phi nông nghiệp: 520 ha
Dân số phân bố trên ba vùng: Đại Vinh, Tân Hoa, Tân Bình.
Tổng số hộ dân toàn xã 3.122 hộ với 15.221 khẩu, bình quân 5 khẩu/hộ với 22 xóm. Đồng bào theo đạo thiên chúa giáo có 236 hộ với 1.416 khẩu bình quân 6 khẩu/hộ.
2. Khí hậu.
Quỳnh Vinh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt độ trung bình 230C. Lượng mưa phân bố không đều theo thời gian trong năm xấp xỉ 180mm/năm.
Thời tiết có hai mùa rõ rệt: Mùa rét và mùa nóng
Mùa rét: Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, tháng giêng là tháng lạnh nhất có năm nhiệt độ dưới 70C, nhiệt độ trung bình mùa lạnh 180C. Mùa lạnh là mùa ít mưa, lượng mưa trung bình 100mm trong sản xuất nông nghiệp, đây là mùa hạn thiếu nước. Đặc điểm nổi bật của thời tiết này là gió mùa đông bắc, mưa phùn, rét đậm.
Mùa nóng: Tháng 4 là tháng chuyển tiếp từ mùa lạnh sang mùa nóng, tuy vậy giữa tháng 4 vẫn còn những đợt rét “Nàng Bân” tím da tím thịt. Mùa nóng thực chất bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9, tháng 7 thường nóng nhất, nhiệt độ có ngày lên đến 400C, nhiệt độ trung bình dao động từ 250C – 280C.
Qua thời khô nóng là đến thời kỳ bão lụt từ tháng 8 đến tháng 9, tháng 10. Nhiều trận mưa trút nước xối xả, gây lũ lụt ngập úng hư hại hoa màu như năm 1958, 1971, lụt kết hợp với triều cường, vùng đập Đắp không tiêu được nước, nước dâng cao lên, vùng Đại Vinh nước tràn vào nhà, dâng cao hàng mét.
"Cảnh trời Quỳnh Vinh
Chang chang nắng hạ
Bão lụt mùa thu
Âm u mùa đông
Một thoáng nắng hồng mùa xuân"
Quy luật ấy cũng đúng với vận hành tạo hoá: Xuân sinh, hạ tưởng, thu thu, đông tàn.
Để tồn tại và phát triển ông cha ta đã nắm chắc chu trình đó của thời tiết để chọn giống cây trồng vật nuôi phù hợp. Tuy vậy để sinh kế cũng thật vất vả gian nan. Mùa hạn đất nẻ chân chim chỉ trồng được 1 vụ khoai lang nhưng rồi:
"Khoai lang tháng một
Nắng suốt hai, ba
Dân chúng bàn hoà
Cầu mưa, cầu gió
Thánh thần không ngó
Khoai “tốt bỏ vùng”
Có năm hạn hán, ngày Rằm tháng Bảy, có gia đình đốt vàng mã tàn lửa bốc cao làm cháy nhà, cháy hết cả làng Đồng Chay. Trước năm (1945) đại bộ phận là nhà tranh tre, nứa, mét, nắng to, gió mạnh tàn lửa bốc cao, không dập tắt được. Gia phả họ Lê còn chép lại năm 1882 dưới thời Tự Đức (1847-1883) có trận hoả hoạn lớn đốt cháy khắp làng Thọ Vinh, gia phả một số dòng họ được cất trong ống tre, sơn son thiếp vàng cũng thành tro bụi. Sự thể đó đã làm cho con cháu vô cùng khó khăn trong việc phục chế gia phả, tìm cội nguồn họ tộc.
3. Địa chất địa hình.
Quỳnh Vinh là vùng bán sơn địa tiếp giáp giữa hai vùng đồi núi, đồng bằng nên địa hình có ba dạng: Đồi núi, đồng ruộng bậc thang và vùng đồng bằng ven sông. Đồi núi chiếm 3/5 diện tích đất đai.
Đất vùng Tân Hoa kiểu đất đỏ bazan phù hợp cho việc trồng cây công nghiệp, cây ăn quả như: Cà phê, chè chuối, mít, dứa, nhãn, vải...
Vùng An Bình đất cát pha đá bù mềm tầng trên, phía dưới là đất sét thích hợp cho chè, chuối, sắn, khoai từ, khoai sọ, ... Là vùng đất suốt từ đầu thế kỷ XIX đến năm 60 của thế kỷ XX: "Chè xanh rợp bóng, chuối xanh rợp gò".
Vùng Đại Vinh phía Bắc lạch Đồng Sác – sông Thơm, phía Tây Nam sông Mai là đất cát pha và đất thịt thuận lợi cho việc trồng khoai, lạc, đậu và sản suất lúa hai vụ.
Về địa mạo: Quỳnh Vinh nằm ở vùng đất đỏ Hoàng Mai. Từ dãy núi Vu Vi kéo một mạnh như trường thành từ Tây Nam sang Đông Bắc về núi Mồng Gà băng sang núi Nhọn xuống Chỗ Cang về Rục Chùa. Từ đường phân thuỷ của những dãy núi đó, trước đây đi thêm 10 km nữa vẫn là đất Quỳnh Vinh. Vùng Khe Lầy, Bãi Tập, lèn Răng Cưa, Thủng Lộn, Hang Thờ, Mu Cua, Dốc Đâm, Khe Trù, Hòn Ngang về Đồng Kin là rừng chuối bạt ngàn và đồng cỏ mênh mông với các trại chăn bò lớn của các cụ Tuần Vịnh, Đoàn Thành, cụ Kham, ...
Cách chúng ta ngày nay khoảng 400 trăm năm, đây là vùng cây cối um tùm kiểu đại ngàn, có rất nhiều loại gỗ quý như lim, gụ, trắc, sến, vàng tâm, đinh hương,… Gỗ làm Đền Vưu, nhà Thánh, gỗ làm Đền Cờn đều lấy ở núi Nhà Nhất, núi Nhọn Quỳnh Vinh. Về sau này các họ Trần, Lê Văn,... chỉ cần lên núi Nhọn là đã có gỗ lim để khai thác làm nhà thờ. Theo sách "Quỳnh Lưu phong thổ ký" của Hồ Tất Tố, Quỳnh Vinh xưa vốn là vùng rừng rậm nhiều thú dữ: “chân voi, móng hổ đạp chồng lên nhau”.
Cũng theo đường thiên lý Bắc Nam, qua khỏi cầu đường bộ Hoàng Mai nhìn về phía Tây – Bắc thấy hai ngọn núi Cấp Mồng Gà và Hòn Nhọn như hai đỉnh của một đường hình sin rồi thấp dần về phía đồng ruộng. Có truyền thuyết nói rằng xưa có 100 con chim phượng hoàng to lớn sau khi ăn quả 99 cây thị, uống nước 99 giếng nước vùng Phú Mỹ (Quỳnh Hoa) vì còn thiếu 1 cây thị và 1 giếng nước nên con đầu đàn sải cánh bay về phía Bắc đến Quỳnh Vinh một chân ở núi Nhọn, chân kia vừa chạm tới đỉnh Mồng Gà, thì đỉnh núi cụp xuống có hình mào gà bị hẫng chân; con đầu đàn tiếp tục bay đi, cả đàn cũng bay theo. Thế là đất làng Phú Mỹ, đất Hoàng Mai chưa được chọn là nơi định đô của các triều đại phong kiến xưa của Việt Nam.
4. Tài nguyên.
Các cụ nói lại: Thời Pháp thuộc bằng những phương pháp khoa học đơn giản: Dùng con lắc đơn để xác định gia tốc trọng trường, người Pháp đã phát hiện ra mỏ vàng ở núi Mồng Gà, núi Xước, mỏ than ở Hòn Vu Vi, Thung Kiệu, mõ kẽm ở Rú Thông, đá vôi có trữ lượng lớn ở lèn Răng Cưa.
Theo tài liệu của Hội đồng đánh giá trữ lượng quốc gia: Dãy núi đá vôi phía Tây Quốc lộ 1A từ Mỏ Đá đến Tân Hùng có trữ lượng 130 triệu tấn.
Nguồn đất sét của dãy núi Mồng Gà – Hòn Nhọn – Chỗ Cang – Bài Bằng đảm bảo chất lượng tốt cho sản xuất ximăng mác cao hàng trăm năm.
Ngoài ra đá bazan, chất phụ gia của ximăng lại rất sẵn ở vùng núi phía Tây Nam của xã giáp Nghĩa Đàn. Ngoài đá vôi, đất sét, chúng ta còn có nguồn nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt và nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Người ta đã khoan ba hố sâu 75m với trữ lượng nguồn nước ngầm 3000m3/ngày đêm. Vùng An Bình chỉ cần khoan sâu 50m là đủ nước phục vụ cho tưới tiêu và sinh hoạt gia đình. Nguồn tài nguyên trên mặt đất, trong lòng đất đã góp phần làm giàu cho đất nước xây dựng quê hương.
5. Đồng ruộng.
Do kiến tạo của địa hình, nên hầu hết đồng ruộng Quỳnh Vinh là bậc thang, độ dốc lớn như đồng Mân, đồng Đừng, đồng Sổ, Cửa Mẹt, ... Chỉ có đồng Gia là bằng phẳng hơn cả. Nhân dân ta đã có câu:
"Nước Khe Bung vừa trong vừa mát
Đường đồng Gia lắm cát dễ đi"
Mỗi xứ đồng, mỗi cánh rừng đều có sự tích ly kỳ:
Rú Chùa, rú Đất: Được ông Đùng vận chuyển từ đồi núi cao về định đặt ở hai bờ sông Thơm tạo điều kiện cho con người đắp đập ngăn mặn, lấy nước tưới cho đồng ruộng nhưng chưa đến nơi dự định thì gãy đòn gánh.
Đồng Chỗ Tát, Bức Thây: Thực ra gọi tránh đi của từ hổ táp, mất thây. (Một lão nông đi cày sớm trên xứ đồng này không may bị hổ vồ)
Đồng Thầy Cầu, Nàng Eo: Thủa xưa có thầy đi cúng yên mồ mả cho một gia đình trên đường về tỏ lời “nguyệt hoa” với cô chủ nhà xinh đẹp .v.v, dân làng lấy sự kiện này đặt tên cho xứ đồng.
6. Nguồn nước.
Phía Tây Nam của Quỳnh Vinh có sông Mai bắt nguồn từ núi Văn Lâm (Nghĩa Đàn), qua Quỳnh Thắng, Bến Nghè, Bến Bần về Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị rồi đổ ra Lạch Cờn Quỳnh Phương về biển có chiều dài 40km, lưu vực hơn 3700 km2, là con sông nước mặn dài, rộng nhất Quỳnh Lưu có thuỷ triều lên xuống.
Tuy không tưới mát cho đồng ruộng nhưng là đường giao thông thuỷ rất quan trọng trong vùng từ Nghĩa Đàn, Quỳnh Thắng, Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Mai Hùng, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị, Quỳnh Phương và thông thương với biển cả.
Thời thuộc Pháp cùng với dự án đưa nước từ Bara Đô Lương về Diễn – Yên – Quỳnh, là dự án đắp đập ngăn sông Mai đưa nước tưới cho vùng Hoàng Mai (1936) nhưng rồi chiến tranh xảy ra... Mãi sau này đất nước giải phóng, năm 1978 Hồ Vực Mấu được khởi công xây dựng, đắp chắn sông Mai đưa nước tưới cho cả vùng Hoàng Mai, Quỳnh Xuân và một số xã phía Nam Quỳnh Lưu. Có người đã ví Mai Giang là nàng Tiên Mai: "Mai Giang xanh biếc trôi êm
San dòng Vực Mấu làm nên mùa vàng"
Đồng ruộng, con người Quỳnh Vinh sử dụng nguồn nước từ hồ nước Vực Mấu trên 95% và hình ảnh ông Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Hữu Đợi "thay trời, đổi đất, sắp xếp lại giang sơn” mãi mãi trong tim mỗi người dân vùng bán sơn địa.
7. Giếng nước uống.
Xưa kia rất ít gia đình có giếng nước dùng riêng, hầu hết mỗi làng có 1 giếng nước dùng chung. Những giếng nước có niên đại khoảng 400 năm là:
Giếng Nhàn: Phía trên ghép đá tròn, đáy dưới vuông khung gỗ Vội mỗi chiều một mét, giếng có mạch nước ngầm, không bao giờ cạn, đủ dùng cho cả làng.
Giếng Đồng Cùa: Đường kính trên 10m, mạch nước to, nước trong xanh, mát lạnh hầu như đủ nước uống cho cả làng Thọ.
Cạnh giếng có miếu thờ long mạch, thần giếng bảo hộ cho nước mát quanh năm
Giếng Kia: Lấy nước rửa và cho trâu bò uống.
Giếng Đồng Sác: Được đào bên cạnh cầu Thơm, nhờ lạch sông Thơm thấm vào, giếng không bao giờ cạn. Do yêu cầu đủ nước sinh hoạt năm 1950-1951, các xóm tổ chức đào thêm các giếng: Giếng Mới, giếng Đồng Nổ, giếng Quan, sau năm 1990 do không có nhu cầu sử dụng các giếng nước Đồng Sác, giếng Mới, giếng Đồng Nổ, giếng Quan, ... giao cho các hộ đấu thầu nuôi cá.
8. Hệ thống hồ đập, đê điều.
(Xem thêm phụ lục các công trình thuỷ lợi, đắp hồ đập nước Quỳnh Vinh)
Quỳnh Vinh là vùng bán sơn địa, đồng ruộng bậc thang, độ dốc lớn hễ nắng là nứt nẻ chân chim, hễ mưa là ngập lụt, xưa kia mỗi năm chỉ làm một vụ lúa nước duy nhất nên được mùa hay mất mùa hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Vì vậy công tác đắp bờ giữ nước, đắp hồ đập là rất cần thiết.
Năm 1957-1958, cùng với nhân dân trong huyện nhân dân xã Quỳnh Vinh đã đắp đập Đồng Bung.
Năm 1965, Quỳnh Vinh khởi công đấp đập Khe Chuối, bổ sung nước cho đập Đồng Bung đủ nước tưới cho hàng trăm ha.
Năm 1970-1971, đắp đập Đồi Tương bằng phương pháp cơ giới. Đập Đồi Tương với 3 km mương dẫn hợp dòng với hệ thống mương dẫn Đồng Bung đưa nước tưới cho cả vùng Vinh – Thiện – Dị.
Năm 1967-1968, khởi công đắp đập Đồng Làng đủ nước tưới cho 10ha; đập Đồng Thạch đủ nước tưới cho 6 ha ở xóm 14.
Năm 1968 -1969, đắp đập Khe Trũng (Bãi Bằng) dẫn nước tưới cho hàng chục ha.
Năm 1976-1977, đắp đập Khe Điển lấy nước thừa Đồi Tương, Đồng Bung tưới cho đồng ruộng xóm 4.
Năm 1978, huyện khởi công đắp đập Vực Mấu.
Năm 1982, khởi công đắp đập Cầm Kỳ.
Cùng với nhân dân huyện nhà, nhân dân Quỳnh Vinh đã góp phần xứng đáng giành lá cờ đầu về thuỷ lợi toàn miền Bắc thời kỳ 1958-1960; 1970-1975.
Đúng như Tố Hữu đã viết:
Đã nghe nước chảy lên non
Đã nghe đất chuyển thành con sông dài...
9. Cây trồng vật nuôi.
Cây trồng
Lúa: Do đặc điểm của địa hình, thời tiết, khí hậu, lại chưa có hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu nên trên hầu hết diện tích chỉ gieo, vãi được một vụ lúa mùa. Giống lúa chủ yếu là: Lúa trắng, lúa cằm, lúa cút, lúa lốc mỡ là loại lúa cây cao.
Gieo vãi hoặc dùng tỉa nọc vào tháng 2, tháng 3 âm lịch. Lúa gieo xong nằm đó chờ mưa mới nảy mầm. Trận mưa tháng 3 rất quan trọng lúa phát triển, bón thúc phân chuồng, bạt bờ cuốc cỏ chờ trận mưa tháng 4, tháng 5 rồi: tỉa chỗ dày, dắm chỗ sưa. Đến tháng 8 mới có mưa lớn, tháng 9 mới trổ bông tháng 10 âm lịch mới gặt, dùng hái để gặt không phải dùng bằng liềm. Ruộng nhất đẳng điền cũng chỉ được 1,2-1,5 tạ/sào.
Trồng khoai, sắn: Khoảng 1/3 diện tích đất canh tác là đất cát pha như các xứ đồng: đồng Đò, đồng Dũ, Bức Thây, Chỗ Tát, Nàng Eo được làm hai vụ, một vụ trồng khoai hoặc lạc, đậu và một vụ lúa mùa.
Ngoài lúa, khoai lang được coi là cây chủ lực trong cơ cấu mùa vụ. Khoai lang vốn là cây dễ trồng, chịu hạn tốt và là cây chống đói hiệu quả, ăn được cả lá và củ, được sử dụng dưới nhiều hình thức. Củ khoai rửa sạch, thái lát phơi khô dòn cho vào bồ, chum ăn dần. Lá khoai được sử dụng cho trâu bò, lợn ăn tươi hoặc phơi khô để dành phòng mùa mưa bão. Khoai lang còn được nhân dân trồng ở đồi núi: Hang Thờ, Mu Cua, Đá Nhảy, khe Trù, Vũng Môn, Hòn Ngang vào dịp tháng 7, tháng 8 âm lịch mưa nhiều, trên các triền đồi đất sụn, loại khoai lang ruột đỏ được trồng theo đường đồng mức. Vụ khoai lang trái này cứu đói được nhiều nhà. Ngoài khoai lang thì khoai từ, khoai dong riềng, khoai chân chó, khoai vạc cũng được nhân dân trồng nhiều ở các thung lũng như Hòn Ngang, Mu Cua, Đá Nhảy những loại khoai cũng không kém phần quan trọng.
Sắn cũng là loại cây được trồng nhiều, hầu như gia đình nào cũng có vài sào sắn, vào dịp giáp hạt mới thấy khoai, ngô, sắn là cần thiết.
Việc nắm bắt quy luật thiên nhiên, tính chất các loại đất để chọn trồng giống cây gì, được người xưa hết sức chú ý:
"Bốc mộ tránh ngày trùng tang
Trồng khoai lang tránh ngày gió bấc"
Hay "Làm ruộng phải biết thổ nghi
Trồng cây phải biết thì, thục"
(Thổ nghi: đất đai, khí hậu; Thì, thục: là thời vụ, kỹ thuật)
Không biết tự bao giờ nhân dân ta đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng
"Dỹ nông vi bản
Nông suy bách nghệ bại..."
Với đức tính cần cù siêng năng, "Một nắng, hai sương" tinh tường kỹ thuật, chắt chiu, tiết kiệm mà qua nhiều trận đói lớn như trân đói: Năm Kỷ Sửu 1769, cuối đời Lê và năm Ất Dậu (1945) cuối triều Nguyễn:
Một cơn gió bụi vừa tan,
Hai triệu sinh linh đã mất,
Khí oan tối cả đất trời
Thây lạnh phơi đầy cỏ đất.
Vào đầu thế kỷ XIX, nghề trồng chè xanh được du nhập về Quỳnh Vinh. Cả vùng đồi núi hàng trăm hécta từ cấp Mồng Gà đến Khe Trĩn, Cầm Kỳ, Thung Lân, đồng Dũ, Cần Chanh về Chỗ Cang, ... bạt ngàn chè xanh. Khác với Đô Lương, Anh Sơn, giống Tĩnh Gia (Thanh Hoá), chè xanh Quỳnh Vinh hái lá (lá nhỏ, dày, vàng rôm là chè đảm bảo xanh, chát, thơm ngon). Chiều chiều vào phiên nại (ngày lẻ) các bà, các chị từ các nại chè gánh về chợ đình bán, chè đựng trong rổ, đơm thành ngọn rất đẹp.
Người Thanh Hoá, Diễn Châu đến mua đưa đi khắp nơi bán. Người buôn lẻ mang đi chợ Khoa Trường, Trúc Lâm, chợ Giát bán. Chè Quỳnh Vinh hơn 100 năm từ 1850 – 1963 từng nổi tiếng khắp vùng Thanh – Nghệ là thơm ngon.
"Ai ơi chè Quỳnh Vinh
Càng chát mới càng ngon
Và chuối lùn chuối ngự
Vàng hươm màu quyến rũ
Rất bổ dưỡng thơm ngon"
Để có chè xanh vàng rộm, uống thơm ngon hấp dẫn người mua. Người trồng chè cũng phải chọn giống, chất đất, tạo tán che phủ cho chè và cách giữ ẩm, tạo màu cho đất hàng năm. Ngoài chè xanh, chuối là loại cây đặc sản vào những năm đầu thế kỷ XX mỗi gia đình ngoài vài sào nại chè, còn có nại chuối ít nhất cũng vài trăm bụi chuối. Mấy cánh rừng: Hòn Ngang, Khe Trù, Mu Cua, Thung Lộn, Đốc Đâm, Hang Thờ, Đá Nhảy, ...bạt ngàn chuối. Thanh niên khoẻ cũng chỉ gánh được bốn buồng 28 nải là cùng. Phiên chợ Chiền chuối ngự, chuối lùn bán liền mấy dãy. Cùng với gừng, nghệ, vỏ mang. Người Thanh Hoá, Yên Thành, Diễn Châu kéo từng đoàn xe cút kít ra mua đưa đi bán khắp nơi.
Chăn nuôi
Rừng đồi, thung lũng, đồng cỏ tự nhiên mênh mông, nhưng chăn nuôi của Quỳnh Vinh thời trước chưa phát triển. Trại chăn nuôi trâu bò lớn cũng chỉ vài chục con như: Trại bò Vũng Môn của cụ Tuần Vinh, Trại bò Hòn Ngang của cụ Diên Trường,... Mỗi gia đình thường nuôi một trâu, bò để cày kéo, một trâu bò đẻ để lấy giống. Mỗi làng thường có một vài người chăn bò thuê chuyên nghiệp. Sáng sớm từ các cổng làng từng đàn trâu bò được chăn ra đồng hoang ăn cỏ, chiều ngả bóng mặt trời, con nào con nấy hông căng tròn vo lại về chuồng. Rất ít khi trâu bò mất mát thất lạc.
10. Ngành nghề.
Nghề sơn tràng
Nghề sơn tràng khá phát triển, lớp thanh niên, trung niên khoẻ có kiến thức về gỗ, giỏi chặt, đẽo, từ 3 giờ sáng rìu, rạ vào rừng khai thác gỗ. Có gia đình làm xong nhà mới, lại bán rồi lại tiếp tục khai thác, xem đây là một ngành dịch vụ.
Ngoài khai thác gỗ làm nhà, dân sơn tràng còn khai thác gỗ làm thuyền. Phiên chợ Chiền ngày chẵn, thuyền từ Vạn Phần, Tiến Thuỷ, Quỳnh Phương tấp nập cập bến mua hàng. Gỗ lúc ấy vận chuyển chủ yếu là khiêng, vác. Với các loại gỗ như lim, giành lèn, chua khét, ...Trai sơn tràng nổi tiếng như cụ Doãn, cụ Thương, cụ Hiếu, cụ Trì, ...
Nghề săn bắn, đánh bẫy thú rừng
Do có lợi thế, đồi núi âm u, cây cao, bóng cả lại chân hổ, móng gấu, lợn rừng đạp chồng lên nhau nên mỗi làng có tới 3-4 phường săn. Từ mờ sáng vào rừng, sau khi phán đoán hướng chạy tháo của thú rừng họ dăng lưới chặn đường, dùng chó săn giỏi dục sủa..., các thành viên trong đoàn mang theo giáo, mác, súng săn “ngoát”, hò reo vang rừng, nai, hoãng, lợn rừng hoảng hồn chạy vào lưới, các thợ săn nhanh tay đâm giáo. Người đầu tiên vừa đâm vừa hô nhất tôi, người thứ hai vừa đâm vừa hô nhì tôi, tiếp đến người thứ ba, người thứ tư, ... cho đến khi con thú chết; phường trưởng căn cứ vào vị thứ để chia phần. Riêng trùm phường được ưu đãi cả đùi con thú... Săn bắn vừa là một nghề vừa là một thú vui, thích thú nào bằng: “Săn về thường chén thịt rừng quay”. Nhiều phường săn nổi tiếng như cụ Đoàn Thành, cụ Tịnh, cụ Thương Vành, cụ Chủ Hớn, cụ Vũ Lê, cụ Bình Bường, ...
Nghề đánh bẫy thú rừng có vẻ lặng lẽ hơn: Chiều chiều sau khi dõi vết chân của thú rừng những thợ bẫy tạo đường đi; sáng hôm sau tới, nếu thú rừng sa bẫy, dùng súng săn bắn chết hoặc trói sống mang về. Cụ Kham, cụ Quế, cụ Vinh, cụ Tri Kỹ,... là những thợ bẫy thú rừng nổi tiếng. Các tay ‘súng săn’’ nổi danh là các cụ Hoá Sươu, cụ Hiển, cụ Đôn, cụ Thiết, ... các cụ đã đi săn thế nào chiều về cũng có chiến lợi phẩm.
Nghề săn bắn thú rừng thời đó vừa mang lại nguồn thực phẩm quý hiếm, giá trị dinh dưỡng cao vừa bảo vệ mùa màng hoa màu (nại chuối, nại sắn, nại lúa)... vừa rèn luyện bản lĩnh linh hoạt, dũng cảm hợp đồng tác chiến.
Nghề hái lượm
Một số hộ nghèo, ít ruộng, hoặc lúc nông nhàn từng tốp người vào rừng nhặt hạt dẻ, bứt quả đâm về xéo cơm, hái dâu da rừng, nấm rừng, bóc vỏ mang, nhặt nến đất, bứt dây thó về thắt dóng, hái chè rừng, chặt đót về kết chổi, đào củ nâu, đào khoai mài, ...
Có gia đình, có người suốt đời hoặc truyền đời sống bằng nghề ấy, họ đã vào rừng là có sản phẩm, phiên lẻ đi, phiên chợ bán là có gạo, cá thịt, tuy vất vả nhưng thanh bần.
Nghề đốt than, hái củi
Do phân công lao động, kinh nghiệm nghề nghiệp, một số người và một số gia đình chỉ sống bằng nghề than củi tiêu biểu là gia đình: Cụ Lễ, cụ Quế, bà Thiệp, cụ Hảo, ... Kỹ thuật đốt than hái củi của họ thật điêu luyện. Củi phải dễ đốt, nhẹ, đỏ và cháy đượm, ... Dân kẻ Càn, kẻ Trắp, kẻ Thơi, kẻ Vạn đưa thuyền cập bến chợ Chiền mua, trao đổi cá, muối. Một gánh củi, gánh than bán lúc rẻ cũng được yến gạo, dăm chục cá trích, chai nước mắm ngon, cả nhà dùng được vài phiên chợ, rồi phiên lẻ lại tiếp tục đi rừng: "Chợ Chiền ba dãy củi than
Bốn dãy chè, chuối cả làng ấm, no".
Nghề mộc
Nghề mộc phát triển khá sớm. Từ thế kỷ XVII (1699), khởi công xây dựng Đền Vưu do hai tốp thợ mộc Quý Vinh và Thọ Vinh thực hiện.
Nhà Văn Thánh Quý Vinh được xây dựng năm 1769 cũng do các tốp thợ làng thực hiện.
Đình làng Thọ Vinh, Quý Vinh, thợ phó là người làng, chỉ một số bộ phận chạm trổ phải mời thợ làng Phú Nghĩa.
Nhiều nhà thờ lớn như họ Trần, họ Lê, họ Vũ, ... với các bộ phân kiến trúc được chạm trổ hết sức tinh vi với bộ long, ly, quy, phượng hài hoà, hoàn chỉnh đều do các thợ phó và thợ bạn tài hoa của làng đảm nhận.
Còn người là còn nghề, có nghề sẽ truyền nghề. Theo quy luật đó nhiều tốp thợ mộc Quỳnh Vinh ngày càng trưởng thành điêu luyện. Những tốp thợ lớp trước như phó Điểm, phó Liêm, phó Trang, phó Tụ, phó Lưu, phó Trương, phó Ngợi... đục nết nhà nào cũng “tươi mực” gia đình chủ sự làm ăn tấn tới, nổi tiếng khắp cả vùng miền. Rồi các lớp thợ trẻ ngày nay như phó Hiền, phó Đặng, phó Mỵ,... Đã khởi mộc những nết nhà bẩy trường 7,5 thước, 8,5 thước, 12,5 thước với những đường nét thanh tú, hài hoà chạm trổ tinh vi được khách tham quan tấm tắc khen ngợi như nhà cụ Trần Phầu,... Không những đi làm thợ trong huyện, ngoài tỉnh lớp thợ trẻ năng động ngày nay mở xưởng mộc, xưởng cưa tại nhà với những phó mộc, tay thợ giỏi nghề như: Chủ xưởng Lê Hiền, Nguyễn Khuê, Trần Quế,... Sản phẩm làm ra như: Tủ, cửa panô,... đi khắp huyện ra Thanh Hoá, Hà Nội, giải quyết việc làm cho hàng chục người, đời sống khấm khá.
Với lợi thế, tài hoa, ngành nghề truyền thống và xu thế thị hiếu, được sự quan tâm của Đảng uỷ, chính quyền các cấp tạo điều kiện về cơ sơ vật chất tiền vốn, thị trường, quảng bá thương hiệu,… nghề mộc, sản xuất đồ gỗ đã và đang đem lại thu nhập không nhỏ cho người dân.
11. Y học dân gian.
Theo các tài liệu lịch sử: Cư dân cổ đại vùng Hoàng Mai ban đầu sinh sống trên các sườn đồi, dần dần tiến về tả, hữu ngạn sông Hoàng Mai.
Theo truyền thuyết Vua An Dương Vương bị Triệu Đà đuổi chạy vào Nghệ An; Cư dân Hoàng Mai đã sung vào đội quân của ông Bùi Thôn tiến từ Lạch Cờn vào chặn đánh quân Triệu Đà.
Từ thế kỷ X, XI nhiều vùng đất Hoàng Mai được khai phá, dân mọi miền đến lập nghiệp đông dần. Gia phả họ Lê ở Quỳnh Trang cho hay ông Tổ từ Bắc vào lập nghiệp đã 36 đời khoảng 900 năm. Làng Ưa, làng Cần, làng Mít, Quý Vinh, Thọ Vinh xưa là vùng hẻo lánh nước độc, người thưa. Núi rừng âm u, heo hút, sơn lâm chướng khí...
Để tồn tại, tăng cường sức đề kháng, khi ốm đau bệnh tật người xưa chủ yếu dùng thuốc nam với các bài thuốc dân gian.
Thầy thuốc nam nổi tiếng lớp trước là cụ Học Nghị, cụ Học Lạp, cụ Cựu Khuyên, ... các cụ còn nhiều bài thuốc hay còn lưu truyền.
Bài thuốc chữa rắn, rít cắn
Bài 1: Lấy vài củ sắn dây, lá khoai lang, một con nhái (bỏ ruột) cả ba thứ đập dập lấy một phần đắp vào chỗ rắn, rít cắn dùng băng cột chặt. Hai phần còn lại bỏ vào siêu với ba bát nước, sắc lấy một bát cho uống vài lần là khỏi.
Bài 2: Rắn cắn phải dùng đến gà
Áp vào vết cắn thì gà chết ngay
Tiếp thêm con khác nhanh tay
Khi gà không chết khỏi ngay tức thì
Bài thuốc từ trứng gà, mật ong, nghệ vàng
Trị bệnh thuộc tâm: Thiếu máu
Trị bệnh thuộc phế: Viêm phế quản
Trị bệnh thần kinh: Đau đầu mất ngủ
Trị bệnh tiêu hoá: Viêm đại tràng
Trị bệnh can thận: Viêm đa khớp, đau vai cổ, sinh lý yếu
Trị bệnh phụ khoa: Kinh nguyệt không đều khí hư
Bài thuốc
Trứng gà 1 quả bỏ lòng trắng, mật ong tốt 2 thìa cà phê
Nghệ vàng một củ nhỏ rửa sạch giã nhuyễn lọc lấy nước cho vào lòng đỏ trứng gà với hai thìa mật ong chưng cách thuỷ
Sử dụng:
-Ăn vào buổi tối, nam 7 ngày, nữ 9 ngày
- Nếu chưa khỏi 10 ngày sau ăn tiếp
- Kiên trì mang lại hiệu quả
Chữa hóc xương
Đặt người bệnh ngồi lên đùi mình, mặt hướng ra phía trước rồi dùng hai tây ép mạnh vào bụng bệnh nhân theo chiều hướng lên ngực áp lực hơi trong bụng có thể đẩy dị vật ra ngoài.
Cấp cứu người treo cổ
Thấy có người treo cổ tự tử, đừng cắt dây, trước hết hãy lấy dẻ bịt kín hậu môn của nạn nhân sau đó cởi dây và hạ xuống mà làm hô hấp nhân tạo rất có nhiều khả năng cưu sống!
12. Về thuật xem ngày chọn giờ.
Trước đây các gia đình trong làng khi có đại sự thường có cơi trầu, hươu rượu đến nhờ cụ Học Lạp chọn ngày giờ. Sau này có cụ Nhiên Tuổn; Các cụ dùng phép độn lục nhâm và phép âm dương ngũ hành để xác định. Xin chép phép độn lục nhâm của các cụ:
Độn lục nhâm theo ngày sóc của tháng
Tháng 1 (Dần) | Tháng 7 (Thân) | Tốc hỷ |
Tháng 2 (Mạo) | Tháng Tám (Dậu) | Lưu niên |
Tháng 3 (Thìn) | Tháng 9 (Tuất) | Tiểu cát |
Tháng 4 (Tỵ) | Tháng 10 (Hợi) | Không vong |
Tháng 5 (Ngọ) | Tháng 11 (Tý) | Đại an |
Tháng 6 (Mùi) | Tháng 12 (Sửu) | Xích khẩu |
- Tháng Tám ngày sóc là lưu liên vậy 24 là Đại an
- Làm nhà, xuất hành, ... cưới hỏi, làm giỗ ngày Đại an là tốt
Và bảng ngũ hành âm dương của các cụ theo hệ can chi
Ngũ hành | Thiên can | Địa chi |
Mộc | Giáp Ất | Dần Mạo |
Hoả | Bính Đinh | Tí Ngọ |
Thổ | Mậu Kỷ | Thìn, Tuất, Sửu, Mùi |
Kim | Canh Tân | Thân Dậu |
Thuỷ | Nhâm Quý | Hợi Tý |
Cách dùng bảng: Ví dụ ngày 21/5 âm lịch là ngày Mậu thân
Nhìn thấy bảng: Mậu là hành thổ, Thân là hành kim
Thổ sinh kim: Tương sinh là ngày bảo nhật (tốt)
(Bằng bàn tay trái bấm đốt, 5 phút trả lời đầy đủ cho người hỏi)
Đối chiếu với lịch vạn niên của Tân Việt, nguyên lý chọn ngày theo lịch can chi của Giáo sư Tiến sỹ y khoa Hoàng Tuấn thấy hoàn toàn trùng khớp. Thế mới rõ các nhà nho y chúng ta xưa kia thật uyên bác khả kính.
II. THỌ VINH VÀ QUÝ VINH XƯA.
1. Làng Thọ Vinh.
Làng Thọ Vinh xưa có các xóm: Xóm Đông, xóm Đoài, xóm Phú, xóm Quý, xóm Yên Lộc, Yên Trạch (Quỳnh Hợp – Mai Hùng ngày nay)
Xóm Đông
Hiện nay là dân của hai xóm 16 và xóm 17. Phía Đông giáp xóm Phú, xóm Đoài, phía Tây là làng Quý Vinh và phía Nam là sông Hoàng Mai, phía Bắc là đồng ruộng Tay Lái, Đồng Đò. Dân số năm 1945 khoảng 160 hộ, 800 khẩu, thống kê năm 2011 có 300 hộ, 1500 khẩu.
Trong xóm có các nhà thờ lớn:
Nhà thờ họ Nguyễn Bá ông tổ là Nguyễn Trọng Định
Nhà thờ họ Lê Thạc ông tổ là Lê Tuấn
Nhà thờ họ Lê Sỹ ông tổ là Lê Sỹ Chiếu
Nhà thờ họ Lê Văn ông tổ là Lê Văn Giang
Nhà thờ họ Lê Công ông tổ là Lê Huy
Nhà thờ họ Lê bà tổ là Hồng Nhung
Các giếng lớn mà nhân dân sử dụng là: Giếng Đồng Sác, giếng Quan, giếng Nhàn
Các ngành nghề chính
Xóm Đông là xóm thuần nông, chủ yếu trồng khoai, lúa và nương rẫy. Nhà nào cũng có nại chè, nại chuối, mỗi nhà vài sào ruộng lúa, vài sào nại chè vài trăm gốc chuối, vài sào nại sắn.
Nghề mộc khá phát triển: Các phó nhà bẩy nổi tiếng là phó Điểm, phó Trang, phó Ngợi, phó Mạo Sươu, ngoài làm nhà còn tự chế súng kíp, súng săn, cải tiến nông cụ sản suất, về sau ông làm việc ở Hợp tác xã cơ khí Hồng Lực.
Trong quá trình làm thợ bạn với các phó mộc làng Phú Đa, Phú Nghĩa các thợ xóm Đông tuy đã giỏi nghề nhưng chưa xuất phó được vì chưa lấy được mực nhà bẩy, nhà bẩy thanh gươm và chạm trổ. Bằng tay nghề và sự thông minh các cụ chinh phục được thợ phó, Phó Huỳnh nổi tiếng làng Phú Nghĩa chỉ gợi ý “tam tứ thành ngũ” ngẫm nghĩ một thời gian cụ Điểm, cụ Trang hiểu ra đó chính là định lý Pi ta go; trở thành phó mộc nhà bẩy nổi tiếng nhờ sự gợi ý đó của lớp phó đi trước mà các cụ phải bỏ một thời gian tầm sư học nghề và sau này chính các cụ lại truyền nghề cho các phó Sơn Thái, Hiền Thảo, ... Những nhà bẩy cổ đẹp, tươi mực như nhà thờ cụ Ninh Phương, hay nhà bẩy hiện đại của cụ Trần Phầu đều do các phó là học trò của các cụ làm nên.
Truyền thống văn hoá
Vào thời cuối đời Nguyễn có người con nuôi của cụ Lê Thạc Hanh khôi ngô, tuấn tú giỏi binh lược sau này trở thành dũng tướng. Thủa ấy có bọn giặc cỏ là Quản Chiềng chiêu quân ở lèn Răng Cưa, Bãi Tập thường xuyên xuống khu dân cư Quỳnh Vinh, Quỳnh Trang bắt con gái đẹp, cướp của, Quản Chiềng là tên tướng cướp giỏi võ nghệ. Dũng tướng là con nuôi họ Lê đã phối hợp với nhân dân dẹp tan loạn giặc cỏ Quản Chiềng cứu thoát nhiều mỹ nữ, giữ yên làng xóm. Nhờ chiến tích đó của người con nuôi, cụ Lê Thạc Hanh được vua phong phó sở sứ đồn điền.
Cụ Nguyễn Bá Ngoạn vừa là cán bộ lão thành hoạt động thời tiền khởi nghĩa một trong ba đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở làng Thọ Vinh năm 1935 (Vũ Lê Lự, Nguyễn Bá Ngoạn, Nguyễn Bá Thếp). Được tổ chức bố trí, cụ lại được nhân dân tín nhiệm bầu làm lý trưởng. Sau năm 1945 cụ mở lớp dạy học tại nhà từ lớp 1 đến lớp 3, lớp học được tổ chức ngay ở nhà thờ họ Nguyễn Bá mà cụ là trưởng tộc.
Cụ Học Lơu, Học Duyệt vừa là thầy dạy học vừa là thầy thuốc nổi tiếng cả vùng.
Chi bộ Đảng Quỳnh Vinh thành lập đầu tiên 18/9/1946 được tổ chức tại nhà đồng chí Phạm Nhơ (xóm Đông) do hai đồng chí cán bộ Huyện uỷ là Nguyễn Đức Nghi và Nguyễn Thị Du chủ trì. Chi bộ gồm 5 đồng chí là: Phạm Nhơ, Hồ Văn Long, Lê Thạc Tạo, Nguyễn Hữu Nghị, Văn Đức Huế.
Những chức sắc trong xóm thời kỳ trước 1945 là cựu Thức, cựu Tưu, lý Hoè là lý trưởng cuối cùng của chế độ phong kiến.
Bộ Oánh, Bộ Nhoan, Dich Ngựu là những ngũ hương trong hội đồng hào mục của làng là những người vừa có năng lực vừa có học vấn.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Trận đánh giặc đổ bộ bằng đường không xuống Đồng Lách là trận đánh mở đầu dân quân du kích Quỳnh Mai, chủ yếu là dân quân du kích làng Thọ Vinh và làng Ưa, tiểu đội chủ yếu là xóm Đông. Sau thất bại Việt Bắc thu đông 1947, chiến dịch Biên giới năm 1950, địch ra sức củng cố thế phòng ngự. Sau một thời gian dài địch tiếp tục quấy phá vùng tự do cho nhảy dù, tung gián điệp, biệt kích xuống Đồng Lách, xã Quỳnh Mai với mục tiêu ngăn chặn căn cứ ở Nghệ An và Thanh Hoá cung cấp người và của cho chiến trường miền Bắc.
Ngày 5/11/1953, Pháp đã 4 lần thả dù người, hàng hoá cùng các phương tiện khí tài với 19 tên biệt kích do tên Doanh là toán trưởng, Nguyễn Sơn toán phó. Được tin báo từ đồng chí Vi Văn Lá, khi đó ở Quỳnh Mai ông Nguyễn Tượu là Bí thư, ông Trần Lưu là Chủ tịch xã, ông Trân Lơng là Xã đội trưởng một mặt báo cáo với cơ quan quân sự huyện, một mặt giao cho tiểu đội du kích do đồng chí Lý Xuân Nhãn chỉ huy tiếp cận bao vây truy kích địch.
Tiểu đội du kích xóm Đông khi đó là: Phạm Nhơ, Lê Đăng Thới, Lê Thạc Liễn, Lê Đăng Đuôn, Lê Văn Thắm, Nguyễn Đình Tuy, ... cùng với dân quân du kích làng Ưa, Thiện Kỵ hợp đồng tác chiến với bộ đội địa phương huyện, sau hơn một tuần truy kích ta tóm gọn 17 tên địch. Ngay từ phút đầu tiên ta tiếp cận nổ súng bắn chết tên trinh sát, đồng chí Nguyễn Đình Tuy ném lựu đạn làm bị thương tên Doanh, Doanh nhờ chỉ điểm dẫn đường chạy về Diễn Hạnh (Diễn Châu) rồi cũng bị bắt.
Lực lượng dân quân du kích hy sinh hai người:
Đồng chí: Lê Thạc Tài xóm Đông Quỳnh Vinh
Đồng chí: Vi Văn Lá dân tộc Mãn Thanh làng Đá Bạc Quỳnh Thắng
Bộ đội địa phương hy sinh một người là đồng chí Nguyễn Lưu.
Sau trận đánh thắng địch đổ bộ Đồng Lách; Quỳnh Mai được Tỉnh khen thưởng, đồng chí Lý Xuân Nhãn được cử báo cáo trận đánh ở Quân khu 4 và được quân khu tăng giấy khen.
Sau Cách mạng tháng Tám và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhiều cán bộ chủ trì xã là con em của xóm Đông:
Đồng chí: Phạm Nhơ: Đảng viên 1946 Bí thư Chi bộ đầu tiên Quỳnh Vinh
Đồng chí: Hồ Văn Long: Đảng viên 1946 Phó Bí thư Chi bộ đầu tiên Quỳnh Vinh
Đồng chí: Lê Văn Trương: Bí thư Chi bộ
Đồng chí: Lý Xuân Nhãn: Bí thư Đảng ủy, CT UBND
Đồng chí: Vũ Lê Nhoạn: Bí thư Đảng ủy, CT UBND
Lớp thầy giáo đầu tiên của làng Thọ Vinh sau 1945 là Lê Sỹ Thiềm, Lê Sỹ Trường, Trần Trương sau này là hiệu trưởng, cán bộ Huyện uỷ, chuyên gia giáo dục.
Trong xóm có bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tâm có con trai duy nhất là liệt sỹ Lê Thạc Tập.
Anh hùng LLVT Lê Đăng Tới, chiến sỹ thi đua nông nghiệp giai đoạn 1961-1962 Nguyễn Xuân Tơn. Hàng chục liệt sỹ, thương bệnh binh thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Hàng trăm thanh niên tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam, có gia đình bốn thế hệ tham gia quân đội nhân dân Việt Nam như gia đinh cụ Vũ Lê Ngựu.
Nhiều đại tá QĐNDVN: Lê Đăng Nhiệm, Lê Đăng Trung, ...
Toàn xã thời kỳ 1945-1951, có 150 đảng viên riêng xóm Đông có 39 đảng viên nhiều nhất so với các xóm.
Hàng chục kỹ sư, bác sỹ giỏi như Lê Khắc Thạo, Lê Thạc Xinh, Lê Khắc Nghị, Nguyễn Xuân Nga, Lê Văn Thiêm, Lê Văn Hanh, ...
Trên nhiều lĩnh vực các thế hệ con em xóm Đông đang làm rạng rỡ truyền thống quê hương đất nước.
Xóm Đoài (nay là xóm 15 và một phần xóm 16)
Phía Bắc là đình làng Thọ Vinh, sân vận động, phía Nam là chòm Phú, phía Tây là xóm Đông, phía Đông là đường lên ga và xóm Quý.
Trên đất xóm Đoài có nhiều công trình lịch sử văn hoá, đình Thọ Vinh thờ thánh thần và nhân thần cổ kính uy nghiêm được xây dựng từ thế kỷ XVI. Là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử lớn của làng, tiếp đó là sân vận động đạt chuẩn đảm bảo cho vui chơi lễ hội TDTT của làng trước đây và ngày nay. Các buổi chiều phiên lẻ (phiên nại) sân vận động là chợ chuối, chợ chè các khách hàng làng trong như Diễn Châu, Yên Thành.., khách làng ngoài Tĩnh Gia (Thanh Hoá) tấp nập mua bán và vận chuyển đi khắp Thanh Hoá, Nghệ An.
Nhà văn thánh thờ Khổng Tử lúc trước được xây dựng ở Đồi Thông, sau này chuyển về đồng Cồn Cổng phía Bắc xóm. Năm 1948, nhà thánh được bán cho ông Kiểm Thi làm nhà ở và cho xã Quỳnh Dị làm trường học.
Nhân dân xóm Đoài sử dụng bốn giếng nước lớn: Giếng cổ Đồng Cùa có mạch nước trong xanh, ngọt như nước mưa đủ dùng quanh năm. Giếng Đồng Sác hầu như không bao giờ cạn nước. Để thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất sau năm 1945, nhân dân đào thêm giếng Mới. Giếng Kia lọc nước ao dùng để rửa, tưới hoa màu. Cái ao làng dài vòng vèo trên 3 cây số chảy từ đồng Chay Thủng xóm Đoài đổ về Đồng Nấy làng Quý Vinh, vừa tiêu nước mùa mưa lũ, tưới nước cho hoa màu mùa nắng hạn nay đã bị lấn chiếm hầu hết.
Các ngành nghề
Ngoài trồng lúa, khoai là chính, dân xóm Đoài nổi tiếng làm nương rẫy, nại chè, nại chuối, nại sắn. Các khu vực đồng Dốc Đâm, Mu Cua, Khe Trù, Hòn Ngang bạt ngàn chuối chủ yếu là do xóm Đoài sản suất. Chè xanh hái lá vùng Đồng Dũ, Cầm Kỳ, Khe Trĩn, Cần Chanh lá vàng hươm dòn khúm hội đủ ba tiêu chí chát, xanh, ngon.
Nghề sắn bắn thú rừng cũng khá phát triển, các phường săn lên rừng là có sản phẩm rừng mang về cung cấp một lượng thực phẩm tương đối ổn định.
Truyền thống văn hoá
Là xóm có truyền thống văn hiến, 3 nhà thờ của họ Trần được xây dựng ở đây: Họ Trần Đức (Trưởng tộc Trần Đức Oanh). Họ Nguyễn Trần (Trưởng tộc Trần Thanh)
Cụ Trần Xuyên đỗ phó bảng khoa Ất Sửu làm đốc học ở Quảng Nam dân làng họ tộc gọi là quan đốc được thờ tại nhà thờ chi đệ nhị họ Trần, xóm Đoài.
Hai trong 5 đảng viên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Quỳnh Vinh là Lê Thạc Tạo, Nguyễn Hữu Nghị là người xóm Đoài. Nguyễn Hữu Nghị về sau công tác ở UBMTTQ huyện, Lê Thạc Tạo là cán bộ tổ chức Tỉnh uỷ. Đồng chí Vũ Lê Lự là cán bộ tiền khởi nghĩa. Ông Bùi Đình Chi là Trưởng Ban bình dân học vụ đầu tiên. Năm 1947, làm Chủ nhiệm Việt Minh.
Năm 1945 dân số khoảng 150 hộ, hơn 370 khẩu.
Thời kỳ 1945-1951, có 37 đảng viên. Đảng viên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là Bùi Đình Sỹ, Lê Thạc Lam, đồng chí Bùi Đình Sỹ hy sinh anh dũng ở Điện Biên Phủ. Cụ Lê Thạc Lam năm 1957 phục viên tham gia cấp ủy, chính quyền xã. Lớp cán bộ lãnh đạo của xã, huyện xuất thân từ xóm là: Lê Thị Vang, Hoàng Đình Trương, Nguyễn Hữu Nghị, Lê Thạc Tạo, Lê Văn Cầu, Trần Duy, Lê Thạc Lam, ... Xóm có hàng chục sỹ quan quân đội là Nguyễn Xuân Thảo, Lê Sỹ Lịch, Lê Thạc Tạo, Lê Đăng Tuấn, ...
Lớp thầy giáo xưa có thầy Học Lạp, thầy Học Vơn nho-y-lý số uyên bác, sau này có thầy Trần Trương, thầy Bùi Đình Châu là cán bộ quản lý.
Nối tiếp thế hệ cha anh, con em xóm Đoài Quỳnh Vinh trên mọi miền Tổ quốc đang viết tiếp trang sử hào hùng của quê hương, thi đua làm giàu cho gia đình và xã hội. Xứng đáng với truyền thống cần cù, chăm chỉ, thông minh, sáng tạo và rất nhân văn hiếu nghĩa.
Xóm Phú
Phía Bắc giáp xóm Đoài, phía Nam giáp xóm Quý, phía Tây giáp xóm Đông, Phía Đông là Đồng Nổ, Đồng Lại.
Bốn giếng nước lớn là giếng Đồng Cùa, Đồng Sác, sau 1945 thêm giếng Mới và giếng Đồng Nổ, là nguồn nước chính cung cấp cho 170 hộ dân của xóm.
Xóm có 7 nhà thờ họ lớn: Họ Trần, họ Vũ Lê, họ Lê Sỹ, họ Lê Danh, họ Trần Đức, họ Nguyễn Sỹ, họ Lê Đức, 2 nhà thờ chi đệ nhị họ Lê và họ Trần.
Các ngành nghề chính
Có thể nói 100% nhân dân xóm Phú sống bằng nghề trồng trọt: Những nại chè xanh, nại chuối, nại sắn, nại rau, nại lúa đã mang lại một nguồn thu đáng kể cho người dân nơi đây. Vì mỗi năm chỉ một vụ, sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên nên nên ngô, khoai, sắn, khoai từ, khoai vạc là rất quan trọng.
Nghề săn bắn và bẫy thú rừng khá phát triển, các tốp thợ săn cứ vào rừng là có thú rừng mang về, cứ đặt bẫy là có thú rừng mắc bẫy vừa góp phần bảo vệ mùa màng, vừa có thực phẩm quý hiếm vừa là thú vui chơi lúc nông nhàn. Nghề bóc vỏ chay, vỏ mang, lặt hạt dẻ, đào củ nu, khoai mài, lượm hái quả đâm, quả dâu da rừng rất phát triển. Nghề đốt than hái củi, sơn tràng, đẽo mái chèo tạo thu nhập lúc nông nhàn cũng rất được chú ý.
Truyền thống văn hoá
Truyền thống anh hùng bất khuất chống giặc ngoại xâm:
Hưởng ứng “Chiếu Cần Vương” của vua Hàm Nghi, ở Quỳnh Lưu có cuộc khởi nghĩa do Phan Bá Niên lãnh đạo, ông là người làng Tam Lễ liên kết với các làng trong huyện, trong tỉnh gây nhiều cơ sở, đánh thắng nhiều trận lớn khiến giặc Pháp chịu nhiều tổn thất lớn. Năm 1885, vua Hàm Nghi phong chức tước cho ông là Đề đốc quân vụ. Dân quen gọi là Đề Niên.
Trong làng Thọ Vinh, tổng Hoàng Mai ông Đề Niên gây cơ sở với ông Nguyễn Sỹ Mỡi, địa điểm liên lạc là nhà riêng của ông Mỡi.
Hàng năm, cụ Đề Niên cùng với nghĩa quân đi từ Tam Lễ đến Bến Nghè, từ Bến Nghè ven sông Hoàng Mai về nhà ông Mỡi. Ông Mỡi bàn với lý trưởng của làng, với hội đồng kỳ hào cung cấp lương thực, động viên trai làng, nhân dân tham gia nghĩa quân trao cho cụ Đề Niên từ năm 1890-1897. Bí mật theo dõi bọn chánh tổng, mật thám Pháp, quan huyện đến nhà ông Mỡi lục soát, bắt khai báo, tra tấn dã man và trói hai chân của ông vào yên ngựa, cho ngựa phi từ nhà cụ Mỡi ra chợ Chiền mấy vòng liền để uy hiếp tinh thần. Để giữ bí mật cho cuộc khởi nghĩa của cụ Đề Niên và thể hiện khí tiết trung quân ái quốc qua chiếu Cần Vương, cụ Nguyễn Sỹ Mỡi không một lời khai báo. Khí phách sỹ phu yêu nước của cụ Nguyễn Sỹ Mỡi làng Thọ thật khả kính.
Sớ tấu trình của nhà tu hành Nguyễn Sỹ Hiền được vua Lê Hiến Tông xem xét, giải nổi oan cho làng Thọ Mai xưa đã thể hiện sự thông minh mẫn tiệp, có lý, có tình trong lời lẽ cũng là bài học cho hậu thế, thật xứng đáng với sắc phong: “Nguyễn Quý Công tự thiên đạo giác linh thần vị”. Đây cũng là xóm có nhiều người đỗ đạt làm quan dưới thời phong kiến: Cụ Lê Văn Luyện hai kỳ thi hương và thi hội đều đỗ đầu làm quan đến ngự sử đài cháng chưởng sau đó dạy học ở Quốc tử giám (1825-1845).
Các sắc phong của triều đại nhà Nguyễn cho quan ngự sử còn được họ Lê Sỹ gìn giữ hầu như nguyên vẹn.
Họ Trần có nhiều người làm quan như: Cụ Trần Lê là tri huyện Quảng Xương (Thanh Hoá), cụ Trần Xuyên là đốc học Quảng Nam. Là xóm có nhiều chánh tổng, lý trưởng được nhân dân cảm mến như: Chánh Thoanh, cựu Khương, cựu Hường, ...
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc có: Cụ Trần Văn Thương đảng viên thời kỳ 1930-1931 là đại biểu HĐND tỉnh khoá 1, Phó Chủ tịch UB di cư tản cư, là liệt sỹ, cán bộ hoạt động trước năm 1945; cụ Trần Dục là cán bộ tiền khởi nghĩa; bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Vinh có con duy nhất là liệt sỹ Lê Sỹ Mẫn. Và hàng chục liệt sỹ, thương binh, nhiều gia đình chỉ có một con trai duy nhất hy sinh như bà Nguyễn Thị Nhoan có liệt sỹ Vũ Lê Chinh; bà Chính Xơng có Liệt sỹ Trần Chính.
Có rất nhiều cán bộ cao cấp quân đội, công an như: Đại tá Trần Lập, đại tá Lê Thạc Ngoan, đại tá Lê Khắc Khánh, trung tá Lê Khắc Khâm, trung tá Lê Sỹ Tiêm... Là xóm có truyền thống hiếu học, nhiều gia đình có con đều tốt nghiệp đại học, thạc sỹ, tiến sỹ như gia đình cụ Trần Dục, cụ Lê Sỹ Nhạ, cụ Nguyễn Bá Võ, ...
Ngày nay các thế hệ con em xóm Phú không ngừng học tập tiếp bước truyền thống cha ông viết tiếp trang sử hào hùng, xứng đáng với mảnh đất địa linh nhân kiệt.
Xóm Quý
Phía Đông giáp làng Thiện Kỵ và đường quốc lộ 1A, xưa là đường thiên lý Bắc - Nam, phía Tây giáp làng Quý Vinh, phía Bắc giáp chòm Phú và cách đồng Lại, Đồng Bạc, Đồi Đất, Đồng Đập, phía Nam giáp sông Hoàng Mai, phía hữu ngạn là hai xóm Yên Lộc và Yên Trạch.
Xóm Quý có công trình văn hoá lịch sử Đền Vưu, đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Có chùa Đồng Bạc vừa thờ Phật vừa thờ thánh.
Chợ Chiền Thọ Vinh đặt ở xóm Quý là trung tâm buôn bán thương mại không những của Quỳnh Lưu mà cả Diễn Châu, Tĩnh Gia (Thanh Hoá).
Trải qua các bước thăng trầm của lịch sử, chợ Chiền qua nhiều lần di chuyển, từ xóm Quý về sân động Thiện Kỵ (1960-1962), sau đó về sân đền Vưu, về Đồi Hà, Giếng Rục, lò Gạch, và hiện nay là ở xóm 18, Quỳnh Vinh. Nhưng gốc chợ Chiền cũ (chợ hôm), dưới bóng cây đa, không ngày nào vắng họp dù nắng mưa.
Năm 1945, xóm có khoảng 150 hộ, 750 khẩu. Tại đây có hai nhà thờ họ tổ là họ Lê Đăng và họ Nguyễn Sỹ.
Các ngành nghề chính
Cũng như các xóm khác trong làng, xóm Quý sống bằng nghề nông là chủ yếu. Ngoài đồng nhà (đồng gần) cùng với nhân dân xóm Phú, nhân dân xóm Quý còn canh tác ở các cánh đồng: Khe Lách, Lèn Nậy, Đồng Dũ, Đồng Kin, Bồ Bóng, Đồng Sác cách nhà 5-7 km.
Ngoài trồng lúa nhân dân còn có nại chè, nại chuối, và còn mở trại khai hoang ở Đồng Châu, Thạch Luyện (Tĩnh Gia) nói đến tên xứ đồng là nói đến những người có công đã khai sơn phá thạch ra vùng đất đó.
Ngoài ra do vị trí địa lý các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp khá phát triển ở xóm Quý là thợ may, xay xát, rèn, đánh cá trên sông, bán buôn hàng quán ở chợ khá năng động. Nhờ nghề buôn bán nhỏ, các hoạt động dịch vụ và ngành nghề truyền thống nên đời sống nhân dân trong xóm khá hơn so với các xóm khác trong làng, con cháu thoát ly, làm ăn rất nhanh nhạy và năng động
Truyền thống văn hoá
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, mảnh đất này đã sinh ra và nuôi dưỡng trưởng thành nhiều thế hệ thông minh hiếu nghĩa.
Đời vua Lê Hiến Tông (1740-1787), có cụ Nguyễn Sỹ Hiền được phong tước hiệu “Thiếu khanh tự thiên đạo giác linh thần” vì đã có sớ tâu lên vua Lê hợp lý, hợp tình về sự kiện tên địa chủ làm loạn không những bị chém mà nhân dân làng Thọ Vinh còn bị vạ lây đốt nhà, phá đồng ruộng. Nhận sớ tấu trình thấy hợp tình hợp lý, nhà vua hạ lệnh quan án sát, quân lính cùng nhà sư Nguyễn Sỹ Hiền cùng hội đồng kỳ hào chiêu dân, lập ấp ổn định đời sống dân tình. Ghi nhớ công lao của ông, nhân dân làng Thọ Vinh coi ông như thành hoàng lập bài vị thờ ở đình làng.
Đời vua Thiệu Trị (1840-1847), có cử nhân họ Lê Sỹ làm quan hành khiển ở triều đình. Có cụ Quyền Viên là quyền Lý trưởng, có con trai là cụ Trần Tình làm hương bộ. Phó lý có các cụ như phó Kỹ, phó Lơn, phó Thảo,... Lý trưởng có các cụ như cựu Phơng, cựu Khánh, cựu Đượu, .... Hương kiểm có cụ Kiểm Đờn, cụ Mục Nhởn,... Là những người vừa giàu có, vừa trí tuệ được lòng bề trên và rất chăm dân.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945:
Cụ Nguyễn Bá Khính là Chủ tịch UBHC xã
Cụ Trần Thường UVUBHC phụ trách kinh tài
Cụ Lê Đăng Tải là cán bộ đoàn
Cụ Nguyễn Viết Xiển là Bí thư Nông hội xã
Lớp cán bộ chủ trì xã những thập niên 70, 80 của thế kỷ XX.
Cụ Lê Thị Vinh, Chủ tịch xã
Cụ Trần Ngoạn Phó, Chủ tịch xã
Cụ Nguyễn Thị Hoà ,Phó Chủ tịch xã
Cụ Hồ Linh, Phó Chủ tịch xã
Cụ Lê Đăng Ngọ, UV UBND xã
Cụ Trần Đức Hanh, Bí thư- Chủ tịch xã
Cụ Bùi Đình Tuất, Chủ tịch UBND xã
Cụ Trần Lơng, Xã đội trưởng Quỳnh Mai (1949-1953)
Là xóm có nhiều cán bộ, giáo viên, kỹ sư viên chức: Thầy Nguyễn Bá Ngơn, thầy Lê Đăng Thành, thầy Lê Đăng Đại, thầy Nguyễn Bá Ôn, cô Lê Thị Huân, ...
Trong Cách mạng tháng Tám và trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ các thế hệ con em xóm Quý lớp cha trước, lớp con sau đã thành đồng chí chung khúc quân hành, nhiều gia đình có hai, ba thế hệ là quân nhân như gia đình cụ Nguyễn Bá Nhu, ...
Xóm có 3 bà mẹ Việt Nam anh hùng là mẹ Nguyễn Thị Bường, mẹ Trần Xuân Luận, mẹ Nguyễn Thị Nguôn; có hàng chục liệt sỹ, thương binh, bệnh binh qua các thời kỳ kháng chiến, hàng chục thanh niên xung phong chống Pháp, chống Mỹ, dân công hoả tuyến, dân quân du kích tự vệ. Ở đâu trên chiến trường nào, dù khó khăn gian khổ đến đâu, họ vẫn xứng đáng với truyền thống anh hùng, bất khuất năng động sáng tạo của quê hương.
Xóm Yên Lộc, Yên Trạch
Trước đây gọi là xóm Nhồi, thời Lê - Nguyễn đổi thành Yên Lộc và Yên Trạch. Phía Bắc giáp xóm Quý được phân cách bởi sông Mai, phía Tây- Bắc giáp xóm Chiền (làng Quý Vinh) nay là xã Quỳnh Trang, phía Nam giáp xóm Yên Lễ, phía Đông giáp làng Thiện Kỵ ranh giới bởi sông Mai. Yên Lộc, Yên Trạch thuộc giáp Yên cùng với bốn giáp (Đông, Đoài, Phú, Quý) tạo nên làng Thọ Vinh, tổng Hoàng Mai.
Xóm có các di tích
Đình Yên Lộc ở trung tâm xóm, hướng về phía Nam, có hai tòa, tường bao xung quanh, sân lát gạch, cổng ra vào có hai cột nanh, trên có nghê chầu, đây là trung tâm của lễ hội, sinh hoạt xuyên suốt quá trình lịch sử cho tới nay.
Đền Cửa Truông thờ thần bản thổ Giáp Yên.
Chùa phía Bắc núi Sui thờ Phật, cảnh chùa thanh tịnh, trước sân trồng nhãn, thị, có giếng nước trong, Rằm tháng Bảy hàng năm nhân dân bày cỗ tế thập loại chúng sinh.
Nghè xóm Cung (Yên Trạch) thờ thần bản cảnh, có hai tòa, phía trước có bốn cây thông cổ thụ, xung quanh cây xanh tươi tốt. Nghè đã được trùng tu, nâng cấp mua sắm đồ tế khí rất uy nghiêm.
Các ngành nghề
Nhân dân làm nghề nông là chủ yếu, do ruộng ít, đất xói mòn, bạc màu, năng suất thu hoạch thấp 70-80 kg/sào, nên việc khai hoang ở núi Sứ để trồng khoai, sắn, chè, mít, dứa cũng được chú ý. Cùng với nghề trồng trọt, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm đưa lại nguồn kinh tế đáng kể. Nghề buôn trẩy khá phát triển, các nhà giàu như ông Giáp Duy, Chánh Xí,… dùng thuyền mành lớn vận tải, buôn bán lâm thổ sản khắp nơi rồi đưa cá khô, nước mắm, vải lụa về bán ở chợ Chiền.
Nghề rèn phát triển khá sớm, được xem là nghề truyền thống của họ Nguyễn Xuân.
Các dòng họ
Tại Yên Lộc, Yên Trạch có hơn 10 dòng họ cùng chung sống:
Họ Lê ở Thanh Hóa vào gồm Lê Công, Lê Hữu, Lê Đức, Lê Bá, Lê Xuân; họ Lê Đức ở xóm Đoài (Thọ Vinh) là một nhánh của Lê Xuân, Yên Lộc.
Họ Nguyễn (với các tên lót: Xuân, Văn, Hữu, Bá); Ở Quỳnh Vinh có bốn trưởng tộc với bốn nhà thờ lớn đều mang tên họ là Nguyễn Xuân, các bậc kỳ lão trong hội đồng gia tộc đã đi tìm tông tích, đối chiếu gia phả đều thấy Nguyễn Xuân ở Quỳnh Vinh với Nguyễn Xuân ở Yên Lộc đều cùng chung ông tổ Nguyễn Khâm tự là Nguyễn Xuân Lai từ Hà Trung (Thanh Hóa) vào năm 1611(Tân Hợi).
Họ Văn đến Yên Lộc khá sớm, mộ tổ ở núi Sứ, là dòng họ khoa cử, đỗ đạt và có nhiều chức sắc.
Họ Quách có gốc từ Thái Bình di chuyển về làng Dỵ Nậu rồi lên Yên Lộc gần 500 năm.
Truyền thống văn hóa
Mảnh đất này đã sinh ra, nuôi dưỡng, trưởng thành nhiều thế hệ có trình độ học vấn: Cử nhân Văn Đức Duân, Văn Đức Trứ được phong hàm Cửu phẩm, cụ Văn Đức Ngoan-Thất phẩm, cụ Văn Đức Viêm là Chủ nhiệm Việt Minh lãnh đạo cướp chính quyền ở hai làng Thọ Vinh, Quý Vinh tháng 8/1945.
Ông Văn Đức Huế, một trong năm đảng viên ĐCSVN thuộc lớp đầu của Chi bộ Vinh Lộc. Các ông Văn Đức Quảng, Quách Hữu Năng cán bộ ban nghành cấp tỉnh, ... ông Văn Đức Chất, Đại úy Sở Công an Nghệ An, các nhà giáo Văn Đức Ân, Văn Hồng Nhinh, Văn Đức Minh, Văn Đức Hùng, … ông Quách Hữu Đăng cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳnh Lưu là tác giả của hàng chục đầu sách lịch sử địa phương, chủ biên "Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Quỳnh Lưu", tham gia biên soạn sách Quỳnh Lưu huyện địa đầu xứ Nghệ,…
Vượt khó, cần cù, sáng tạo trong lao động, anh hùng, bất khuất chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm là nét nổi bật của xóm Yên Lộc, Yên Trạch xưa. Ngày nay con em của xóm đang viết tiếp trang sử vàng của ông cha trên nhiều lĩnh vực ở mọi miền đất nước, quê hương.
2. Làng Quý Vinh
Làng Quý Vinh có 4 xóm (xóm Rục, xóm Chiền ở hữu sông Mai, xóm Nhàn, xóm Rí). Xóm Rí (gồm ba khu vực: Đồng Gốc, Vinh Lễ, xóm Rí). Làng có: Đình Kẻ Trấu, đền Nhà Bà, Chùa Trin. Bốn xóm đều có đình xóm.
Xóm Rục (nay là xóm 18).
Phía Bắc là cánh đồng Nấy, phía Nam là xóm Đông, phía Tây là sông Hoàng Mai, phía Đông là xóm Đoài.
Xóm Nhàn
Là khu dân cư tiếp nối xóm Rục dọc tả ngạn sông Mai tới bến đò xóm Chiền ngang cồn Kẻ Trẩu.
Xóm Rí, gồm số hộ ở Đồng Gốc phía Tây núi Nhà Thờ đến gần núi Nhà Nhất, với khoảng 30 hộ dân ở chân núi Nhà Nhất đến cầu đường sắt Hoàng Mai
Xóm Vinh Lễ, khoảng 40 hộ dân (1960) ở xung quanh núi Nhà Thờ khi chiến tranh phá hoại xẩy ra những hộ dân ở đây sơ tán về vùng Tân Hoa nay là thôn 3B (họ giáo Quý Vinh)
Xóm Chiền, nằm bên kia sông Hoàng Mai, từ 1954 tách về Quỳnh Trang.
Theo cụ Nguyễn Soạn 90 tuổi người xóm Rục giải thích rằng người làng Quý Vinh rất đơn giản trong cách đặt tên xóm:
Giếng Rục có trước, nhân dân đến ở vùng xung quanh nên gọi là xóm Rục, đình xóm dựng nên gọi là đình xóm Rục.
Giếng Nhàn thuộc loại giếng cổ, giếng có nước mạch, không bao giờ cạn nhân dân đến ở xung quanh nên gọi là xóm Nhàn.
Cầu đường sắt qua sông Hoàng Mai do Pháp làm, dân gọi đơn gian là cầu Tây. Vùng đồng ruộng, cồn bãi gần cầu Tây gọi là đồng Rí, nhân dân ở vùng đó gọi là xóm Rí.
Vùng đồng Gốc nhân dân đến ở nên gọi là xóm Đồng Gốc.
Vùng cư dân theo đạo thiên chúa ở xung quanh đồi Nhà Thờ thuộc làng Quý Vinh gọi là xóm Vinh Lễ.
Làng Quý Vinh xưa có ba giếng nước lớn: giếng Rục dùng để rửa tưới hoa màu, giếng Quan bên cạnh giếng có đình xóm Rục, giếng Nhàn là giếng có mạch nước ngầm lớn hầu như cung cấp đủ nước uống cho nhân dân xóm Rục và xóm Nhàn. Vùng xóm Rí dọc bờ sông Mai chỉ cần đào 2-3 mét là có nước ngọt để dùng. Đất dọc hai bên bờ sông Mai đoạn này là đất cát nhẹ màu mỡ. Nhân dân làng Quý Vinh trồng rất nhiều cây ăn quả như xoài, mít, thị, bưởi, cau, ...
Các nghành nghề chính
Nhân dân Quý Vinh chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, đất trồng lúa chủ yếu trên các cánh đồng: Đồng Nấy, đồng Trin, đồng Gia, xung quanh rục Hàn, Cửa Mẹt,... Đất vườn nhà nào cũng 3-4 sào chủ yếu trồng các loại cây ăn quả.
Nghề bẫy thú rừng và săn bắn cũng khá phát triển.
Nghề rèn khá nổi tiếng do ông tổ nghề rèn từ Hà Tĩnh ra hiện nay các cụ như cụ Quyền, cụ Mỡn, cụ Tục, cụ Đạm,... là những thợ rèn nổi tiếng của làng, ngày nay lớp con cháu vẫn tiếp tục phát huy truyền thống của nghề như con cháu họ Nguyễn Công.
Truyền thống văn hoá
Làng có đình làng, xóm nào cũng có đình xóm. Làng có các dòng họ lớn sau:
Họ Nguyễn Ngọc trưởng tộc là Nguyễn Ngọc Dưu.
Họ Lê Văn trưởng tộc là Lê Văn Diên.
Họ Nguyễn Hữu trưởng tộc là Nguyễn Hữu Thụ.
Họ Lê Xuân trưởng tộc là Lê Xuân Lan.
Các dòng họ trên đất Quý Vinh đều chưa có nhà thờ họ riêng (Lê Văn, Lê Xuân, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Văn, Lê Công,...) nhưng xóm nào cũng có đình xóm, nơi diễn ra hầu hết các sự kiện lớn nhỏ của xóm.
Thời kỳ 1930-1945, làng là trung tâm của nhiều cuộc họp bí mật thời tiền khởi nghĩa của tổng Hoàng Mai. Cuộc họp thành lập Chi bộ Quý Vinh - Thiện Kỵ năm 1935. Cuộc họp tháng 11 năm 1939, tại nhà ông Nguyễn Bá Thếp gồm các ông lãnh đạo huyện là Nguyễn Đức Nghi, Văn Đức Viêm, các Bí thư Chi bộ trong vùng là Trần Phúc Giác, Vũ Lê Lự, Nguyễn Bá Ngoạn, Nguyễn Bá Thếp bàn việc xây dựng cơ sở Đảng ở Hoàng Mai. Tháng 5/1936, cuộc họp Tổng uỷ mở rộng tại nhà ông Nguyễn Bá Thếp: đòi dân sinh, dân chủ. Cuộc họp Tổng uỷ Hoàng Mai ở đình Kẻ Trấu năm 1945, bàn về việc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành chính quyền. Các cuộc họp quan trọng này đều do cụ Trần Dục, Nguyễn Bá Mỡn liên lạc, thông tin, cảnh giới, bảo vệ.
Các lý trưởng, chánh Đoàn của làng đều là những chức sắc có học vấn, có điều kiện kinh tế, công tâm được nhân dân tiến cử làm nhiệm vụ. Các cựu lý trưởng: Cựu Khuyên, cựu Hùng, cựu Hiệu, cựu Khế (xóm Chiền), cựu Tiệu, cựu Tiệp, Quyền Yên,... chánh Cận, các hương bộ Nguyễn Toản, bộ Vang là những người được lòng trên và luôn có ý thức chăm dân. Lý trưởng cuối cùng của triều đại phong kiến là cụ Lê Công Đôn là con rể của cụ Nguyễn Bá Thếp.
Cũng như các bậc chân nho xưa, các cụ Nguyễn Bá Ngoạn, Nguyễn Bá Thếp, Nguyễn Bá Mỡn thực hiện phương châm “Tiến vi quan thoái vi sư”; khi bị ngừng tham gia hoạt động cách mạng vì bị quy sai thành phần địa chủ, các cụ lại mở lớp dạy học để lại sự nể trọng trong nhiều thế hệ học trò, dân làng gọi là thầy cựu Tưu, giáo Mỡn, giáo Viễng.
Nguyễn Bá Ngoạn, Nguyễn Bá Thếp đã được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa.
Làng có hơn 20 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 1945-1951. Có gia đình cụ Lê Văn Nghĩa là gia đình có công với cách mạng. Có nhiều sỹ quan cao cấp của quân đội và công an như cụ Lê Văn Khương, Lê Thanh Thoàn, .... Có nhiều cán bộ xã qua các thời kỳ như: Lê Văn Thung, Lê Văn Khiêm, Lê Xuân Thả, Nguyễn Ngọc Trớc, Nguyễn Văn Tuyển, ... Và ngày nay, hàng trăm con em của làng đang viết tiếp trang sử vàng của làng Quý Vinh xưa trên khắp mọi miền Tổ quốc.
III. CÁC DÒNG HỌ Ở QUỲNH VINH.
Theo Địa chí văn hoá Quỳnh Lưu, vào đời Đường Huyền Tông (860-874) Cao Biền một tướng nhà Đường được cử sang vùng Hoan Diễn giữ chức Kiêm Biện công bộ thư đã huy động sức dân đào hai đoạn kênh: Kênh Hoàng Mai và kênh Đò Cấm để nước chảy xuôi ra biển, kênh Hoàng Mai chảy từ Tĩnh Gia đến gặp đê Nông Đoàn, rồi chảy ra Cửa Trắp gọi là Kênh Son. Điều đó chứng tỏ cư dân vùng Hoàng Mai, dọc theo tả, hữu ngạn sông Mai đã khá đông đúc, để làm chức năng dân phu đào Kênh Son (sau này là kênh nhà Lê).
Năm 1041, Lý Nhật Quang con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ được triều đình xuống chiếu cử đi làm Tri châu Nghệ An. Do công lao mở mang biên cõi, từ thế kỷ 11 để ghi nhớ công lao của Lý Nhật Quang nhân dân Quỳnh Vinh đã dựng Miếu Vưu, rồi đến 1699 đã nâng cấp như hiện nay. Cư dân cổ Thọ Vinh, Quý Vinh đã có mặt từ thủơ đó. Theo thống kê trên đất Quỳnh Vinh có 40 dòng họ.
Trong quá trình phát triển của xã hội, việc ghi chép lịch sử một dân tộc, một đất nước hay một họ tộc đều được các triều đại, các sử gia và các danh nhân chú ý. Nhưng do nhiều biến cố của lịch sử, thăng trầm của xã hội nên việc gìn giữ khó có thể hoàn hảo, đầy đủ.
1. Các dòng họ Lê (17 dòng họ Lê)
Vài nét tổng quan về họ Lê
Hiện thời, theo các tài liệu để lại, cũng như các di tích đền đài, miếu mạo, các văn tự, phả hệ đã chứng minh được: Họ Lê chỉ có ở Việt Nam. Xuất xứ của họ Lê đều ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá).
Thời Tiền Lê (980-1009) vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) quê ở Thọ Xuân-Thanh Hoá. Đến triều Lê Sơ (1428-1527), Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cũng quê ở Thọ Xuân-Thanh Hoá. Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam thì hai triều đại tiền Lê và hậu Lê có 400 năm trị vì đất nước.
Thời Tiền Lê: Lê Hoàn khi chưa làm vua đã thống lĩnh toàn quân, giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, khi lên làm vua trị vì được 25 năm, là vị vua có tài về quân sự, nội trị, ngoại giao xuất sắc. Là người mở lễ hội tịch điền, nhà vua cùng nhân dân cày ruộng. Ông là người đầu tiên khơi thông kênh Bà Hoà (kênh nhà Lê), có tầm nhìn chiến lược lâu dài về quân sự, kinh tế.
Thời Hậu Lê: Lê Lợi lãnh tụ tối cao của nghĩa quân Lam Sơn, anh hùng giải phóng dân tộc với chiến công hiển hách 10 năm kiên trì đánh thắng quân Minh thống nhất giang sơn đất nước.
Lê Thánh Tông vị hoàng đế anh minh toàn tài, ông là nhà văn hoá lớn, nhà ngoại giao, nhà kinh tế giỏi. Ông đã cho ra đời bộ luật Hồng Đức, ông đang được nhà nước đề nghị tổ chức giáo dục khoa học và văn hoá liên hợp quốc (UNESCO) công nhận danh nhân văn hoá thế giới. Hiện nay hàng năm cùng với nhà nước, UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức lễ hội Lam Kinh tế tổ tại Lam Sơn (Thọ Xuân – Thanh Hoá). Đại lễ là ngày 21, 22 tháng Tám âm lịch (đúng ngày giỗ Lê Lai, Lê Lợi)
1.1 Họ Lê
Ông tổ là Lê Thông, trưởng tộc là Lê Ngan, từ Thanh Hóa vào đã 24 đời. Ông tổ Lê Thông được tôn vinh là bậc Tiên Hiền của làng, người đặt chân sớm nhất góp công sức khai sơn phá thạch tạo nên xóm làng trù phú như ngày nay. Nhà thờ trước năm 1963 ở xóm Phú nay chuyển về xóm 14. Trong một thời gian dài là “độc đinh”, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 phát đinh mạnh hơn. Là dòng họ có nhiều ưu binh kỳ lão tham gia Vệ quốc quân chống Pháp và giải phóng quân. Lớp kháng chiến chống thực dân Pháp có: Lê Ngan, Lê Hòa….là sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Lê Ngan phục viên tham gia công tác địa phương, Đại úy Lê Hòa chuyển ngành là viên chức nhà nước. Lớp tiếp theo có Lê Thế, sau nhiều năm tham gia quân đội nay là bệnh binh.
Con cháu họ Lê trên mọi miền Tổ quốc, nhiều lĩnh vực viết tiếp truyền thống vẻ vang của các bậc tiền nhân.
1.2 Họ Lê
Ông tổ là Lê Chính từ Thanh Hóa vào đã 13 đời, nhà thờ trước ở xóm Phú nay chuyển về xóm 13, trưởng tộc Lê Dưỡng. Cụ Lê Dưỡng nhiều năm là cán bộ UBND xã, Chủ tịch UBMTTQ, Chủ nhiệm HTX về hưu, Lê Loan, Lê Doãn cán bộ hoạt động ở cơ sở rồi thoát ly, Lê Tự cán bộ lâm nghiệp về hưu, các con thành lập công ty TNHH, chế biến hải sản Phương Mai là công ty ăn nên làm ra, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
1.3 Họ Lê
Bà tổ: Hồng Nhung, nhị thế tổ Lê Mỹ từ Thanh Hóa vào gần ba trăm năm, trưởng tộc là Lê Hảo, nhà thờ ở xóm 17.
Trong kháng chiến chống Mỹ có sỹ quan, bác sỹ Lê Văn Hanh phụ trách Bệnh xá trung, sư đoàn. Hòa bình, chuyển ngành làm Giám đốc bệnh viện Đa Khoa Hoàng Mai. Có cử nhân sinh học Lê Bình tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Hà Nội làm Hiệu trưởng trường THCS.
Con em trong dòng họ có nhiều em học ở trường chuyên của Bộ, tỉnh là kỹ sư, giáo viên ở các trường THPT như: Lê Thắng, Lê Hạnh, Lê Liêm… Trên mọi miền Tổ quốc ở các lĩnh vực họ đang viết tiếp trang sử vàng của ông cha xưa.
1.4 Họ Lê Văn (làng Quý Vinh)
Ông tổ là Lê Văn Thịnh (tự là: Đức Thịnh) từ Thanh Hóa vào hơn 500 năm, trưởng tộc là Lê Văn Diên, nhà thờ mới xây dựng khá khang trang. Đây là một trong những dòng họ đến sớm của làng Quý Vinh.
Dòng họ được xem có nhiều ưu binh kỳ lão: Cụ Lê Văn Hòa, Lê Văn Chính là những người võ nghệ cao cường, được tuyển chọn sung vào đội quân Nguyễn Huệ tham gia triệt phá đồn Ngọc Hồi 1789. Trong họ có gia đình cụ Lê Văn Tuổn được xem là chuẩn mực” Tứ đại đồng đường” cụ luôn động viên, khuyến khích con cháu lao động sản xuất, tổ chức cuộc sống tốt đẹp, kinh tế phát đạt, số người trong gia đình có lúc tới 25 thành viên.
Lý trưởng Lê Văn Tân (Cựu Hùng) làm việc mấy nhiệm kỳ liền, được nhân dân, cấp trên đương thời nể trọng.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến có Đại tá Lê Văn Khương, Trưởng ban Tổ chức Cán bộ Tỉnh đội Nghệ An.
Trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược, hàng chục con em trong dòng họ đã lên đường nhập ngũ chiến đấu, hy sinh anh dũng như: Liệt sỹ Lê Văn Hân, Lê Văn Năm… Ngày nay con em dòng họ Lê Văn noi gương tiên tổ đang lao động, sản xuất tiếp bước truyền thống của ông cha xưa.
1.5 Họ Lê Văn (làng Quý Vinh)
Ông tổ là Lê Thiện Tài từ Thanh Hóa vào đã 13 đời, trưởng tộc là cụ Lê Văn Thung, trước đây Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Chạp, chi một: Lê Văn Thung, chi hai: Lê Văn Bỉnh, chi ba: Lê Văn Đình cùng con cháu ra làng Dừa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa tế thủy tổ, sau này mới nhận ra là anh em cùng chung ông thủy tổ gốc Thanh Hóa.
Dòng họ có cụ Lê Văn Thung, năm 1946 là cán bộ ở xưởng chế tạo vũ khí Quỳnh Lưu sau đó được tỉnh điều lên xưởng cơ khí Cao Điền, Thanh Chương, năm 1954-1955 làm đội trưởng Cải Cách ruộng đất ở Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, sau đó về làm Chủ tịch UBND xã thời 1965-1967, có Lê Văn Ngân tốt nghiệp trường Lâm nghiệp Trung ương từ 1960 làm Phó giám đốc lâm trường Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.
Trong kháng chiến chống Mỹ có hàng chục con em nhập ngũ chiến đấu khắp chiến trường,... Ngày nay trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, văn hóa- giáo dục, con em họ Lê Văn đang cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
1.6 Họ Lê Văn ( xóm 16)
Ông tổ là Lê Văn Tính, từ làng Dừa huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vào đã 14 đời. Trưởng tộc Lê Văn Vĩnh, nhà thờ ba gian cổ kính, hoành phi câu đối, bức đại tự sơn son thếp vàng rực rỡ, phả hệ được sơ đồ hóa khúc chiết. Dòng họ có Lê Văn Bỉnh, Lê Văn Điểng là cán bộ hoạt động ở cơ sở, làm xã đội trưởng, Phó Chủ tịch UBND, về hưu được tặng huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, có Lê Văn Thành làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Vinh Hoa, rồi ủy viên BCH Huyện ủy; Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã. Ngày nay con em của dòng họ trên các lĩnh vực ở mọi miền Tổ quốc, đã và đang học tập công tác suất sắc, xứng đáng với truyền thống của cha ông.
1.7 Họ Lê Văn ( Xóm 17)
Ông tổ là Lê Văn Giang, ở Thọ Vinh đã 250 năm, hiện vẫn chưa rõ từ đâu về. Trưởng tộc: Lê Văn Trung, nhà thờ ở xóm 17, họ có ba chi, chi một nhánh trưởng, chi hai Lê Văn Uyên, chi ba Lê Văn Kỳ.
Thời Thiệu Trị (1840-1847), có cụ Lê Văn Nghi đỗ hạng ưu kỳ thi hương được bổ nhiệm làm quan viên. Thời vua Tự Đức (1847- 1883), có cụ Lê Doãn, hiệu Tùng Phong đậu cử nhân năm Giáp Tý (1864) được bổ làm quan bố chính tỉnh Sơn Tây, năm 1875 làm Huấn đạo rồi tri huyện Tam Dương, tỉnh Sơn Tây.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945 có hai anh em Lê Hớn và Lê Đang đảng viên. Năm 1948, cụ Lê Hớn được tổ chức phân công bồi dưỡng kết nạp đảng đồng chí Lý Xuân Nhãn sau này là Bí Thư Đảng ủy; cụ Lê Đang là Vệ quốc quân, dũng sỹ diệt giặc. Lớp sau có Lê Văn Trương, Bí thư Chi bộ Quỳnh Vinh năm (1956-1957), có Lê Văn Cường, Bí thư Đoàn thanh niên (1955-1956), có Lê Văn Cầu cán bộ xí nghiệp, thương nghiệp Quỳnh Lưu về hưu, Lê Văn Khải Trưởng tạm y tế xã.
Thế hệ tiếp nối có Lê Văn Thành, Huyện ủy viên-Bí thư Đảng bộ xã, Lê Văn Kỳ Phó Bí thư Đảng bộ-Chủ tịch UBND xã. Nhiều con em họ Lê Văn là kỹ sư, bác sỹ, dược sỹ cao cấp, du học nước ngoài đang viết tiếp trang sử vàng-khoa cử, học vấn của ông cha xưa.
1.8 Họ Lê Sỹ
Ông tổ là Lê Sỹ Chiếu, từ Thanh Hóa vào đã 16 đời, trưởng tộc là Lê Sỹ Tỷ, nhà thờ ỏ xóm 16, họ có ba chi. Chi một thuộc nhánh trưởng tộc, trưởng chi hai: Lê Sỹ Nhạ, nhà thờ ở xóm 19, trưởng chi ba là Lê Sỹ Thiêm, nhà thờ ở xóm 19.
Dòng họ có cụ Lê Văn Toát đỗ hương cống năm Quý Mạo (1903) được vua Thành Thái(1889-1907) bổ làm quan viên ở Quảng Nam, có cụ Lê Văn Luyện (1789-1855), trong kỳ thi hương năm Kỷ Mạo (1819) và kỳ thi hội năm Ất Dậu 1825 đều đỗ đầu, cụ được vua Minh Mạng bổ làm quan Ngự sử Đài chánh chưởng, rồi quan Đốc học ở Phủ Lạng Giang (1837-1841) sau đó về Viện đô sát của triều đình. Sắc phong của vua Minh Mạng, Thiệu Trị gần 200 năm, câu đối, tàn, lọng vua ban các thế hệ tộc trưởng giữ gìn nguyên vẹn trong hòm sắc sơn son thếp vàng.
Trong 2 cuộc kháng chiến có hàng chục thanh niên xung trận lập công xuất sắc, có thượng tá Lê Sỹ Phúc, trung tá Lê Sỹ Tiêm, Lê Sỹ Lịch, thiếu tá Lê Sỹ Cường, nhiều con em đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng: Lê Sỹ Tác, Lê Sỹ Vinh, Lê Sỹ Thảo, Lê Sỹ Mẫn, Lê Sỹ An, Lê Sỹ Doan, có bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thi Vinh.
Trong học hành khoa cử có Tiến sỹ Lê Sỹ Tuấn CBGD Đại học Kinh tế; Thạc sỹ Lê Sỹ Thống, CBGD Đại học Mỏ địa chất; Thạc sỹ Lê Hào Quang, Thạc sỹ Lê Sỹ Chiến... Nhiều năm liền được tỉnh, huyện, xã khen thưởng là dòng họ làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Con cháu họ Lê Sỹ ngày càng làm rạng danh truyền thống dòng họ mình.
1.9 Họ Lê Thạc
Thuỷ tổ là Lê Bôi, từ Thanh Hóa vào Hà Tĩnh, hậu duệ đời thứ 9 của cụ ra Nghệ An.
Cụ Lê Bôi sinh năm Canh Thân (1380 - ?) là dũng tướng của chủ tướng Lam Sơn Lê Lợi. Năm Giáp Thân (1424), Lê Bôi chỉ huy đánh thắng giặc Minh nhiều trận, giòn giã nhất ở Khả Lưu, Bồ Ải thuộc đạo Nghệ An, do lập nhiều công tích tháng 6 năm Đinh Mùi (1427) được thăng từ chức Thượng tướng lên Thiếu uý Tổng quản Chấp lệnh công và được phong ấp ở Việt Yên1.
Khu lăng mộ và nhà thờ cụ Lê Bôi-Vị khai quốc công thần triều Lê ở Việt Yên nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia ngày 23/12/1995.
Ông tổ họ Lê Thạc là Lê Tuấn tự Phúc Hạnh, hậu duệ đời thứ 9 của cụ Lê Bôi ra Thọ Vinh lập nghiệp khoảng 400 năm, 16 đời là chi đệ tam của đại tôn Lê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Nhà thờ ở xóm Đông nay là thôn 17, họ có 4 chi, trưởng tộc Lê Thạc Đức, trước Cách mạng tháng Tám là dòng họ có nhiều người có quyền, chức như: cựu Liễn, cựu Hường, cựu Thức và Lê Thạc Khơm là lý tưởng cuối cùng (1942-1945)
Sau Cách mạng tháng Tám, có Lê Thạc Tạo, đảng viên 1946 làm Bí thư Chi bộ, cán bộ xã rồi lên tỉnh làm cán bộ tổ chức Tỉnh ủy, Lê Thạc Loan Chính trị viên phó Huyện đội, Đại tá, tiến sỹ ở Bộ Công an Lê Thạc Ngoan, Lê Thạc Xinh, Lê Thạc Ninh du học nước ngoài, về nước hai anh em thay nhau làm Tổng Giám đốc Công ty phát triển khoảng sản.
Lê Thạc là dòng họ nổi tiếng về học hành khoa cử, đỗ đạt trong xã, trong hai cuộc kháng chiến, dòng họ có hàng chục con em tham gia chiến trận, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, là dòng họ được tỉnh, huyện tuyên dương làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
1.10 Họ Lê Đăng ( xóm 20)
Ông tổ Lê Đăng Long từ Thanh Hóa vào đã 13 đời gần 400 năm, trưởng tộc Lê Đăng Xuôn, họ có 3 chi. Chi một nhánh trưởng là Lê Đăng Xuôn, một phái tách ra là Lê Đăng Dụ. Trưởng chi hai là Lê Đăng Sơn, một phái tách ra là Lê Đăng Thỉ, phái 2 tách ra là Lê Đăng Dơng. Trưởng chi ba Lê Anh Tuấn, chi được đối chiếu phả hệ nhập với Lê Đăng từ năm 1970.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có Lý trưởng Lê Đăng Định, sau cướp chính quyền cụ tham gia mặt trận Việt Minh, bà Lê Thị Đằng con gái cụ là Chủ tịch Hội phụ nữ thời 1945-1948. Lớp cán bộ trưởng thành trong kháng chiến có đại tá Lê Đăng Nhiệm, Lê Đăng Trung, thiếu tá Lê Anh Tuấn, đại úy Lê Đăng Minh…. Lớp cán bộ hoạt động ở địa phương có Lê Đăng Ngọ- Uỷ viên UBND xã, Lê Đăng Nhợi- cán bộ HTX nông nghiệp, Lê Đăng Thùy- Phó Bí thư Đảng bộ xã, nhiều nhà giáo uy tín như: Lê Đăng Trọng-Hiệu trưởng trường cấp I, thạc sỹ Lê Đăng Thành cán bộ giảng dạy ĐHSP Vinh, nhà giáo Lê Đăng Đại-Phó Hiệu trưởng THCS, thầy giáo Lê Đăng Tài,… Con cháu họ Lê Đăng trên mọi miền Tổ quốc đang viết tiếp trang sử hào hùng của ông cha xưa.
1.11 Họ Lê Khắc.
Ông tổ là Lê Khắc Huệ, từ Thanh Hóa vào đã 15 đời, trưởng tộc Lê Khắc Dũng, nhà thờ ở xóm 15. Họ có hai chi, nhà thờ họ, nhà thờ chi được xây dựng cổ kính, uy nghi.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có nhiều chức sắc, có Hương dịch (dịch Ngưu) trong Hội đồng Ngũ hương (1938-1942), có cụ Lê Khắc Tiết, Cửu phẩm 1941. Sau Cách mạng tháng Tám có Lê Khắc Vượng, thủ lĩnh bảo an, tham gia Mặt trận Việt Minh, giành chính quyền rồi Phó Chủ tịch xã, lên huyện làm cán bộ Huyện ủy; Lê Khắc Thạo làm cán bộ Nông nghiệp Trung ương; Lê Khắc Nghị công tác ở Bộ Lao động Thương binh xã hội; có đại tá Lê Khắc Khánh Cục quân khí hải quân; có trung tá Lê Khắc Khâm-giảng viên chính trị Quân khu 4, có Lê Khắc Nho Huyện ủy viên-Chủ tịch UBND xã.
Ngày càng nhiều con em họ Lê khắc là tiến sỹ, thạc sỹ, cán bộ giảng dạy ở các trường đại học, du học nước ngoài. Doanh nghiệp Cần Bòng trồng rừng của Lê Khắc Trị tạo việc làm cho hàng chục người lao động trong xã, là giám đốc có nhiều đóng góp trong công tác từ thiện, và đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng xây dựng quê hương.
1.12 Họ Lê Công
Ông tổ là Lê Huy từ Thanh Hóa vào đã 14 đời. Sau 1945, dòng họ lấy tên lót là Lê Công, trưởng tộc là Lê Công Tăng, nhà thờ ở xóm 16.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, có Lê Công Nhộng, Lê Công Tần là cán bộ xã phụ trách công tác thuế vụ. Lớp con cháu có Lê Công Trọng là cán bộ tổ chức Công ty vận tải biển. Có Lê Công Kỷ, Lê Công Tình là cán bộ nhà nước. Con em họ Lê Công ngày nay nhiều người đậu đạt, thành danh.
1.13 Họ Lê Danh
Ông tổ là Lê Đàm từ Thanh Hóa vào đã 14 đời, trưởng tộc Lê Danh Tuyết ở xóm 19. Dòng họ có Lê Danh Huề trình độ tú tài, Pháp văn, Hán học thông thạo; Lê Danh Cần là cán bộ kế hoạch hợp tác xã nông nghiệp trong nhiều thập kỷ; Lê Danh Luận-Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn thanh niên xã. Dòng họ đoàn kết, cần cù lao động sản xuất, tham gia hoàn thành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
1. 14 Họ Lê Hữu
Ông tổ là Lê Xuân từ Thanh Hóa vào Yên Lộc, mùa xuân năm Tân Hợi (1611) về xóm Đoài, Thọ Vinh. Trưởng tộc là Lê Hữu Cho, nhà thờ ở xóm 15, họ có 40 hộ hơn 100 đinh.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có cụ Lê Hữu Lịch (Giáp Lịch) có năng lực, đức độ làm cán bộ xóm (giáp) hàng chục năm. Trưởng thành sau Cách mạng tháng Tám có y sỹ Lê Thịnh, trạm trưởng y tế xã. Hàng chục con em tham gia quân ngũ, dũng cảm chiến đấu, có liệt sỹ Lê Đàm, Lê Hiệp,… thương binh Lê Hộ.
Ngày nay con em trong dòng họ đang nối tiếp truyền thông ông cha xưa, cần cù lao động sản xuất giỏi.
1.15 Họ Lê Xuân (làng Quý Vinh)
Ông tổ là Lê Xuân Chút từ Thanh Hóa vào Yên Lộc rồi về Quý Vinh đã 9 đời. Họ có hai chi; chi một thuộc nhánh trưởng-trưởng chi là cụ Lê Xuân Lan ở xóm 17, chi hai là Lê Xuân Hữu ở xóm 9.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, có cụ Lê Xuân Vơn-Uỷ viên UBND xã; cụ Lê Xuân Thả-cán bộ hợp tác xã nông nghiệp liên tục từ năm (1964- 1965) đến 1971.
Trong kháng chiến chống Mỹ có hàng chục con em họ Lê Xuân xung trận: Lê Xuân Vân, Lê Xuân Tài, Lê Xuân Ninh, Lê Xuân Huề, đại tá Lê Thanh Thoàn, trung tá Lê Xuân Thuần, thiếu tá Lê Xuân Khả về hưu làm CTMTTQ…
Tiếp nối truyền thống cha anh, con em Lê Xuân ngày càng tiến bộ, lập công xuất sắc trên mọi lĩnh vực.
1.16 Họ Lê Trần
Trưởng tộc là Lê Trần Duy. Trong thời kỳ đổi mới đây là dòng họ có nhiều hộ làm ăn phát đạt, năng động sáng tạo, kinh tế phát triển, con em học hành tiến bộ.
1.17 Họ Lê
Ông tổ là Lê Điệt, trưởng tộc là Lê Thân, đến Quỳnh Vinh 6 đời.
Tiếp nối truyền thống cha anh, con cháu họ Lê học hành đỗ đạt ngày càng nhiều, xuất hiện nhiều tiến sỹ, hàng chục thạc sỹ, hàng trăm cử nhân trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.
Những đóng góp qua các thời kỳ của cha ông mãi mãi là niềm tự hào của các con cháu tộc Lê và con cháu họ Lê sẽ cống hiến hết sức mình để xứng danh họ Lê anh hùng bất khuất, hiếu học, học giỏi trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
2. Các dòng họ Trần (4 họ Trần)
2.1 Họ Trần
Ông tổ là Trần Phúc Thông (Thái sư) từ Hải Dương vào 13 đời. Trưởng tộc hiện nay là Trần Hùng, nhà thờ ở xóm 19.
Thời hậu Lê có cụ Trần Lễ làm quan đến Phó đô đốc chỉ huy sứ, tài công bá.
Thời nhà Nguyễn, dưới triều vua Gia Long (1802-1820), có cụ Trần Lê đỗ hương cống hạng năm được bổ làm Tri huyện Quảng Xương sau đó được phong Doãn đốc. Thời vua Minh Mạng (1820-1840), có cụ Trần Xuyên đậu phó bảng làm Đốc học tỉnh Quảng Nam (quan đốc). Cụ Trần Thoanh (chánh Thoanh) làm chánh tổng Hoàng Mai.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cụ Trần Dục là cán bộ tiền khởi nghĩa.
2.2 Họ Trần Đức
Ông tổ là Trần Công Toản từ Hải Dương vào 11 đời. Trưởng tộc hiện nay là Trần Đức Oanh, nhà thờ ở xóm 15.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ có nhiều chiến sỹ xung trận lập công xuất sắc, trưởng thành như: Trung tá Trần Đức Dưỡng, Trần Đức Hanh rời quân ngũ về địa phương làm Bí thư Đảng uỷ, Trần Sỹ Mỹ-Phó Chủ tịch xã, nhiều chiến sỹ hy sinh anh dũng như: Trần Đức Nhạ, Trần Đức Tuất, ...
2.3 Họ Trần
Ông tổ là Trần Tam Lang tự Phúc Lung cùng chung ông cao cao tổ khảo với họ Trần Đức. Trưởng tộc Trần Đức Đương, nhà thờ ở xóm 14.
Tên lót của dòng họ có nhiều thay đổi:
Nhất thế tổ: Trần. Nhị thế tổ và tam thế tổ: Trần Viết sau đổi lại Trần Đức.
Họ có Trần Đức Đương làm cán bộ hợp tác xã, uỷ viên UBND xã, Bí thư chi bộ nhiều năm, Trần Thuỷ cán bộ Công an xã.
2.4 Họ Trần Văn
Ông tổ là Trần Văn Tuệ, từ Diễn Hùng (Diễn Châu) ra năm 1885, gốc ở Diễn Châu cũng từ ngoài Bắc vào. Trưởng tộc hiện nay là Trần Văn Sơn, nhà thờ ở xóm 19. Cả bốn họ Trần trên đều chung thuỷ tổ là cụ Trần Quốc Kinh.
Cán bộ hoạt động trước 1/1/1945, có cụ Trần Văn Thương (liệt sỹ); cụ Trần Văn Trường uỷ viên UBHC cách mạng lâm thời 1945, trung tá Trần Liên đảng viên năm 1946, Chủ tịch UB KCHC (1946-1947), hoạt động ở địa phương từ đầu năm 1945, sau đó tham gia vệ quốc quân, làm chuyên gia quân sự tại Lào; cụ Trần Lưu Chủ tịch UBKCHC (1952-1954). Là dòng họ về xã chưa đầy 130 năm nhưng có nhiều cán bộ chủ chốt Đảng, Chính quyền, kiểu nhà ở và nhà thờ kiến trúc đẹp. Thế hệ thứ ba, thứ tư của dòng họ có nhiều giám đốc như: Trần Văn Thanh-Giám đốc Sở Xây dựng Bà Rịa-Vũng Tàu; Trần Văn Sơn-Giám đốc Công ty điện lực; Trần Văn Dũng-Giám đốc Công ty xây dựng, ... Trần Văn Tùng- cán bộ Công ty thương nghiệp Thanh Hoá, Trần Kim Dung nhà giáo,... Dẫu xa quê nhưng con em trong dòng họ vẫn đầy tình cảm sâu nặng.
Tiếp nối truyền thống cha anh, con cháu họ Trần học hành đỗ đạt ngày càng nhiều, xuất hiện nhiều tiến sỹ, hàng chục thạc sỹ, hàng trăm cử nhân trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Ngày nay con cháu họ Trần Đức trên mọi miền đất nước, trên các lĩnh vực đang viết tiếp trang sử hào hùng của cha ông, tô thắm truyền thống khoa cử hiếu học, anh hùng bất khuất của dòng họ.
3. Các dòng họ Nguyễn
3.1 Họ Nguyễn Bá
Sơ lược về dòng họ
Ông tổ là Nguyễn Trọng Định từ Thanh Lương, Thanh Chương về năm 1587, đã 17 đời, trưởng tộc Nguyễn Bá Duôi, nhà thờ họ ở xóm 16, họ có 4 chi.
Các danh nhân và truyền thống họ Nguyễn Bá
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có các cụ: Cụ Nguyễn Bá Ngoạn là lý trưởng, cụ Nguyễn Bá Xuổn là hương bản, cụ Nguyễn Bá Oánh làm hương bộ, cụ Nguyễn Bá Đụa giữ chức bát phẩm (còn gọi là bát Đụa). Các cụ là những người thông minh, phong độ, giàu có, trình độ học vấn là tú tài.
Cụ Nguyễn Bá Thếp-Phó Bí thư Chi bộ Thọ Vinh năm (1935-1936); cụ Nguyễn Bá Mỡn-Chủ tịch UBKCHC từ (1947-1948).
Cán bộ hoạt động cách mạng trước 1/1/1945 có Nguyễn Bá Ngoạn, Nguyễn Bá Thếp, Nguyễn Bá Khính-Chủ tịch uỷ ban cách mạng lâm thời, sau 1945 ông Nguyễn Bá Tưu-Phó Chủ tịch UBHC xã được điều đi làm Chủ nhiệm Công ty lâm thổ sản Vinh.
Trong chống Mỹ và sau khi đất nước thống nhất có: Thầy Nguyễn Bá Ngơn, Hiệu trưởng cấp 2 Quỳnh Vinh đầu tiên, là Tiến sỹ chính trị, cán bộ giảng dạy trường Nguyễn Ái Quốc, nguyên Phó Bí thư Huyện uỷ. Tiến sỹ CNTT Nguyễn Bá Hoàng-cán bộ giảng dạy ĐHGT Hà Nội. Anh Nguyễn Bá Hoà công tác ở Bộ Năng lượng.
Là dòng họ có nhiều gia đình làm nghề thầy giáo như gia đình ông Nguyễn Bá Ngơn, Nguyễn Bá Hoằng và nhiều gia đình đều là kỹ sư như gia đình ông Nguyễn Bá Võ, Nguyễn Bá Khiêm, Nguyễn Bá Châu,... Con em dòng họ Nguyễn Bá có hàng trăm người tốt nghiệp đại học, cao đẳng đang công tác ở mọi miền Tổ quốc. Đang viết tiếp trang sử của cha ông anh hùng cách mạng, hiếu học làm rạng danh dòng họ, quê hương.
3.2 Họ Nguyễn Xuân
Sơ lược về dòng họ
Họ nguyễn Xuân có 4 nhà thờ lớn ở xóm 15, xóm 19, xóm 17 và xóm 15.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đặc biệt từ ngày đất nước thống nhất các bậc kỳ lão trong hội đồng gia tộc đã đi tìm tông tích của dòng họ và thấy 4 dòng họ Nguyễn Xuân ở Quỳnh Vinh nói trên với Nguyễn Xuân ở xóm Yên Lộc đều cùng thờ ông tổ là Nguyễn Khâm tự là Nguyễn Xuân Lai, từ Hà Trung (Thanh Hoá) vào năm 1611.
Và theo gia phả bí mật ở Hà Trung, Thanh Hoá, trước đây các cụ chỉ nói nhỏ với các trưởng phái thì Nguyễn Xuân hay Nguyễn Hữu,... đều là họ Nguyễn có chung ông thuỷ tổ là Nguyễn Bậc danh tướng khai quốc công thần của nhà Đinh.
Các danh nhân và truyền thống họ Nguyễn Xuân
Cụ Cựu Hiệng làm cửu phẩm, một chức sắc trong triều Nguyễn, cụ là thành viên chính thức của hội văn (nhà Văn Thánh). Trong các ngày lễ của làng được mời ngồi chiếu trên và được mọi người nể trọng. Cụ Bộ Nhoan trong hội đồng ngũ hương (Hương bộ) trông coi việc sinh tử, giá thú, quản lý hệ thống văn bản của chánh phó lý. Do đức độ uyên bác cụ làm mấy khoá liền. Cụ Kiểm Đoan coi việc trị an tuần phòng giám sát về mặt hành chính trong làng Thọ Vinh, là người phong độ. Cụ Nguyễn Xuân Xang (cựu Khánh) làm lý trưởng nhiều năm, cụ thuộc lớp cán bộ cũ được lòng trên dưới.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến và hoà bình có nhiều cán bộ các cấp có uy tín như: Cụ Nguyễn Xuân Lịch-Chủ tịch UBHC xã; Nguyễn Xuân Lương đảng viên 60 năm tuổi Đảng; Nguyễn Xuân Thảo-Đại tá QĐNDVN; Đại uý Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Xuân Đại, Nguyễn Xuân Nga-Vụ phó lao động tiền lương Tổng liên đoàn lao động; Nguyễn Xuân Kỳ-Giám đốc công ty xây lắp điện 4; Nguyễn Xuân Thịch-công tác mỏ đá Hoàng Mai; Nguyễn Xuân Doãn Trưởng Công an xã nhiều nhiềm kỳ.
3.3 Họ Nguyễn Hữu
Sơ lược về dòng họ
Họ có 3 chi, từ Thanh Hoá vào đã 12 đời, ông tổ là Nguyễn Hữu Tạo, ông thuỷ tổ là Nguyễn Bậc.
Chi lớn nhất là chi 3 ở làng Quý Vinh xưa, nay là xóm Chiền. Trưởng tộc là Nguyễn Hữu Thụ và nhà thờ ở xóm 17
Các danh nhân và truyền thống họ Nguyễn Hữu
Cụ Nguyễn Hữu Hiệu (cựu Hiệu) làm lý trưởng dưới triều đại nhà Nguyễn, trước đó làm nghề giáo ở Bắc Hà, rất nhiều sỹ tử xứ Bắc mến mộ bởi đức tài của cụ. Trong thời gian đó cụ đưa theo hai đệ tử là Nguyễn Công Tuệ, Nguyễn Công Vinh ra làm công nhân in. Con cháu cụ Tuệ là Nguyễn Công Thương giáo viên trường trung cấp dạy nghề Hà Nội. Cụ Nguyễn Hữu Yên (quyền Yên) là quyền Lý trưởng.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 có các ông: Nguyễn Hữu Địch Thường vụ Huyện uỷ, PCT UBND huyện Quỳnh Lưu; Nguyễn Hữu Đồng Trưởng phòng TBXH huyện Quỳnh Lưu; Nguyễn Hữu Khiêu Huyện uỷ viên, HĐND huyện, Trưởng phòng thuỷ lợi.
3.4 Họ Nguyễn Đình
Sơ lược về dòng họ
Ở Quỳnh Vinh có 4 trưởng tộc và 4 nhà thờ lớn là:
Trưởng tộc Nguyễn Đình Mãn, nhà thờ ở xóm 15
Trưởng tộc Nguyễn Đình Trâm, nhà thờ ở xóm 17
Trưởng tộc Nguyễn Đình Bổng, nhà thờ ở xóm 9
Trưởng tộc Nguyễn Hữu Tấn, nhà thờ ở xóm 16
Trong quá trình chắp nối gia phả đã nhận ra đều chung ông tổ là Nguyễn Chính, tự là Huyền Minh thuộc dòng Nguyễn Xí từ Nghi Lộc ra đã 14 đời.
Các danh nhân và truyền thống họ Nguyễn Đình
Cụ Nguyễn Đình Thái đỗ cử nhân thời Thiệu Trị nhưng không ra làm quan, về nhà mở trường dạy học, bốc thuốc trị bệnh cứu người là danh y nổi tiếng. Cụ Học Lạp (Nguyễn Đình Thợn) là thầy thuốc và thầy dạy chữ Hán nổi tiếng ở Hoàng Mai. Các cụ Lý Trân (chủ Trân) thuộc lớp học vấn, đỗ tú tài, cáo quan về làm lý trưởng, phó lý đều là hội viên hội văn thánh.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 có: Nguyễn Đình Yên là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong; Nguyễn Đình Cương-kỹ sư điện, du học Liên Xô; Nguyễn Đình Vĩnh, du học Trung Quốc làm cán bộ ngân hàng ở Vinh; Nguyễn Đình Nhan trung tá, Trưởng ban quân nhu Quân khu 7; Nguyễn Đình Tờng-cán bộ lâm nghiệp; Nguyễn Đình Quế, Đại uý QĐNDVN. Lớp cán bộ gắn bó với cơ sở, xã, HTX cho đến lúc về hưu có: Nguyễn Đình Chinh, Nguyễn Đình Minh, Nguyễn Đình Chi, ... Lớp đảng viên đầu tiên có: Nguyễn Hữu Nghị (1946), Nguyễn Hữu Sự (1947), Nguyễn Hữu Túc (1949). Sau này các cụ là cán bộ UBMTTQ huyện, cán bộ lương thực, bưu điện.
Lớp thế hệ trưởng thành sau những năm 1960 có: Nguyễn Hữu Sơn-Giám đốc công ty vận tải ô tô; Nguyễn Hữu Tấn-cán bộ Tổng cục lâm nghiệp; Nguyễn Hữu Biên -Hiệu phó trường cấp 1, cấp 2; Nguyễn Thị Nam-Hiệu phó trường cấp 1; Nguyễn Thị Hồng-thạc sỹ cán bộ giảng dạy CĐSP Cần Thơ; Nguyễn Đình Huỳnh trung uý, thương binh về hưu, có các liệt sỹ như: Nguyễn Đình Ngoan, Nguyễn Đình Phương, Nguyễn Đình Cầu,...
Sơ lược về dòng họ
Ông tổ là Nguyễn Phúc Tịnh từ Thanh Hoá vào đã 13 đời. Trưởng tộc hiện nay là Nguyễn Viết Tảo, nhà thờ họ ở xóm 19. Mộ tổ ở lèn Thung Cùng.
Các danh nhân và truyền thống họ Nguyễn Viết
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có cụ phó Lơn làm phó lý trưởng nhiều năm. Có cụ cựu Đượu làm lý trưởng nhiều năm, đức tài toàn vẹn được việc nhân dân cảm mến.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Nguyễn Viết Xiển là Bí thư Nông hội đầu tiên ở Quỳnh Vinh, cụ vào Đảng năm 1947. Sau đó được trên điều động công tác ở tỉnh Nghệ An, rồi ra Thanh Hoá làm Chủ nhiệm Công ty thương nghiệp Thanh Hoá. Thầy Nguyễn Viết Nhiêm giáo viên cấp 1 rồi cấp 2, Hiệu trưởng trường cấp 2 Quỳnh Vinh từ năm 1965. Được Bộ Giáo dục điều động vào Nam làm PGĐ Sở Giáo dục và đào tạo Long An rồi Tỉnh uỷ viên, Trưởng Ban Khoa giáo Tỉnh uỷ. Các con của thầy đều là giáo viên cấp 3 và cao đẳng ở miền Nam. Ông Nguyễn Viết Nghĩa là đại uý dũng sỹ diệt Mỹ cấp ưu tú. Có con là Nguyễn Viết Hoà-đại tá quân đội. Ông Nguyễn Viết Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học Sở Xây dựng.
3.6 Họ Nguyễn Công
Sơ lược về dòng họ
Ông tổ họ tại Quỳnh Vinh là Nguyễn Công Sự, ông thuỷ tổ là Nguyễn Công Bài. Trưởng tộc hiện nay là Nguyễn Công Ký (Ký Cường).
Họ từ Bắc về Đức Thọ, Hà Tĩnh rồi ra Hoàng Mai, Quỳnh Văn, Quỳnh Xuân. Tại Quỳnh Vinh đến nay có 12 đời.
Đến Quỳnh Vinh dòng họ Nguyễn Công chủ yếu làm nghề nông nghiệp, ngoài ra còn có nghề truyền thống là rèn. Nghề rèn ở Quỳnh Vinh có nhiều nhưng các cụ họ Nguyễn Công là những người có chuyên môn và kỹ thuật. Rèn rìu, rạ, dao, dao cắt thuốc lào là phải nhờ các cụ, các cụ nhìn ánh lửa phát ra màu ánh sáng biết được nhiệt độ tôi nếu để quá lửa là hỏng.
Các danh nhân và truyền thống họ Nguyễn Công
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Có cụ cựu Khuyên làm Lý trưởng nhiều năm ở Quý Vinh.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 có các cụ: Nguyễn Công Sơng là UVUBHC lâm thời, sau đó cụ công tác ở bộ thuế, điền địa. Con cái cụ đều là viên chức nhà nước. Các cụ Nguyễn Công Tuệ, Nguyễn Công Vinh được cụ cựu Hiệu đưa ra đi làm cán bộ nhà in Hà Nội. Con cái cụ đều là viên chức nhà nước. Nguyễn Công Bang là giáo viên, rồi PGĐ Sở Giáo dục Bình Trị Thiên về hưu làm Chủ tịch UBMTTQ xã, Chủ tịch Hội cựu giáo chức, Chủ tịch hội người cao tuổi. Con cái thành đạt.
3.7 Họ Nguyễn Sỹ
Sơ lược về dòng họ
Trưởng tộc là Nguyễn Sỹ Thắng, nhà thờ họ ở xóm 19 ở Quỳnh Vinh 12 đời khoảng 300 năm. Ông Tổ họ là Nguyễn Sỹ Huyền sinh năm 1679 (Kỷ Mùi), mộ ở Đồi Thông. Họ có hai chi: chi một là nhánh trưởng, chi hai là Nguyễn Sỹ Đức ở xóm 21, họ có 60 hộ. Vì chưa rõ nguồn gốc, hội đồng gia tộc đã tìm đến làng Kim Lũy, huyện Diễn Châu, ở đó có chi họ Nguyễn Sỹ cũng thờ ông tổ là Nguyễn Sỹ Huyền, đối chiếu gia phả, thì Nguyễn Sỹ ở Diễn Châu là một nhánh của Nguyễn Sỹ ở Quỳnh Vinh. Trong lịch sử, họ Nguyễn Sỹ xuất hiện thế kỉ XIII với nhà thơ Nguyễn Sỹ Cố đời Trần Thánh Tông(1258-1278), ông là một nhà thơ Nôm có tài, đã cùng Hàn Thuyên xây dựng nền tvăn học chữ Nôm đầu tiên của nước ta1.
Thế kỷ XV, có ông Nguyễn Sỹ Nguyên ở huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc đỗ Hoàng Giáp khoa Mậu Tuất (1478), đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Thượng bảo Tự Khanh Lục Cấp sự trung2. Từ các ông Nguyễn Sỹ Cố, Nguyễn Sỹ Nguyên đến các chi họ ở Nghệ An chưa tìm ra manh mối.
Ở Nghệ An từ thế kỷ XVI, XVII đã có nhiều chi họ Nguyễn Sỹ ở các nơi như: Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, thành phố Vinh, Quỳnh Lưu, Diễn Châu. Theo gia phả của một số chi họ này thì thủy tổ các dòng họ Nguyễn Sỹ từ ngoài Bắc vào Ái Châu (Thanh Hóa), rồi từ Ái Châu di cư vào Hoan Châu (Nghệ Tĩnh ngày nay), thời kì Lê- Mạc, Trịnh-Nguyễn phân tranh thế kỷ (XVI-XVII).
Các danh nhân và truyền thống văn hóa
Các chi họ Nguyễn Sỹ ở phân tán, qua tìm hiểu gia phả, thực tế sinh hoạt thấy có một số đặc điểm như: Coi trọng gia giáo, gìn giữ nhân luân, cách ứng xử, giao tiếp và ý thức cộng đồng. Trong giáo huấn các cụ đặc biệt nghiêm cấm con cháu không được sa vào vòng ăn chơi quá đà, ham mê tửu, sắc, bài bạc, hút hít, ...
Sống có đạo lý: Các bậc tôn trưởng trong họ luôn khuyên bảo con cháu sống theo đạo lý, không được vì tiền của, giàu sang, bỏ đạo nghĩa, đạo làm dâu... Tiêu biểu là gia đình cụ Nguyễn Sỹ Hảo, Nguyễn Sỹ Thoành, con trai, con gái các cụ đều phương trưởng, là cán bộ của Đảng và Nhà nước, các con rể từng là Chủ tịch UBND xã Quỳnh Mai, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, sỹ quan QĐNDVN.
Các danh nhân có: Cụ Nguyễn Sỹ Hiền1 người đã có công chiêu dân lập ấp được vua Lê Hiến Tông phong tước hiệu ‘‘Thiếu Khanh tự thiện đạo giác linh Thần vị’’, làng Thọ Vinh xem là bậc Tiên hiền lập bài vị thờ ở đình làng. Cụ Nguyễn Sỹ Mỡi2 đã phối hợp với Đề đốc quân vụ Phan Bá Niên (Đề Niên) cung cấp quân lương, xây dựng cơ sở, chiến đấu nhiều trận khiến giặc Pháp khiếp sợ.
Tiếp nối truyền thống cha ông, con cháu Nguyễn Sỹ đã tích cực tham gia hai cuộc kháng chiến, lập công xuất sắc: Liệt sỹ Nguyễn Sỹ Thiết, các thương bệnh binh: Nguyễn Sỹ Tiệp, Nguyễn Sỹ Trường, …. lớp cán bộ đảng viên thời kì đầu (1947) có Nguyễn Sỹ Hài, … Trong học tập, khoa cử là dòng họ có nhiều kỹ sư, bác sỹ, thầy giáo THPT, ….
3.8 Họ Nguyễn Ngọc
Sơ lược về dòng họ
Ông tổ là Nguyễn Ngọc Toàn từ Thanh Hoá vào đã 12 đời, họ có hai chi: Chi 1 thuộc trưởng tộc Nguyễn Ngọc Dưu; trưởng chi 2 Nguyễn Ngọc Hưu, nhà thờ ở xóm 18 có ba gian được trùng tu lại khang trang cổ kính, phả hệ được vẽ khúc chiết, đẹp.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có Nguyễn Ngọc Cửu (chánh Cận) làm chánh tổng từ (1910-1915), Nguyễn Ngọc Cận (bản Dưu) làm hương bản từ (19411945).
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, có Nguyễn Ngọc Trớc đảng viên, Nguyễn Ngọc Phơn là cán bộ hợp tác xã nhiều năm, ...
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có nhiều con em họ Nguyễn Ngọc xung trận lập công xuất sắc như: Nguyễn Ngọc Hoan, Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Ngọc Thung, ...
3.9 Họ Nguyễn Trần
Sơ lược về dòng họ
Họ Nguyễn Trần, ông tổ là Nguyễn Doãn từ Hoàng Hoá (Thanh Hoá) vào 10 đời. Cụ Nguyễn Doãn con nuôi họ Trần Đức, để tri ân người dưỡng dục, con cháu mang dòng họ Nguyễn Trần. Một thời gian sau con cháu gọi tắt là Trần. Trưởng tộc hiện nay là Nguyễn Trần Thanh, nhà thờ ở xóm 15.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, có cụ Nguyễn Trần Phương, chuyên trách cán bộ thuế tín dụng xã; Nguyễn Trần Hoàng kỹ sư nông nghiệp; Nguyễn Trần Hoá-kỹ sư cán bộ tổ chức Tổng cục địa chất; Trần Khâm-Chủ tịch xã, ...
3.10 Họ Nguyễn Văn (làng Quý Vinh)
Sơ lược về dòng họ
Ông tổ là Nguyễn Phù Tiên ở Diễn Hùng, Diễn Châu. Cụ là hậu duệ đời thứ 20 của Nguyễn Trãi. Nhị thế tổ là Nguyễn Bảo ra Quý Vinh gần 140 năm, trưởng tộc là Nguyễn Văn Tuyên, nhà thờ ở thôn 18.
Các danh nhân và truyền thống họ Nguyễn Văn
Dòng họ có Nguyễn Văn Tuyên-Thường vụ Đảng uỷ xã phụ trách tổ chức, sau được trên điều lên làm cán bộ tổ chức Huyện uỷ Quỳnh Lưu. Ngoài ra còn có các cựu giáo chức Nguyễn Đức Quý, Nguyễn Đức Dung, nhạc sỹ Nguyễn Đức Tiến, ... Cô Nguyễn Thị Sâm Hiệu trưởng trường tiểu học, Nguyễn Văn Thanh cán bộ UBND xã, ....
Ngày nay, con em dòng họ Nguyễn trên mọi miền Tổ quốc đang học tập, công tác trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hoá - giáo dục, tiếp nối truyền thống cha ông anh hùng bất khuất trong chiến tranh vệ quốc và giải phóng dân tộc, khoa cử sáng tạo, xứng đáng với các bậc tiền nhân.
4. Họ Bùi Đình
Sơ lược về dòng họ
Ông thuỷ tổ là Hiền Lâm (tự Phúc Đề) từ Nam Định vào đến nay đã 10 đời. Trưởng tộc là Bùi Đình Lan, nhà thờ họ ở xóm 15.
Theo Giáo sư Bùi Đình Nguyên công tác ở trường ĐHQG Hà Nội thì các họ Bùi ở Nghệ An là một.
Các danh nhân và truyền thống họ Bùi
Theo gia phả họ Bùi Đình ở Quỳnh Vinh có: Cụ Bùi Văn Uyển: Thượng thư bộ hình; Cụ Bùi Văn Cần được phong sắc trung kỵ uý chư quân; Cụ Bùi Sỹ Lâm được phong sắc trung quân đô đốc phủ; Cụ Bùi Sỹ Chiêu phong sắc chỉ huy sứ đông tư thuần mạnh hầu; Cụ Bùi Đình Chi là Trưởng Ban Bình dân học vụ, rồi Chủ tịch Mặt trận Việt Minh năm (1945-1946). Cụ Bùi Đình Sỹ (vợ là Nguyễn Thị Trơng Chủ tịch Hội phụ nữ Quỳnh Vinh) là trung uý đại đội trưởng vệ quốc quân, tham gia nhiều trận đánh trong chiến tranh vệ quốc hy sinh ở Điện Biên Phủ (24/02/1954). Cụ Bùi Đình Tuất-Chủ tịch UBND xã, PCT UBMTTQ xã; Thầy Bùi Đình Châu-Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường cấp 1 từ năm 1968, ... Trong công cuộc giải phóng dân tộc họ Bùi có hàng chục con em hy sinh trên khắp các chiến trường.
Tiếp nối truyền thống cha anh, con cháu họ Bùi Đình ở Quỳnh Vinh học hành đỗ đạt ngày càng nhiều, xuất hiện hàng trăm cử nhân trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Ngày nay, con em họ Bùi Đình trên mọi miền Tổ quốc đang công tác, học tập tiếp nối truyền thống cha ông anh hùng bất khuất trong chiến tranh vệ quốc và giải phóng dân tộc. Khoa cử sáng tạo thật xứng đáng với các bậc tiền nhân.
5. Họ Vũ Lê
Sơ lược về dòng họ
Trưởng tộc là Vũ Lê Phương xóm 19, ông tổ là Vũ Mạnh từ Vụ Bản - Nam Định vào đã được 14 đời (khoảng 360 năm) dòng họ di chuyển theo hướng Bắc Nam vào Quỳnh Lưu năm 1650 (vùng Quỳnh Xuân, nam ghi là Võ, nữ ghi là Vũ). Khi di chuyển về Quỳnh Lưu, ông tổ họ được người họ Lê ở Quỳnh Văn dưỡng dục trưởng thành, để ghi nhớ công ơn họ Lê nên gọi là Vũ Lê.
Các danh nhân và truyền thống họ Vũ Lê
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có Lý trưởng Vũ Lê Tuyển, là người đức độ, có trình độ kỹ thuật sản xuất nên đời sống gia đình khá giả, là lý trưởng có uy lực thương dân. Sau khi sửa sai, cụ được trả tự do về đời sống thường nhật phụ trách sản xuất ở vườn các cụ Đại Vinh, cụ hướng dẫn trồng khoai khoai tốt, trồng cà cà sai được tập thể các cụ yêu mến. Con cái và con rể của cụ đều là đảng viên.
Cụ Vũ Lê Lự làm hương bộ, do tổ chức Việt Minh bố trí để hoạt động, vào Đảng từ năm 1935 ở Chi bộ Thiện Kỵ - Quý Vinh, cụ là cán bộ tiền khởi nghĩa được công nhận thời kỳ đầu; Cụ Bản Nhượng trong hội đồng ngũ hương phụ trách thủ quỵ tài chính.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, lớp vệ quốc quân có ông: Vũ Lê Ngựu, Vũ Lê Bởn, Vũ Lê Nhương, ... Lớp giải phóng quân có: Vũ Lê Nhoạn, Vũ Lê Chính, Vũ Lê Thảo, Vũ Lê Mẫn, Vũ Lê Mãn, ... Có gia đình có một con trai cũng lên đường nhập ngũ và hy sinh liệt sỹ Vũ Lê Chinh. Có nhiều gia đình bốn thế hệ tham gia quân đội như gia đình cụ Vũ Lê Ngựu, ...
Nhiều con em là cán bộ chủ trì của xã như đồng chí: Vũ Lê Nhoạn-Bí thư, CTUBND xã; Vũ Lê Thảo-quyền Bí thư Đảng uỷ; Vũ Lê Mãn, cán bộ tổ chức Huyện uỷ; Vũ Lê Nhân-CT hội Nông dân; Vũ Lê Công-PCT UBND xã,... Thầy giáo Vũ Lê Thống là Phó Giám đốc sở giáo dục tỉnh Thanh Hoá,...
Tiếp nối truyền thống cha anh, con cháu họ Vũ Lê ở Quỳnh Vinh học hành đỗ đạt ngày càng nhiều, xuất hiện hàng trăm cử nhân trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Ngày nay con em họ Vũ Lê trên mọi miền Tổ quốc đang công tác, học tập tiếp nối truyền thống cha ông anh hùng bất khuất trong chiến tranh vệ quốc và giải phóng dân tộc. Khoa cử sáng tạo thật xứng đáng với các bậc tiền nhân.
6. Họ Hoàng
Sơ lược về dòng họ
Họ HoànG có 2 chi: Hoàng Đình và Hoàng Năng. Họ Hoàng Đình, trưởng tộc là Hoàng Đình Viễng, nhà thờ ở xóm 15. Gia phả không nói rõ từ đâu về, đã có 13 đời.
Họ Hoàng Năng, trưởng tộc là Hoàng Năng Hưng, nhà thờ ở xóm 15. Theo nhiều tài liệu cho biết thì tổ tiên xa xưa của họ Hoàng là người quận Giang Hạ, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Họ Hoàng sinh tụ ở nhiều nơi của đất nước, ở miền Nam gọi là họ Huỳnh.
Thế kỷ XIII, Hoàng Tá Thốn (được gọi là Sát Hải Đại Vương) ở làng Vạn Phần (Diễn Châu), ông là thuỷ tổ của dòng họ Hoàng ở Diễn Châu và Quỳnh Lưu.
Các danh nhân và truyền thống họ Hoàng
Là dòng họ đến sau so với các dòng họ khác ở Quỳnh Vinh nên công lao khai sơn, phá thạch, tham chính không phản ánh nhiều trong phả hệ.
Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, họ Hoàng Năng có cụ Nguyễn Thị Bường, vợ cụ Phó Thảo là bà mẹ Việt Nam anh hùng, có con duy nhất Hoàng Năng Phương là liệt sỹ.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, có cụ Hoàng Đình Trương là Bí thư Đảng bộ Quỳnh Vinh đầu tiên (1960-1961), sau đó làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã. Sau này cụ là đại biểu HĐND huyện, Trưởng phòng lương thực Quỳnh Lưu. Đại tá Hoàng Đình Tuất Giám đốc trại 3; thượng tá Hoàng Đình Sơn giáo viên trường Đại học lục quân 1; thiếu tá Hoàng Đình Hải Công an Nghệ An.
Tiếp nối truyền thống cha anh, con cháu họ Hoàng ở Quỳnh Vinh học hành đỗ đạt ngày càng nhiều, xuất hiện hàng trăm cử nhân trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Ngày nay, con em họ Hoàng trên mọi miền Tổ quốc đang công tác, học tập tiếp nối truyền thống cha ông anh hùng bất khuất trong chiến tranh vệ quốc và giải phóng dân tộc. Khoa cử sáng tạo thật xứng đáng với các bậc tiền nhân.
7. Họ Lý
Sơ lược về dòng họ
Ông tổ họ là Lý Xuân Trung từ xã Quỳnh Bá ra đến nay đã 6 đời, trưởng tộc hiện nay là Lý Xuân Tục, nhà thờ ở xóm 18.
Các danh nhân và truyền thống họ Lý
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 có: Cụ Lý Tiêu, Lý Tiệp thay nhau làm lý trưởng nhiều năm ở làng Quý Vinh.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, có Cụ Lý Xuân Nhãn là Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh, Trưởng trạm đón tiếp thương bệnh binh trên đường 559. Cụ từng tham gia các trận chiến ở Quỳnh Lưu, mũi trưởng trận đánh giặc năm 1949 tại Lạch Cờn – Hoàng Mai, phụ trách trung đội dân quân du kích Quỳnh Mai phối hợp với bộ đội chủ lực huyện tóm gọn toán biệt kích đổ bộ đường không xuống đồng Lách năm 1953. Sau chiến thắng cụ được mời báo cáo điển hình tại Quân khu 4.
Trong lễ đón nhận bằng Di tích lịch sử văn hoá đền Vưu năm 1992, cụ được Sở Văn hoá Nghệ An mời ngồi vào ghế đoàn Chủ tịch với tư cách là hậu duệ đời thứ 40 của Lý Nhật Quang vị Uy Minh Vương được thờ tại đền. Con cháu họ Lý có trung uý quân đội nhân dân Việt Nam Lý Xuân Tác; thạc sỹ Lý Xuân Thành, giáo viên trường CĐSP Cần Thơ,...
Tiếp nối truyền thống cha anh, con cháu họ Lý ở Quỳnh Vinh học hành đỗ đạt ngày càng nhiều, xuất hiện hàng trăm cử nhân trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Ngày nay, con em họ Lý trên mọi miền Tổ quốc đang công tác, học tập tiếp nối truyền thống cha ông anh hùng bất khuất trong chiến tranh vệ quốc và giải phóng dân tộc. Khoa cử sáng tạo thật xứng đáng với các bậc tiền nhân.
8. Họ Phạm Văn
Sơ lược về dòng họ
Ông tổ là Mạc Mậu Giang từ ngoài Bắc chuyển về. Tại Quỳnh Vinh trước đây có hai chi: Chi 1 trưởng tộc là Phạm Văn Lực, xóm 14; Chi 2 trưởng tộc là Phạm Văn Tăng, xóm 8. Gần đây 2 chi đã lần tìm nguồn ngốc, dựng lại phả hệ.
Theo Phạm Đăng Nhật ở Viện nghiên cứu Văn hoá dân gian Hà Nội: Thì tại nhà thờ họ Mạc Lều ở Nhị Khê Thường Tín có câu đối:
Tứ bách niên tiền chung phục thuỷ
Thập tam thế hậu dị nhi đồng
(Bốn trăm năm trước cuối cùng sẽ phục hoàn như ban đầu, mười ba đời sau từ chỗ khác nhau trở thành đồng nhất).
Họ Mạc ở Nghệ An đã sinh trưởng thành 38 chi rải rác ở 8 huyện: Thanh Chương, Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Diễn Châu và Quỳnh Lưu. Ở Quỳnh Lưu có các chi: Phạm Văn, Hồ Đăng, Bùi Thái,... Ở Quỳnh Vinh có Phạm Văn.
Các danh nhân và truyền thống họ Phạm Văn
Là dòng họ đến sau so với các dòng họ khác nên công lao khai sơn, phá thạch, tham chính không phản ánh trong phả hệ.
Lớp con cháu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 có cụ: Phạm Văn Xan-CT hội Nông dân; Cụ Phạm Văn Han- UV UBND xã; Cụ Phạm Văn Năm-cán bộ lâm nghiệp; Cụ Phạm Văn Thường-Trưởng trạm y tế; Cụ Phạm Văn Dưỡng-Hiệu trưởng THCS; Thầy Phạm Bân-giáo viên; Thiếu tá Phạm Đào, ...
Tiếp nối truyền thống cha anh, con cháu họ Phạm Văn ở Quỳnh Vinh học hành đỗ đạt ngày càng nhiều, xuất hiện hàng trăm cử nhân trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Ngày nay, con em họ Phạm Văn trên mọi miền Tổ quốc đang công tác, học tập tiếp nối truyền thống cha ông anh hùng bất khuất trong chiến tranh vệ quốc và giải phóng dân tộc. Khoa cử sáng tạo thật xứng đáng với các bậc tiền nhân.
9. Xứ Yên Hoà gồm các họ giáo (Yên Hoà, Quý Vinh, Dị Lễ, và Sơn Trang)
Vài nét sơ lược về họ Yên Hoà (nay là xóm 4 Quỳnh Vinh)
Từ năm 1968 về trước, họ giáo Yên Hoà thuộc xã Quỳnh Trang. Từ 24/4/1969, theo Quyết định 201 của Bộ Nội vụ: Yên Hoà nhập vào xã Quỳnh Vinh. Dân số năm 2011 là 147 hộ, 926 khẩu, bình quân 6 người/hộ, trong lúc đó bình quân toàn xã chưa đến 5 người/hộ. Cũng như các xứ họ khác ở Quỳnh Lưu, xứ Yên Hoà thuộc hạt Thuận Nghĩa.
Theo các tài liệu về tôn giáo: Thiên chúa giáo vào Việt Nam từ năm 1533 dưới triều đại vua Lê Trang Tông. Các giáo sỹ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đặt chân truyền giáo đầu tiên ở Bùi Chu Phát Diệm.
Ở Quỳnh Lưu vào khoảng năm 1805 giáo xứ ở Cầm Trường được thành lập gồm 32 họ, Yên Hoà là một trong số các họ giáo đó; Nhà thờ được xây dựng vào năm 1901
Các linh mục đã công tác ở Yên Hoà:
Linh mục Phao Lô Nguyễn Hoàng (1835-1909).
Linh mục Nguyễn Diệu sinh năm 1868, ở xứ từ 1909-1933
Linh mục Nguyễn Tân nhậm chức 1920, ở xứ từ 1933-1939
Linh mục Nguyễn Dy sinh năm 1882, nhậm chức 1921, ở xứ từ 1939-1949.
Linh mục Nguyễn Bang nhậm chức 1934, ở xứ từ 1949-1951
Linh mục Nguyễn Thụy nhậm chức 1936, ở xứ từ 1951-1954
Linh mục Nguyễn Chỉnh sinh năm 1918, nhậm chức 1951, phụ trách xứ
Linh mục Nguyễn Hậu nhậm chức 1932, phụ trách 1956-1958
Linh mục Hồ Đức Hoàn sinh năm 1923, nhậm chức 1957, phụ trách từ 1958-1961
Linh mục Nguyễn Hồng Thanh sinh năm 1929, phụ trách từ 1961-1967
Linh mục Lê Đình Phúc sinh năm 1937, nhậm chức 1967, phụ trách từ 1967-1971
Linh mục Nguyễn Khắc Thanh sinh năm 1936, phụ trách từ 197-1994
Linh mục Nguyễn Đình Thăng sinh năm 1964, nhậm chức 1994-2004.
Linh mục Phạm Ngọc Quang sinh năm 1972 nhậm chức 2004-2010.
Linh mục Đinh Văn Minh sinh năm 1976, nhậm chức 2010-nay
Năm 1964, nhà thờ Yên Hoà bị giặc Mỹ ném bom đỗ nát, năm 1987 nhân dân xóm 4 Yên Hoà xây dựng lại to đẹp như ngày nay.
Năm 1995-1996, khuôn viên được mở rộng, hệ thống tường xây bao quanh kiên cố, cây cảnh đẹp, phòng học giáo lý cao tầng thoáng mát, hệ thống loa đài chiếu sáng tốt, thánh đường lộng lẫy.
Họ giáo Yên Hoà trong cuộc chiến tranh cứu nước và bảo vệ Tổ quốc
Với nhận thức sâu sắc: "Không có gì quý hơn độc lập tự do và còn đế quốc Mỹ xâm lược, còn Nguỵ quyền Sài Gòn thì còn chiến tranh, chia cắt đất nước và còn đau thương tang tóc cho đồng bào do chúng gây nên".
Từ hàng giáo phẩm đến mọi người trong cộng đồng dân chúa đều thực hiện quyết tâm: "Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước không chịu làm nô lệ". Có 24 thanh niên đã lên đường nhập ngũ, 2 thanh niên xung phong, 15 dân công hoả tuyến. Trên khắp chiến trường họ đã góp phần cùng quân dân cả nước hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong trận chiến có ba liệt sỹ: Nguyễn Văn Hồ, Lê Xuân Lan, Hồ Minh. Có thương binh Hồ Đức Hiến đã để lại một phần xương máu, cơ thể mình nơi chiến trường, hiện về với đời thường là CCB xuất sắc của xã. 43 gia đình đã nhường nhà của mình cho bộ đội, TNXP ở và để hàng hoá sơ tán chờ vận chuyển vào Nam.
Các công chức thoát ly gồm các ông: Nguyễn Hữu Khiêu đảng viên, Huyện uỷ viên, đại biểu HĐND huyện Quỳnh Lưu; Nguyễn Hữu Kiều đảng viên; Nguyễn Văn Thể đảng viên, Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh. Các đảng viên kết nạp sau năm 1968 có: Nguyễn Văn Thống, Nguyễn Văn Xuân, Hồ Đức Hiến.
Cán bộ hoạt động ở địa phương gồm: Lê Văn Đình-UVBCH Hội Nông dân huyện; Nguyễn Văn Thống-UVUBND xã phụ trách thuỷ lợi từ 1993-2004; Nguyễn Văn Xuân-UV UBMTTQ xã, đại biểu HĐND xã; Nguyễn Văn Vân đại biểu HĐND xã, UV UBMTTQ xã. Nhiều con em họ giáoYên Hoà là cán bộ ở các cơ quan nhà nước, ở các công ty như: Hồ Văn Tình, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Diệu, Nguyễn Văn Sơn, Hồ Đức Thanh, Hồ Văn Cậy ...
Nhiều gương sáng về phục vụ nhân dân trong cuộc sống hàng ngày của các linh mục, giáo phẩm, nam nữ tu sỹ và của các giáo dân trong xóm. Điều đó được thể hiện rõ trong thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước và các cuộc vận động như: Đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, chăm sóc đời sống các gia đình thương binh liệt sỹ, giúp đỡ trẻ mồ côi cơ nhỡ, bệnh nhân phong, ... Đặc biệt là trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội, mại dâm, ma tuý, trộm cắp và lối sống trái với luân thường đạo lý Việt Nam và giới răn của đạo Thiên chúa.
Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã được xứ họ hưởng ứng có nhiều cá nhân, gia đình tiên tiến được UBND xã khen ngợi như: gia đình các ông Hồ Cậy, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Hoài, Nguyễn Hữu Khoa, ...
10. Họ giáo Vinh Lễ
Vài nét tổng quát
Họ giáo Vinh Lễ thuộc xứ hạt Thuận Nghĩa nay thuộc xứ Yên Hoà linh mục Quang quản xứ. Từ năm 1964 về trước, nhân dân họ giáo Vinh Lễ quần tụ xung quanh nhà thờ họ ở núi Nhà Thờ. Năm 1965, máy bay Mỹ đánh bom phá hoại, nhà thờ sụp đổ, nhà cửa nhân dân hư hại tan hoang.
Theo chủ trương của xã, họ giáo Vinh Lễ chuyển về ở xóm 3 bây giờ. Dân cư lúc đó khoảng 20 hộ, vài trăm khẩu. Nhà thờ hiện nay đã được xây dựng lại khang trang, khuôn viên thoáng đẹp đáp ứng nhu cầu thờ tự, cầu nguyện hành lễ của giáo họ.
Họ giáo Vinh Lễ trong cuộc chiến tranh cứu nước và bảo vệ đất nước
Thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ", nhân dân xứ đạo Vinh Lễ đã kề vai sát cánh cùng toàn dân tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc.
Tham gia vệ quốc có ông Lê Văn Hoá nhập ngũ năm 1953-1958, ông Nguyễn Văn Án nhập ngũ năm 1953-1958 đến 1960 tái ngũ tham gia các trận đánh ở Quảng Trị. Tham gia chiến tranh giải phóng có: Nguyễn Văn Ban, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Văn Hùng, Lê Văn Hướng, Hồ Đức Hiến, Nguyễn Kim Long. Đi dân công có Lê Văn Giám, Lê Văn Công, ...
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh Biên giới phía Bắc có: 12 bộ đội, 8 dân công hoả tuyến, nhà cửa của nhân dân hầu như cho nhà nước mượn để hàng hoá, lương thực cung cấp cho chiến trường.
Đội ngũ bám cơ sở hoạt động ở địa phương có ông Nguyễn Văn Ty, đảng viên từ năm 1964 sau chuyển về Quỳnh Thanh làm CT UBMTTQ xã. Ông Hoàng Đình Loan đảng viên từ năm 1958, là cán bộ Công an viên xã, xóm gần suốt cuộc đời. Ông Hoàng Đình Chính đảng viên từ năm 1967, làm nghề y trị bệnh cứu người được nhân dân yêu quý. Trong công cuộc xây dựng đời sống mới, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá do UBMTTQ đề xướng đã được họ giáo Vinh Lễ hưởng ứng mạnh mẽ. Nhiều gương sáng về làm ăn kinh tế giỏi như gia đình: Lê Văn Thành, Nguyễn Văn Bột, Nguyễn Văn Ban, Trần Tứ Sỹ,... Nhiều gia đình chăm lo cho việc học của con cái như gia đình ông: Lê Hữu Tài, Nguyễn Kim Long, ...
Nhìn lại tiến trình lịch sử, người công giáo họ Vinh Lễ đã có những đóng góp trong chiến tranh vệ quốc và giải phóng dân tộc.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, họ giáo đã và đang góp sức mình trong công cuộc xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Điều đó chứng tỏ sự hoà nhập, gắn bó với quê hương, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, theo đường hướng thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống phúc ấm giữa lòng dân tộc, kính chúa yêu nước”.
Như vậy trong quá trình tìm hiểu, với hơn 40 dòng họ ta thấy các họ tộc ở Quỳnh Vinh không tách biệt, đối lập với làng, các họ luôn tồn tại trong khuôn khổ của làng. Làng có nhiều dòng họ nhất là làng Thọ Vinh với 30 dòng họ, làng Quý Vinh với 10 dòng họ. Họ Lê có 17 dòng họ. Họ Lê ở Thọ Vinh và họ Lê Văn ở Quý Vinh đến từ khá sớm cách đây khoảng 600 năm.
Cả 40 dòng họ, đến trước hay đến sau đều có xu hướng chấn hưng, khởi sắc, ý thức trở về cội nguồn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc cùng chung sức xây dựng xóm làng quê hương ngày càng giàu đẹp. Các dòng họ đều có ý thức giữ gìn, phát huy, tái lập gia phả, tộc phả, liên kết các tộc phả của chi họ ở từng địa phương thành tộc phả của dòng họ trên phạm vi vùng, tỉnh, quốc gia như họ Nguyễn, Trần, Lê,...
Ngày nay, trong không khí hội nhập, giao lưu, giữa các dòng họ đã có mối quan hệ chặt chẽ, điều đó góp phần thúc đẩy nâng cao các giá trị, truyền thống và bản sắc văn hoá của thôn xóm, làng xã, quê hương.
Trong tương lai gần Quỳnh Vinh là xã văn hoá khi đó hơn 3000 hộ là gia đình văn hoá, hơn 40 dòng họ là dòng họ văn hoá. Vì mọi người Quỳnh Vinh dù ở nơi đâu, làm gì họ đều cùng chung mục tiêu: Xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh sao cho xứng đáng với truyền thống văn hoá của Thọ Vinh, Quý Vinh xưa.
CHƯƠNG II.
THIẾT CHẾ LÀNG XÃ, PHONG TỤC TẬP QUÁN
I. THIẾT CHẾ LÀNG XÃ
1. Tên gọi người đứng đầu xã qua các thời kỳ
Tổ chức nhà nước Văn Lang – Âu Lạc rất đơn giản, sơ khai, đứng đầu nhà nước Âu Lạc là các vua Hùng, giúp vua có các Lạc Tướng. Lạc Tướng đứng đầu các bộ, dưới bộ là các làng do già làng cai quản. Các gia phả dòng họ ở Quỳnh Vinh không thấy ghi tên già làng nào cả, dòng họ Lê ở Quỳnh Trang có ghi danh một số hậu duệ già làng, trưởng bản.
Đến đời nhà Lý năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, cả nước chia thành nhiều lộ, trấn do các hoàng tử (thời Lý), an phủ sứ (đời Trần, Hồ) cai quản. Đơn vị hành chính cơ sở là xã; thời Trần những người đứng đầu xã gọi là xã quan.
Đời hậu Lê, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, lãnh tụ tối cao của nghĩa quân Lam Sơn là Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Lê, khôi phục quốc hiệu Đại Việt. Năm 1460, khi đất nước cường thịnh, vua Lê Thánh Tông tiến hành cải cách hành chính cả nước được chia thành 13 đạo thừa tuyên. Dưới đạo là phủ, huyện, châu, .. Người đúng đầu xã là xã trưởng do dân bầu.
Cuối thế kỷ XVI, nhà nước phong kiến được xây dựng khá hoàn chỉnh với danh nghĩa thống trị toàn bộ đất nước, cả đàng ngoài được chia thành 12 trấn dưới trấn là phủ, huyện, châu, xã như cũ.
Sau khi đánh bại vương triều Tây Sơn, năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long lập ra nhà Nguyễn đóng đô ở Huế. Năm 1804, nhà Nguyễn đổi tên nước là Việt Nam sau đó đổi thành Đại Nam. Chính quyền Trung ương tổ chức theo thời Lê với sự gia tăng quyền lực của vua, cai quản cả nước, các trấn, dinh vẫn giữ như cũ.
Năm 1831-1832, Minh Mạng quyết định chia cả nước thành 30 tỉnh, một phủ Thừa Thiên, mỗi tỉnh có một tổng đốc cai quản. Các phủ, huyện, tổng, xã vẫn giữ như cũ. Đứng đầu xã là lý trưởng do dân bầu, một bộ luật mới được ban hành gọi là “Hoàng triều luật lệ” gồm 400 điều quy định việc bảo vệ nhà nước, tôn ti trật tự phong kiến từ Trung ương đến làng xã.
Những người được chọn bầu lý trưởng phải đủ các điều kiện kinh tế, giàu có, khoẻ mạnh, thông thạo quốc ngữ và hán học, làm việc ba năm trở lên được trừ phu phen tạp dịch, làm việc 9 năm được hưởng hàm bá hộ. Tất cả dân đinh có hộ tịch ở làng đều được dự bầu chánh, phó lý.
2. Thiết chế làng xã dưới triều Nguyễn
Hội đồng hào mục, gồm:
- Các quan viên chức sắc, chánh, phó tổng về hưu hoặc đương chức
- Hàng ngũ hương của làng sau ba năm đương chức không bị can án
- Hàng cửu phẩm, bát phẩm, thất phẩm (như Cửu Hiệng, Bát Đụa, Thất Ngoan, ...)
Đứng đầu hội đồng hào mục là người có phẩm hàm chức vụ cao nhất. Hội đồng hào mục có nhiệm vụ cố vấn cho những người đương chức.
Người đứng đầu làng xã
Là lý trưởng hoặc phó lý trưởng do dân bầu theo các tiêu chí nêu trên. Khi lý trưởng đột ngột từ trần, hay bị giáng chức mà chưa hết nhiệm kỳ thì cử phó lý lên thay gọi là quyền lý trưởng (cụ Quyền Yên, cụ Quyền Nghiêm làng Quý)
Hội đồng Ngũ hương
Giúp việc cho chánh phó lý trưởng gồm:
Hương bộ: coi ghi chép việc sinh, tử, giá thú, như Bộ Nhoan, Bộ Tự, Bộ Vang,...
Hương kiểm: coi việc an ninh, tuần phòng, hành chính, kiếm thú, như Kiểm Thuyệt, Kiểm Đoan, Kiểm Thi, ...
Hương bản: coi việc tài sản, công quỹ, như Bản Chất, Bản Dưu, ...
Hương mục: coi việc giao thông, thuỷ lợi, như Mục Miêng, ...
Hương dịch: coi việc tế lễ, như Dịch Ngựu
Người đứng đầu các xóm (gọi là giáp)
Giáp có vai trò thừa hành công vụ của hội đồng ngũ hương (Hào mục) như cắt cử khiêng đám ma, đám rước, đốc thúc thuế khoá, phu phen hoà giải trong phạm vi giáp như Giáp Dụ, Giáp Nhân, Giáp Mãn, Giáp Xinh, ...
Người giúp việc cho giáp là tuần phu. Tuần phu phụ trách bảo vệ an ninh, mùa màng, loan tin, phát phần lễ hội, ... như Tuần Diên, Tuần Trọn, Tuần Xan, Tuần Triều. Bọn trẻ nhỏ, dân chăn bò thuê thấy các tuần 1 tay cầm roi mây, một tay cầm rạ phát là sợ phát khiếp. Lo mà chăn dắt trâu bò, chớ có dại mà lo mót lúa, mót khoai, lạc để bò chạy rông làm hỏng hoa màu của nhân dân.
Hội đồng kỳ mục làng Thọ Vinh
Lý trưởng | Họ gốc | Chức vụ | Thời gian |
Cựu Liễn, ... | Lê Thạc, ... | Lý trưởng | 1920-1923 |
Cựu Hường, ... | Lê Thạc, ... | Lý trưởng | 1923-1926 |
Cựu Khang, ... | Nguyễn Xuân, ... | Lý trưởng | 1926-1929 |
Cựu Khương, ... | Vũ Lê, ... | Lý trưởng | 1929-1932 |
Cựu Phơng, ... | Lê Đăng, ... | Lý trưởng | 1932-1935 |
Cựu Tưu, ... | Nguyễn Bá, ... | Lý trưởng | 1935-1939 |
Cựu Thức, ... | Lê Thạc, ... | Lý trưởng | 1939-1942 |
Cụ Lý Hoè, ... | Lê Thạc Khơm, ... | Lý trưởng | 1942-1945 |
Cựu lý: lý trưởng nhiệm kỳ trước hay nguyên là lý trưởng
Hội đồng kỳ mục làng Quý Vinh
Lý trưởng | Họ gốc | Chức vụ | Thời gian |
Cựu Sơng | Nguyễn Công | Lý trưởng | 1920-1923 |
Cựu Hùng | Lê Văn | Lý trưởng | 1923-1926 |
Cựu Hiệu | Nguyễn Hữu | Lý trưởng | 1926-1929 |
Cựu Hoà | Lê Công | Lý trưởng | 1929-1932 |
Cựu Tiệu | Lý Xuân | Lý trưởng | 1932-1935 |
Cựu Khế | Lý trưởng | 1935-1939 | |
Cựu Tiệp | Lý trưởng | 1939-1942 | |
Cụ Lý Giảng | Lê Công Đôn | Lý trưởng | 1942-1945 |
Hệ thống quan lại, chức sắc từ chính quyền trung ương đến làng xã khá chặt chẽ, các chánh tổng, phó chánh tổng, lý trưởng, phó lý trưởng, ngũ hương,... phần lớn đều có học thức, đường bệ, phong độ. Từ năm 1930 về sau ta đều bố trí những người có thiện cảm với cách mạng vào giữ các chức vụ từ làng, xã đến tổng,...
II. PHONG TỤC TẬP QUÁN
1. Việc hiếu hỷ-phong tục thờ cúng
Việc hiếu hỷ
Việc hiếu:
Các cụ cao tuổi Quỳnh Vinh khá thông thạo cuốn sách "Thọ mai gia lễ" của Hồ Sỹ Tân viết năm 1725, cung cách bài bản, hơi rườm rà và được cải biên. Khi trong nhà có người lâm chung trình tự các bước là: Lễ khâm lượm, lễ nhập quan, lễ thành phục, lễ cúng cơm, lễ thổ thần. Con cháu có cơi trầu, hươu rượu xin xóm để cắt cử đưa tang. Các lễ này đều do anh em con cháu nội tộc đảm nhận, riêng khâm lượm, nhập quan con cái không được làm. Sau khi khâm lượm con cháu phải túc trực bên linh cữu. Tất cả các lễ đều do đại diện họ tộc chuẩn bị kể cả hiệu bụt. Sau đó là lễ truy điệu do ban lễ tang của giáp chuẩn bị được cử hành tại gia. Tiếp đến là lễ đưa tang, di quan về nghĩa địa.
Đoàn đưa tang theo thứ tự: Cờ tang, trướng điếu, minh tinh (cờ triệu) linh xa, nhà tang, phường trống kèn, rồi con cháu, thân hữu, xóm làng. Con cái thực hiện: Đi đưa về đón, đi thụt lùi, đội mũ rơm, áo sổ gấu, gắn tấm phục, cha mất chống gậy tre, mẹ mất chống gậy vông. Nhà giàu có bát âm chấp hiệu dẫn đường thưởng tiền cho đám khiêng qua đường dốc, hẽm, ...
Lễ hạ huyệt chọn giờ hoàng đạo
Lễ thiết lập bàn thờ: Lập ở gian tả hoặc hữu, ở gian giữa sau cát táng mới làm lễ xin phép gia tiên lập bàn thờ chung.
Tất cả những người tham gia đưa tang, sau lễ tưởng niệm ở phần mộ xong vẫn hàng ngũ chỉnh tề về gia chủ; với tốc độ nhanh hơn. Sau lễ tế ngu, tang chủ có chén rượu nhạt để tỏ lòng cảm ơn thân hữu, xóm làng. Tiếp đến lễ cúng ba ngày, 49 ngày, 100 ngày. Trong lễ cúng 100 ngày gia chủ đưa con bạch chôn ở phần mộ. Linh hồn từ đó không còn ở trên bàn thờ nữa mà đã nhập thể. Ngày nay, với tinh thần tùy gia, phong kiệm, các bước và việc cúng lễ có giảm lược đi để phù hợp với gia đình, lối sống mới. Việc hỷ (cưới hỏi)
Xưa kia trai gái đến tuổi yêu đương không được tự do tìm hiểu mà phải tuân theo sự sắp đặt của gia đình, cha mẹ theo cách thức: Môn đăng hộ đối, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, lấy vợ xem tông lấy chồng xem họ. Đó là các tiêu chuẩn chung nhưng phương châm là : “phải biết mình biết ta”, “bước xuống ba bước để chọn vợ, bước lên vài bước để tìm bạn”. Theo cách thức tiêu chuẩn đạt rồi, hai phía gia đình thông thuận sẽ tiến hành các thủ tục, các lễ: Lễ đi dạm hỏi (lễ rào ngõ), lễ bỏ trầu, lễ ăn hỏi, lễ xin cưới, lễ cưới. Có 5 lễ tất cả, trước mỗi lễ đều có gặp gỡ xã giao, ngõ ý giữa hai phía gia đình nam nữ, có sự đồng tình mới biện lễ.
Ngày đón dâu là ngày trọng đại nhất: Nhà trai làm cỗ bàn thịnh soạn đón họ gái cô dâu, người cầm hoa, người phù dâu, phù rể, người đại diện giao dâu, phát biểu phải được lưa chọn song toàn, hoạt bát, xã giao. Tiệc cưới thì thịnh soạn, mừng cưới chỉ giản đơn lít rượu, trầu cau, bạn hữu, anh em chú bác giúp đỡ nhau vật chất thì theo kiểu bác có việc chú giúp, chú có việc bác giúp lại. Sau lễ cưới 2 hoặc 3 ngày có lễ lại mặt, nhà trai soạn mâm cỗ đến nhà gái, hai phía gia đình trò chuyện, rút kinh nghiệm... Ngày nay, việc hiếu hỷ đã tinh giảm nhiều nhưng về mặt nghi lễ đại loại theo kiểu đó với đạo lý đẹp: yêu nhau chín bỏ làm mười tất cả vì hạnh phúc lứa đôi.
Phong tục thờ cúng
Người Quỳnh Vinh trọng lễ, trọng lễ thì ân nghĩa giữ phần quan trọng. Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình. Người con hiếu thảo phải biết ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ.
Khi ông bà cha mẹ còn sống, con cháu phải phụng dưỡng, đường ăn nết ở cho các cụ vừa lòng. Khi các cụ qua đời phải lo ma chay, chôn cất và thờ phụng như thờ cúng tổ tiên về trước. Thờ cúng tổ tiên phải lập bàn thờ tại nhà, cúng bái ngày mồng một, ngày rằm, giỗ, tết.
Có hai họ giáo, các gia đình tuy không lập bàn thờ cúng tổ tiên tại gia nhưng những ngày giỗ chạp họ vẫn làm cỗ cầu nguyện cho người đã khuất. Việc không có bàn thờ tổ tiên chỉ là việc chuyển đổi bàn thờ tổ tiên đến bàn thờ chúa, tức là vẫn có sự thờ cúng tổ tiên.
Dân ta có quan niệm “Kính như tại” coi vong hồn gia tiên luôn ở gần mình. Người sống như được tiếp xúc với giới vô hình qua việc cầu cúng, lễ bái. Khi có biến cố lớn, gia chủ đều khấn vái gia tiên trước là giãi bày, sau là xin phù hộ độ trì, như: Vợ sinh con trai, con chẵn tháng, con cái đi thi, con cái thi đỗ, dựng vợ cho con trai, cho con gái về nhà chồng, xây nhà mới, phong chức tước phẩm hàm, ... Con cháu đều sắm lễ cúng vái tổ tiên không chỉ việc vui, cả việc buồn để cho tiên tổ phù trợ cho tai qua nạn khỏi.
Ngày giỗ: Là ngày tưởng nhớ ngày người chết qua đời, còn gọi là ngày kỵ. Ngày giỗ là làm cỗ bàn mời thân bằng, quyến thuộc. Những gia đình khó khăn thì “lễ bạc lòng thành” chỉ hương, đăng, trà, tửu, đĩa xôi, cân thịt, ... để khỏi bỏ giỗ.
Trong ngày giỗ có phân biệt giỗ đầu, giỗ hết khó, và có nhiều tên gọi về ngày giỗ.
Ngày giỗ đầu gọi là tiểu tường
Ngày giỗ hết khó gọi là đại tường
Ngày giỗ thường từ năm thứ ba trở đi
Ngày giỗ sau lễ cát táng gọi là cát kỵ
Ngày giỗ cát táng sau ba năm (24 tháng + 3 tháng) là có thể cát táng.
Trước khi cúng giỗ, chủ sự phải làm lễ cáo yết Thổ Công, Ông Bếp, được phép Thổ Công hương hồn người chết mới được về nhà hưởng giỗ. Khấn giỗ ngoài việc khấn mời hương hồn người được cúng giỗ, còn phải mời hương hồn nội ngoại gia tiên về dự giỗ với quan niệm: “âm dương đồng nhất lý”.
2. Lễ Tết và lễ hội
Lễ Tết
Tết nguyên đán: Chiều 30 tết cúng mời tiên tổ, ông bà và cúng tết trong ba ngày (mồng 1, mồng 2 và mồng 3) chiều mồng 3 làm lễ tắt nhang tiễn ông bà tiên tổ.
Tết thượng nguyên: 15 tháng giêng (âm lịch)
Tết đoan ngọ: mồng 5 tháng 5 (âm lịch)
Tết trung nguyên: rằm tháng bảy (âm lịch)
Trong đó có hai cái tết con cái phải tết ông bà cha mẹ là ngày 05/5 và tết nguyên đán, thường gọi là mồng năm ngày tết.
Lễ hội
Ngoài bốn cái tết lớn, còn có hai lễ: Lễ hạ nêu (7/1 âm lịch): Cả năm được Rằm tháng Bảy, cả thảy được rằm tháng giêng. Báo hiệu kết thúc tết, ngày lao động sản xuất bắt đầu, thường kết hợp với yết lão mừng thọ.
Lễ tiễn Ông Công, Ông Táo về trời: Vào ngày 23/12 âm lịch.
Hội làng
Hội làng có hai phần: Phần lễ và phần hội
Hội làng Thọ Vinh, Quý Vinh mỗi năm một lần vào 18 tháng 5 hoặc tiết thanh minh ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch. Ban lễ nghi dưới sự chỉ đạo của hương dịch tổ chức biện lễ, chủ tế, bồi tế, độc thư, xướng lễ tuyển chọn từ ban lễ nghi phải là người tinh anh, không chịu tang khó, song tuyền, chữ tốt, văn hay, đọc thư phải chọn giọng đọc âm vang trầm hùng, ...
Phần lễ gồm có: Lễ cúng thành hoàng (vị thần khai phá đầu tiên của làng) phù hộ độ trì cho đình, đền, miếu mạo không bị ngoại lực công phá, quốc thái dân an, kinh tế phát triển, mưa gió thuận hoà. Những người có công với dân với làng cũng được tôn làm thành hoàng. Các vị tiên hiền của các dòng họ lớn đến sớm: khai sơn phá thạch xây dựng xóm làng được tôn là công thần khai làng mở ấp.
Phần hội gồm có: Rước thần thành hoàng từ thượng đường lên kiệu: Bên tả là thanh niên sinh năm rồng (thìn), bên hữu là thanh niên sinh năm hổ (dần). Theo sau là bốn kiệu của bốn giáp (Đông, Đoài, Phú, Quý) và đội xinh tiền, bát âm. Nghĩa trượng đi trước tất cả đi một vòng quanh làng, đôi rước thuyền xuất phát từ bến đò Chiền. Tất cả gặp nhau tại Đền Vưu rồi trở về đình làng. Nhân dân quần áo lễ chỉnh tề đứng hai bên vẫy chào đoàn rước và nghênh thần.
Buổi chiều tiếp tục phần hội, với các trò chơi dân gian. Vui nhất là cờ tướng, thẻ do người cầm quân: Quân xanh do người mặc áo xanh, quân đỏ do người mặc áo đỏ, có lĩnh xướng, trống nhỏ dồn. Buổi tối với các tiết mục văn nghệ nơi sân đình như tuồng, chèo thu hút đông đảo người xem, vỡ diễn hay nhất là của các giáp Phú, Quý.
3. Các lễ chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Theo các tài liệu lịch sử và gia phả các dòng họ để lại thì tuổi thọ trung bình trước 1945 của người Việt Nam khoảng 45 tuổi.
Cổ nhân nói:
Tam thập nhi lập
Tứ thập bất nhi hoặc
Ngũ thập tri thiên mệnh
Lục thập như nhị thính
Thất thập tòng tâm, sở dục nhi bất du cũ
Đúng là 50 tuổi đã biết mệnh hệ của mình rồi, 70 tuổi đã là xưa nay hiếm, nên quy định tuổi thọ các làng của xã Quỳnh Vinh có khác các vùng miền: Tuổi 56 là lên lão, được miễn thuế thân, không phải đóng góp, gánh vác việc làng, tuổi 66 là lên trung, tuổi 76 là lên thượng, từ 77 tuổi trở lên là thượng thượng thọ.
Yết lão và mừng thọ: Đầu xuân mới các làng thường tổ chức mừng thọ cho các cụ lên trung lên thượng và thượng thượng thọ. Các cụ trên trăm tuổi được vua tặng quà, các cụ trên 90 được tổng phủ tặng quà, các cụ 66-76 tuổi được làng tặng áo đỏ, áo vàng. Đây là một thuần phong mỹ tục đẹp biểu hiện truyền thống: kính lão đắc thọ. Trong lễ mừng thọ sau khai mạc của ban tổ chức là chúc thư của lý trưởng, hương dịch và các giáp là liên hoan văn nghệ tại gian tả của đình làng. Sau đó các cụ được con cháu, ban tổ chức đưa về tận nhà mang theo quà mừng thọ.
4. Khuyến học, khuyến tài
Từ xa xưa, người Quỳnh Vinh đã chăm lo việc học cho con cháu với nhận thức: “Nhân bất học, bất tri lý”, và mong muốn cho con cháu chăm học, tu dưỡng phẩm hạnh, nhân cách: Nghèo chữ quá nên trọng người hay chữ
Bóp bụng nuôi con thành ông cử ông nghè
Sáu mươi tuổi mẹ lội bùn cấy hái
Ông cử áo dài, ông cử sống ly quê...
Những người đi học được dân làng quý trọng: Tuổi thành niên gọi là anh mới, đi học mới gọi là nhiêu học. Đi thi hương gọi là thầy nho, thầy khoá. Nhiêu học được miễn phu phen, tạp dịch. Xuân thu nhị kỳ được dự lễ với các bậc khoa bảng trong hội văn. Và được mời dự các ngày lễ của làng ngồi chiếu quan trọng ở đình làng. Làng có để một số ruộng để tặng những người đậu tú tài trở lên gọi là ruộng học điền. Họ Trần, họ Vũ, họ Lê đã trích một phần ruộng hương hoả để ban tặng cho con cháu đỗ đạt. Những người đỗ tú tài, cử nhân trở lên được làng đón rước trọng thể. Những người được phong tặng hàm, sắc: lục phẩm, thất phẩm, cửu phẩm được làng mừng tặng và ăn khao. Những người đỗ tú tài, cử nhân trở lên được khắc vào bia đá đặt ở nhà văn thánh, lúc qua đời được hội đồng kỳ mục, hội đồng ngũ hương, quan viên chức sắc làm lễ truy điệu, tống táng, có câu đối, trướng điếu, tiền bạc phúng viếng.
Nhờ có những chính sách khuyến khích, cổ vũ việc học mà con em Quỳnh Vinh xưa và nay đều thi đua học hành, tu nghiệp làm rạng danh cho gia đình, dòng họ và quê hương.
III. HỆ THỐNG ĐÌNH, ĐỀN, CHÙA VÀ NHÀ VĂN THÁNH
1. Đình làng Thọ Vinh.
Đình trong phạm vi làng là nơi mở hội làng, nơi tụ hội “xuân thu nhị kỳ”, nơi xử kiện, thu thuế, hội họp... Trong khuôn viên đình làng, đời sống tín ngưỡng hoà nhập với cuộc sống trần thế. Ở đây mọi người chỉ được hướng mặt lên bàn thờ, khi ra sân chỉ được đi giật lùi, khi nói phải quỳ, mắt nhìn bài vị thành hoàng với niềm tin “kính như tại”. Trung tâm văn hoá làng cũng chính là sân đình nơi diễn ra: tuồng, chèo, cờ người.
Đình làng Thọ Vinh toạ lạc trên khuôn viên 0,5 hécta, xây dựng hoàn chỉnh lần hai vào đầu thế kỷ XVII. Vị trí địa lý theo thuyết phong thuỷ thật tuyệt vời. Đình tựa lưng vào núi Nhọn, núi Mồng Gà, phía trái là dãy núi đá vôi, phía phải là núi Đồng Đo. Trước mặt núi Sứ và sông Hoàng Mai. Đúng là tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chẩm, hậu trùng sơn.
Đình trong, ba gian là nơi thờ tự có cửa đóng mở.
Đình ngoài, ba gian, gỗ trường 10 (4m), đường kính khoát thước (0,4 m), toàn bằng gỗ táu.
Phía Tây là nhà Ông: Ba gian có thượng đường, hạ đường, thượng đường là nơi đặt bài vị, đồ tế khí.
Phía Đông là nhà Lé: Ba vì hai đốc bốn gian hoàn toàn bằng gỗ lim thượng xông, hạ bẩy thanh gươm. Đây là nơi làm việc của các chức sắc trong làng.
Đền thờ: Bàn cảnh thái giám, Khuông Đức Công sắc phong: Dực bảo trung hưng linh phù đôn ngưng tôn thần. Các vị tiên hiền của những dòng họ lớn đến làng Thọ Vinh sớm góp phần khai sơn phá thạch, xây dựng thôn ấp; các nhân thần có công với làng như ông Nguyễn Sỹ Hiền (1740-1767) được vua Lê Hiến Tông phong tước hiệu Thiếu khanh tự thiên đạo giác linh thần vị vì có sớ tâu hợp lý, hợp tình. Trên ba gian xà của tiền đường có ba bức đại tự sơn son thiếp vàng, các bức đại tự ghi như sau:
Bức đại tự gian giữa ghi: “Quang Tiền Dư Hậu” (làm rạng rỡ đời trước, nêu gương sáng đời sau)
Bức đại tự gian tả ghi: “Ca Tụ Ư Tư” (múa hát cũng ở đây)
Bức đại tự gian hữu ghi: “Thiên Thọ Bình Cách” (tính cách người làng Thọ rất cao thượng)
Tương truyền vào thế kỷ XIX, sau tiếng súng của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp, phong trào khởi nghĩa của nông dân nổ ra sôi nổi. Thủ lĩnh Phan Bá Niên (Đề Niên) (1883-1885) đã lấy đình Thọ Vinh, Quý Vinh làm nơi tập hợp nghĩa quân, huấn luyện binh sỹ.
Phong trào dân sinh, dân quyền, dân chủ và phong trào đoàn thanh niên Phan Anh đều lấy đình làng Thọ, làng Quý làm trụ sở bí mật, họp kín bàn kế hoạch hoạt động cho các tổ chức này.
Tháng 8/1945, sau tiếng trống làng vang dội dòng người từ 5 xóm (Đông, Đoài, Phú, Quý, Yên Lộc) đã mang theo băng cờ, khẩu hiệu để mít tinh biểu tình và giành chính quyền về tay nhân dân ngày 18/8/1945. Sau đó buộc Lý trưởng cuối cùng của chế độ phong kiến Lê Thạc Khơn mang theo ấn tín, sổ sách nộp lại cho chính quyền cách mạng. Từ năm 1955 đến năm 1969, đây là trường cấp 1 Quỳnh Vinh. Sân đình cũng là nơi diễn ra nhiều buổi liên hoan văn nghệ giao lưu giữa Khoa Vật lý ĐHSP Vinh với thanh niên địa phương Quỳnh Vinh những năm (1969-1972).
2. Đình làng Quý Vinh (Đình Kẻ Trấu)
Đình được xây dựng đồng thời với đình Thọ Vinh, khuôn viên của đình khoảng 2000m2. Đình có thượng đường và hạ đường. Thượng đường là nơi đặt bàn thờ, bài vị, đồ tế khí. Từ ngoài vào, cổng đình có hai trụ cao tả hữu là hai cổng phụ trên đỉnh cổng là hai con nghê chầu, hai bên cổng phụ là hai con ngựa chiến, đình lợp bằng ngói vảy, trên đỉnh mái ngói là hình tượng hai con rồng chầu.
Đình là nơi tế lễ, hội họp của làng. Những năm 1944-1945, đây là nơi tập luyện của dân quân du kích, dưới sự hướng dẫn của uỷ viên quân sự xã. Là nơi họp bí mật để thành lập Chi bộ Quý Vinh - Thiện Kỵ. Năm 1946, đình là nơi diễn ra Đại hội Chi bộ lần hai do đồng chí Phạm Ngọc Nhơ-Bí thư Chi bộ chủ trì.
Ngày 18/8/1945, dưới sự lãnh đạo của uỷ ban khởi nghĩa Tổng Hoàng Mai và lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thủ lĩnh xã là ông Văn Đức Viêm - phụ trách Việt Minh cùng hai dân quân du kích tự vệ là: Lê Văn Thung và Nguyễn Công Sơng vượt sông Hoàng Mai qua nhà Lý trưởng Lê Công Đôn (Lý Giảng) đọc lệnh giao nộp ấn tín, sổ sách cho chính quyền cách mạng. Sau lễ bàn giao, quần chúng rầm rộ kéo về đình nghe hiệu triệu của Việt Minh. Đình Quý Vinh một lần nữa chứng kiến sự kiện chính trị quan trọng.
3. Chùa Đồng Bạc.
Quỳnh Vinh có hai chùa: Chùa Đồng Bạc ở làng Thọ Vinh và chùa Trin ở làng Quý Vinh. Cả hai chùa đều không có sư, sãi; chùa có tượng Phật, điều lạ là chùa thờ Phật mà lại có cả tượng Lão Tử (Thái thượng lão quân) nhà tư tưởng vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc, dân gian coi Lão Tử tượng trưng cho sự trường thọ. Đó là biểu hiện của tư tưởng tam giáo đồng nguyên, mà ở đây nho giáo được đặt lên hàng đầu. Nho giáo được tôn sùng thuộc phạm trù đạo đức nhưng không trở thành tôn giáo.
4. Chùa Trin.
Được xây dựng trên đồng Trin thuộc làng Quý Vinh (xóm 21 bây giờ) cũng giống như chùa Đồng Bạc là chùa thờ Phật và Thái thượng lão quân, kiến trúc theo kiểu chùa Đồng Bạc. Tương truyền khi xây dựng chùa, làng đều cử những người có hiểu biết có kiến thức về Nho giáo, Phật giáo tham quan các đình đền có kiến trúc đẹp và mời thầy địa lý giỏi về giúp xác định vị trí, hướng xây dựng chùa.
5. Đền Vưu.
Trên cột quân của đền có khắc mấy dòng chữ Hán: “Chính hoà nhị thập nhất niên, thập nhị nguyệt, thập lục nhật, nhị thôn” (Thọ Vinh và Quý Vinh) phát mộc khởi.
“Tân Tỵ niên, chính nguyệt, tam thập nhật hoàn thành. Tạm dịch là: Năm Chính Hoà thứ 21 ngày 16 tháng 12 hai thôn (Thọ Vinh và Quý Vinh) phát mộc khởi công xây dựng, ngày 30 tháng 01 năm 1701 (Tân Tỵ) hoàn thành. Qua đối chiếu với năm dương lịch trong niên biểu Việt Nam ta biết được: Đền Vưu do hai làng Thọ Vinh và Quý Vinh góp công sức, tiền của xây dựng vào cuối thế kỷ XVII (năm 1699) và hoàn thành năm 1701.
Tổng thể kiến trúc của di tích bao gồm ba toà nhà lập thành Nghi môn – Bái Đường – Hậu Cung mặt bằng bố trí theo kiểu chữ @ (tam toà). Cách bố trí tạo cho không gian nội thất của đền có chiều sâu gợi cảm giác thâm nghiêm, tôn kính. Nghệ thuật kiến trúc và kỹ thuật xây dựng cao được phản ánh khá rõ nét ở di tích. Việc bố trí mặt bằng xây dựng, vị trí (trên đường thiên lý Bắc Nam thời Lê), hướng di tích, chứng tỏ ông cha ta rất thông tuệ về phong thuỷ, ...
Ngôi đền cổ kính, mái ngói đỏ hồng, phủ rêu xanh theo thời gian, các hoạ tiết điêu khắc chạm trổ tinh vi, nét cong của mái chuyền với dáng rồng bay, đêm ngày soi bóng bên dòng Mai Giang, hẳn làm cho con cháu dẫu đi xa và khách thập phương đã một lần thăm viếng đều không thể nào quên được. Đền Vưu – Sông Mai – kiến trúc và thiên nhiên hoà nguyện vào nhau tạo cho quê hương Quỳnh Vinh một danh lam thắng cảnh đến say lòng người.
Năm 1992, Đền Vưu được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp bằng di tích lịch sử văn hoá kiến trúc nghệ thuật. Đảng uỷ, UBND, UBMTTQ, nhân dân xã Quỳnh Vinh tổ chức đón nhận bằng vào ngày 28/3 năm Bính Tý.
Kể từ khi xây dựng đến nay đã hơn ba trăm năm, di tích đã qua nhiều lần tu sữa. Trên xà ngang của hậu cung ghi lại 1 lần sửa: “Tự Đức nhị thập tứ niên, tuế tại tân vị thập nguyệt thốn cải tạo” nhưng tổng thể kiến trúc thay đổi không đáng kể. Đây là một trong hai công trình kiến trúc, lịch sử có giá trị của thời Lê còn giữ được trên đất Quỳnh Vinh xứ Nghệ thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và các vị thần được thờ tại Đền Vưu
Theo thần phả sắc phong và bài vị hiện còn ở đền ta biết đền thờ các vị:
Uy Minh Vương Lý Nhật Quang
Đông Chính Vương Lý Nhật Lực
Dực Thánh Vương (thần phả không ghi tên huý)
Lý Nhật Quang là con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, ngay từ nhỏ người tỏ ra thông minh, hiếu học, thích văn thơ, ưu thời mẫn thế. Đến tuổi thành niên, người đã cùng cha và các anh gánh vác việc triều đình, giữa chốn triều trung, ông tỏ ra lỗi lạc góp nhiều ý hay, kế giỏi, vua cha quý mến và phong tước Uy Minh Hầu – Lý Nhật Quang.
Năm Đinh Mão 1027, Lý Thái Tổ băng hà nhường ngôi cho con là Lý Thái Tông. Năm 1028, Lý Thái Tông lên ngôi, thấy tài đức của Lý Nhật Quang và vị trí chiến lược của vùng đất viễn trấn. Tháng 11 năm Tân Tỵ 1041, Lý Thái Tông xuống chiếu phong Lý Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An.
Năm 1044, Lý Thái Tông thân chinh ra trận đánh quân Chiêm xâm lược bờ cõi phía Nam Đại Việt. Lý Nhật Quang được giao trách nhiệm về việc quân lương, ông đã cho dựng nhiều đồn trại, kho lương dọc đường hành quân của nhà vua và trong một lần xung trận cùng nhà vua chính ông đã chém đầu Sa Đẩu vua Chiêm xâm lược Đại Việt.
Uy minh Hầu Lý Nhật Quang là một người văn võ song toàn, kinh bang tế thế, thạo chính sự, hết sức quan tâm đến đời sống nhân dân, đề ra các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế, thi hành nghiêm lệnh vua: “không được lấy của dân, ai lấy sẽ bị xử phạt trăm trượng”
Sự nghiệp mở mang, giữ yên bờ cõi, phát triển kinh tế, bảo vệ giang sơn đất nước của ông mãi mãi là tấm gương sáng cho muôn đời sau. Để tưởng nhớ công ơn của ông cùng với truyền thống hiếu nghĩa tri ân của các bậc tiền nhân, nhân dân Quỳnh Vinh đã lập đền thờ ông, ngàn năm chiêm bái khói hương.
Ngoài ba vị thần được thờ tại đền Vưu nói trên, do thời gian, do chiến tranh tàn phá, đình Thọ Vinh, Quý Vinh, chùa Đồng Bạc, Đồng Trin, đền Nhà Bà, các đình xóm đều bị tàn phá, trong tình thế đó, với truyền thống hiếu nghĩa và tấm lòng “ẩm thực tư nguyên”. Ban lễ nghi thời 1959-1960 là các cụ Thênh Vành họ Lê Thạc, cụ Lộc Vanh họ Nguyễn Đình và năm 1970-1980 cụ Trần Ngoạn đã biện lễ cúng trời đất, thánh thần, khất ba đài âm dương đều đồng thuận và cho phép hợp tự các chư vị thánh linh về Đền Vưu.
6. Nhà văn thánh – văn miếu (nhân dân thường gọi là nhà thánh)
Nhà thánh làng Thọ Vinh thờ Khổng Tử, Mạnh Tử và thất thập nhị hiền.
Đức Khổng Tử (551- 479 TCN), cách chúng ta 25 thế kỷ đã được các tầng lớp đế vương và nho gia phương Đông tôn là vạn thế sư biểu (gương sáng về người thầy muôn đời). Nhà văn thánh được xây dựng năm 1769 (Kỷ Sửu) thời Lê Cảnh Hưng. Trên khâu đầu thượng đường có khắc dòng chữ: “Kỷ sửu niên, nhị nguyệt sóc nhật dị lập”. Nhà văn thánh có cấu trúc chữ tam (tam toà). Thượng đường có tượng Khổng Tử, hai bên cột quân có hai câu đối khảm xà cừ còn nguyên vẹn. Câu đối phía tả là:
Thiên hồi thời hành bách vật sinh
(Vận hội đến vạn vật sinh trưởng)
Câu đối phía hữu là: Nhân tâm cường chính cữu thọ hoan
(Lòng người trung chính hạnh phúc muôn đời)
Trung đường là nhà hai vì, thượng xông hạ bẩy thanh gươm, trên xà ngang có bức đại tự: Văn hiến sở tại (đây là đất văn hiến). Khi tế lễ xong đây là nơi cao đàm khoát luận của các bậc văn nhân khoa cử và chức sắc của làng (ít nhất từ nhiêu học trở lên mới được chọn tuyển vào hội văn thánh). Những tú tài bán phần: cụ Bỉnh Tân, Lê Sỹ Thiềm, Trần Dục cũng đã một vài lần tham gia tế lễ và đàm đạo văn chương thời thế.
Một số hội viên hội văn thánh còn sống tại thời điểm năm 2011, thì nhớ được nhà văn thánh làng Thọ Vinh, còn phần lớn nhân dân chỉ biết tên vùng đất nhà thánh. Nhà thánh lúc đầu được xây dựng ở núi Thông nhìn xuống dòng sông Thơm xanh mát và xa nữa qua cánh đồng làng Thọ. Có lẽ việc đi lại, giao lưu tế lễ không thuận tiện, làng đã di chuyển về đồng Cồn Cổng bây giờ.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng hoá giá bán cho cụ Trần Nghiện thượng đường, nết nhà, câu đối, bức đại tự và bậc đá xanh tam cấp còn nguyên vẹn. Hạ đường toàn gỗ lim bán cho cụ Sinh (Quỳnh Lập khung nhà còn nguyên vẹn). Bái đường bán cho xã Quỳnh Dỵ làm trường học (không còn dấu tích nữa)
Chiếc khanh đá với hoa văn đẹp với Văn Thọ
Đại Nam Thiệu Trị Giáp Thìn Xuân |
Kỷ Sửu Tú Phát Nhật Hỷ |
Thanh Ư Lê Cảnh Hưng Chi |
Vị Thành Ngô Ấp Văn Chỉ |
Trọng Nhất Thuỷ Nhất Chung Thị Chi |
Lạc Hữu Bát Âm Kim Thạch Vi |
Và với ký khải:
Thu Khảo Loan Nhi Hê Chi Thiết |
Quý Nhi Hậu Thành Bang Quế Thụ |
Tất Dỹ Kỳ Tiệm Do Lạc Cữu |
Thiên Vạn Tướng Thiết Quang Phát Tân |
Đinh Số Bô Chi Nhàn Khí Sắc |
Tiên Nhi Đông Chi Cải Khôn Hướng |
Bức đại tự, câu đối, nhà thượng đường, hạ đường, khanh đá có văn thọ, ký khải kể cả bậc đá tam cấp còn nguyên vẹn, ngót 242 năm tồn tại (1769-2011) với sự nguyên vẹn của nó. Nhà văn thánh là yếu tố cần thiết cho đời sống tinh thần xã nhà và cũng là một công trình văn hoá đặc sắc điểm xuyết vào phong cảnh nơi trấn thành đô hội tương lai, ... của một vùng cư dân nổi tiếng văn hiến lâu đời.
Từ di tích lịch sử văn hoá đền Bình An, chùa Bình An, theo tả ngạn Mai Giang đến di tích lịch sử văn hoá quốc gia Đền Vưu, đến đình Thọ Vinh, Đình Quý Vinh qua nhà văn thánh Thọ Vinh được phục dựng; đài tưởng niệm liệt sỹ Quỳnh Vinh tới nhà thờ xứ đạo Yên Hoà, khu du lịch sinh thái đầu nguồn Vực Mấu sẽ là những điạ danh du lịch gắn với văn hoá tâm linh của du khách gần xa.
IV. TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
1. Quỳnh Vinh là đất văn vật
Các di sản văn hoá vật thể tồn tại thật đáng tự hào: Nhà Văn Thánh, đình làng Thọ Vinh, đình làng Quý Vinh, chùa Đồng Bạc, chùa Trin, đền Nhà Bà, đền Vưu và các nhà thờ họ Lê, Nguyễn, Trần, Vũ có kiến trúc đẹp, uy nghi.
Có thể nói đó là những công trình văn hoá tâm linh đặc sắc, thể hiện tính nhân bản, nhân văn, lòng hiếu nghĩa và truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân.
2. Truyền thống văn hoá quý trọng hiền tài, tình nghĩa, thuỷ chung
Từ thời Lê Trung Hưng, nhân dân đã cử người có học vấn tìm hiểu Văn miếu Quốc tử giám, trường đại học đầu tiên của nước ta với nhận thức: Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp.
Nhìn vào đội ngũ kỳ hào, hội đồng hương mục qua các thời kỳ ta thấy việc tôn vinh người có kinh nghiệm, tuyển chọn chánh phó lý, ngũ hương của làng rất thận trọng từ tài năng, đức độ, phong độ đến việc ứng xử linh hoạt như: chánh Thanh, chánh Cận, cựu Phơng, cựu Tưu, cựu Thức, cựu Khương, cựu Đượu, cựu Hiệu, cựu Khế, lý Hoè, lý Đôn, ... phó Kỷ, phó Lơn, phó Việng, phó Thiêm, ... bộ Tự, bộ Nhoan, bản Chất,...
Cơ cấu hành chính làng xã đảm trách rất tốt công tác theo quy định ví dụ: việc tế lễ làng, việc giao thông thuỷ lợi, việc tuần tra canh phòng rất nghiêm ngặt…
Trên đường thiên lý Bắc - Nam, đoạn qua Rú Chùa, Đồi Đất về chợ Chiền năm 1945, người chết đói la liệt. Được sự hướng dẫn của chánh phó lý, các giáp, tuần phu, nhân dân đã chôn cất chu đáo, ghi chép ngày mất, nhận dạng, báo tin cho người nhà tỉnh bạn sau này tìm hài cốt, tri ân muôn thủa.
3. Ứng biến trong tín ngưỡng, tâm linh
Tìm hiểu phong tục thờ cúng, quan niệm thờ cúng, nghi thức cúng, cáo gia tiên, đồ tế lễ, thờ phụng trong ngày tết. Cách lập bàn thờ: tổ tiên, bàn thờ họ, bàn thờ người mới chết. Các hoành phi, câu đối, bức đại tự… đều thể hiện sự thành tâm, tín ngưỡng của con cháu, nhưng cũng rất ứng biến linh hoạt. Không chỉ lo mâm cao cỗ đầy mà cốt: “lễ bạc lòng thành” tri ân tiên tổ, ông bà, cha mẹ với ý thức: “Tổ tiên có trước rồi sau có mình”
Việc hiếu hỷ, tang ma rất chu đáo, khoa học, bài bản, ứng biến và cụ thể, trở thành văn hoá nghi lễ, “luật bất thành văn”.
Trong gia tộc có người mất ai được gọi là đại tang, thời gian để tang cho mọi đối tượng (chồng cô, vợ cậu, nhông dì cả ba người ấy chết thì không tang). Và có thể được mang thai sinh con khi phải chịu đại tang, ... Người chết từ 23 tháng chạp trở đi thì không phải chọn giờ ngày nữa vì các thần đều đã bận công tác khác ở thiên đình. Người bị bệnh tật truyền nhiễm chết là nhập lượm ngay để chôn cất không để trong nhà quá 24 giờ, dưới hòm là các đoạn cây chuối hột hút tà khí. Đối chiếu quy ước văn hoá ngày nay, ta thấy có nhiều việc giao thoa tương đồng.
4. Truyền thống tuyên truyền văn hoá.
Trong gia phả họ Nguyễn Đình có nói: Cụ Nguyễn Đình Thái đỗ cử nhân, nhưng cáo quan về nhà mở lớp dạy học và bốc thuốc trị bệnh cứu người, khi đã ngoài 70 cụ được làng mời tham gia hội đồng kỳ hào cụ nói đại ý “tôi nay vừa chẵn 70 nếu làng sai tôi đấu võ hoặc đuổi hổ thì tôi già thật, nhưng nếu khiến tôi bàn việc chính trị cho làng xã thì tôi rất trẻ.” Cụ Thái đã có nhiều cao kiến xây dựng làng xã, chăm lo sự học, sức khoẻ cho nhân dân. Những ý kiến của cụ thật sâu sắc, chí tình.
Về tuyên truyền văn hoá: Đời vua Lê Hiến Tông (1740-1786) và đời Minh Đô Vương chúa Trịnh Doanh (1740-1767), có ông Nguyễn Sỹ Hiền được nhà vua phong tước hiệu “Thiếu Khanh Tự Thiện Đạo Giác Linh Thần Vị” vì đã có công chiêu dân lập ấp.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, quân đội Nhật vào Trung bộ bằng tàu hoả, ga Hoàng Mai là nơi dừng chân nghĩ tạm để chúng đi tiếp vào Nam. Ở Quỳnh Vinh, quân Nhật bố trí một trung đội thường trực. Trung đội địch được chia làm hai tiểu đội: Tiểu đội ở rú Nhà Nhất làm nhiệm vụ bảo vệ cầu đường sắt (cầu Tây); Tiểu đội đóng ở xóm Đồng Gốc (xóm 21 bây giờ) làm nhiệm vụ bảo vệ nhà ga, đoạn đường sắt phía Nam, phía Bắc ga Hoàng Mai. Ngày phiên chợ, bọn chúng thay phiên nhau đi chợ Chiền mua qùa bánh, lương thực, thực phẩm và lúa ngô cho ngựa. Khi mua bọn chúng không trả đủ tiền, dân không bán chúng cướp luôn.
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Đức Nghi, Văn Đức Viêm được cấp trên giao nhiệm vụ nắm tình hình và có đối sách phù hợp. Ngày phiên chợ, các ông Hồ Văn Long, Phạm Nhơ, Văn Đức Huế... có mặt cùng với Nguyễn Nhân, Lê Tân thông thạo tiếng Nhật, tiếng Pháp làm phiên dịch. Các ông đã giải thích cho bọn chúng về quan hệ Việt – Nhật và gặp tên trung đội trưởng Jnosan nói chuyện. Qua tiếp xúc với cán bộ ta với vốn tiếng Nhật, tiếng Pháp thông thạo cùng với sự hiểu biết lịch sử, văn hoá giao tiếp tốt, ứng biến linh hoạt, chúng đã cho mời cán bộ ta giao lưu gặp gỡ và hứa sẽ không quấy nhiễu nhân dân. Từ đó mọi hoạt động diễn ra bình thường, chợ họp đông đủ, không còn cảnh lính Nhật cướp bóc.
Về Sinh hoạt cộng đồng: Ở Quỳnh Vinh thời nào cũng có những người có tài kể chuyện sự tích dân gian và lịch sử như cụ: Học Lạp, Bỉnh Tân, Lê Đăng Lường. Các cụ kể cho mọi người nghe vè những truyện lưu truyền trong dân gian của Trung Quốc như Tam quốc diễn nghĩa, Thuỷ hử, Tôn ngộ không, ... sơn tinh thuỷ tinh, sự tích trầu cau, họ Hồng Bàng, bánh chưng bánh dày, ... rồi các chuyện lịch sử như tổng đốc Nguyễn Tri Phương đánh Pháp ở Đà Nẵng hay tổng đốc Hoàng Diệu đánh Pháp ở Hà Nội,...
Sau sự kiện tranh chấp đất đai giữa hai xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện cuối cùng UBND tỉnh đã ra quyết định khẳng định vị trí địa lý, giao cho Đảng uỷ, chính quyền và tổ chức đoàn thể hai xã giải quyết và khắc phục hậu quả. Để góp phần bình thường hoá quan hệ cụ Bùi Đình Tuất-Phó Chủ tịch UBMTTQ kiêm Chủ tịch Hội người cao tuổi đã chủ trì hội nghị giao lưu văn nghệ hội người cao tuổi trong vùng. Tham dự hội nghị có đầy đủ các đại biểu, cán bộ huyện tham dự. Khai mạc hội nghị cụ nói: Thưa quý đại biểu thưa các cụ. Hôm nay chúng ta về đây gặp mặt giao lưu văn hoá, văn nghệ hội người cao tuổi thuộc xã Quỳnh Mai cũ... Tại buổi giao lưu này chúng ta sẽ ca hát, ngâm vịnh thơ ca và toạ đàm về truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân Quỳnh Mai xưa, đồng thời cũng lấy làm tiếc về lỗi lầm mà hai xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện đã mắc phải trong năm 1993 vừa qua và chúng ta tin tưởng rằng:
Lỗi lầm âu cũng áng mây qua
Lương tâm rồi sẽ trong như ngọc
Tình nghĩa Thiện Vinh sẽ một nhà ...
Buổi giao lưu đã diễn ra trong không khí thân mật, vui vẻ thấm đẫm nghĩa tình truyền thống. Bế mạc buổi giao lưu cụ có bài thơ: "Cùng hát ca" tặng cho mọi người.
Nắm tay nhau cùng hát ca
Vinh, Trang, Thiện, Dị đều là anh em
Sông Mai một giải trôi êm
San dòng Vực Mấu làm nên mùa vàng
Quê mình một thủa gian nan
Quỳnh Lưu chiến địa, Mai Giang huyết hồng
Hoàng Mai quê mẹ anh hùng
Trận càn bốn chín địch không đường về
Mây đen bao lớp trôi đi
Chiến công Đồng Lách mãi ghi sử vàng
Quê mình thức dậy tiềm năng
Năm hai ngàn có ximăng ra lò
Một vùng trời đất nên thơ
Nắm tay nhau, hát bài ca kết đoàn
Đồng chí Chủ tịch UBMTTQ huyện thay mặt đại biểu cấp huyện khen ngợi cuộc giao lưu hội người cao tuổi Quỳnh Mai cũ. Tuyên dương cụ Tuất là người đoàn kết, văn thơ dân dã mà cải thế. Cụ thật xứng đáng với huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc mà Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt tặng.
Lớp cán bộ, giáo viên chính trị, cán bộ tuyên giáo giỏi đã trải qua trường lớp đào tạo bài bản là các thầy giáo: Nguyễn Bá Ngơn giáo viên chính trị cấp 2, 3, cán bộ giảng dạy trường Nguyễn Ái Quốc; cán bộ tuyên huấn Huyện uỷ, quyền Bí thư Huyện uỷ. Đã để lại trong lòng nhiều thế hệ cán bộ, học trò nhiều sự nể trọng quý mến. Thầy Lê Sỹ Thiềm cử nhân văn chương Hiệu trưởng cấp 1, 2 rất uyên bác, kiến thức, lại có giọng ca tài tử đã từng làm hiệu trưởng hầu hết các trường THCS vùng Hoàng Mai, lớp học trò cũ gặp lại nhau luôn nhắc về người thầy tài hoa hết mình vì sự nghiệp trồng người. Cụ Lê Sỹ Trường nguyên Trưởng phòng Văn hoá huyện, văn thơ lai láng, khoan dung, đĩnh đạc để lại nhiều dấu ấn hoạt động văn hoá, thông tin tuyên truyền thời (1963-1985) của huyện nhà. Thầy Trần Phầu khi về hưu sinh hoạt ở địa phương là báo cáo viên giỏi của huyện các năm 1995, 1996...
5. Truyền thống đại đoàn kết, anh hùng bất khuất, dũng cảm sáng tạo.
Sông Thơm uốn lượn dài ghê
Mai Giang lặng lẽ trôi về biển đông
Đồng Lách – Núi Nhọn oai phong
Địa danh chiến tích anh hùng quê hương
Đó là âm vang hào hùng của lịch sử có sức lay động trong tâm hồn người Quỳnh Vinh muôn thủa.
Suốt chặng đường dài của lịch sử đất nước. Nhất là khi khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, những người con của quê hương đã tham gia nghĩa quân, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc (hầu hết gia phả họ Lê, Trần, Nguyễn đều có ghi danh các ưu binh kỳ lão để tôn vinh) góp phần làm nên cuộc kháng chiến trường kỳ thần thánh để rồi: Mở tiệc khao quân chén rượu ngọt ngào, khắp tướng sỹ một lòng phụ tử...
Đền Nhà Bà thờ Mỵ Nương công chúa, người đã biến hoá thành thỏ trắng đánh lạc hướng địch để cứu sống Lê Lợi, là biểu tượng của truyền thống trung quân, hiếu nghĩa và khát vọng chiến thắng của nhân dân ta.
Ngày 29/11 năm Mậu Thân (26/12/1788) hưởng ứng lời kêu gọi của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, nhân dân của làng Quỳnh Vinh xua đã sung vào đội quân của ông. Theo lịch sử Nguyễn Huệ dừng chân ở đất Nghệ An 10 ngày để tuyển quân và củng cố lực lượng, nâng số quân lên 10 vạn, trên đường thiên lý Bắc Nam qua Quỳnh Vinh hàng trăm trai trẻ Thọ Vinh và Quý Vinh đã gia nhập đội quân góp phần làm nên chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa năm 1789.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hàng chục thanh niên đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh ở Điện Biên Phủ, hơn 50 TNXP tham gia phục vụ chiến đấu, hàng trăm dân công xe thồ chở lương thực, thực phẩm ra chiến trường, ...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với hơn 4000 lượt thanh niên tham gia trên khắp các chiến trường ác liệt và đã hy sinh 140 liệt sỹ, 145 thương bệnh binh các loại, ... Có 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng chục gia đình chỉ có một con trai duy nhất cũng sẵn sàng lên đường tham gia chiến đấu ngoan cường, dũng cảm và đã anh dũng hy sinh.
Tổ quốc, quê hương muôn đời ghi nhớ công ơn các anh, chị đã góp phần làm nên lịch sử oai hùng của dân tộc. Thế hệ trẻ chúng ta được tắm mình trong dòng chảy lịch sử ấy và rất tự hào về ông cha mình bao đời nay đã kiên cường bất khuất, dựng nước và giữ nước. Đó là ý thức lịch sử là thành tố quan trọng của nền văn hoá cần được gìn giữ và phát huy.
6. Văn học nghê thuật
Ca dao dân ca
Các thế hệ cha ông đã để lại những di sản tinh thần vô cùng quý giá, trong đó có ca dao, dân ca, phản ánh đời sống tâm hồn phong phú của con người Quỳnh Vinh, vừa mang sắc thái riêng, vừa thể hiện bản sắc chung của Nghệ An như. Lời ru con của các bà mẹ, đã gửi gắm ước mơ trong bài học đầu đời cho con:
Ru con con ngủ à ơi
Trông cho con lớn nên người khôn ngoan
Làm trai gánh vác giang san
Mẹ cha trông xuống thế gian trông vào
Ru con con ngủ đi nào
Cù lao dưỡng dục biết bao cho cùng
Làm trai quyết chí anh hùng
Ra tay đánh giặc vẫy vùng nước non ...
Trong lời ru và lời dạy con của các bà mẹ đều thể hiện giáo lý:
Con ơi, mẹ dặn câu này
Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm
Làm người đói sạch rách thơm
Công danh là nợ, nước non phải đền
Có trèo dốc Đàng Động, Khe Trù, Dốc Đâm gánh chuối, hay Kỳ Bờ Đẹp, Kỳ Khe Trĩn, Cần Chanh hái chè mới có ca dao ca ngợi vẻ đẹp duyên dáng, khoẻ mạnh của các cô gái Quỳnh Vinh:
Hàng ngày hai buổi trèo non
Lấy gì mà đẹp, mà giòn hỡi anh
Đó là lời nói nhún mình đó thôi.
Mỗi ngày hai bận trèo non
Thế mà vẫn đẹp vẫn giòn hỡi anh
Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh
Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng núi nào cũng xinh
Những câu ca dao tự giới thiệu, thăm dò và khẳng định :
Quê chàng ở gần hay xa
Dỵ Nâu, Thiện Kỵ hay là Thọ Vinh
Quê ai có được quê mình ?
Nhìn O xinh đẹp dáng hình như tiên
Mời chàng vãng cảnh thần tiên
Cảnh thì đã đẹp, người tiên cũng nhiều
Hay những ca dao xuất phát từ thực tế làng xã để rồi dựng vợ gả chồng cho con:
Bắc thang lên hỏi ông trời
Bên đạo có lấy bên đời được không
Và rồi cũng được hò đối đáp giải thích:
Đạo, đời tín ngưỡng mà thôi
Yêu nhau, bên đạo, bên đời cứ lấy nhau
Chân dung con người, vùng văn hoá Thọ Vinh, Quý Vinh với bản lĩnh cứng cỏi, trọng nghĩa khinh tài, điềm tĩnh, sâu sắc và phong phú đa dạng làm giàu cho nền văn hoá vùng miền, quê hương, đất nước.
Văn thơ của các tác giả nổi tiếng ca ngợi Hoàng Mai – Quỳnh Vinh
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Thời Lê Trịnh danh sỹ Hải Thượng Lãn Ông trên đường về kinh thành Thăng Long dừng thuyền ở kênh nhà Lê, ngắm nhìn núi non hùng vĩ “bây giờ gọi là núi Bài Thơ” tức cảnh làm thơ rồi cho thợ đục khắc bài thơ lên vách đá.
Ký sự
Đất này Hoan Ái đi vòng
Đất liền với núi một lòng đón đưa
Đường mây vọng tiếng triều ca
Gió từ hang thẳm lẫn hòa tiếng chim
Giữa đường vách đá đứng im
Một vòm mây biếc lung linh ngang trời
Người về thôn xóm thảnh thơi
Riêng ta rảo bước tới nơi kinh kỳ
Hồ Phú Hào dịch
Khe nước Lạnh
Nước xanh trong ngắt một dòng khe
Mát rượi lòng ta những trưa hè
Đền Mới mây hồng hoa chẹn lối
Lèn Ngang vách dựng bóng nghiêng che
Chim hót líu lo ngày thống nhất
Rộn ràng nhộn nhịp chuyến tàu xe
Địa giới phân chia Thanh với Nghệ
Một dòng sữa mẹ nét tranh quê
Lãn Sư Hào Phú
Văn thơ của các tác giả quê hương
Trong di chúc của cụ Thượng Lạp (Họ Nguyễn Đình) có dặn con cháu:
Sống không để tiếng đời ca thán
Chết được về quê quán hương thôn
Mới hay trăm sự vuông tròn
Sống lâu đã trãi, chết chôn chờ gì
Đồ khâm liệm chớ nề xấu tốt
Kín chân tay đầu gót thời thôi
Tế đừng có viết văn mà đọc
Trướng điếu đừng gấm vóc làm chi
Minh tinh con cũng bỏ đi
Mời quan đề chữ con thì không nên
Môn sinh chớ bổ tiền đặt giấy
Bạn của thầy cũng vậy mà thôi
Khách quen chớ viết thiếp mời
Ai đưa lễ phúng con thời chớ thu
Chẳng qua nợ để cho người sống
Chết đi rồi còn ngóng vào đâu
Việc tống táng nhung nhăng qua quýt
Cúng cho thầy một ít rượu hoa ...
Được đọc di chúc của các cụ ta mới thấy tầm văn hoá của các cụ thật cao sâu, đến bây giờ còn nguyên gia trị.
Nhà giáo Lê Sỹ Thiềm nhân ngày xuân về đền Vưu thắp hương vãng cảnh đền viếng Lý Nhật Quang tức sự có bài thơ:
Ngày xuân
Ngày xuân viếng Lý Nhật Quang
Vẳng nghe tiếng sóng Mai Giang gọi đò
Tưởng đi tìm nghĩa hư vô
Hoá vui lịch sử hai bờ sông trôi
Phút thiêng được đứng bên người
Vời trông non nước mây trời xôn xao ...
Cụ Lê Sỹ Trường, nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Quỳnh Lưu có bài:
Quê tôi
Quê hương tôi sơn thuỷ hữu tình
Ngọt ngào hai tiếng Quỳnh Vinh
Em bảo quê mình lam lũ
Đồi núi xanh xanh bao phủ
Quanh năm than củi nhọc nhằn
Dòng sông Mai nước mặn quanh năm
Phong thổ hiền hoà chất phác
Luỹ tre xanh kiên trung mộc mạc
Cách mạng mùa thu cờ rợp bóng quê nhà
Mẹ bảo đời mình thoát khổ
Kháng chiến trường kỳ bom rơi đạn nổ
Trẻ già trai gái cang gân
Nghĩa vụ thiêng liêng đất nước thuỷ chung
Hạt thóc cắn đôi quân lương chẳng thiếu
Tổ quốc lâm nguy hiến dâng kỳ diệu
Trai săn sàng, gái đảm đang, bao bà mẹ anh hùng
Giặc phá điên cuồng, cắt khúc ruột miền Trung
Anh dũng cứu hàng băng mình qua lửa đạn
Giặc nước xua tan nghe lời của Đảng
Diệt đói nghèo cả nước ra quân
Sản xuất hăng say tăng vụ thâm canh
Xanh ruộng, xanh rừng xanh vùng trang trại
Quấn quýt đàn con thấm lời mẹ kể
Đời mẹ xưa không được học hành
Nay con đến trường quyết chí đua tranh
Hết trung học bước chân vào đại học
Cuộc sống đổi thay non sông gấm vóc
Cao vút câu hò dạ hội đêm thanh
Đẹp người đẹp đất Quỳnh Vinh
(Trích từ cuốn Quỳnh Vinh – Quê hương tôi do hội viên người cao tuổi sáng tác)
CHƯƠNG III
TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH CHỐNG CƯỜNG QUYỀN, ÁP BỨC CỦA NHÂN DÂN QUỲNH VINH TRONG LỊCH SỬ
I. TRƯỚC KHI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI
Hoan Diễn là phên dậu của quốc gia, một căn cứ trọng yếu của đất nước. Quỳnh Lưu là huyện địa đầu của Hoan Diễn nằm ở phía Bắc tỉnh Nghệ An.
Xã Quỳnh Vinh – Hoàng Mai có vị trí chiến lược quân sự rất quan trọng trong huyện Quỳnh Lưu, nơi có núi cao, rừng rậm, gần Cảng Xước là yết hầu của mạch máu giao thông, có đường thiên lý Bắc - Nam đi qua, vị trí phòng thủ, hay tiến công đều lợi hại. Nên thời nào cũng có các tướng lĩnh thiết lập căn cứ đây cũng chính nơi diễn ra nhiều trận chiến vô cùng ác liệt.
Trong quá trình đấu tranh chống sự thống trị của phương Bắc, nhân dân vùng Hoàng Mai đã tham gia nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại bọn xâm lược.
Đầu thế kỷ X, nhà Đinh và tiền Lê xây dựng kinh thành ở Hoa Lư, thì dải đất phía Nam của Đại Việt là chỗ dựa vững chắc của nhà nước phong kiến Việt Nam. Vua Lê Hoàn đã cho mở rộng kênh nhà Lê nối với sông Hoàng Mai tạo thành hệ thống đường thuỷ vận tải quân lương và ngăn chặn hiệu quả các cuộc xâm lược của phong kiến phương Bắc và phương Nam.
Nhà Trần đã cho xây dựng trên đất này nhiều kho hàng để cất dấu quân lương, căn cứ Bà Hoà ở Đông Bắc Quỳnh Vinh – Hoàng Mai là một trong những nơi có nhiều cơ sở cất dấu hồi đó. Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là người có công lớn dự trữ quân lương, mở mang giao thông, giữ yên biên cõi cùng nhà vua đánh tan quân Chiêm Thành xâm lược. Tri ân đức tài của ông nhân dân Thọ Vinh, Quý Vinh đã dựng đền Vưu từ thủa ấy. Năm 1699, được trùng tu nâng cấp như ngày nay.
Bước sang thế kỷ XIV, do tầm quan trọng của Bắc Nghệ An nhà Hồ đã xây dựng cương phủ, kho tàng. Hồ Quý Ly đào kênh với ý định nối sông Thái với sông Hiếu ở Nghĩa Đàn nhưng ý đồ đó bị bỏ dở bởi sự xâm lược của nhà Minh.
Nhà Minh đã dùng nhiều chính sách tàn bạo, âm mưu biến nước ta thành một quân huyện của chúng. Năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi đã dấy binh khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hoá). Theo kế của tướng quân Nguyễn Chích, Lê Lợi đã cho quân vào Nghệ An tạo thế trận. Vùng Hoàng Mai trở thành vị trí quan trọng, trở thành hậu phương lớn của cuộc khởi nghĩa. Cả vùng Tây Bắc Quỳnh Lưu nơi nào cũng có thờ vị thần thượng ngàn công chúa Bạch y đại vương, mẫu thượng ngàn.
Tương truyền, sau khi Lê Lợi vào Hoan Diễn, giặc Minh vẫn đuổi gấp đến vùng phía Tây Quỳnh Lưu. Trên đường chạy trốn, Lê Lợi gặp một người con gái bị giặc Minh giết chết và hiển linh mặc áo trắng xin được giúp, giặc Minh đến gần, người con gái đó biến thành cáo trắng, giặc Minh liền đuổi theo, nhờ vậy Lê Lợi thoát nạn. Đất nước khải hoàn Lê Lợi phong Vương và dựng đền thờ sắc phong thượng ngàn công chúa, thượng thượng đẳng thần.
Đền Nhà Bà ở núi Nhà Bà được xây dựng từ thủa ấy, qua nhiều biến cố của lịch sử đền bị sụp đổ. Năm 2007, ông Lê Khắc Thạo (công tác ở Hà Nội) với tấm lòng hướng về cội nguồn, được sự đồng ý của địa phương đã cùng với các nhà hảo tâm phục chế lại đền Nhà Bà uy nghi hoành tráng hơn xưa đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân quanh năm hương khói phụng thờ thượng ngàn Mỹ Nương công chúa thượng thượng đẳng thần.
Đi đôi với việc chống ngoại xâm, nhân dân lao động, từ đời này sang đời khác đã không ngừng chống lại ách áp bức, bóc lột của các tầng lớp thống trị. Đó là quá trình đấu tranh lâu dài, lúc ngấm ngầm, lúc bùng lên mãnh liệt để bảo vệ đất đai, ruộng vườn mà ông cha ta đã khai phá. Chống lại sự bất công của chế độ cũ như thuế má, phu phen...
Dưới thời thực dân, phong kiến, người Quỳnh Vinh luôn sống trong sự nghèo nàn, tủi nhục, đất đai canh tác ít, ruộng đất khô cằn. Nạn bao chiếm đất đai của địa chủ đã khiến cho không ít nông dân làng Thọ Vịnh, Quý Vinh lâm vào cảnh không có miếng đất cắm dùi. Nông dân lĩnh canh ruộng đất, nạp tô cho địa chủ hơn 50% hoa lợi, nhiều gia đình phải làm ruộng rẽ, nuôi trâu bò rẽ. Thuế đất ruộng nặng nề, từ 5% năm 1908 đến 30% năm 1928.
Dưới sự thống trị của thực dân Pháp, nạn bóc lột càng thậm tệ hơn nặng nề hơn, chúng độc quyền buôn bán muối, rượu, thuốc phiện. Chúng cấm đồng bào ta nấu rượu nhưng lại bắt chúng ta tiêu thụ rượu cồn của chúng. Tại Cầu Giát và Hoàng Mai, Pháp lập ra các đại lý kinh doanh loại rượu cồn độc hại ấy. Để bảo vệ việc kinh doanh nguồn lợi này hàng ngày bọn chúng cùng với hào lý lùng sục bắt bớ những người nấu rượu.
Việc bắt phu lính đi đào sông, làm đường, làm bia đỡ đạn cho Pháp diễn ra thường xuyên với chiêu bài: “Hỡi anh em bạn cùng chinh”, hàng trăm con em gạt nước mắt xa vợ con quê hương đi làm bia đỡ đạn cho thực dân Pháp. Các cụ binh Bường, binh Nhường, binh Đuôn, binh Lam, binh Kế, ... là nạn nhân của chiêu bài kêu gọi đó.
Năm 1908, dân làng vùng Hoàng Mai đã nổi lên đấu tranh chống bọn Tây đoan ở đồn Ngọc Huy về bắt người nấu rượu, buộc chúng phải bỏ chạy thục mạng về đồn. Hành động tiên phong này của dân chúng Hoàng Mai đã châm ngòi nổ cho phong trào quần chúng nổi dậy chống cường quyền áp bức.
Từ những cuộc nổi dậy chống bắt nấu rượu, chống bao chiếm ruộng đất, chống tham nhũng công quỹ cũng phát triển, đặc biệt phản ứng thái độ hách dịch của lý trưởng hương hào; gia đình nào không nạp đủ thuế chúng khoét nong phơi tằm cho vào cổ xoay buộc phải hứa nạp đủ mới tha về.
Tuy nhiên đến trước năm 1930, các cuộc nổi dậy đấu tranh của dân chúng ở Quỳnh Vinh cũng như nhiều địa phương khác còn mạng tính tự phát, nhưng đó là ngọn lửa đầu tiên được nhen nhóm để rồi bốc cao lên khi gặp ngọn gió mới của cách mạng.
II. TỪ KHI CÓ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI ĐẾN CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
Trên cơ sở phát triển mạnh mẽ của phong trào yêu nước và đội ngũ công nhân Việt Nam, một chính Đảng của cách mạng Việt Nam - Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930). Đây là sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của nhân dân yêu nước Việt Nam trong những năm 1930, 1931.
Ngày 20/4/1930, tổ chức Đảng ở Quỳnh Lưu được thành lập tại Thanh Sơn (Sơn Hải) do đồng chí Nguyễn Đức Mậu làm Bí thư. Từ đây phong trào đấu tranh của quần chúng đã có sự chỉ đạo của Huyện uỷ và những người cộng sản.
Tại Thọ Vinh những hạt nhân tích cực được đưa vào hoạt động bí mật trong đội ngũ hương hào, lý trưởng như: Vũ Lê Lự, Nguyễn Bá Ngoạn, Nguyễn Bá Thếp. Ông Trần Văn Thương (ký Thương) luôn là người tiên phong trong các cuộc đấu tranh chính trị ở Quỳnh Vinh từ những năm (1928-1929), ông luôn bị mật thám Pháp theo dõi tình nghi hoạt động cộng sản. Trên thực tế ông luôn giữ liên lạc với địa phương cung cấp thông tin phổ biến chủ trương của tổ chức Đảng cấp trên.
Tháng 11/1930, ông bị mật thám bắt vì tham gia hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản ở Quỳnh Lưu, Hoàng Mai1.
Ngày 1/8/1930, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Cứu tế đỏ, Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức treo cờ đỏ búa liềm ở nhiều nơi trong huyện và vận động bà con nông dân kéo tới nhà hào lý lấy thóc chia cho dân chúng.
Ở Cầu Giát, Quỳnh Đôi, Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, ban cán sự đã có quyết định treo cờ rải truyền đơn ở các vị trí xung yếu để cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng. Ngọn cờ đỏ búa liềm được treo trên ngọn cây gạo chợ Chiền làm nức lòng quần chúng, khiến hào lý khiếp sợ. Ở làng Thọ Vinh có Lý trưởng Vũ Lê Tuyển, làng Quý Vinh có Lý trưởng Lê Công Đôn cho rằng cộng sản đã nổi dậy toàn thắng và đóng nhà sợ hãi chạy trốn.
Bước sang năm 1931, phong trào cách mạng ở các làng xã ở Quỳnh Lưu có nhiều bước chuyển biển hơn. Ngày 4/2/1931, Huyện uỷ Quỳnh Lưu tổ chức một cuộc biểu tình quy mô với khẩu hiệu: Chống sưu cao thuế nặng, chống bắt muối, bắt rượu, chống khủng bố đốt nhà.
Hưởng ứng chủ trương của Huyện uỷ Quỳnh Lưu dân chúng các làng Phương Cần, Thiện Kỵ, Thọ Vinh, Quý Vinh, ... kéo vào huyện đường Quỳnh Lưu biểu tình đưa yêu sách. Trước sức mạnh của quần chúng bọn cường hào khiếp nhược, bọn nha lại và tri huyện trốn biệt.
Tiếp theo cuộc biểu tình này phong trào đấu tranh của quần chúng khắp các địa phương trong huyện phát triển mạnh mẽ hơn trước. Các cuộc mít tinh, diễn thuyết, treo cờ búa liềm, kể tội ác thực dân, quan lại phong kiến diễn ra khắp các làng xã. Nhưng bọn giặc Pháp, tay sai khủng bố phong trào ác liệt hơn, chúng lập thêm nhiều điếm canh, tăng cường lính khố xanh, khố đỏ và lính lê dương ở các đồn. Ngày đêm bọn mật thám truy lùng đảng viên, quần chúng yêu nước, khắp nơi diễn ra cảnh bắt bớ tù đày.
Quần chúng hoang mang, dao động bởi chính sách khủng bố trắng của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều.
Cuối năm 1935, Huyện uỷ Quỳnh Lưu được kiện toàn Ban chấp hành lâm thời Huyện uỷ gồm ba đồng chí: Phan Hữu Khiêm-Bí thư, Phạm Diên-phụ trách tổng Hoàng Mai, Nguyễn Xuân Mai phụ trách tổng Thanh Viên.
Được sự phân công của Huyện uỷ, đồng chí Phạm Diên ra Hoàng Mai lập đại lý thuốc bắc tại nhà ông Văn Sỹ Thọ và trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Hoàng Mai.
Giữa năm 1935, 4 Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở Hoàng Mai: Chi bộ Quý Vinh – Thiện Kỵ, Chi bộ Hải Lệ (Quỳnh Lộc), Chi bộ Phương Cần (Quỳnh Phương), Chi bộ Nhị Yên (Quỳnh Trang)
Đảng viên Chi bộ Quý Vinh – Thiện Kỵ gồm các ông :
Văn Sỹ Thọ Bí thư
Nguyễn Bá Thếp
Nguyễn Bá Ngoạn
Vũ Lê Lự
Nguyễn Bá Nghiêm
Nguyễn Viết Kế
Nguyễn Bá Thếp
Nguyễn Bá Ngoạn
Vũ Lê Lự
Nguyễn Bá Nghiêm
Nguyễn Viết Kế
Năm 1936, Chính phủ Bình dân ở Pháp lên nắm chính quyền đã ban bố một số quyền tự do, dân chủ cho các nước thuộc địa của Pháp. Đối với Việt Nam và các nước Đông Dương, chính phủ Pháp cử J-Go-Đa sang kiểm tra tình hình. Lợi dụng sự kiện đó, Đảng ta nhanh chóng củng cố lực lượng, xây dựng phong trào quần chúng và nhanh chóng tổ chức phong trào Đông Dương Đại hội. Mục đích của phong trào: Tập hợp nguyện vọng của dân chúng ở thuộc địa đưa kiến nghị lên đại diện chính phủ Pháp.
Hưởng ứng chủ trương của Huyện uỷ Quỳnh Lưu, các đồng chí trong Chi bộ Quý Vinh và những người cốt cán ở các làng đã tổ chức lấy ý kiến dân chúng, lập bản dân nguyện để gửi cho đại diện chính phủ Pháp.
Sáng ngày 24/2/1937, đông đảo dân chúng các làng Thiện Kỵ, Thọ Vinh, Quý Vinh, Dị Nậu, ... đã kéo ra đứng dọc hai bên đường quốc lộ 1A rồi kéo vào Cầu Giát để đón Gô-Đa, công việc đưa yếu sách cho đại diện chính phủ Pháp. Nhân dân còn hô vang: Hoan hô Mặt trận Bình dân Pháp, huỷ bỏ thuế thân, tự do lập hội, tự do hội họp và tự do ngôn luận...
Cuộc tiếp đón Gô-Đa trở thành một cuộc xuống đường, một cuộc biểu dương lực lưỡng rầm rộ của giai cấp nông dân và nhân dân lao động Việt Nam.
Cuộc biểu tình của dân chúng Quỳnh Lưu khiến cho tay sai của Pháp ở địa phương hoang mang lo sợ không còn dám tác oai, tác quái như trước nữa.
Lợi dụng tinh thần tự do dân chủ của Chính phủ Bình dân Pháp ban hành, Đảng ta đã kéo được người của Đảng mình vào tham gia một số ghế trong chính quyền địch để nhằm đấu tranh bênh vực quyền lợi cho dân chúng.
Làng Thọ Vinh ông Nguyễn Bá Ngoạn được tổ chức bố trí làm Lý trưởng, ông Vũ Lê Lự được bố trí làm hương bộ.
Làng Quý Vinh, con rể của ông Nguyễn Bá Thếp là Lê Công Đôn được bố trí làm Lý trưởng, ...
Các cuộc đấu tranh chống việc bao chiếm ruộng đất, đòi quyền dân sinh dân chủ tạm thời lắng xuống trong những năm (1933-1935), nay lại bùng lên quyết liệt. Không khí tự do dân chủ đã xuất hiện trong đời sống nhân dân vùng Hoàng Mai rõ rệt.
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ đi đôi với tăng cường khủng bố bằng bạo lực, phát xít hoá bộ máy cai trị ở Đông Dương, thực dân Pháp còn thi hành chính sách kinh tế thời chiến. Chúng ráo riết thu mua các loại nông sản hàng hoá như thóc, ngô, lạc, vừng, bông đay, muối, cá khô, nhựa thông để phục vụ cho nhu cầu chiến tranh. Nhân dân các làng Thiện Kỵ, Thọ Vinh, Quý Vinh, Dị Nậu, ... phải còng lưng đội đất tôn cao đường Hoàng Mai để phục vụ xe nhà binh Pháp chạy, nhiều cuộc ẩu đả giữa phu làm đường, phu gánh muối với bọn Tây đoan, giữa cu ly hoả xa với cai ký xảy ra thường xuyên.
Ngày 22/9/1940, phát xít Nhật vào Việt Nam, thực dân Pháp nhanh chóng đầu hàng. Nhân dân ta phải chịu cảnh một cổ hai tròng áp bức, giá gạo ở chợ Chiền tăng lên hàng chục lần, các loại thuế khoá cũng tăng cao đổ lên đầu dân chúng. Kẻ buôn thúng bán mẹt thua lỗ, người ăn xin đầy đường, chật cứng bến xe, bến tàu. Trên dọc Quốc lộ 1A và bãi chợ Chiền đã xuất hiện người Thanh Hoá cho con nhỏ, rồi người chết đói, chết vì dịch bệnh rất nhiều, ...
Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Người, ngày 19/5/1941 Mặt trận Việt Minh được thành lập.
Tháng 5/1941, Hội nghị Ban Chấp hành TW Đảng lần thứ 8 họp nhận định: Hai kẻ thù chung ở Đông Dương sẽ xâu xé nhau để tranh giành quyền lợi, lúc đó thời cơ cách mạng sẽ tới, nhiệm vụ đặt lên hàng đầu là phải đánh đổ ách thống trị tàn bạo của phát xít Nhật, giải phóng dân tộc. Thời cơ cách mạng đến gần, Trung ương Đảng đã nêu rõ mâu thuẫn gay gắt giữa phát xít Nhật và thực dân Pháp, Nhật sẽ đảo chính Pháp để trừ họa Pháp đánh từ sau lưng khi quân Đồng Minh vào Đông Dương.
Đúng như dự kiến của Đảng, ngày 9/0/1945 Nhật làm đảo chính hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương. Phát xít Nhật ra sức vơ vét, bóc lột nhân dân ta thậm tệ hơn, dân tình lâm vào nạn đói chưa từng có trong lịch sử nước nhà. Nghệ Tĩnh có 43.000 người chết đói. Quỳnh Lưu có 36 xã trong huyện có 685 người chết đói, có 32 gia đình chết đói cả nhà, có 42 gia đình có 3-5 người chết đói.
Làng Thọ Vinh, Quý Vinh không có gia đình nào có người chết đói1. Phải chăng củ nâu, củ khoai mài, hạt muồng, củ khoai vạc, củ dong trắng, củ dong riềng, rau má, ... và ý thức “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” đã giúp dân làng Quỳnh Vinh vượt qua cơn sóng gió đó.
Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ TW Đảng ra Chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", "kẻ thù duy nhất lúc này là phát xít Nhật". Đảng đã phát động cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ, tập trung quần chúng chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Đầu năm 1945, ở Quỳnh Lưu Việt Minh bí mật ra đời. Các ông Phan Hữu Khiêm, Hồ Viết Thắng sau khi ra tù đã bắt mối liên lạc với Tỉnh uỷ và các Huyện uỷ xung quanh để xây dựng Việt Minh. Những tháng sau đó các tổng và các làng đều có tổ chức Việt Minh.
Việt Minh tổng Hoàng Mai do ông Nguyễn Đức Nghi làm Chủ tịch, ông Đặng Văn Vân làm Phó Chủ tịch, ông Trần Phiêu là uỷ viên quân sự, các ông Văn Đức Viêm, Nguyễn Bá Thếp, Nguyễn Bá Ngoạn, Nguyễn Bá Nghiêm làm uỷ viên của uỷ ban giải phóng.
Việt Minh làng Thọ Vinh được thành lập1, gồm:
Ông Văn Đức Viêm làm Chủ nhiệm
Ông Lê Sỹ Khơn làm Phó Chủ nhiệm
Các uỷ viên gồm:
Hồ Văn Long, tổ trưởng tổ tự vệ thanh niên
Các ông Nguyễn Bá Ngoạn, Trần Dục, Vũ Lê Lự, Phạm Nhơ, Nguyễn Hữu Nghị, Lê Thạc Tạo.
Việt Minh làng Quý Vinh được thành lập bao gồm:
Nguyễn Bá Thếp, Chủ nhiệm
Nguyễn Bá Mỡn, tổ trưởng tổ tự vệ thanh niên
Các uỷ viên gồm các ông: Nguyễn Công Sơng, Nguyễn Đình Tờng, Lê Công Vân.
Nguyễn Soạn, tổ trưởng tổ bảo an.
Việt Minh làng Thọ Vinh cử ông Lê Thạc Tạo và Việt Minh làng Quý Vinh cử ông Nguyễn Bá Mỡn là cán bộ tuyên huấn, đã tổ chức các buổi nói chuyện về tình hình thế giới, nhiệm vụ cách mạng Việt Nam, chính sách của Mặt trận Việt Minh. Trên cơ sở tổ chức được phục hồi, Hội nghị Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu được tổ chức họp và đồng chí Nguyễn Xuân Mai được cử giữ chức Bí thư, căn cứ vào tình hình thực tế, huyện đề ra các nhiệm vụ:
Các làng xã phải xây dựng đội tự vệ thanh niên. Mỗi xóm thành lập một tiểu đội bảo an (tổ chức này do Nhật dựng nên nhưng ta lợi dụng để hoạt động).
Tổ chức Việt Minh, nòng cốt là tự vệ thanh niên có vai trò như là chính quyền cách mạng lâm thời.
Tháng 8/1945, chiến tranh thế giới thứ 2 bước sang giai đoạn kết thúc, ngày 9/8/1945 Hồng quân Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật và chỉ trong mấy ngày Hồng quân Liên Xô đã đánh tan đội quân Quan Đông của Nhật.
Ngày 13/8/1945 Huyện uỷ Quỳnh Lưu họp khẩn cấp quyết định thành lập uỷ ban khởi nghĩa từ huyện xuống xã. Huyện uỷ phân công cán bộ đến huyện đường thuyết phục tri huyện Chữ Ngọc Liễn. Trước tình thế cách mạng mới Tri huyện Chữ Ngọc Liễn hứa chấp hành và tuân thủ chỉ thị của Việt Minh. Tiếp đó Huyện bộ Việt Minh ra chỉ thị gửi các cấp bộ Việt Minh :
May cờ Việt Minh hình chữ nhật màu đỏ, giữa có sao vàng năm cánh.
Tổ chức đội tự vệ, chọn những người hăng hái nhất luyện tập hàng ngũ chỉnh tề.
Hết sức ngăn cản hoạt động cá nhân như tư hiềm, tư thù.
Không được phép tự xử án bất cứ một người nào.
Chuẩn bị cướp chính quyền hương thôn, lựa chọn người xứng đáng thay mặt dân chúng để làm việc.
Nguyên tắc của Việt Minh là thống nhất các tầng lớp dân chúng đặt quyền lợi quốc gia trên hết mọi sự1.
Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Thời cơ cách mạng đã đến, dưới sự chỉ đạo của Việt Minh, hai làng Quỳnh Đôi và Văn Thai (Sơn Hải) nổi dậy cướp chính quyền mau lẹ.
Tối ngày 15/8/1945, Huyện uỷ họp quyết định giành chính quyền ở huyện vào ngày 17/8/1945, và cử ông Nguyễn Xuân Mai làm Chủ tịch UBHC cách mạng lâm thời và dự kiến uỷ viên UBHC cách mạng lâm thời huyện.
Theo đúng kế hoạch 15 giờ ngày 17/8/1945, hàng ngàn người như thác đổ từ khắp các ngả đường Quỳnh Lưu kéo về huyện lỵ. Dòng người đội ngũ chỉnh tề, cờ đỏ sao vàng rợp trời với biểu ngữ: "Ủng hộ Việt Minh, Việt Nam độc lập muôn năm” tiến thẳng vào huyện đường vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu. Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động, trước khí thế cách mạng Tri huyện Chữ Ngọc Liễn và quan lại chào đón, nộp mục triện, thể bài, sổ sách cho cách mạng. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trước gió mùa thu chứng kiến sự chấm dứt vĩnh viễn chế độ phong kiến thực dân.
Đồng chí Chủ tịch ủy ban khởi nghĩa Nguyễn Xuân Mai trịnh trọng tuyên bố:
Từ nay chính quyền thực sự về tay nhân dân, chấm dứt ách thống trị của bè lũ phát xít và tay sai. Người dân mất nước, làm nô lệ từ nay đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Mười ba thành viên UBHC cách mạng lâm thời ra mắt làm nhiệm vụ, đồng thời công bố án tử hình những tên có nợ máu với nhân dân. Tại sân vận động Thiện Kỵ, cách mạng tuyên án xử tử hình Đội Mạo nhằm tăng uy thế cách mạng.
Theo lệnh của UBHC cách mạng lâm thời, quần chúng chia nhau về cướp chính quyền ở các làng.
Ngày 18/8/1945, thực sự là ngày hội cách mạng của hai làng Thọ Vinh, Quý Vinh và tổng Hoàng Mai. Tại làng Thọ Vinh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, đại diện Mặt trận Việt Minh tới nhà Lý trưởng Lê Thạc Khơm và các chức dịch trong làng yêu cầu mang ấn tín, sổ sách, giấy tờ nạp chính quyền cách mạng. Hào lý làng Thọ Vinh nhanh chóng bàn giao việc quản lý làng cho chính quyền nhân dân. Dân chúng tưng bừng phấn khởi hô vang khẩu hiệu: Việt Nam độc lập muôn năm, Mặt trận Việt Minh muôn năm.
Tại làng Quý Vinh, dưới sự giám sát của phái viên Huyện uỷ là bà Nguyễn Thị Du, đại diện Mặt trận Việt Minh trực tiếp đến nhà Lý trưởng Lê Công Đôn và các chức dịch yêu cầu ra đình Kẻ Trấu bàn giao mục triện, sổ sách, giấy tờ dưới sự chứng giám của hàng ngàn dân chúng.
Đình làng Thọ Vinh và đình làng Quý Vinh, cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay chứng kiến cảnh nhân dân lao động vùng lên xoá bỏ xiềng xích của phát xít, thực dân và bè lũ tay sai phong kiến, đứng lên làm chủ vận mệnh quê hương đất nước, quần chúng phấn khởi hô vang khẩu hiệu:
- Đả đảo thực dân Pháp
- Đả đảo phát xít Nhật
- Ủng hộ Việt Minh
- Ủng hộ chính quyền cách mạng
- Việt Nam độc lập muôn năm
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 18/8/1945, trở thành sự kiện lớn của hai làng Thọ Vinh, Quý Vinh, mở ra trang sử mới cho lịch sử quê hương là niềm tự hào to lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ủy ban hành chính lâm thời làng Thọ Vinh, Quý Vinh được thành lập gồm các ông1:
Nguyễn Bá Khính, Chủ tịch
Nguyễn Công Sơng, Phó Chủ tịch
Trần Trường, Ủy viên tài chính
Nguyễn Viết Xiển, Chủ nhiệm Việt Minh
Bùi Đình Chi, Phó Chủ nhiệm
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập đó là thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, mở đầu thời kỳ các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc giành độc lập, tự do. Là sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, là kết quả trực tiếp cuộc đấu tranh của nhân dân ta theo con đường cứu nước mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.
Cùng với đồng bào cả nước nhân dân Thọ Vinh, Quý Vinh nô nức tiến lên theo Đảng xây dựng cuộc sống mới, với chính thể mới và nhiệm vụ trong tâm trước mắt là: Chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc.
Ngày 18/8/1945, tổng Hoàng Mai, làng Thọ Vinh và Quý Vinh đã giành chính quyền thuận lợi, về hình thức Cuộc Cách mạng tháng Tám đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa. Đó là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài, trí tuệ đầy mồ hôi và xương máu, gắn với sự chỉ đạo sát sao, đúng hướng của.
CHƯƠNG IV
NHÂN DÂN QUỲNH VINH VỚI SỰ NGHIỆP KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ KIẾN QUỐC THẮNG LỢI 1946 – 1954
I. KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU SAU 1 NĂM XÂY DỰNG CHẾ ĐỘ MỚI.
Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, cuộc kháng chiến giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã diễn ra nhanh chóng và thành công trong cả nước.
Ngày 2/9/1945, thay mặt quốc dân đồng bào tại Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Chính quyền cách mạng lâm thời huyện Quỳnh Lưu gồm các ông: Chủ tịch Nguyễn Xuân Mai, các Phó Chủ tịch: Hồ Viết Thắng, Phan Hữu Khiêm. Chính quyền tổng Hoàng Mai do ông Nguyễn Đức Nghi Chủ tịch được duy trì đến 6/1/1946.
Tại làng Thọ Vinh, Quỳnh Vinh, chính quyền, Mặt trận Việt Minh và các tổ chức đoàn thể được thành lập, kiện toàn.
1. Tình hình chính trị.
Ủy ban hành chính cách mạng lâm thời được thành lập nhưng chưa có kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý xã hội, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể quần chúng bước đầu được củng cố kiện toàn nhưng vẫn còn thiếu và yếu, còn nhiều bất cập. Trong khi đó thực dân Pháp âm mưu tìm mọi cách tái chiếm thuộc địa đã mất.
Theo tinh thần Hội nghị Pôtđam, tháng 9/1945, hơn hai mươi vạn quân Tưởng theo sau là bọn Việt Cách, Việt Quốc kéo vào miền Bắc Việt Nam. Ở Nghệ An có hơn một vạn tên, ở Quỳnh Lưu chúng đóng quân ở Hoàng Mai, Cầu Giát. Hàng ngày bọn giặc Tàu cho quân đi cướp chợ Chiền, khiêu khích để tạo cớ cho bọn tay sai, phản động ngóc đầu dậy chống phá chính quyền, gây rối trật tự an ninh.
2. Tình hình văn hóa xã hội.
Tệ nạn xã hội cũ để lại khá nặng nề: rượu chè, cờ bạc, thuốc phiện,… Bên cạnh đó bọn địa chủ, phú nông vẫn duy trì nạn cho vay nặng lãi, tô cao, tức nặng, nạn đói và dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Thực tế đó, từng ngày, từng giờ đe dọa sự sống còn của nhà nước mới, thử thách ý chí tinh thần mỗi người Việt Nam một lần nữa.
Để xây dựng chế độ cộng hòa, khắc phục giải quyết những khó khăn chung của đất nước, sau ngày đọc tuyên ngôn độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3/9/1945, Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đề ra 6 công việc cần thiết:
- Phát động chiến dịch tăng gia sản xuất để cứu đói.
- Tổ chức tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền dân chủ nhân dân.
- Mở ngay phong trào chống nạn mù chữ.
- Phát động phong trào giáo dục ý thức “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” để bài trừ hủ tục của chế độ thực dân phong kiến để lại.
- Bỏ ngay thuế chợ, thuế thân, cấm hút thuốc phiện.
- Tuyên bố tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết.
3. Những thành tựu đạt được
Để giải quyết tình hình về chính trị, văn hóa xã hội. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Nạn dốt là một trong những biện pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, vì vậy tôi đề nghị mở chiến dịch chống nạn mù chữ.
“Chống giặc dốt” là một trong những nhiệm vụ hàng đầu đi đôi với “chống giặc đói” và “chống giặc ngoại xâm” của toàn thể nhân dân Việt Nam. Với khí phách hào hùng của một dân tộc vừa đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, toàn dân hào hứng, tích cực tham gia xóa nạn mù chữ.
Chống giặc dốt.
Thực hiện Sắc lệnh chống nạn thất học của Chính phủ ngày 8/9/1945 và chỉ đạo của Nha bình dân học vụ, chính quyền nhân dân xã đã thành lập Ban bình dân học vụ do các ông: Nguyễn Bá Thếp-Trưởng ban; Bùi Đình Chi-Phó ban; UV gồm các ông: Trần Lựu, Trần Liên, Hồ Văn Long, Lê Thạc Tạo, Trần Dục, Nguyễn Bá Mỡn, Lê Sỹ Thiềm, Lê Sỹ Trường.
Mỗi xóm cử 1 trưởng tiểu ban, Ban cùng với trưởng tiểu ban, các đoàn thể cứu quốc đi vận động các thầy, các em học sinh tham gia. Khẩu hiệu, biểu ngữ được dựng lên khắp nơi trong xóm, xã, công sở, nhà trường, … Với tinh thần mỗi người biết chữ là một giáo viên, người lớp 1 dạy cho người vỡ lòng, mỗi công dân chưa biết chữ là một học viên, tiền tuyến diệt xâm lăng, hậu phương diệt giặc dốt. Trong hào khí đó của dân tộc, của quê hương và với truyền thống hiếu học, các lớp bình dân học vụ đặt ở khắp nơi như: đình, đền, nhà thờ họ, có lớp đặt ngay ở đình chợ. Vừa động viên, vừa có biện pháp kiểm tra như: các bà, các chị muốn vào chợ phải đọc được các dòng chữ: “Việt Nam độc lập muôn năm!”; “Chợ Chiền là chợ Chiền ta”; “Trên chợ hàng gà, dưới chợ hàng bông”; “Trên bến dưới sông, trên đình lợp ngói”.
Tháng 1/1946, Nha bình dân học vụ hướng dẫn cách thi mãn khóa tiêu chuẩn xóa mù chữ và cấp giấy chứng nhận cho người đạt tiêu chuẩn.
Sơ kết 1 năm chiến dịch xóa mù chữ (9/1945 – 9/1946) cả xã có 2.500 người biết chữ, với hơn 100 lớp vừa học ban ngày, vừa học ban đêm và 65% số xóm thoát nạn mù chữ. Thắng lợi rực rỡ đó là kết quả của lòng quyết tâm cao độ của chính quyền, các đoàn thể quần chúng và sự tận tụy của đội ngũ cán bộ, giáo viên và hơn hết là sự cố gắng để xóa mù chữ của nhân dân lao động.
Ca dao ca ngợi người biết chữ vang lên:
“Lấy chống biết chữ là tiên
Lấy chống mù chữ là duyên lỡ làng”
“Chữ nghĩa không phấn không hồ
Mà sao khéo điểm, khéo tô mặt người”.
Công tác cứu đói, chống đói
Ngày 28/9/1945, Hồ Chủ tịch kêu gọi: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào và xin được thực hiện trước. Cứ 10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa, đem gạo đó để cứu dân nghèo. Như vậy người nghèo sẽ có bữa cháo để chờ mùa lúa sau, khỏi đến nỗi chết đói. Tôi tin rằng đồng bào ta ai cũng có lòng cứu khổ, cứu nạn mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị nói trên”1.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phương pháp tổ chức của chính quyền, đoàn thể cách mạng. Mọi nhà đều thực hiện “hũ gạo tiết kiệm”, “hũ gạo cứu đói”. Hội phụ nữ xóm cứ 3 ngày đến từng nhà thu gom “hũ gạo tiết kiệm” rồi ghi danh sách thống kê nạp về hội phụ nữ xã. Đến trước 6/1/1946, xã đã nạp về huyện 10 tấn gạo. Cuối năm 1946 nạp về huyện 15 tấn gạo, 5 tấn để lại điều hành cho các hộ khó khăn. Nhịn ăn để cứu đói, cứu khổ, và “hũ gạo cứu đói” ở thời điểm đó là việc làm có ý nghĩa nhân đạo, nhân bản sâu sắc.
Hơn thế nữa, chúng ta còn tiếp nhận hàng chục con em ở Tĩnh Gia (Thanh Hoá) đói khát về làm con nuôi trong gia đình mình, rồi dựng vợ gả chồng khi khôn lớn trưởng thành, và hàng chục gia đình tha phương cầu thực, được chính quyền cho phép làm ăn sinh sống theo đúng tinh thần “đất đãi khách”. Như bà Lượng, bà Xuân, bà Ký, ông Lê Công Phiên,… là con em Thanh Hóa được nhân dân dưỡng dục trưởng thành, nhiều người trở thành cán bộ, công dân tốt.
Công tác củng cố tổ chức xây dựng chính quyền đoàn thể
Để xây dựng chính quyền cách mạng thực sự của dân, do dân và vì dân. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh tổ chức tổng tuyển cử trong cả nước, bầu ra Quốc hội.
Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, cử tri từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ được thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của người công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Họ tự cầm lá phiếu bầu người đại diện mà mình tín nhiệm vào cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội. Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “ Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử…, ngày mai tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử, ngày mai mọi người nên vui vẻ hưởng ứng quyền lợi của một người dân độc lập tự do"2.
Nhân dân làng Thọ Vinh với các xóm: Đông, Đoài, Phú, Quý, Yên Lộc, Yên Trạch
Nhân dân làng Quý Vinh với các xóm: xóm Rục, xóm Nhàn, xóm Rí, xóm Vinh Lễ, xóm Chiền. Từ 6 giờ sáng nhân dân các làng ăn mặc chỉnh tề, vui vẻ phấn khởi tới địa điểm bỏ phiếu.
Hai địa điểm bỏ phiếu là đình làng Thọ và đình làng Quý. Cờ hoa, khẩu hiệu, bàn ghế được trang hoàng chu đáo, hòm phiếu, danh sách cử tri, ứng cử viên được niêm yết trang trọng. Mặc dầu ban bầu cử đi tuyên truyền, vận động nói rõ ý nghĩa, mục đích và thể lệ, nguyên tắc bầu cử nhưng hôm 6/1/1946 từ sáng sớm, ban bầu cử tiếp tục phát thanh. Nhân dân các xóm, làng lại thảo luận sôi nổi, bàn luận bầu cử những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, và HĐND các cấp.
Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội kết thúc đúng 18 giờ cùng ngày, gần 100% cử tri đi bỏ phiếu, tự tay mình bầu những đại biểu xứng đáng đại biện cho ý chí nguyện vọng của dân chúng. Bà Tôn Thị Quế người phụ nữ đầu tiên trong tỉnh Nghệ An trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa 1.
Sau bầu cử Quốc hội là bầu cử HĐND các cấp vào ngày 23/3/1946, cấp tổng trong toàn huyện, tỉnh được giải thể, làng Thọ Vinh và Quý Vinh được hợp nhất thành xã Vinh Lộc1.
Tháng 4 năm 1946, UBHC (Ủy Ban hành chính) được HĐND xã bầu thay cho UBND lâm thời gồm các ông:
1. Nguyễn Bá Mỡn , Chủ tịch UBHC xã
2. Lê Thạc Tạo, Phó Chủ tịch
3. Trần Liên, UV tư pháp
4. Lê Khắc Vượng, UV quân sự
5. Nguyễn Viết Xiền, Thư ký phụ trách Việt Minh
6. Trần Phớt, UV phụ trách Công an
7. Nguyễn Công Sơng, UV phụ trách thủ quỹ
UBHC được bầu cử, các đoàn thể cứu quốc được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh đây là tổ chức chính trị xã hộ vững chắc làm hậu thuẫn cho chế độ mới.
Thế lực chính trị của giai cấp cũ đã bị thất bại, nhưng ý đồ của thực dân Pháp xâm chiếm nước ta lần nữa vẫn chưa từ bỏ. Để đối phó với âm mưu của địch, lực lượng thanh niên cứu quốc, tự vệ cứu quốc, các đoàn thể quần chúng cách mạng được tổ chức, chỉnh đốn với tác phong quân sự hóa, được trang bị vũ khí với tinh thần “Tận dân vi binh” được tập luyện thường xuyên. Nhờ xây dựng được lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng an ninh, phân công canh gác nên công tác trật tự an ninh được giữ vững.
Với nỗ lực vượt bậc, trong không khí tưng bừng náo nức của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đưa lại, nhân dân xã nhà đã vượt qua được những khó khăn thử thách trong đời sống, trong sản xuất, trong giữ gìn trật tự an ninh quốc phòng.
Thành quả cách mạng đó tạo tiền đề vững chắc về vật chất và tinh thần để cùng quân dân cả nước bước vào trận chiến mới- cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
II. CHI BỘ ĐẢNG ĐƯỢC THÀNH LẬP TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO QUÂN VÀ DÂN XÃ NHÀ THỰC HIỆN CUỘC KHÁNG CHIẾN KIẾN QUỐC.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, được sự giúp đỡ của phái bộ Trung ương Đảng, Tỉnh Đảng bộ Nghệ An được chính thức khôi phục. Đại hội Đảng bộ Nghệ An khai mạc ngày 3/11/1946. Đại hội quyết nghị về việc phát triển và củng cố mặt trận, các đoàn thể cứu quốc, phụ nữ, thanh niên, công nhân. Vạch chương trình kiến thiết làng xã kiểu mẫu, kế hoạch củng cố chi bộ và phát triển Đảng ở khắp các địa phương. Đồng chí Hồ Viết Thắng được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.
Ở Quỳnh Lưu, Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất tiến hành vào tháng 9/1946. Đại hội đề ra nhiệm vụ kiện toàn tổ chức Đảng ở nông thôn trong toàn huyện cho phù hợp với cơ cấu hành chính làng xã lúc bấy giờ. Xác định Quỳnh Lưu là vị trí trọng yếu của hậu phương Thanh - Nghệ, với quyết tâm xây dựng chính quyền mạnh để diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, đồng chí Dương Ngọc Võ được bầu làm Bí thư Huyện uỷ.
Thực hiện chủ trương kiện toàn, củng cố và phát triển cơ sở Đảng ở nông thôn trong toàn huyện. Ngày 18/9/1946 vào lúc 21 giờ với sự có mặt của 2 đồng chí cán bộ Huyện uỷ Quỳnh Lưu là đồng chí Nguyễn Đức Nghi, đồng chí Nguyễn Thị Du, Chi bộ xã được thành lập, cuộc họp được tiến hành tại nhà đồng chí Phạm Nhơ. Đồng chí Phạm Nhơ được cử giữ chức Bí thư Chi bộ, đồng chí Lê Thạc Tạo giữ chức Phó Bí thư Chi bộ kiêm Phó Chủ tịch UBHC, với các đảng viên chính thức trong Chi bộ là:
Phạm Nhơ, Bí thư Chi bộ
Lê Thạc Tạo, Phó Bí thư
Hồ Văn Long, Đảng viên
Nguyễn Hữu Nghi, Đảng viên
Văn Đức Huế, Đảng viên (người xóm Yên Lộc)
Chi bộ Đảng ra đời là một sự kiện chính trị to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, là một mốc son chói lọi đánh dấu sự trưởng thành, phát triển của công tác xây dựng cơ sở Đảng, xây dựng chính quyền cách mạng để lãnh đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.
Được sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện uỷ Quỳnh Lưu, ngày 06/10/1946 Chi bộ kết nạp các đồng chí: Lê Khắc Vượng, Trần Lưu, Trần Liên và quyết định kết nạp lại 2 đồng chí Nguyễn Bá Thếp, Vũ Lê Lự.
Những đảng viên đầu tiên của Chi bộ thực sự là những người cộng sản dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng hy sinh tính mạng, đứng mũi chịu sào trong mọi nhiệm vụ: xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quần chúng vững mạnh, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân, hoàn thành sứ mệnh lịch sử kháng chiến, kiến quốc.
III. CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (12/1946 – 7/1954).
1. Đấu tranh bảo vệ chính quyền, chuẩn bị kháng chiến.
Từ giữa năm 1946, Trung ương Đảng và Chính phủ ra sức tận dụng khả năng hoà hoãn với Pháp, đồng thời tích cực chuẩn bị cuộc kháng chiến toàn quốc, vì khả năng bùng nổ chiến tranh là điều không thể tránh khỏi.
Ở Hoàng Mai, 1 trung đội Nhật đóng ở cầu Tây, ga Hoàng Mai, núi Nhà Nhất cũng đã cuốn gói, hai tên giặc ngoan cố được lực lượng bảo an áp giải qua đình Kẻ Trấu, lên Ga theo tàn quân về nước. Chính quyền nhân dân các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chúng rút càng nhanh càng tốt, đồng thời thu hồi kho tàng, doanh trại và tịch thu phương tiện tuyên truyền của chúng.
Từ mùa thu năm 1945 đến cuối năm 1946. Cùng với cả nước, Chi bộ Đảng và nhân dân đã làm thất bại mọi thủ đoạn, âm mưu đen tối của kẻ thù, giữ được chính quyền cách mạng, xây dựng và phát triển lực lượng, chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ. Đó là thành công đầu tiên tạo nên bởi năng lực lãnh đạo của Chi bộ Đảng, chính quyền, của các đoàn thể và nhiệt tình cách mạng của quần chúng.
Với đường lối sách lược đúng đắn, khi giành được chính quyền, Chi bộ sớm gạt bỏ những hoài nghi hiềm khích, xích mích trong nội bộ, phục hồi nhanh chóng cơ sở Đảng và phát triển đảng viên. Đó là nhân tố có tính quyết định trong việc giữ chính quyền. Tuy mới đảm trách chức năng quản lý xã hội, nhưng nhờ thái độ khiêm tốn, Chi bộ đã thể hiện rõ năng lực lãnh đạo thực tiễn. Chi bộ Đảng, đảng viên, các cán bộ tân tiến đã đi sát quần chúng kịp thời chống tệ quan liêu độc đoán, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và rèn luyện tư cách người đảng viên cộng sản.
Nhờ xác định đúng và nắm vững 3 nhiệm vụ trọng tâm là: chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, Chi bộ, chính quyền và các đoàn thể đã lãnh đạo quần chúng phát huy cao độ lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng tạo nên sức mạnh vật chất, tinh thần. Đồng thời đẩy mạnh tăng gia sản xuất, xây dựng đời sống mới, bảo vệ xây dựng chính quyền non trẻ. Thắng lợi to lớn đó là điều kiện thuận lợi để nhân dân xã nhà bước vào cuộc chiến đấu mới gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng anh dũng, thắng lợi vẻ vang.
2. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trước những hành động khiêu khích ngày càng trắng trợn cửa thực dân Pháp, ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
“Hỡi đồng bào toàn quốc, chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc…”1.
Đồng thời để chống địch đổ bộ và đóng quân, ngày 6/2/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào phá hoại để kháng chiến: “ta vì nước hy sinh, chịu khổ một lúc, đến ngày kháng chiến thắng lợi, ta sẽ cùng nhau kiến thiết, sửa sang lại, nào có khó gì”.2
Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện lời kêu gọi đồng bào phá hoại để kháng chiến của Người. Trên phạm vi toàn quốc, Nghệ An, Quỳnh Lưu đã nổ súng tấn công quân Pháp và làm tốt công tác tổ chức, kiện toàn trên tất cả các phương diện.
Công tác tổ chức.
Nhằm tập trung chỉ đạo cuộc kháng chiến, tháng 10/1947 ủy ban hành chính cấp khu, tỉnh, huyện, xã được hợp nhất với ủy ban kháng chiến thành ủy ban kháng chiến hành chính (UBKCHC).
Tiếp đó ban chỉ đạo tác chiến và ban kiểm soát bố phòng ở các cấp được thành lập, các huyện được phân thành liên huyện. Quỳnh Lưu thuộc liên huyện 3: Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu.
Để có sự thống nhất lãnh đạo xã Vinh Lộc và xã Văn Hoá được hợp nhất thành xã Vinh Hoa[3]. Chi bộ mới là Chi bộ Vinh Hoa từ tháng 11/1947.
Đồng chí Nguyễn Bá Nghiêm là Bí thư Chi bộ
Đồng chí Lê Thạc Tạo là Phó Bí thư kiêm Trưởng Ban thông tin tuyên truyền
Chính quyền gồm các ông: Nguyễn Ba Mỡn, Chủ tịch
Nguyễn An Thòa , Phó Chủ tịch
Trần Liên, Phó Chủ tịch
Lê Khắc Vượng, UV quân sự
Từ tháng 7/1948, do tình hình mới của công cuộc kháng chiến và vấn đề huy động lực lượng, tỉnh chủ trương hợp nhất nhiều xã thành xã lớn hơn, xã Vinh Hoa sáp nhập với xã Quỳnh Trang và các xóm Ồ Ồ Đá Bạc, ….. (xã Quỳnh Thắng) thành xã Quỳnh Mai.
Bí thư Chi bộ gồm: Đồng chí Nguyễn Tượu từ 1948-1951,
Đồng chí Nguyễn Huấn từ 1/1952-10/1952,
Đồng chí Nguyễn Tượu từ 11/1952-3/1954 .
Các đồng chí uỷ viên BCH là: Trần Lưu
Mai Trường Khánh
Nguyễn Thị Danh
Trần Lơng, Xã đội trưởng
Lê Văn Trương, thư ký
Các ông Chủ tịch xã Quỳnh Mai là:
Nguyễn Bá Hiềng 1948
Đậu Phi Duyên 1949
Hồ Sỹ Mưu, Nguyễn Bá Thóng (1950-1952)
Trần Lưu (1952-1954)
Công tác tiêu thổ kháng chiến.
Thực hiện nhiệm vụ tiêu thổ kháng chiến, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh, Ban thường vụ liên đoàn lao động Tỉnh đề ra 3 công tác trọng tâm: Giải thích cho công nhân, nhân dân lao động thấm nhuần mục đích tiêu thổ (phá hoại đường xá, cầu cống, tháo gỡ di chuyển máy móc lên căn cứ mới); Sơ tán gia đình công nhân, nhân dân lao động; Xây dựng cơ sở sản xuất vũ khí
Thực hiện chủ trương của tỉnh, Uỷ ban công sở Hoả xa Vinh1 đã đánh sập hầu hết các cầu đường sắt: cầu Yên Xuân, cầu Cấm, cầu Hoàng Mai vào tháng 4/1947. Hệ thống đường ray từ Thanh Hoá – Vinh được bốc dỡ.
Ban chỉ huy tiêu thổ kháng chiến vùng Hoàng Mai đã huy động lực lượng dân quân, tự vệ và toàn dân vận chuyển thanh ray, tà vẹt, rào chắn đường tàu. Hàng đống thanh ray được cất giấu ở Đồng Cùa, Đồng Sác, núi Nhà Nhất mãi tới năm 1955 mới thông báo cho ngành đường sắt thu hồi. Một số thanh ray được vận chuyển về cửa Lạch Cờn ngăn không cho tàu thuỷ, ca nô của Pháp ngược dòng Mai Giang tiến vào nội địa.
Cầu qua sông Mai đoạn Quỳnh Dị-Quỳnh Phương, cầu chợ Chiền nối làng Thọ với Yên Lộc, cầu qua sông Thơm đều được khởi công xây dựng vào thời kỳ đó. Cầu chủ yếu làm bằng thanh ray, tà vẹt chuyển từ ga Hoàng Mai về.
Việc đào đắp ụ, đặt chướng ngại vật trên quốc lộ 1A đòi hỏi nhiều công sức, thời gian, dụng cụ, vật liệu.
… Đường đi ngoắt nghéo chữ chi
Hố ngang hố dọc chữ I, chữ Tờ (T)
Thằng Tây mà cứ vẩn vơ
Cái hố này chờ chôn sống mày đây…
Từ quốc lộ 1A về Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dỵ đều đắp các ụ chắn lớn, chỉ vừa đủ cho người đi bộ, xe đạp qua. Ngoài lực lượng thanh niên, dân quân tự vệ, các cụ già, các cháu thiếu niên, phụ nữ con bế con bồng cũng tham gia công tác tiêu thổ kháng chiến. Đúng là: Nhà em con bế con bồng
Em cũng theo chồng đi phá đường quan
Kết quả chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng tự vệ, nhân dân trong vùng Hoàng Mai phối hợp với nhân dân các địa phương khác trong huyện đã phá dỡ cầu Tây, cầu Khe Son, cầu Đò Cấy, bốc gỡ hàng chục km đường sắt, đào phá nhiều đoạn trên các tuyến đường quan trọng Thanh Hoá - Hoàng Mai - Cầu Giát, phá nhà ga Hoàng Mai, Đồn Nhà Đoan Ngọc Huy.
Chiến dịch tiêu thổ kháng chiến cơ bản hoàn thành năm 1947, các xã vùng Hoàng Mai được tỉnh khen thưởng.
Công tác xây dựng lực lượng, dân quân du kích, tự vệ chiến đấu.
Đường lối kháng chiến mới của ta là: “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”; Trước tình hình mới, Đảng đã kịp thời lãnh đạo đưa ra “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”.
Xuất phát từ đặ điểm tình hình và tính chất cuộc chiến tranh, ba tỉnh Thanh Hoá - Nghệ An - Hà Tĩnh trở thành vùng tự do, trở thành căn cứ địa của cuộc kháng chiến, chính vì thế Thanh - Nghệ - Tĩnh trở thành mục tiêu để thực dân Pháp phá hoại về chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự.
Trước âm mưu, thủ đoạn của địch, việc tăng cường về mọi mặt để chiến đấu, bảo vệ hậu phương là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Tháng 3/1947, Ban chỉ huy dân quân tự vệ được tổ chức thành hệ thống từ tỉnh đến xã. Ở huyện ông Nguyễn Ngọc Anh làm Huyện đội trưởng, ở xã Vinh Lộc là ông Trần Liên, sau đó ông Lê Khắc Vượng là uỷ viên quân sự. Từ năm 1948, ông Trần Liên gia nhập quân đội và trở thành cố vấn quân sự Lào.
Từ đây công tác quân sự ở địa phương ngày càng được tổ chức chặt chẽ, theo hướng chính qui hiện đại, dân quân tự vệ được tập luyện, vũ khí được trang bị sẵn sàng đối phó với âm mưu, hành động của kẻ thù. Lực lượng tự vệ, dân quân du kích ngày đếm tập luyện chiến thuật một cách bài bản. Tập hành quân, bắn súng, ném lựu đạn, đặt mìn, đâm chém bằng kiếm, đại đao, mã tấu. Ngoài ra còn được tập duyệt các phương án tác chiến bố phòng như: Đánh địch đổ bộ bằng đường không, đường bộ, đường biển, địch co cụm, diệt chốt, hướng dẫn nhân dân sơ tán, …
Xã thành lập một trung đội, mỗi làng, xóm là một tiểu đội. Trung đội được trang bị 2 khẩu súng Mitcơtông, 5 súng kíp tự chế, tất cả các chiến sỹ đều có lựu đạn, kiếm, đại đao.
Cuối năm 1947, huyện đã thành lập được 1 đại đội bộ đội địa phương (C120). Đại đội có 3 trung đội: một trung đội đóng ở tổng Thanh Viên, chốt chặn cầu Ngò ; một trung đội ở Phú Hậu bảo vệ cơ quan Huyện ; Trung đội thứ 3 đóng ở Hoàng Mai có nhiệm vụ chốt chặn bến đò Phương Cần và bến đò Cái.
Lực lượng bảo an, dân quân du kích không ngừng tăng cường phòng gian, bảo mật cắt cử, canh phòng chu đáo, 24/24 giờ có mật khẩu đổi ca. Khi có tình hình không bình thường được truyền tới tận các tiểu đội ở làng xóm để hợp đồng tác chiến. Cùng với công tác tập luyện sẵn sàng chiến đấu, công tác trang thiết bị vũ khí cũng được chú ý. Tháng 10/1947, ngành công nghiệp quốc phòng Nghệ An đã hoàn thành xây dựng 35 cơ sở. Các xưởng cơ khí có nhiệm vụ sửa chữa vũ khí thông thường, từng bước sản xuất vũ khí súng trường, tiểu liên, súng cối, mìn các loại.
Xưởng cơ khí Quỳnh Lưu được thành lập tại Quỳnh Hưng. Các tay thợ cơ khí tài hoa người Quỳnh Vinh tham gia xưởng cơ khí huyện là: Lê Sỹ Sươu, Lê Văn Thung, … các cụ được điều động đi khắp nơi trong tỉnh cho đến khi về hưu.
Công tác đóng góp để nuôi dưỡng vệ quốc đoàn dân quân du kích, tham gia đóng góp công quỹ xây dựng đất nước.
Ngày 15/8/1948, UBHC tỉnh Nghệ An có cuộc họp liên tịch nhằm động viên toàn dân nuôi dưỡng vệ quốc đoàn, dân quân du kích.
Từ năm 1947, Hội mẹ chiến sỹ xã đã được thành lập theo chủ trương của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An. Cũng ở thời điểm này phong trào “hũ gạo tiết kiệm”, “hũ gạo nuôi quân” được hưởng ứng mạnh mẽ khắp nơi. Toàn dân thi đua đóng góp giúp đỡ cho các đơn vị vũ trang, động viên các chiến sỹ yên tâm luyện tập, chiến đấu.
Phong trào đóng góp bằng các hình thức “tuần lễ vàng”, mua “công trái quốc gia”, xây dựng “quỹ độc lập” ủng hộ Chính phủ vượt qua khó khăn về tài chính đã được nhân dân hưởng ứng sôi nổi:
Tháng 7/1948, Công phiếu kháng chiến được phát hành tháng với các mệnh giá 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên nhân dân các xóm đã mua vượt mức kế hoạch. Xóm Phú có gia đình ông Ký Thương, bà Trang Hường, bà Chất, ông Thái Dục, bà Lan Thường, ông kiểm Đoan, ông cựu Khương, ông Huỳnh Nhương,… Ở xóm Đông có gia đình ông cựu Thức, ông lý Hoè, ông cựu Tựu, ông Trường Thành. Xóm Quý có: gia đình ông Kiểm Thi, ông phó Lưu, ông Dinh Rèn, ông Vợi, ông Ngoạn,... Xóm Đoài có: gia đình ông Tạo Thực, gia đình ông Mậu Phớt, Kiểm Thuyệt, ông Chủ An,... Xóm Rục có: gia đình ông Tuồn, gia đình ông binh Bường, gia đình ông bát Đụa,…
Không những vậy, nhiều người còn mang cả vàng, nhẫn tay, kỷ vật ngày cưới đóng góp công quỹ. Đây là một nghĩa cử đẹp, cảm động và đáng tự hào và chỉ trong một thời gian ngắn nhiều gia đình đã đóng góp hàng chục khâu chỉ, nhẫn vàng, hàng chục nén vàng bạc. Nhiều ca dao được sáng tác cổ vũ sự quyên góp vang lên:
Đem vàng đổi súng Ca-nông
Đánh tan Tây Nhật chớ hòng vào đây
Hay: Đem vàng đổi súng cối xay
Bắn tan giặc nước dựng đài vinh quang.
Lần đầu tiên sau khi giành chính quyền, Sắc thuế điền thổ do Nhà nước ban hành đã được nhân dân đóng góp đầy đủ. Coi đây là nghĩa vụ của nông dân đối với Nhà nước. Bộ thuế nông nghiệp trên cơ sở hạng điền được xác lập, nhân dân tự giác đóng thuế với hai hình thức tiền và lúa. Kết quả chỉ trong một thời gian toàn xã đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Hội mẹ chiến sỹ và Hội phụ nữ xã, huyện có sáng kiến: “Áo ấm cho chiến sỹ”, “quán nước quân nhân”, không kể thời gian khi có đơn vị bộ đội đi qua, lúc dân quân du kích luyện tập là phân công nhau nấu nước, nấu cơm phục vụ. Gia đình bà Nguyễn Thị Ngoạn ở Quý Vinh là một tấm gương điển hình trong việc chăm sóc và phục vụ dân quân tập luyện, cán bộ, bộ đội về làng ốm đau, được Thủ tướng Chính phủ công nhận gia đình có công nuôi dưỡng cán bộ, quân nhân, tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng.
Ngày 2/9/1950, Thủ tướng Chính phủ tặng Hội mẹ chiến sỹ huyện Quỳnh Lưu Huân chương kháng chiến hạng 3, hội mẹ chiến sỹ Quỳnh Mai bằng khen giúp đỡ bộ đội, dân quân tham gia công cuộc kháng chiến.
3. Công tác phòng thủ chiến đấu.
Sau chiến thắng Việt Bắc thu – đông năm 1947 của quân và dân ta, thực dân Pháp buộc phải chuyển hướng chiến lược từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh lâu dài”. Để hỗ trợ cho chiến trường Việt Bắc địch chủ trương đánh mạnh để làm chủ vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời mở các cuộc hành quân đánh phá, quấy rối hậu phương của ta (Thanh - Nghệ - Tĩnh) hòng ngăn chặn sức người, sức của chi viện cho chiến trường.
Trước tình hình đó, Hội nghị mở rộng BCH TW Đảng năm 1948 đã nêu rõ phương hướng và giải pháp đẩy mạnh cuộc kháng chiến:
Về quân sự: Đẩy mạnh chiến tranh du kích.
Về tổ chức: Củng cố xây dựng hậu phương vững chắc.
Quân khu 4, Tỉnh uỷ Nghệ An thực hiện chủ trương của TW Đảng đã lãnh đạo, quân và dân trong tỉnh luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với mọi âm mưu phá hoại của địch.
Về phía địch: Âm mưu của chúng là thăm dò lực lượng bố phòng của ta để đổ bộ, quấy phá hậu phương kháng chiến, phá tan lực lượng chủ lực của ta, để chúng tập trung lực lượng vào vùng trọng điểm là đồng bằng Bắc Bộ, địch đã cho máy bay, tàu chiến đổ quân, tập kích vào các xã ven biển. Tháng 6/1947, chúng đổ quân vào xóm Trại, cửa Lạch Cờn bắt thường dân, đốt cháy nhà cửa của nhân dân. Đầu năm 1949, chúng cho máy bay ném bom xuống chợ Ngò, chợ Nồi, nhà thờ Họ Bùi ở An Hoà làm nhiều người chết và bị thương.
Từ ngày 1-4/10/1949, Huyện đội triệu tập cán bộ xã, xã đội trong toàn huyện cùng đơn vị bộ đội địa phương C120 tập huấn triển khai các phương án tác chiến, đánh địch đổ bộ bằng đường không, đường biển.
Đúng như nhận định của Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu 4, ngày 10/7/1949 “Địch không đủ sức mạnh đánh với qui mô xâm chiếm Thanh - Nghệ - Tĩnh, Bình - Trị - Thiên nữa, nhưng địch có thể thọc mũi dùi vào nơi sơ hở của ta, rồi rút ra hay khuếch trương xâm lấn bộ phận”1.
Chiều ngày 4/10/1949, hội nghị tập huấn triển khai tác chiến của Huyện đội vừa kết thúc thì chiến sự đã nổ ra.
4. Quân dân Quỳnh Mai tham gia đánh thắng trận càn của thực dân Pháp tháng 10/1949.
Đúng như nhận định của Trung ương, Quân khu 4, tỉnh và huyện Quỳnh Lưu, ngày 4/10/1949, thực dân Pháp tiến hành một cuộc càn quét, đổ bộ vào Quỳnh Lưu với mục đích: Tiêu diệt cơ quan đầu não của huyện; Phá hoại sản xuất, quấy rối hậu phương, khuyếch trương thanh thế Chính phủ Bảo Đại; Nếu có điều kiện sẽ đóng quân dài ngày. Tuy đã dự kiến được âm mưu của địch, nhưng thời điểm, toạ độ đổ quân ta vẫn chưa xác định. Vài giờ sau khi địch đổ quân, ta đã tình báo nắm chắc tình hình địch, lấy lại thế chủ động.
Huyện uỷ kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân anh dũng chiến đấu chống càn. Khoảng 5 giờ sáng ngày 5/10/1949, thực dân Pháp tiến hành đổ bộ vào Quỳnh Lưu, chúng huy động trên 1000 quân, một nửa là lính Âu Phi, còn lại là lính Ngụy, với sự yểm trợ của 5 tàu chiến, 5 máy bay phản lực, một hàng không mẫu hãm ngoài khơi. Khi chúng vào đất liền có Việt gian dẫn đường chỉ điểm. Địch đổ quân tiến theo 2 hướng chính: Lạch Cờn và Lạch Thơi.
Hướng Lạch Cờn: địch cho quân đổ bộ lên Quỳnh Liên, sau một loạt đại bác bắn vào. Dân quân du kích Quỳnh Phương đã triển khai lực lượng chốt chặn ở vùng giáp ranh giữa Quỳnh Phương và Quỳnh Liên, không cho địch vào Quỳnh Phương; buộc địch phải tiến về làng Ngọc Huy vượt sông Mơ sang Kim Lung. Vào làng Kim Lung chúng phá nhà dân, bắt người, bắt bò, lấy tơi nón, quần áo nguỵ trang dân thường sơ tán theo ven núi lên dốc giữa Quỳnh Xuân.
Theo kế hoạch, phương án tác chiến, quân dân xã Quỳnh Mai đã triển khai lực lượng: Bố trí 1 tiểu đội cảm tử chốt ở bến đò Cấy, 1 tiểu đội đón chặn địch ở cầu Sòi, 1 tiểu đội đón chặn địch ở bến đò Quỳnh Phương. Cùng với 3 tiểu đội là lực lượng dân quân du kích bố trí trận địa mìn dự kiến địch sẽ đi qua.
Trong đó bộ đội địa phương do đồng chí Nguyễn Huệ chỉ huy hành quân ra Hoàng Mai gặp địch ở Bắc dốc Thông. Trận giáp lá cà diễn ra ác liệt. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ ta tiêu diệt được 13 tên, phía ta hy sinh 8 chiến sỹ. Tiểu đội cảm tử của Quỳnh Mai được lệnh điều động phối hợp chiến đấu, đồng chí Trần Lơng, Nguyễn Sỹ Hài, Lê Đang, Vũ Lê Bỡn, Trần Long do đồng chí Võ Đăng Lế chỉ huy đã tham gia chiến đấu dũng cảm ngoan cường, đồng chí Nguyễn Sỹ Hài, Lê Đang, Trần Lơng dùng lựu đạn tiêu diệt 2 tên địch, một số chạy tán loạn rơi đồng hồ, 5 quả lựu đạn, chiến lợi phẩm thu được các đồng chí nạp về tại xã đội1
Ngày 6/10/1949, từ 5 giờ sáng tại Đình Thọ Vinh đồng chí Nguyễn Ngọc Yên Bí thư Huyện uỷ đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp thành phần các cán bộ cốt cán vùng Hoàng Mai. Hội nghị nhận định tình hình địch và bố trí lực lượng chiến đấu, một đại đội tinh nhuệ của Quỳnh Mai được biên chế, chấn chỉnh sẵn sàng chi viện cho phía Nam do đồng chí Vũ Đăng Lế chỉ huy.
Sau thời gian 3 ngày càn quét, địch đã tràn qua 12 xã, giết hại 151 dân thường, bắt đi 108 người dân, 50 người bị thương, dân quân du kích, bộ đội địa phương hy sinh 20 chiến sỹ, chúng đốt 674 nóc nhà, 135 thuyền cá, phá hoại nhiều công cụ đánh bắt cá, ô nại muối, bắt đi nhiều trâu bò lợn gà. Chúng ta đã tiêu diệt 113 tên địch trong đó có 63 lính Pháp – Âu Phi và hàng chục tên bị thương, buộc địch phải tháo chạy ra biển vào chiều ngày 7/10/19492.
Cuộc chiến đấu chống càn của quân và dân Quỳnh Lưu kết thúc thắng lợi, có ý nghĩa lớn, cả đối với tinh thần cảnh giác cách mạng, cả có ý nghĩa lớn đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi cả nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống càn đã đập tan âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp vào vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh trong suốt cả cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta.
Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, quân dân ta đã kìm chân địch, ngăn chặn ý đồ của chúng: quấy rối hậu phương, phân tán bộ đội chủ lực, chiếm đóng lâu dài vùng tự do.
Cuộc chống càn thắng lợi chứng tỏ Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang các đoàn thể huyện nhà đã lớn mạnh trưởng thành, thực hiện đúng đường lối của Đảng “vừa kháng chiến vừa kiến quốc, chủ động tích cực cao độ của cơ sở”.
Từ kinh nghiệm xương máu của Quỳnh Lưu, Quỳnh Mai các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh: Khẩn trương kiểm tra, bổ sung phương án kế hoạch phòng thủ tác chiến và sẵn sàng chiến đấu, đồng thời tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, cơ quan về công tác phòng gian bảo mật, đập tan luận điểm chiến tranh tâm lý và âm mưu phá rối trật tự trị an của địch.
Tháng 3/1953, địch đổ bổ vào Quỳnh Phương, chiếm đỉnh núi Hùng Vương làm sở chỉ huy, rồi cho quân lính vào làng gây tội ác. Quân dân Quỳnh Phương, Quỳnh Mai đánh trả quyết liệt. Sau chiến dịch Thượng Lào (1952-1953) nổ ra, địch thất bại thảm hại. Địch lui về thế phòng ngự, sau một thời gian địch lại tiếp thục quấy rối vùng tự do: chúng cho lính nhảy dù, tung gián điệp biệt kích.
5. Quân dân xã Quỳnh Mai đánh thắng giặc đổ bộ đường không xuống vùng Đồng Lách của thực dân Pháp.
Ngày 5/11/1953 (tức ngày 3/10 năm Quý Tỵ), thực dân Pháp cho quân đổ bộ xuống Đồng Lách với mục tiêu:
Củng cố tinh thần hoang mang sau một loạt thất bại trên toàn chiến trường, gây tiếng vang lớn nhằm tranh thủ viện trợ của Mỹ. Ngăn chặn Thanh Hoá, Nghệ An cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến.
Dựa vào địa hình phía Tây Nam xã Quỳnh Mai giáp giới với huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá) là nơi có núi cao, rừng rậm, dân cư thưa thớt, có 4 xóm giáo toàn tòng, một số phần tử đội lốt tôn giáo hoạt động ở Yên Hoà, Sơn Trang, Vinh Lễ và Quang Sơn (Tĩnh Gia) do các tên Trần Đình Phú, Trần Đình Hiền cầm đầu, chỉ điểm. Vùng Đồng Lách bấy giờ thuộc xã Quỳnh Mai nay thuộc Bản Lách xã Tân Trường – Tĩnh Gia (Thanh Hoá), xung quanh là lèn Răng Cưa, Kim Giao bao bọc, có thung lũng bằng phẳng rộng hàng chục ha rất thuận tiện cho máy bay địch đổ bộ bằng đường không.
Khoảng 18 giờ ngày 5/11/1953 (tức 3/10 năm Quý Tỵ) sau 4 lần liên tiếp thả dù người, phương tiện điện đài, vũ khí hàng hoá, … 19 tên biệt kích đã tiếp cận mục tiêu, một chiếc dù địch mắc phải cành cây cao.
Nhờ các đài quan sát, lại có lực lượng du kích và đồng bào dân tộc xóm Đá Bạc, Ồ Ồ, theo dõi bám sát báo tin, toán biệt kích do Nguyễn Sơn cầm đầu cùng với tên Phong toán phó đang tìm cách móc nối với những phần tử phản động. Được tin báo, dân quân du kích xã Quỳnh Mai đã chủ động tổ chức bao vây truy kích và kịp thời báo với cơ quan quân sự huyện.
Nhận được cấp báo, huyện đã cử đồng chí Nguyễn Trường trong ban chỉ huy Huyện đội trực tiếp chỉ huy đơn vị C120 kết hợp với dân quân du kích Quỳnh Mai để đánh địch.
Các đồng chí lãnh đạo xã: Nguyễn Tượu-Bí thư Chi bộ Quỳnh Mai, Trần Lưu-Chủ tịch, cùng các Phó Chủ tịch: Mai Trường Khánh, Nguyễn Bá Mậu, Xã đội trưởng Trần Lơng, Xã đội phó-Võ Đăng Lế, ... đã trực tiếp chỉ huy, kịp thời huy động lực lượng 150 du kích trong vùng vây bắt kẻ thù.
Tiểu đội dân quân du kích tiếp cận địch sớm nhất là tiểu đội xóm Đông do đồng chí Lý Xuân Nhãn, Phạm Nhơ chỉ huy cùng với các chiến sỹ: Nguyễn Đình Tuy, Lê Văn Thắm, Lê Đăng Đuôn, Lê Thạc Liễn, Lê Thạc Tài, Vi Văn Lá (dân tộc Mãn Thanh) cùng với du kích làng Cần Lê Sỹ Thái, Lê Đình Ý, … Lê Đức Đượm (Yên Lộc). Ngay từ phút đầu tiên ta đã nổ súng tiêu diệt tên trinh sát Dương, toán địch ba tên còn lại, 1 tên bị đồng chí Nguyễn Đình Tuy ném lựu đạn sát thương nặng rồi chạy về Bến Bần bị ông Lê Đình Ý làng Cần chỉ huy bắt gọn.
Sau gần nửa tháng truy lùng, tiếp cận truy kích bộ đội địa phương C120 cùng với lực lượng dân quân du kích Quỳnh Mai đã bắt sống 17 tên, bắn chết 1 tên, 1 tên chạy về Diễn Hạnh - Diễn Châu cũng bị tóm gọn.
Ta hy sinh 3 chiến sỹ, hai dân quân du kích đó là đồng chí Lê Thạc Tài, xóm Đông làng Thọ Vinh, đồng chí Vi Văn Lá người dân tộc Mãn Thanh làng Đá Bạc và 1 bộ đội C120 là đồng chí Nguyễn Lưu.
Sau trận đánh địch đổ bộ bằng đường không xuống Đồng Lách thắng lợi, lãnh đạo xã Quỳnh Mai và lực lượng dân quân du kích cùng với bộ đội địa phương huyện Quỳnh Lưu được tỉnh, Quân khu 4 khen ngợi, biểu dương. Đồng chí Lý Xuân Nhãn được cử về Quân khu 4 báo cáo kết quả trận đánh và được Quân khu 4 cấp giấy khen1.
Trận đánh đã tiêu diệt và bắt gọn toán biệt kích đổ bộ bằng đường không xuống Đồng Lách. Đây là một trận đánh phối hợp chặt chẽ giữa dân quân du kích và bộ đội địa phương, giữa nhân dân với dân quân du kích, giữa dân tộc Kinh với đồng bào dân tộc Mãn Thanh. Đồng thời đập tan được âm mưu của thực dân Pháp, bọn phản động đội lốt tôn giáo nhằm chia cắt vùng tự do. Chiến thắng đó đã góp phần cổ vũ nhân dân Hoàng Mai tin tưởng vào khả năng của mình, càng hăng hái tham gia đóng góp nhân tài, vật lực cho công cuộc kháng chiến thắng lợi.
6. Nhân dân Quỳnh Mai dồn sức, ra quân phục vụ chiến dịch Đông - Xuân 1953–1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào gia đoạn kết thúc, càng trở nên ác liệt, càng cần phải có sự đóng góp to lớn của hậu phương. Đồng thời thực hiện sắc lệnh tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực của toàn thể nhân dân để tiến tới tổng phản công.
Đội dân công xe đạp thồ Hoàng Mai ra đời.
Toàn huyện Quỳnh Lưu có nhiều đại đội dân công xe đạp thồ được thành lập. Đoàn dân công xe đạp thồ Quỳnh Lưu tham gia trên hầu hết các chiến trường Tây Bắc - Thượng Lào - Điện Biên Phủ - Bình Trị Thiên.
Đội xe đạp thồ Cầu Giát do ông Nguyễn Hữu Đợi làm đội trưởng, đội xe đạp thồ Hoàng Mai do ông Hồ Sỹ Tiệp làm đội trưởng, trung đội dân công xe đạp thồ Quý Vinh do ông Trần Long, Trần Dục làm đội trưởng; các đội viên trung đội có 30 chiến sỹ xe đạp thồ: Lê Sỹ Quế, Nguyễn Sỹ Hài, Vũ Lê Trương, Vũ Lê Quỳnh, … Đội dân công do nhân dân đề cử và tinh thần xung phong từ các đội dân quân du kích. Xe đạp do cá nhân tự túc và ủng hộ, bổ sung sửa chữa của toàn dân.
Đội xe đạp thồ của Quỳnh Mai, Cầu Giát chiếm kỷ lục cao về chiều dài vận chuyển và trọng tải. Không quản đèo cao, vực sâu, mưa dầm, cơm vắt, … họ đã vượt qua tất cả hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với tinh thần:
Giốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô em hò, chị hát,
Dẫu bom đạn xương tan, thịt nát,
Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh.
Chính họ là những con người đã vẽ lên bức tranh đẹp về đường lối chiến tranh nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nét nổi bật của đội dân công xe thồ Hoàng Mai là rất dũng cảm, kỹ thuật có người thồ từ 100 kg đến 130 kg. Không một ai đào ngũ, nhiều người được tuyên dương khen thưởng sau chiến dịch, rồi tiếp tục chuyển sang đơn vị thanh niên xung phong, bộ đội, cán bộ.
Đội Thanh niên xung phong Hoàng Mai lên đường.
Thực hiện sắc lệnh tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với đại đội dân công xe đạp thồ Hoàng Mai, đội thanh niên xung phong phục vụ 2 chiến dịch Hoà Bình và Tây Bắc lên đường.
Cả Hoàng Mai thành một đại đội - Đại đội trưởng Lê Khắc Vượng. Ở Quỳnh Vinh thành một trung đội gồm 19 đồng chí. Trung đội trưởng là Trần Luân, các đội viên là: Vũ lê Trung, Lê Thạc Xinh, Lê Sỹ Hoè, Lê Khắc Huy, Nguyễn Bá Năm, Lê Khắc Cẩn, Lê Thạc Trường, …1, sau gần 3 năm công tác đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các đồng chí đội viên thanh niên xung phong được cấp trên cho đi đào tạo, điều động công tác hầu hết trở thành cán bộ tốt.
Hàng trăm tân binh Hoàng Mai lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu.
Thọ Vinh, Quý Vinh có hơn 200 thanh niên tuổi đời từ 19 – 27 chưa vợ hoặc mới cưới vợ lên đường tham gia các chiến dịch Hà Nam Ninh, Thượng Lào, Biên Giới, Điện Biên Phủ đó là các đồng chí: Lê Đang, Lê Hảo, Nguyễn Bá Nhu, Lê Thạc Kha, Bùi Đình Sỹ, Trần Thường, Nguyễn Đình Phương, …2
Nhiều đồng chí đã lập công xuất sắc như đồng chí Lê Đang ở Trung đoàn 148, tiểu đoàn 1, đại đội 1, 1 mình đồng chí tiêu diệt 27 tên địch ở chiến dịch Biên Giới. Trong trận đánh ở Mương Khương đồng chí đã tiêu diệt 10 tên địch, sau đó bị thương nặng, địch bắt giải về Sơn La, Hà Nội rồi đày Côn Đảo, bị tra tấn cực hình, đồng chí vẫn không 1 lời khai báo, giữ trọn khí tiết người chiến sỹ cách mạng. Do biệt tin tức, đơn vị đã báo tử, tháng 2/1952 địa phương đã làm lễ truy điệu đồng chí Lê Đang. Cuối năm 1953 đồng chí ra tù, tiếp tục trở về địa phương công tác. Tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường của đồng chí Lê Đang đã cổ vũ nhiều thế hệ con em Quỳnh Mai hăng hái tòng quân diệt giặc.
Đồng chí Lê Thạc Tứ, 17 tuổi đã xung phong tòng quân diệt giặc, cùng với đồng chí Trần Đức Yên, … lập công xuất sắc trên đồi A1 Điện Biên Phủ và hy sinh anh dũng khi chỉ còn 1 tháng nữa là chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ anh dũng của dân tộc đã kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vẻ vang.
Trong cuộc chiến anh dũng, nhân dân Quỳnh Mai đã có hơn 100 TNXP, hàng trăm dân công xe đạp thồ, bộ đội, dân quân du kích tham chiến. Chúng ta đã góp một phần công sức, xương máu cho chiến thắng:
“Lừng lẫy năm châu
Chấn động địa cầu
Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng.”
Hơn 20 chiến sỹ Quỳnh Vinh vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường Tây Bắc, Điện Biên Phủ, hàng chục đồng chí đã để lại một phần cơ thể mình trên chiến trường.
7. Nhân dân Quỳnh Mai trên mặt trận kinh tế - xã hội phục vụ cho công cuộc kháng chiến.
Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vấn đề đẩy mạnh sản xuất ở vùng tự do Quỳnh Lưu, Quỳnh Mai được đặt lên hàng đầu, trở thành một nhiệm vụ chủ yếu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và đoàn thể.
Tỉnh và huyện đã chỉ đạo cơ sở tập trung: Một là khai hoang phục hoá ruộng đất ; Hai là chia ruộng vườn vắng chủ lại cho nông dân thiếu đất canh tác; Ba là thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ ban hành theo luật thời chiến.
Ngày 27/3/1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ TW Đảng phát động phong trào “Thi đua ái quốc”; mục đích của thi đua ái quốc là làm cho kháng chiến mau đến thắng lợi, kiến quốc nhanh chóng thành công.
Thực hiện chỉ thị của cấp trên, Chi bộ Đảng, chính quyền Quỳnh Mai càng thấy rõ lợi thế của địa phương đã phát động thi đua khai hoang, phục hoá, các hộ nông dân tự do mở mang diện tích, được miễn thuế 3 năm đầu khai hoang. Rừng núi hoang vu bị đẩy lùi xa nhường lại cho rừng chuối, đồi chè, nương sắn, khoai bạt ngàn.
Với phương châm chỉ đạo: Vụ mùa là chủ lực, vụ năm ngô, khoai, sắn là quan trọng.
Phong trào "thi đua ái quốc ” được phát động sôi nổi, nhằm tăng năng suất cây trồng, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho nhân dân, dân công, dân quân, du kích ở chiến trận ăn no, đánh thắng quân thù.
Ở Quỳnh Mai, đã tiến hành Đại hội Chi bộ Quỳnh Mai. Đại hội đã quán triệt sâu sắc các nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội TW, nhiệm vụ trọng tâm và mục tiêu phương hướng công tác của Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 8. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Tượu làm Bí thư, đồng chí Hồ Sỹ Mưu làm Phó Bí thư kiêm Chủ tịch; Đại hội xác định quyết tâm: “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để chiến thắng”, “Hoàng Mai quyết vượt chỉ tiêu nhân lực, tài lực, vật lực cho chiến trường”.
Thực hiện chủ trương của cấp trên ta đã thực hiện tốt chính sách thuế nông nghiệp - nguồn thu chính của quốc gia để kháng chiến. Chính sách thuế đã đánh mạnh vào giai cấp địa chủ, phú nông, giảm nhẹ cho bần cố nông, khuyến khích những người trực tiếp lao động, khuyến khích sản xuất khai hoang, tăng vụ, chiếu cố gia đình đông người, ưu đãi quân nhân, gia đình liệt sỹ. Trung ương giao cho tỉnh Nghệ An đóng thuế là 33.000 tấn, Nghệ An đã hoàn thành 96%. Quỳnh Mai, Quỳnh Lưu hoàn thành 100% chỉ tiêu thuế tỉnh giao. Hoàng Mai không có gia đình dây dưa thuế nông nghiệp, tất cả các gia đình đảng viên hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế. Thiện Kỵ có ông Bang Diễn 19 mẫu điền, Nguyễn Thế Vinh 7 mẫu điền. Thọ Vinh có ông Mâu Phớt 25 mẫu điền, ông cựu Khương 20 mẫu điền, bà Ký Thương 20 mẫu điền. Làng Ưa có ông Bộ Nhiệm 30 mẫu điền, ông Lý Lang 20 mẫu điền. Quý Vinh có ông Binh Bường 20 mẫu điền. Các ông đều hoàn thành tốt sắc thuế nông nghiệp với tinh thần:
“… Lúa gặt về tự tay sàng sảy
Chọn lúa vàng hạt mẩy để đóng thuế nông
Hậu phương thi đua sản xuất
Tiền tuyến ra sức tấn công
Kháng chiến thắng lợi nức lòng nhân dân…”
Tiếp theo sắc lệnh thuế nông nghiệp, TW Đảng và Chính phủ đề ra cuộc: “Đại vận động tăng gia sản xuất, tiết kiệm”.
Ngày 20/12/1952, Tỉnh uỷ họp bàn biện pháp thực hiện cuộc vận động. Từ đây cao trào thi đua tăng gia sản xuất diễn ra mạnh mẽ chưa từng có, trước đây 1945-1952 thường nặng về khai hoang, mở rộng diện tích. Đến nay, chúng ta tiến hành song song vừa mở rộng diện tích, vừa chú trọng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất. Luân canh, gối vụ, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời chú trọng các yếu tố trồng lúa nước với phương châm: nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.
Vì vậy năng xuất cây trồng không ngừng tăng lên. Những thiên tai nắng hạn, vùng đất thịt nặng như Thiện Kỵ, Dị Nậu không thể cày bừa bằng trâu bò được, nhân dân đã tưới nước cho bở đất rồi mới cuốc để tỉa vãi lúa, trồng khoai, lạc, đậu,… Vùng làng Cồn, làng Ưa, Thọ Vinh, Quý Vinh, xóm Chiền, lợi dụng địa thế tỉa lúa ở nương rẫy, đặc biệt trồng ngô, khoai sắn, khoai từ, khoai vạc cho năng xuất khá cao, đảm bảo tự túc cái ăn, để dành thóc đóng thuế, thực hiện hũ gạo chiến sỹ, …
Phong trào làm nhà vệ sinh, lấy phân tiêu, phân bùn, phân lá làm phân xanh phát triển khắp làng xã. Phong trào chăn nuôi lợn, trâu, bò vừa lấy thực phẩm vừa dùng làm sức kéo, vừa lấy phân để bón ruộng phát triển mạnh mẽ.
Hưởng ứng phong trào học tập kinh nghiệm Anh hùng lao động Hoàng Hạnh về sản xuất nông nhiệp, nhiều gương sản xuất giỏi trong huyện, xã đã nổi lên. Điển hình là gia đình cụ Vũ Lê Chưởng xóm Phú, gia đình cụ Nguyễn Xuân Tơn xóm Đông làng Thọ Vinh là chiến sỹ nông nghiệp giỏi được vinh danh và đi báo cáo điển hình ở huyện, tỉnh.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, nghề thủ công, khai thác gỗ, than, củi sản xuất vật liệu xây dựng: gạch, gói, vôi trong xã phát triển mạnh mẽ. Ngoài thuế nông nghiệp, thuế thương nghiệp ngày càng có nguồn thu phong phú đầy đủ hơn.
Các mặt văn hoá xã hội – giáo dục y tế có nhiều khởi sắc. Ngành giáo dục đã có cải tiến trong chương trình, nội dung giảng dạy phục vụ sản xuất chiến đấu, các trường lớp học được mở ra.
Phong trào văn hoá, văn nghệ được quan tâm, làng nào cũng có đội văn nghệ nghiệp dư riêng. Phong trào ca múa nhạc quần chúng phát triển mạnh mẽ, tạo không khí tưng bừng náo nhiệt khắp vùng. Tin chiến thắng ở khắp các chiến trường bay về, cùng với cuộc sống mới ở hậu phương đã được thể hiện vào các làn điệu văn nghệ cổ truyền như tuồng, chèo, hò, vè, ví dặm, cổ vũ tinh thần chiến đấu, chiến thắng của toàn dân sau mỗi đêm diễn. Những bài hát: kết đoàn, hò kéo pháo, giải phóng Điện Biên, ca ngợi đoàn kết Việt - Trung hữu nghị được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, hầu như ai cũng thuộc.
Những bài thơ mang sắc thái, hơi thở của cuộc chiến như: "Bài ca vỡ đất" của Hoàng Trung Thông, "Thăm lúa" của Trần Hữu Thung, "Đêm nay Bác không ngủ" của Minh Huệ hay "Trường ca Quỳnh Mai yêu dấu" của thầy giáo Lê Sỹ Thiềm đã đi vào lịch sử văn học dân tộc và quê hương, góp phần thúc đẩy mọi mặt công tác kháng chiến, kiến quốc, xây dựng đời sống mới.
Cuộc vận động bài trừ mê tín dị đoan, xây dựng đời sống mới được triển khai mạnh mẽ, việc bói toán, đồng bóng, cờ bạc, rượu chè bê tha được phê phán dẹp bỏ.
Lễ cưới hỏi được giản tiện, từ các lễ: dạm ngõ, bỏ trầu, ăn hỏi, cưới, lại mặt nay còn 3 lễ: dạm ngõ, ăn hỏi, cưới.
Nét đẹp văn hoá nổi bật là tình làng, nghĩa xóm được gắn quyện hài hoà, tình cảm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, chị em xa không bán mà còn mua láng giềng gần phát triển; đặc biệt là tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau khi khó khăn hoạn nạn được các đoàn thể phát động, nhân dân hưởng ứng sôi nổi.
Công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được các cấp uỷ chính quyền quan tâm chú ý, hệ thống y tế từ tỉnh, huyện đến xã được hình thành. Mỗi làng có 2-3 cán bộ y tế chuyên trách, có y tá điều trị, y sỹ sản khoa huyện điều động về, có nhà thương riêng đặt ở trung tâm; nhờ đó bệnh dịch từng bước được khống chế, sức khoẻ toàn dân được chú ý, nhân dân ngày càng tin tưởng vào chế độ mới. Các bệnh đậu mùa, sốt rét, dịch tả, đã có kháng sinh: ký ninh, thuốc thuỷ đậu. Các thầy thuốc đông y hoạt động có hiệu quả.
Cuộc kháng chiến càng phát triển đến giai đoạn kết thúc, càng đòi hỏi hậu phương Nghệ An phải huy động gấp bội sức người, sức của trong nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Muốn kháng chiến hoàn toàn thắng lợi, dân chủ nhân dân được thực hiện phải thiết thực nâng cao quyền lợi kinh tế và chính trị của nông dân, phải chia ruộng đất cho nông dân”1.
Tháng 3/1953, TW Đảng, Quốc hội và Chính phủ thông qua Nghị quyết về công tác phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất trong kháng chiến.
Tháng 6/1953, phong trào phát động quần chúng đấu tranh triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức được thí điểm ở một số xã ở Diễn Châu, Nghi Lộc, Yên Thành.
8. Nhân dân Quỳnh Mai với cuộc đấu tranh chống dây dưa thuế vận động giảm tô, giảm tức, đấu tranh chính trị.
Hưởng ứng chủ trương của Tỉnh uỷ phát động trong toàn tỉnh đợt đấu tranh chống phần tử dây dưa thuế nông nghiệp. Quỳnh Lưu và vùng Quỳnh Mai đi đấu tranh vào một số nhà giàu nhiều ruộng đất như Bang Diễn, Mậu Phớt, Bộ Nhiệm…
Cuộc đấu tranh chống dây dưa thuế ở Quỳnh Mai khá nhẹ nhàng vì hàng chục gia đình ở Thiện Kỵ, Thọ Vinh, Quý Vinh, làng Ưa đều tự ý thức về trách nhiệm của mình trong thực hiện Sắc lệnh thuế của Chính phủ và biết được ý nghĩa của việc đóng thuế để quân đội ăn no đánh thắng, …
Cuộc đấu tranh chính trị tuy có làm giảm uy thế của các chức sắc thời phong kiến đế quốc, bọn địa chủ cường hào, nhưng các Chi bộ, Chính quyền xã không tránh khỏi sai lầm là không chỉ đạo được phong trào nông dân đấu tranh theo mục tiêu đã đề ra, mà phát triển theo xu thế tự phát, đụng chạm đến một số người từng tham gia lãnh đạo kháng chiến làm ảnh hưởng đến chính sách mặt trận của Đảng, đụng chạm đến khối đại đoàn kết dân tộc.
Tuy nhiên Đảng đã kịp thời nhận ra sai lầm và tiến hành một cuộc tự phê bình kiểm điểm, kịp thời sửa chữa, xây dựng niềm tin cho toàn dân lúc này là: “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả cho chiến thắng”.
Đầu năm 1953, sau khi thất bại ở chiến dịch Tây Bắc, quân Pháp rút hết tàn quân về xây dựng tuyến phòng thủ Thượng Lào, biến thị xã Sầm Nưa thành một cứ điểm mạnh đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở miền Bắc Đông Dương.
Hai tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An được giao trọng trách phục vụ chiến dịch này. Quỳnh Lưu, Hoàng Mai đã đáp ứng đủ quân, lương cho chiến dịch.
Tháng 4/1953, quân tình nguyện Việt Nam, chủ yếu là Thanh - Nghệ cùng phối hợp với quân giải phóng Lào đã mở chiến dịch Thượng Lào và đã giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, và một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phong Sa Lỳ.
Chiến thắng Thượng Lào có ý nghĩa chiến lược đối với cuộc kháng chiến của nhân dân 2 dân tộc Việt – Lào, mở ra cục diện mới trên chiến trường Đông Dương. Kế hoạch bao vây uy hiếp khu Việt Bắc và Tây Bắc của thực dân Pháp bị phá vỡ. Đối với vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh chiến thắng Thượng Lào đã chọc thủng vành đai phong toả của địch ở phía Tây, bảo vệ hậu phương, tạo điều kiện phối hợp chiến đấu giữa lực lượng vũ trang các tỉnh vùng biên giới nước ta với nước Lào anh em.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đưa đến ký kết hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình Đông Dương có sự đóng góp to lớn của nhân dân Nghệ An về sức người, sức của. Trong đó Nghệ An có tám vạn thanh niên tòng quân, 10.630 thanh niên xung phong, 927.447 lượt dân công, 680 người con ưu tú của Nghệ An (nhiều nhất cả nước) mãi mãi nằm lại với đất trời Tây Bắc1. Riêng Xã Quỳnh Mai có: Hơn 300 thanh niên tòng quân, hơn 100 thanh niên xung phong, hơn 3000 lượt dân công, 47 liệt sỹ. Ở xã Quỳnh Vinh có: Hơn 100 thanh niên tòng quân, 19 người thanh niên xung phong, hơn 1000 lượt dân công, có 16 liệt sỹ (nhiều nhất các xã trong vùng Hoàng Mai) (Quỳnh Dị: 13, Quỳnh Thiện: 9, Quỳnh Trang: 7)[4]
Ch¬ng V
quúnh vinh víi sù nghiÖp c¶i t¹o, x©y dùng chñ nghÜa x· héi vµ chèng mü cøu níc
I. C«ng cuéc kh«i phôc kinh tÕ vµ ph¸t triÓn x· héi (1954 - 1957).
N¨m 1954, sau chiÕn th¾ng lÞch sö §iÖn Biªn Phñ, hiÖp ®Þnh Gi¬nev¬ , miÒn B¾c níc ta hoµn toµn ®îc gi¶i phãng. Nh©n d©n c¶ níc bíc sang thêi kú lÞch sö míi, miÒn B¾c thùc hiÖn ®ång thêi hai nhiÖm vô c¸ch m¹ng: x©y dùng Chñ nghÜa x· héi ë miÒn B¾c, ®Êu tranh gi¶i phãng miÒn Nam thùc hiÖn thèng nhÊt níc nhµ.
Ngµy 25/4/1954, x· Quúnh Mai ®îc chia t¸ch thµnh 4 x·: Quúnh Vinh, Quúnh Trang, Quúnh ThiÖn vµ Quúnh DÞ.
Trong 9 n¨m trêng kú kh¸ng chiÕn Hoµng Mai nãi riªng Thanh - NghÖ TÜnh thuéc vïng tù do, trong s¶n xuÊt n¨ng suÊt c©y trång cha thËt t¨ng m¹nh. Nh÷ng n¨m cuèi cña kh¸ng chiÕn, thiªn tai liªn tiÕp x¶y ra, h¹n h¸n, lôt b·o lµm cho mïa mµng thiÖt h¹i kh¸ lín. §ång ruéng tõ ®Ëp ng¨n mÆn ®Õn c¸c khe suèi, cån b·i ®Òu ®îc khai hoang phôc hãa nh hè §ång Mü, hè Trän, hè Nhãc ®îc cÊy lóa mét vô mêi. §ång xa nh khe R¸ch, C©n Trµu, ®ång Kin ®Òu ®îc khai ph¸ tËn ch©n nói ®Ó lµm ruéng lóa. Sau mét n¨m diÖn tÝch ®· t¨ng h¬n hµng chôc mÉu, n¨ng suÊt lóa níc b¾t ®Çu t¨ng, nhê cã cã nhiÒu ph©n xanh, ph©n gia xóc.
N¨m 1954, gi¶m t« b×nh qu©n ruéng ®Êt 1,5 sµo/ngêi nhiÒu gÊp 3 lÇn hiÖn nay (2009). Sè ®¶ng viªn cña Chi bé Quúnh Vinh cã 39 ®ång chÝ, BÝ th ®ång chÝ Lª ThÞ Vang vµ tiÕp ®Õn lµ ®ång chÝ Lª V¨n Tr¬ng. Chñ tÞch UBHC lµ ®ång chÝ NguyÔn XiÓn, Phã Chñ tÞch lµ «ng Lª Th¹c Lam.
1. X©y dùng §¶ng, chÝnh quyÒn tiÕn hµnh kh«i phôc kinh tÕ vµ thùc hiÖn kÕ ho¹ch 5 n¨m lÇn thø nhÊt
Ph¸p lÖnh gi¶m t« ®· ®îc thùc hiÖn, ®Þa chñ, phó n«ng ph¶i tho¸i t« cho n«ng d©n, ruéng ®Êt n«ng d©n b¸n cho ®Þa chñ, phó n«ng ngµy tríc ®îc quyÒn chuéc l¹i (kÓ c¶ ruéng ®Êt b¸n ®î vµ b¸n ®o¹n) v× vËy hÇu hÕt n«ng d©n ®· cã ruéng cµy ®Ó b¶o ®¶m ®êi sèng.
Kinh tÕ rõng ngµy cµng ph¸t triÓn: N¹i chÌ, n¹i chuèi nh KÏm C©n Só, Cá HÑ vÒ sau më réng sang c¶ rõng Thanh Hãa nh Khe Trï, Dèc §©m, Mu Cua, ...
Chi bé §¶ng l·nh ®¹o nh©n d©n thùc hiÖn cuéc c¶i c¸ch ruéng ®Êt
Th¸ng 3 n¨m 1955, ba huyÖn DiÔn, Yªn, Quúnh ®îc tØnh chän lµm thÝ ®iÓm vÒ c¶i c¸ch ruéng ®Êt. Chi bé §¶ng Quúnh Vinh ®îc kiÖn toµn ®Æc biÖt lµ tõ khi cã ®éi c¶i c¸ch vÒ x·.
BÝ th lµ ®ång chÝ Lª LËp, mét ®¶ng viªn tiÕn bé nhanh chãng tõ mét cè n«ng víi lßng yªu níc, yªu c¸ch m¹ng cã b¶n lÜnh ý chÝ quyÕt t©m c¸ch m¹ng cao ai còng kÝnh nÓ. Phã BÝ th Chñ tÞch lµ ®ång chÝ NguyÔn Xu©n LÞch, mét ngêi c¬ng trùc chÞu khã kh«ng nÒ hµ mét c«ng viÖc nµo miÔn lµ phôc vô cho c¸ch m¹ng, cho nh©n d©n.
N¨m (1955-1956), Phã Chñ tÞch lµ bµ Lª ThÞ §¶m ®¶m ®ang, kiªn nghÞ ®· tõng lµm thÈm ph¸n trong c¸c phiªn tßa trong thêi kú c¶i c¸ch ruéng ®Êt.
Søc sèng m¹nh liÖt cña ngêi lao ®éng n«ng d©n n«ng th«n, khÈu hiÖu “ngêi cµy cã ruéng”, “cã khæ, nãi khæ n«ng d©n vïng lªn” ®· ®îc thùc hiÖn. ThÓ hiÖn ch©n lý lao ®éng lµ vinh quang lµ lÏ sèng tèt ®Ñp, ch©n chÝnh nhÊt lµ sù trêng tån cña x· héi. Trong c¶i c¸ch ruéng ®Êt c¶ x· cã 53 ®Þa chñ. Ruéng ®Êt, nhµ cöa, vËt dông ®· tÞch thu chia cho bÇn cè n«ng lµ tÇng líp n«ng d©n nghÌo.
C¶i c¸ch ruéng ®Êt lµ mét cuéc ®Êu tranh chÝnh trÞ rÊt quan träng ®· h¹ ®îc thÕ lùc ®Þa chñ cêng hµo trong n«ng th«n, tÞch thu hµng tr¨m mÉu ruéng, hµng tr¨m tÊn lóa vµ dông cô s¶n xuÊt chia cho bÇn cè n«ng. §Þa vÞ cña n«ng d©n lao ®éng nãi chung ®· ®îc n©ng cao, trë thµnh ngêi lµm chñ cña ®Êt níc.
Cuéc c¶i c¸ch ruéng ®Êt thu ®îc nhiÒu th¾ng lîi to lín. §ã lµ kÕt qu¶ thùc hiÖn c¬ng lÜnh cña §¶ng nªu ra tõ n¨m 1930 “§éc lËp d©n téc, ngêi cµy cã ruéng”.
Song cuéc c¶i c¸ch ruéng ®Êt còng ®· ph¹m ph¶i mét sè sai lÇm, ®ã lµ sù ngé nhËn vÒ tiªu diÖt phong kiÕn, c¸c di tÝch v¨n hãa xa ®Ó l¹i ®Òu bÞ ®èt ph¸. B»ng s¾c thêi phong kiÕn, c¸c di chØ, chïa chiÒn, miÕu m¹o kh«ng ®îc coi träng.
Tõ cuèi th¸ng 10/1956, Quúnh Vinh b¾t ®Çu thùc hiÖn chñ tr¬ng söa sai, díi sù l·nh ®¹o cña cÊp ñy §¶ng, c¸c cÊp chÝnh quyÒn, nh©n d©n thùc hiÖn tèt chñ tr¬ng söa sai cña §¶ng. Phôc håi §¶ng tÞch cho nh÷ng ®¶ng viªn bÞ xö trÝ sai, tr¶ l¹i thµnh phÇn cho nh÷ng ngêi bÞ quy sai. TiÕn hµnh kiÖn toµn c¸c tæ chøc ®oµn thÓ chÝnh trÞ x· héi t¹o ®îc sù ®oµn kÕt nhÊt trÝ trong §¶ng, trong d©n. §Èy m¹nh phong trµo thi ®ua ph¸t triÓn kinh tÕ v¨n hãa.
2. X©y dùng ®êi sèng v¨n hãa.
§éi v¨n nghÖ x· ®îc thµnh lËp do «ng TrÇn Dôc, lµm trëng ban. V¨n nghÖ quÇn chóng ph¸t triÓn tõ nh÷ng ®iÖu móa hßa b×nh tng bõng, tõ nh÷ng ®iÖu móa hiÖn ®¹i ®îc quÇn chóng hãa, giµ, trÎ, trai, g¸i ai còng cã thÓ tham gia nh¶y móa ®îc. S©n ®×nh, s©n vËn ®éng ®Òu cã thÓ lµ s©n khÊu d· chiÕn diÔn ho¹t c¶nh sinh ho¹t ®êi thêng. §éi v¨n nghÖ x· ph¸t triÓn nhanh, trë thµnh ®éi chuyªn nghiÖp cña ®Þa ph¬ng. Trang thiÕt bÞ tù tóc nhng rÊt ®Çy ®ñ, t¬ng ®¬ng víi ®éi chuyªn nghiÖp cña Nhµ níc. §éi v¨n nghÖ ®· cö ngêi ra tËn r¹p Kim Phông ë Hµ Néi ®Ó häc c¸ch trang trÝ s©n khÊu vµ hãa trang cho c¸c diÔn viªn.
C¸c vë diÔn tuång béi nh: Nî níc thï nhµ (Hai Bµ Trng), Ph¹m C«ng Cóc Hoa, ChÌo Quan ©m ThÞ KÝnh; ngoµi ra rÊt nhiÒu vë tù s¸ng t¸c nh C«ng tr¸i quèc gia, ®ãng nhanh thãc tèt,.... vµ nhiÒu vë chÌo, tuång ®îc «ng TrÇn T¶i c¶i biªn s¸ng t¸c, mét vµi th¸ng diÔn mét lÇn, nh©n d©n xem rÊt ®«ng vµ nhiÖt liÖt t¸n thëng, nhÊt lµ giäng h¸t cña bµ Thanh Dùc, ....«ng NguyÔn Xu©n §oµn vµ nhiÒu diÔn viªn nghiÖp d kh¸c tµi n¨ng ®îc nh©n d©n mÕn mé.
Th¬ ca, hß vÌ ®îc nhiÒu ngêi s¸ng t¸c, thÓ hiÖn niÒm vui, søc sèng m·nh liÖt cña nh©n d©n sau chiÕn tranh chèng Ph¸p, tiªu biÓu lµ «ng TrÇn L©n, «ng gi¸o Lª Sü ThiÒm ca ngîi con ngêi Quúnh Vinh cÇn cï, s¸ng t¹o, sù bËn rén vÊt v¶ cña ngêi phô n÷, vÒ vÎ ®Ñp duyªn d¸ng, kháe m¹nh:
Ngµy hai m¬i buæi trÌo non
ThÕ mµ vÉn ®Ñp vÉn gißn hìi anh
N¹i chÌ, khe Dò, C©n Chanh, §µng §éng, ... qu¶ lµ ngµy kh«ng ph¶i 2 trËn trÌo non mµ kh«ng biÕt bao nhiªu lÇn, c¸c c« vÉn ®Ñp, vÉn gißn. Råi mËt ngät, gõng cay, ®¾m say quª mÑ, nçi niÒm cña nh÷ng ngêi con g¸i ph¶i lÊy chång ë lµng xa.
Nhí l¹i: Dï trÌo non con vÉn ®Ñp vÉn gißn
Bao nhiªu ch½n lÏ, nÐt son ®Ëm ®µ.
Võa h¸i chÌ c¸c c« g¸i võa h¸t hß rÊt yªu ®êi. Ngµy ®i h¸i chÌ, ®ªm vÒ c¸c chÞ em häc b×nh d©n häc vô, xãm nµo còng cã tõ mét ®Õn 3 líp, líp 4 c¶ xãm cã 1 líp.
Con g¸i x· Quúnh Vinh tríc n¨m 1957 ®i häc phæ th«ng rÊt Ýt, hÇu hÕt lµ häc b×nh d©n häc vô vµo ban ®ªm
N¨m1947-1950, «ng Long lµ Trëng ban b×nh d©n häc vò, hµng n¨m ®Òu cã thi häc viªn giái. ¤ng Lª §¨ng V©n lµ häc viªn giái n¨m (1951-1952), lÇn thi häc viªn giái ®Çu tiªn cña x·.
Sù tiÕn bé trong ®êi sèng v¨n hãa míi: Ma chay, cíi xin nhÑ nhµng, tiÕt kiÖm, ®¸m cíi chØ cã trÇu cau, chÌ níc, kÑo b¸nh vµ kh«ng mõng rì.
Tríc kia cuèi §«ng, ®Çu Xu©n thêng x¶y ra n¹n dÞch ®Ëu mïa, kh«ng trõ ai, trÎ m¾c, giµ còng bÞ, hËu ®Ëu cã ngêi tö vong, cã ngêi mang di chøng c¶ ®êi. Sau C¸ch m¹ng Th¸ng 8 n¨m 1945 cho ®Õn 1960 bÖnh dÞch ®Ëu mïa ®· ®îc tiªm chñng chu ®¸o, nªn thi tho¶ng míi cã mét vµi ngêi bÞ sëi, ®Ëu mïa.
Thêi kú 1955-1958, b¾t ®Çu xuÊt hiÖn c¸c tæ ®éi c«ng, tËp ®oµn s¶n xuÊt, phêng héi. Trong s¶n xuÊt ®· t¹o ®îc søc m¹nh céng ®ång ®Ó khai hoang phôc hãa, khai th¸c tµi nguyªn ë nói rõng. Phêng héi ph¸t triÓn ®· t¹o ®îc Ýt vèn cho s¶n xuÊt bu«n b¸n. Tiªu biÓu lµ phêng xe ®¹p thå chÌ xanh ra c¸c chî ë Thanh Hãa b¸n. Nhê vËy viÖc tiªu thô chÌ hµng ngµy cña nh©n d©n trong x· rÊt tèt, phêng lµm nhµ, phêng n¬ng rÉy, ë rõng (phêng n¹i rau, phêng n¹i lóa).
Giao th«ng ®êng s¸ ®îc söa sang, cÇu cèng ®îc tu s÷a,... §Æc biÖt n¨m (1955-1956), ®· b¾c cÇu qua s«ng Hoµng Mai ë vÞ trÝ tõ xãm Quý sang xãm Yªn Léc b»ng vËt liÖu b»ng ®êng ray, ®êng tµu Ph¸p vµ mÆt l¸t v¸n. Ngêi ®èc c«ng lµ «ng Ký TÞnh t¹o thuËn lîi cho viÖc ®i l¹i hai xãm, ®Æc biÖt lµ häc sinh lµng Nhåi ®i häc ë trêng CÊp 1 Quúnh Vinh vµ cÊp 2 Hoµng Mai.
NghÒ ®óc g¹ch còng b¾t ®Çu ph¸t triÓn. Lóc tríc cã «ng TrÇn V¨n Th¬ng sau ®ã «ng Bïi §×nh Lan vµ tiÕp ®ã lµ tæ hîp «ng NguyÔn §×nh Thµnh vµ «ng Lª Th¹c TËp lËp lß s¶n xuÊt g¹ch ngãi t¹i ®ång GiÕng T¸y. S¶n phÈm cña c¸c «ng ®· x©y dùng ®îc nhiÒu c«ng tr×nh cña tËp thÓ, nh©n d©n vµ gia ®×nh trong vµ ngoµi x·.
Sau ba n¨m kh«i phôc kinh tÕ Chi bé §¶ng ®· l·nh ®¹o nh©n d©n kh¾c phôc khã kh¨n ®a ®êi sèng vËt chÊt vµ tinh thÇn lªn vît bËc “Mét ngµy b»ng mÊy m¬i n¨m”. 88% nhµ ë cña d©n ®· ®îc ngãi hãa, qu¶ lµ mét vïng n«ng th«n Ýt cã ë miÒn B¾c håi bÊy giê.
II. §¶ng bé Quúnh Vinh l·nh ®¹o nh©n d©n c¶i t¹o XHCN (1958-1960).
Vµo cuèi n¨m 1959, phong trµo x©y dùng HTX ra ®êi, ban ®Çu mçi HTX chØ cã 25-30 hé, mçi xãm 1 HTX, mçi xãm 2-3 HTX. HTX mua b¸n mËu dÞch Quèc doanh cña Hoµng Mai còng ra ®êi.
Héi nghÞ TW lÇn thø XIV häp vµo th¸ng 12 n¨m 1958 ®· x¸c ®Þnh râ nhiÖm vô cña miÒn B¾c trong nh÷ng n¨m ®Çu cña thËp kû 60 lµ: “§Èy m¹nh cuéc c¸ch m¹ng XHCN, träng t©m tríc m¾t lµ c¶i t¹o XHCN ®èi víi thµnh phÇn kinh tÕ t b¶n ,t doanh, ra søc ph¸t triÓn thµnh phÇn kinh tÕ quèc doanh, ®a kinh tÕ quèc doanh thµnh lùc lîng chñ ®¹o toµn bé nÒn kinh tÕ XHCN. Trong khi tiÕn hµnh c¶i t¹o XHCN vµ x©y dùng CNXH ph¶i lu«n ®Ò cao c¶nh gi¸c, kiªn quyÕt ®Ëp tan mäi ©m mu vµ hµnh ®éng ph¸ ho¹i cña bän ph¶n ®éng,... ®ång thêi ph¶i tiÕn hµnh c«ng t¸c gi¸o dôc c¶i t¹o t tëng vµ v¨n hãa, coi ®ã lµ mét bé phËn quan träng, kh¨ng khÝt cña nhiÖm vô c¶i t¹o XHCN vµ x©y dùng CNXH. NhiÖm vô cña §¶ng bé ®Ò ra thùc hiÖn nghiªm tóc NghÞ QuyÕt TW, NghÞ quyÕt cña HuyÖn ñy lµ tËp trung cao ®é cho ph¸t triÓn kinh tÕ vµ ph¸t triÓn v¨n hãa. §Õn ®Çu n¨m 1960, Quúnh Vinh ®· hoµn thµnh x©y dùng HTX cÊp thÊp trong toµn x· víi 11 HTX, riªng xãm §«ng cã 3 HTX.
Nh÷ng HTX míi thµnh lËp lµm ¨n khÊm kh¸, ¨n chia tiÒn thãc lóa vµ tiÒn c«ng, nhiÒu gia ®×nh kh¸ h¬n lµm ¨n riªng lÎ.
C¸ch thøc lµm ¨n tËp thÓ theo nhãm víi c¸c c«ng viÖc ë ®ång ruéng vµ n¬ng rÉy, ruéng ®Êt, tr©u bß, dông cô s¶n xuÊt, n¹i chuèi, n¹i chÌ ®Òu tËp trung vµo HTX, hµng vô ®îc chia theo khÈu phÇn vµ theo c«ng ®iÓm cña mçi gia ®×nh lµm ®îc, hµng th¸ng ®îc chia tiÒn c«ng vµ hoa lîi cña n¹i chuèi, n¹i chÌ. Cuéc sèng cña nh÷ng n¨m HTX cÊp thÊp kh¸ dÔ chÞu. C«ng ®iÓm lµ nguån thu chñ yÕu cña c¸c gia ®×nh x· viªn. Giai ®o¹n nµy, lóa s¶n xuÊt chñ yÕu lµ vô 10, vô 5 rÊt Ýt.
Mçi n¨m gia ®×nh nhiÒu lao ®éng cã thÓ thu ®îc 1,5-1,7 tÊn thãc, ngoµi ra tiÒn c«ng ®ñ ®Ó chi hµng ngµy. Ch¨n nu«i ph¸t triÓn chËm, lîn nu«i cña c¸c gia ®×nh hµng n¨m ®ñ ®ãng nghÜa vô cho nhµ níc, d thõa kh«ng ®¸ng kÓ cho nªn kinh tÕ n«ng nghiÖp chñ yÕu lµ trång trät. Nghµnh nghÒ thñ c«ng nghiÖp ®Òu ®îc ®a vµo qu¶n lý trong HTX n«ng nghiÖp nh rÌn, méc, s¬n trµng...
Cuèi n¨m (1959 -1960), víi t tëng chØ ®¹o quyÕt liÖt, nhiÒu hé gia ®×nh viÕt ®¬n vµo HTX mét c¸ch å ¹t, vi ph¹m nguyªn t¾c tù nguyÖn. Phong trµo x©y dùng HTX cßn mang nhiÒu yÕu tè chñ quan, cha thÊu ®¸o vÒ XHCN, ®ång nhÊt hîp t¸c hãa vµ tËp thÓ hãa; chØ chó träng nhiÒu ®Õn viÖc gi¶i quyÕt vÊn ®Ò së h÷u t liÖu s¶n xuÊt (®ãng gãp ruéng ®Êt, tr©u bß, t liÖu s¶n xuÊt lµm chung) cha thùc sù chó ý ®Õn c«ng t¸c qu¶n lý, c«ng t¸c ®µo t¹o c¸n bé qu¶n lý HTX.
C«ng t¸c v¨n hãa x· héi víi ph¬ng ch©m ph¸t triÓn gi¸o dôc, y tÕ c¶ vÒ c«ng lËp vµ d©n lËp, x· cã 1 tr¹m x¸, cã c¶ ®«ng y vµ t©y y. Tr¹m trëng lµ «ng TrÇn Ngo¹n.
Trong x· cã 2 trêng cÊp 2 phæ th«ng n«ng nghiÖp vµ phæ th«ng. Nhê cã trêng phæ th«ng n«ng nghiÖp cho nªn con em x· nhµ vµ c¸c x· l©n cËn cã ®iÒu kiÖn häc v¨n hãa hÕt cÊp 2.
Phong trµo thi ®ua yªu níc ngµy cµng ph¸t triÓn tèt. Phong trµo lµm ph©n xanh, trång khoai ô ®îc nh©n d©n ®ång t×nh hëng øng. Ph©n ®¹m cã mét sè hé b¾t ®Çu sö dông cã hiÖu qu¶, s¶n lîng l¬ng thùc ngµy cµng t¨ng.
III. §¶ng bé Quúnh Vinh l·nh ®¹o nh©n d©n thùc hiÖn kÕ ho¹ch 5 n¨m lÇn thø nhÊt (1961-1965).
§¹i héi toµn quèc lÇn thø III tõ ngµy 5/9 ®Õn ngµy 12/9/1960 cña §¶ng Lao ®éng ViÖt Nam ®· ®Ò ra ®êng lèi chung cho c¸ch m¹ng XHCN ë miÒn B¾c níc ta vµ ®Êu tranh thèng nhÊt ®Êt níc
NhiÖm vô 5 n¨m lÇn thø nhÊt vÒ ph¸t triÓn kinh tÕ, x· héi lµ thùc hiÖn c¶i t¹o XHCN ®èi víi n«ng nghiÖp, thñ c«ng nghiÖp, th¬ng nghiÖp nhá vµ c«ng th¬ng nghiÖp t b¶n, t doanh; ph¸t triÓn thµnh phÇn kinh tÕ quèc doanh; thùc hiÖn c«ng nghiÖp hãa XHCN b»ng c¸ch u tiªn ph¸t triÓn c«ng nghiÖp nÆng mét c¸ch hîp lý, ®ång thêi ra søc ph¸t triÓn n«ng nghiÖp vµ c«ng nghiÖp nhÑ; ®Èy m¹nh c¸ch m¹ng XHCN vÒ t tëng v¨n hãa vµ kü thuËt, biÕn níc ta thµnh mét níc XHCN cã c«ng nghiÖp, n«ng nghiÖp hiÖn ®¹i, v¨n hãa vµ kü thuËt tiªn tiÕn.
§Ó thùc hiÖn NghÞ quyÕt cña HuyÖn ñy vµ cña ®¹i héi §¶ng bé x·, nh©n d©n ®· kh«ng ngõng phÊn ®Êu. §©y còng lµ thêi kú ®Çy gian khã cña ®Þa ph¬ng.
N¨m 1961, Chi bé §¶ng Quúnh Vinh ®îc n©ng lªn thµnh §¶ng bé (®ång chÝ Hoµng §×nh Tr¬ng-BÝ th, ®ång chÝ Lý Xu©n Nh·n-Phã BÝ th).
Tæ chøc HTX n«ng nghiÖp tõ ph¹m vi th«n lªn liªn th«n cña x· tõ 11HTX nay hîp thµnh 3 HTX. Qu¶n lý s¶n xuÊt ngµy cµng phøc t¹p h¬n giai ®o¹n tËp thÓ hãa tÊt c¶ t liÖu s¶n xuÊt vµ lao ®éng (kÓ c¶ lao ®éng phô vµ lao ®éng chÝnh).
Nh÷ng n¨m th¸ng cña nöa ®Çu thËp kû 60 vÊn ®Ò nhËn thøc cña c¸n bé ®¶ng viªn cã phÇn kh¾c nghiÖt vÒ 2 con ®êng: X· héi chñ nghÜa vµ t b¶n chñ nghÜa. Quan niÖm tÊt tËt cña c¶i x· héi lµ cña tËp thÓ, kh«ng ph¸t huy vai trß c¸ nh©n s¸ng t¹o s¶n xuÊt trong céng ®ång. Cha hiÓu thÊu ®¸o vÒ quy luËt ph¸t triÓn kinh tÕ x· héi, non yÕu vÒ c«ng t¸c qu¶n lý HTX.
§¹i héi ®¹i biÓu huyÖn Quúnh Lu lÇn thø VII, lÇn thø VIII ®Òu x¸c ®Þnh: “ph¶i ®Æt träng t©m vµo l·nh ®¹o ph¸t triÓn n«ng nghiÖp, ph¶i lÊy viÖc gi¶i quyÕt ®¶m b¶o l¬ng thùc, thùc phÈm lµm nhiÖm vô cÊp b¸ch, cè g¾ng kh¾c phôc t×nh tr¹ng thiÕu ®ãi”.
Thùc hiÖn NghÞ quyÕt cña HuyÖn ñy phong trµo thi ®ua c¶i t¹o ®ång ruéng lµm vì bê vòng, bê thöa vµ hÖ thèng tíi tiªu ë c¸c vïng ®ång s©u, vïng b¸n s¬n ®Þa trªn toµn huyÖn rÊt s«i næi. §i ®«i víi phong trµo c¶i t¹o ®ång ruéng viÖc c¶i tiÕn c«ng cô s¶n xuÊt còng ®îc chó ý “bá cµy ch×a v«i lªn ng«i 51” sö dông bõa cá c¶i tiÕn t¹o ®îc thuËn lîi cho c«ng t¸c lµm cá trªn ®ång ruéng.
Quúnh Vinh lóa chØ 1 vô, vô 5 chñ yÕu lµ khoai mµu. H¹n h¸n ®e däa nghiªm träng cã n¨m mÊt mïa ¶nh hëng rÊt lín ®Õn ®êi sèng cña nh©n d©n, c«ng lao ®éng qu¸ thÊp, mét c«ng chØ cã 5-6 l¹ng thãc. ViÖc ®a gièng lóa míi vµo s¶n xuÊt bíc ®Çu cã hiÖu qu¶ tèt nh gièng T©n Ch©u Lïn, ER vµ lóa bµo thai cã phÇn thÝch hîp víi ®ång ruéng Quúnh Vinh, thay thÕ gièng lóa lèc mì, lóa tr¾ng lo¹i cæ xa cña ®Þa ph¬ng.
C«ng t¸c thñy lîi cña x· ®îc chó ý quan t©m: §ª Bung ®îc ®¾p tõ n¨m 1957 ®îc s÷a ch÷a l¹i, ®Ëp §ång Lµng tíi 20ha, ®Ëp Tròng tíi 10ha, ®Ëp §ång Th¹ch, ®Ëp CÇm Kú. HÖ thèng ®ª ®Ëp, tíi tiªu ®îc quan t©m, s¶n xuÊt ë mét sè c¸nh ®ång cña x· cã phÇn thuËn lîi h¬n tríc rÊt nhiÒu.
Mét c«ng viÖc quan träng ®Ó ph¸t triÓn kinh tÕ, n©ng cao ®êi sèng nh©n d©n lµ khai hoang, di d©n, ®iÒu hßa mËt ®é d©n sè (d©n gÇn ruéng).
Quúnh Vinh cã nh÷ng c¸nh ®ång xa d©n kho¶ng 8-9km nh: §ång Kin, C©y Trµu, Khe R¸ch, ®ång Lµng Däc rÊt khã kh¨n cho viÖc canh t¸c.
N¨m 1963 chñ tr¬ng cña HuyÖn ñy vµ NghÞ quyÕt cña §¶ng ñy x· Quúnh Vinh lµ di d©n, lËp 1 xãm míi gäi lµ T©n Hïng víi 64 hé, mçi Chi bé cö 3 ®¶ng viªn, c«ng t¸c di d©n bíc ®Çu thu ®îc nh÷ng th¾ng lîi, ®îc TØnh, HuyÖn tuyªn d¬ng. D©n gÇn ruéng ®i lµm ®ång ®ì vÊt v¶ h¬n, song chç ë míi còng n¶y ra mu«n vµn khã kh¨n, ®Æc biÖt lµ thñy lîi kh«ng cã, h¹n h¸n kÐo dµi triÒn miªn v× vËy cã hé ë lµng míi T©n Hïng, mét thêi gian ®· chuyÓn ®i vïng kh¸c ®Ó sinh sèng, chñ yÕu lµ ®Ó tr¸nh vïng chiÕn ®Þa bÞ ®¸nh ph¸ hµng ngµy, (tõ 1966-1968), di d©n lªn c¸c vïng T©n B×nh, T©n An, T©n Hoa vµ mét sè vïng nhá lÎ kh¸c.
Chñ tr¬ng di d©n, gi·n d©n lµ chñ tr¬ng ®óng ®¾n vµ kÞp thêi cña ®Þa ph¬ng, t¹o sù ph¸t triÓn toµn diÖn cña ®Þa ph¬ng.
Thùc hiÖn tèt ®êng lèi chñ tr¬ng cña §¶ng vµ ChÝnh phñ, ®· gãp phÇn t¹o dùng ®îc nÒn t¶ng c¬ së chÝnh trÞ, qu©n sù v÷ng ch¾c, ý chÝ kiªn ®Þnh lËp trêng cña mçi ®¶ng viªn vµ quÇn chóng, tÊt c¶ cho sù nghiÖp chung cña §¶ng, cña d©n téc, thèng nhÊt ®Êt níc.
IV. §¶ng bé Quúnh Vinh l·nh ®¹o thùc hiÖn nhiÖm vô s¶n xuÊt, chiÕn ®Êu trong sù nghiÖp chèng Mü cøu níc gi¶i phãng miÒn Nam thèng nhÊt ®Êt níc (1965 – 1975).
1. §¶ng bé Quúnh Vinh l·nh ®¹o nh©n d©n thi ®ua s¶n xuÊt s½n sµng chiÕn ®Êu, gãp phÇn ®¸nh th¾ng cuéc chiÕn tranh ph¸ ho¹i lÇn thø nhÊt cña ®Õ quèc Mü (1964 - 1969).
Ngµy 5/8/1964, giÆc Mü ®¸nh ph¸ ra miÒn B¾c lÊy cí vÒ sù kiÖn vÞnh B¾c Bé. vµ h¶i qu©n ViÖt Nam tÊn c«ng tµu chiÕn cña Mü ë h¶i phËn quèc tÕ.
ChiÒu ngµy 5/8/1965, nh÷ng tèp m¸y bay ph¶n lùc cña Mü ®· ®¸nh ph¸ nhµ m¸y ®iÖn Vinh, kho x¨ng ë BÕn Thñy, c¶ng Cöa Héi, Ýt h«m sau ®¸nh ra nhiÒu ®Þa ®iÓm kh¸c trªn toµn miÒn B¾c. Quúnh Vinh b¾t ®Çu høng chÞu mét lo¹t bom ®¹n Mü xuèng c¸c ®Þa ®iÓm nh: ga Hoµng Mai, cÇu T©y, cÇu §«ng S¸c. Tríc t×nh h×nh míi §¶ng bé vµ nh©n d©n võa s¶n xuÊt, võa chiÕn ®Êu chèng chiÕn tranh ph¸ ho¹i lÇn thø nhÊt cña ®Õ quèc Mü 1964-1968 víi khÈu hiÖu tÊt c¶ cho tiÒn tuyÕn, v× miÒn Nam ruét thÞt. Mçi n¨m hµng tr¨m tÊn thãc nghÜa vô, hµng tr¨m nam n÷ thanh niªn gia nhËp vµo qu©n ®éi, ®éi thanh niªn xung phong, phôc vô chiÕn ®Êu. §Õn th¸ng 3 n¨m 1965, 100 m¸y bay Mü bÞ qu©n d©n miÒn B¾c tiªu diÖt.
Tõ n¨m (1965-1968), cuéc chiÕn tranh ph¸ ho¹i cña ®Õ quèc Mü ngµy cµng ¸c liÖt, giÆc Mü ®· dïng nhiÒu lo¹i bom, bom ®µo, bom ph¸, bom s¸t th¬ng, bom bi, .... ph¸o kÝch tõ biÓn lªn, Quúnh Vinh trë thµnh trung t©m chÞu nhiÒu bom ®¹n. T¹i Hoµng Mai trong ngµy 9/4/1965, ®Õ quèc Mü ®· déi 185 qu¶ bom xuèng cÇu, ga, ®êng s¾t, ®êng bé. C¸c trËn ®Þa ph¸o cao x¹ phèi hîp chÆt chÏ víi d©n qu©n du kÝch ®· b¾n r¬i 2 m¸y bay F4. C¸c chiÕn sü d©n qu©n du kÝch Quúnh Vinh l¨n x¶ trong ma bom b·o ®¹n giµnh giËt tõng thïng, tõng hßm l¬ng thùc, ®¹n dîc, vËn chuyÓn hµng tr¨m tÊn hµng ra khái khu vùc bÞ m¸y bay Mü ®¸nh ph¸.
Ngµy 12/5/1965, ®Õ quèc Mü dïng nhiÒu tèp m¸y bay ph¶n lùc hñy diÖt bÖnh viÖn phong Quúnh LËp suèt m¸y ngµy liÒn, giÕt h¹i 179 ngêi lµm bÞ th¬ng 115 ngêi, ph¸ hñy 226 phßng ë, hµng ngh×n bÖnh nh©n vµ thÇy thuèc cßn l¹i ph¶i sèng trong mµn trêi chiÕu ®Êt.
Quy m« ®¸nh ph¸ cña ®Þch ngµy cµng ¸c liÖt h¬n, tËp trung vµo th¸ng 10, th¸ng 11, cã ngµy chóng nÐm bom, ph¸o kÝch h¬n 20 lÇn vµo c¸c träng ®iÓm cÇu cèng, nhµ ga, ®êng giao th«ng trªn ®Êt Quúnh Vinh.
Nh÷ng n¨m th¸ng chiÕn ®Êu b¶o vÖ m¶nh ®Êt Hoµng Mai ®îc §ç L¬ng B»ng ghi l¹i trong nh÷ng trang nhËt ký: “Ngµy 19-10-1965, ®óng 5 giê 10 phót chiÒu, bæng hai m¸y bay ph¶n lùc A4D xuÊt hiÖn lÇn thø nhÊt bay qua, cù ly gÇn nhÊt 2.200m, ®¬n vÞ kh«ng næ sóng. LÇn thø 2 m¸y bay quay trë l¹i cù ly 3.500m, ®¬n vÞ næ sóng. ChiÕc thø nhÊt cã kh¶ n¨ng bÞ th¬ng. Cßn chiÕc thø 2 khi tiÕng sóng cña ®¬n vÞ m×nh ngõng næ, nh×n lªn bÇu trêi m×nh thÊy mét chiÕc m¸y bay lóc bÊy giê ®· ch¸y thËt råi. M¸y bay bÞ ch¸y l÷a bèc to qu¸, rùc c¶ mét gãc trêi vµ r¬i ngay t¹i châ c¸ch trËn ®Þa 1.500m, giöa tiÕng hoan h« vang nh sÊm cña nh©n d©n Hoµng Mai.
Vµo ngµy 22/10/1965, khi ®ang chuÈn bÞ x¹ kÝch, vµo lóc 6 giê kÐm 15 phót, 8 m¸y bay ph¶n lùc gåm 2 chiÕc F4H vµ 6 chiÕc A4D lao th¼ng vµo trËn ®Þa, §¬n vÞ m×nh kÞp thêi næ sóng. ChiÕc F4H ®i ®Çu bÞ b¾n ch¸y ngay t¹i chç. Bän cßn l¹i ho¶ng hèt cót mÊt.
Nhng chØ 10 phót sau, bän chóng còng cè l¹i ®éi h×nh tiÕp tôc tiÕn c«ng vµo môc tiªu vµ trËn ®Þa cña ta. LÇn nµy chóng ®¸nh ¸c liÖt h¬n. Liªn tôc bæ nhµo c¾t bom vµ phãng rèc-kÐt 20 lÇn vµo cÇu vµ trËn ®Þa ph¸o. Ta b¾n chÊy thªm 2 chiÕc n÷a (Mét F4H vµ 1 A4D). Cay có v× thÊt b¹i ®au ®ín, ®Õn 9 giê 10 phót chóng l¹i ®em 2 chiÕc A4D vµ 1 chiÕc A6A lao vµo. ChiÕc A6A bay lµ lµ trót xuèng cÇu 18 qu¶ bom. ThËt cha tõng thÊy nh÷ng trËn oanh t¹c nµo nh thÕ c¶. LÇn ®Çu tiªn ®¬n vÞ ch¹m tr¸n läa m¸y bay A6A. Cha cã kinh nghiÖm nªn b¾n kh«ng r¬i .... §óng 11 giê 30 phót, 7 chiÕc A4D l¹i vµo tÊn c«ng 1 ®ît n÷a. TrËn nµy thËt ¸c liÖt v« cïng, m¸y bay bæ nhµo bèn phÝa vµo trËn ®×a vµ sµ xuèng rÊt thÊp, díi c¶ tÇng háa lùc ph¸o cña ta, cã nh÷ng lóc ph¸o cña khÈu ®éi m×nh kh«ng tµi nµo b¾n ®îc v× m¸y bay bay thÊp qu¸. LÇn nµy chóng ®¸nh th¼ng vµo trËn ®Þa phßng kh«ng. bom v©y quanh trËn ®Þa. Khãi bom mï mÞt phñ kÝn c¶ bÇu trêi. Nhng trËn ®Þa ë trªn ®åi cao hiÓm trë nªn kh«ng ai viÖc g× c¶. Sau trËn chiÕn ®Êu thø 4 trong ngµy, ®¬n vÞ ®îc lÖnh tèi sÏ xuèng nói vµ c¬ ®éng ban ®ªm ra b¶o vÖ cÇu ®êng bé Hoµng Mai trªn trôc ®êng 1A. §ang chuÈn bÞ cho c¬ ®éng tèi th× l¹i thªm mét trËn chiÕn ®Êu n÷a diÔn ra. 4 chiÕc A4D ®ang lao vµo bæ nhµo vµ c¾t bom ë khu vùc ga Hoµng Mai, lóc nµy lµ 3 giê 20 phót. TrËn chiÕn ®Êu nµy, háa lùc ta cã nh÷ng chïm ®¹n rÊt tèt, nhng ®¹n Ýt qu¸ cha ®ñ ®Ó tiªu diÖt ®îc môc tiªu, kÕt thóc trËn chiÕn ®Êu thø 5 trong ngµy.
Sau khi tiÕn sóng ngõng næ, c¸c ®ång chÝ trong huyÖn Quúnh Lu, ñy ban hµnh chÝnh x· vµ nh©n d©n khu vùc Hoµng Mai lªn trËn ®Þa th¨m hái vµ ®éng viªn ®¬n vÞ chiÕn ®Êu. C¸c ®ång chÝ xuèng tõng hÇm ph¸o ®éng viªn nªn anh em rÊt phÊn khëi. Sù cã mËt cña c¸c c¬ qu©n vµ nh©n d©n khu vùc Hoµng Mai lóc nµy lµm cho m×nh cµng thªm c¶m ®éng vµ cµng t¨ng thªm quyÕt t©m chiÕn ®Êu.
Ngµy 18 th¸ng 11 n¨m 1965, 7 giê 15 phót hai chiÕc m¸y bay A4D bæ nhµo c¾t bom vµo ga. §¬n vÞ næ sóng b¾n th¼ng vµo c¶ hai chiÕc, cïng tham gia chiÕn ®Êu cßn cã C2 víi ph¸o 37ly, 12 ly 7 vµ 14 ly 5, háa lùc t¬ng ®èi m¹nh, thÕ nhng còng ch¼ng cã kÕt qu¶ g×, cha ®Çy 1 giê sau bän chóng l¹i kÐo vµo, lÇn nµy sè lîng ®«ng h¬n: 2 chiÕc F8U vµ 4 chiÕc A4D cïng bæ nhµo liªn tôc xuèng khu vùc tËp kÕt hµng hãa ë ga. Chóng c¾t bom xuèng tíi tÊp, chiÕc th× 2 qu¶, chiÕc th× 4 qu¶, c¸c ®¬n vÞ b¶o vÖ xung quanh khu vùc gia næ sóng gi÷ déi, nhng kÕt qu¶ vÉn kh«ng cã ph¸t ®¹n nµo tróng môc tiªu.
S©u trËn chiÕn, bän m×nh bµn b¹c c¸ch ®¸nh cho hiÖu qu¶ h¬n th× ®ét nhiªn bom l¹i næ tíi tÊp ë ga, 2 chiÕc F8U c¾t bom xuèc vµ ®· lao qua trËn ®Þa. TiÕp sau ®ã lµ bän F8U cø thay nhau bæ nhµo, mÆc cho háa lùc cña m×nh b¾n lªn gi÷ déi. Cã lÇn 2 chiÕc F8U cïng bæ nhµo c¾t bom mét lóc vµ sµ xuèng rÊt thÊp. TrËn ®Þa cña ®¹i ®éi lóc nµy hÇu nh bÞ tª liÖt v× tiÕng gÇm ró cña ®éng c¬ m¸y bay ¸t hÕt c¶ khÈu lÖnh. LÇn nµy bän F8U c¾t bom gi÷ déi h¬n lÇn tríc, mçi chiÕc ®Òu c¾t mét lo¹t 4 qu¶ toµn bom ch÷ thËp (Bom h¬i). Sau mçi ®ît nh thÕ, khãi bom dùng ®øng thµnh nh÷ng cét ®en ngßm kh«ng tan lµm cäc tiªu cho nh÷ng chiÕc sau nh»m cét khãi Êy mµ bæ nhµo xuèng, lóc nµy bän m×nh chØ cßn b¾n ®îc ë giai ®o¹n m¸y bay ngãc lªn th«i. KÕt thóc trËn thø 3 trong ngµy ®¬n vÞ b¾n ch¸y ®îc mét chiÕc F8U vµ r¬i ë x· Quúnh Ph¬ng.
§ang chuÈn bÞ kiÓm tra ®¹n ph¸o th× l¹i ph¶i bíc vµo trËn chiÕn ®Êu thø 4 trong ngµy. TrËn nµy gåm 3 chiÕc A4D bæ nhµo c¾t bom xuèng khu vùc ga, cã chiÕc xuèng rÊt thÊp, ®é cao chØ cßn 300m c¸c ®¬n vÞ næ sóng liªn tôc, lÇn nµy cã kh¶ n¨ng s¸t th¬ng 1 chiÕc. Tëng nh ngµy chiÕn ®Êu h«m nay thÕ lµ ®· kÕt thóc, kh«ng ngê 2 chiÕc A4D l¹i lao vµo trËn ®Þa, lÇn nµy chóng ®¸nh vµo trËn ®Þa ph¸o cña ®¬n vÞ. ChiÕc A4D ®i ®Çu xuèng c¾t xuèng 1 qu¶ bom næ c¹nh c«ng sù khÈu ®éi 3 kho¶ng 10m. Sau khi tiÕng sóng ®¬n vÞ ngõng næ th× toµn khÈu ®é 3 kªu lµ cã mÊy ®ång chÝ bÞ th¬ng. Chóng m×nh th× cßn ph¶i ë l¹i trªn ph¸o cña khÈu ®éi m×nh ®Ó s½n sµng chiÕn ®Êu kh«ng rêi vÞ trÝ ®îc.
Bªn c«ng sù khÈu ®éi 3 lóc nµy cã c¸c ®ång chÝ y t¸, qu©n khÝ, trung ®éi trëng, trung ®éi phã cïng víi c¸c ®ång chÝ chØ huy ®¹i ®éi thay nhau b¨ng bã vÕt th¬ng cho c¸c b¹n ë khÈu ®éi 3. Nhng sau Ýt phót th× TrÇn §øc ¢n (quª ë Hµ Nam) lµ ph¸o thñ sè 5 v× vÕt th¬ng bÞ nÆng qu¸ nªn ®· hy sinh ngay t¹i chç. §/c thø 2 lµ NguyÔn V¨n Phó (cïng quª ë Hµ Nam) lµ ph¸o thñ sè 4, sau khi b¨ng bã xong ®¬n vÞ cho c¸ng lªn tr¹m qu©n y tiÓn ®oµn nhng chØ xuèng tíi ch©n ®åi còng hy sinh v× vÕt th¬ng nÆng. Cßn Nha(Ph¸o thñ sè 3) còng bÞ th¬ng nÆng vµ QuyÕt (khÈu ®éi trëng) còng bÞ th¬ng, hai ®/c nµy ®· ®îc ®a lªn bÖnh x¸ cøu ch÷a, hiÖn giê cïng cha biÕt tin. C¶ khËu ®éi 3 chØ cßn l¹i cã Minh (ph¸o thñ sè 1) vµ Ngo¹n (Ph¸o thñ sè 2) lµ kh«ng bÞ th¬ng”1
KÎ thï kh«ng nh÷ng ®¸nh ph¸ môc tiªu qu©n sù mµ c¶ môc tiªu d©n sù, kh¾p lµng x·, ®ång ruéng, nhiÒu vïng bÞ bom xíi tung lªn nhiÒu lÇn, nhµ cöa s¹t ®æ, tèc m¸i, ph¶i ®¶o ®i ®¹o l¹i mÊy chôc lÇn, mçi ngêi ph¶i chÞu 5 qu¶ bom cha kÓ ®¹n ph¸o 12ly7, rèc kÐt.
Tõ ngµy 5/3/1966 ®Õn 31/3/1968, trªn bÇu trêi Hoµng Mai lµ nh÷ng líi löa ®¹n phßng kh«ng cña qu©n vµ d©n ta, díi mÆt ®Êt lµ khãi bôi cña nh÷ng lo¹t bom ®¹n cña m¸y bay, tµu chiÕn Mü. §Æc biÖt nh÷ng ngµy 25/4/1966 kh«ng nh÷ng Mü nÐm bom xuèng ga Hoµng Mai mµ c¶ c¸c vïng ®åi nói nh Hèc Béc, B¶i G¸o, Hßn Chµm, .... lµng m¹c, ®ång ruéng, nói rõng Quúnh Vinh kh«ng Ýt vïng kh«ng bÞ bom ®¹n Mü ®µo xíi.
Tõ n¨m 1965-1968, cã 427 trËn nÐm bom vµ ph¸o kÝch cña Mü kh«ng kÓ m¸y bay ®¸nh ë c¸c vïng phÝa T©y tØnh khi trë vÒ cßn bom còng trót xuèng Quúnh Vinh råi lao ra biÓn.
Cµng ®¸nh ®Õ quèc Mü cµng thÊt b¹i th¶m h¹i trªn c¶ hai miÒn Nam, B¾c. Ngµy 21/3/ 1968, tæng thèng Mü J«n X¬n buéc ph¶i tuyªn bè nÐm bom h¹n chÕ miÒn B¾c ViÖt Nam tõ vü tuyÕn 20 trë vµo, tõ ®ã nh©n d©n Quúnh Vinh l¹i bíc vµo giai ®o¹n míi: Kh«i phôc kinh tÕ vµ chèng chiÕn tranh ph¸ ho¹i lÇn thø 2.
2. §¶ng bé Quúnh Vinh l·nh ®¹o nh©n d©n kh«i phôc kinh tÕ, chèng chiÕn tranh ph¸ ho¹i lÇn thø 2 cña ®Õ quèc Mü, gãp phÇn cïng toµn tØnh vµ c¶ níc gi¶i phãng miÒn Nam (1969 - 1975).
Kh«i phôc kinh tÕ
Thùc hiÖn nghÞ quyÕt vµ chØ thÞ cña cÊp trªn. §¶ng bé ®· l·nh ®¹o nh©n d©n tËp trung ®Èy m¹nh s¶n xuÊt. C¸c hîp t¸c x· ®îc cñng cè, Chñ nhiÖm HTX xãm §«ng lµ ®ång chÝ NguyÔn Xu©n Lan, xãm §oµi lµ ®ång chÝ Lª Ngoan, xãm Phó lµ ®ång chÝ NguyÔn §×nh Minh, xãm Quý quyÒn Chñ nhiÖm lµ ®ång chÝ Lª §¨ng Th¹o, xãm Vinh Yªn lµ ®ång chÝ Lª Xu©n Th¶.
ChiÕn tranh ph¸ ho¹i lÇn thø nhÊt cña ®Õ quèc Mü, ®ång ruéng loang lç nh÷ng hè bom, c«ng viÖc kh«i phôc l¹i mÆt b»ng c¸c thöa réng gÆp nhiÒu khã kh¨n. DiÖn tÝch canh t¸c bÞ thu hÑp, muèn t¨ng s¶n lîng l¬ng thùc c¸c HTX ph¶i hÕt søc chó träng ®Õn kh©u kü thuËt tõ cµy bõa ®Õn ch¨m sãc, bãn c¸c c¸c lo¹i ph©n hîp lý, sö dông c¸c gièng lóa míi cã n¨ng suÊt cao nh lóa n«ng nghiÖp 8, R22. TiÕp tôc lµm tèt c«ng t¸c thñy lîi bê vïng, bê thöa.
Víi sù phÊn ®Êu hÕt m×nh cña toµn §¶ng, toµn d©n ®· ®a kinh tÕ trong nh÷ng n¨m ®×nh chiÕn t¨ng lªn vîc bËc, n¨ng suÊt lóa b×nh qu©n ®¹t 370 kg/sµo/n¨m, b×nh qu©n l¬ng thùc ®Çu ngêi 15,3kg thãc/th¸ng. Ngoµi ra khoai, s¾n, mÝa ë rõng còng t¨ng cao, t¨ng thªm nguån l¬ng thùc ®Ó ®ãng vît chØ tiªu cho Nhµ níc.
C«ng t¸c phßng tr¸nh, ®¸nh ®Þch, ®îc §¶ng bé quan t©m nh»m gi¸o dôc cho c¸n bé nh©n d©n ®Ò cao c¶nh gi¸c, cñng cã hÇm hµo, lµm tèt c«ng t¸c phßng kh«ng ë c¸c vïng träng yÕu: GÇn ga, ®êng tµu, c¸c trôc ®êng chÝnh néi x·.
Trêng häc vµ tr¹m x¸ ®îc còng cè, hÇm hµo v÷ng ch¾c b¶o ®¶m tèt an toµn cho thÇy trß d¹y tèt, häc tèt.
Nh÷ng sù kiÖn quan träng
Ngµy 21/7/1969, Chñ tÞch Hå ChÝ Minh göi th cho §¶ng bé tØnh NghÖ An. Víi tÊt c¶ tÊm lßng nh©n ¸i thiÕt tha, B¸c ®éng viªn ®ång bµo, chiÕn sü, c¸n bé, ®¶ng viªn, ®oµn viªn ®· chiÕn ®Êu, phôc vô chiÕn ®Êu tèt, lµm tèt nhiÖm vô giao th«ng vËn t¶i, ®i bé ®éi, thanh niªn xung phong vµ s¶n xuÊt tèt. B¸c khen NghÖ An s¶n xuÊt tèt trong ®ã biÓu d¬ng HTX Phó Thµnh (Quúnh HËu). B¸c còng kh«ng quªn nh¾c nhë ®ång bµo vµ chiÕn sü tØnh nhµ ph¶i cè g¾ng nhiÒu h¬n n÷a, v× kinh tÕ NghÖ An tiÕn cßn chËm.
B¸c ©n cÇn chØ ra nh÷ng viÖc lµm s¾p tíi, trong ®ã nhÊn m¹nh: “Mét ®iÒu ph¶i lu«n lu«n nhí lµ cuéc chiÕn ®Êu chèng Mü cøu níc cña d©n téc ta ®ang ë vµo thêi kú quyÕt liÖt, ®Õ quèc Mü ®· bÞ thua ®au nhng cßn rÊt ngoan cè. Qu©n vµ d©n ta ph¶i lu«n lu«n ®Ò cao c¶nh gi¸c s½n sµng chiÕn ®Êu gi÷ v÷ng c«ng t¸c phßng kh«ng s¬ t¸n, còng cè hÇm hµo, cè gãp nhiÒu c«ng søc h¬n ®Ó cïng qu©n vµ d©n c¶ níc ®¸nh th¾ng hoµn toµn giÆc Mü x©m lîc”. Víi lßng yªu níc s©u nÆng víi quª h¬ng, B¸c kÕt thóc bøc th b»ng lêi t©m huyÕt: “NghÖ An lµ mét tØnh réng lín, cã tµi nguyªn phong phó, cã nh©n d©n cÇn cï lao ®éng vµ rÊt c¸ch m¹ng. RÊt mong ®ång bµo vµ ®ång chÝ tØnh nhµ ra søc phÊn ®Êu lµm cho NghÖ An mau trë thµnh mét trong nh÷ng tØnh kh¸ nhÊt ë miÒn B¾c”.
Ngµy 6/8/1969, TØnh ñy NghÖ An ra nghÞ quyÕt “ph¸t ®éng §¶ng bé, qu©n vµ d©n toµn tØnh häc tËp thi ®ua lµm theo th B¸c”.
Trong lóc §¶ng bé vµ nh©n d©n trong tØnh ®ang ®Èy m¹nh viÖc häc tËp, lµm theo th B¸c, dån søc thùc hiÖn nhiÖm vô kh«i phôc vµ ph¸t triÓn kinh tÕ, chuÈn bÞ mäi mÆt s½n sµng chiÕn ®Êu khi ®Õ quèc Mü g©y l¹i chiÕn tranh ph¸ ho¹i, th× vµo lóc 9 giê 47 phót ngµy 02/9/1969 chñ tÞch Hå ChÝ Minh, l·nh tô kÝnh yªu cña §¶ng vµ d©n téc ta, mét chiÕn sü kiªn cêng cña phßng trµo céng s¶n vµ c«ng nh©n quèc tÕ, phong trµo gi¶i pháng d©n téc ®· tõ trÇn, Ngêi ®Ó l¹i cho toµn §¶ng, toµn qu©n vµ toµn d©n ta b¶n Di chóc bÊt hñ.
BiÕn ®au th¬ng thµnh hµnh ®éng c¸ch m¹ng toµn §¶ng, toµn d©n Quúnh Vinh ®· cè g¾ng kh¾c phôc mäi khã kh¨n vît qua mäi gian khã ®Ó thùc hiÖn lêi d¹y trong bøc th vµ Di chóc cña B¸c.
Phßng trµo di d©n ®Þnh c ë c¸c vïng trong x· ph¸t triÓn tèt. Nh÷ng n¨m (1967-1968), v× ®Þch b¾n ph¸ ¸c liÖt cho nªn mçi gia ®×nh lµm 1 chiÕc tr¹i ë nh÷ng vïng xa c¸c c¨n cø ®¸nh ph¸, nh vïng T©n B×nh, T©n Hoa ngµy nay, ®Ó ngêi giµ, trÎ em s¬ t¸n, cßn c¸c lao ®éng chÝnh ë nhµ tham gia s¶n xuÊt vµ chiÕn ®Êu.
N¨m (1969-1971), hoµn thiÖn c¸c vïng d©n c lµng míi vµ lµng cò: T©n B×nh, T©n Hïng, T©n An, T©n Hoa vµ §¹i Vinh.
§Çu n¨m 1968, Trêng §¹i häc s ph¹m Vinh tõ Th¹ch Thµnh chuyÓn vÒ Quúnh Lu, khoa VËt lý ®ãng t¹i Quúnh Vinh, nhng ®îc 2 n¨m khi ®Õ quèc Mü ®¸nh ph¸ lÇn thø 2, trêng §¹i häc Vinh ph¶i chuyÓn lªn Yªn Thµnh.
Bíc sang n¨m 1972, tríc nh÷ng ®ßn tÊn c«ng chiÕn lîc cña qu©n vµ d©n ta, ®Õ quèc Mü cïng bÌ lò tay sai liªn tiÕp bÞ thÊt b¹i. Cuéc chiÕn tranh s¾p söa bíc vµo giai ®o¹n kÕt thóc, hßng giµnh thÕ m¹nh trªn bµn ®µm ph¸n t¹i héi nghÞ 4 bªn ë Pari, chóng tiÕp tôc cuéc chiÕn tranh ph¸ ho¹i b»ng ®êng kh«ng ë miÒn B¾c.
Ngµy 6/4/1972, ®Õ quèc Mü g©y ra cuéc chiÕn tranh ph¸ ho¹i lÇn tø 2 ®èi víi miÒn B¾c. Ngµy 10/4/1972, chóng cho m¸y bay B52 nÐm bom xuèng thµnh phè Vinh, Hng Nguyªn, Nghi Léc. Ngµy 1/4/1972, ®Õ quèc Mü cho nhiÒu tèp m¸y bay nÐm bom ®¸nh ph¸ liªn tôc, å ¹t vµo vïng Hoµng Mai. Ngµy 17/4/1972, ®Õ quèc Mü huy ®éng nhiÒu tèp m¸y bay ®¸nh ph¸ ga Hoµng Mai, cÇu ®êng s¾t (cÇu §ång S¸c, cÇu T©y), ban ®ªm cã nhiÒu trËn ph¸o kÝch dån dËp vµo vïng §¹i Vinh lµm nhiÒu nhµ cöa cña d©n sôp ®æ vµ nhiÒu ngêi chÕt, bÞ th¬ng. §Æc biÖt ngµy 17/4/1972, lùc lîng d©n qu©n Quúnh LËp víi ®¬n vÞ C24 ph¸o binh ®· b¾n ch¸y mét tuÇn d¬ng h¹m cña Mü. Ngµy 5/5/1972, lùc lîng d©n qu©n du kÝch Quúnh LËp víi 54 viªn ®¹n sóng, bé binh ®· b¾n r¬i mét chiÕc m¸y bay cña giÆc Mü. Tõ ngµy 18/6/1972 ®Õn 2/7/1972 vµ ngµy 22/7/1972 trªn ®Êt Hoµng Mai ®Æc biÖt lµ Quúnh Vinh m¸y bay Mü ®¸nh ph¸ ¸c liÖt, d©n qu©n du kÝch c¸c x· vïng Hoµng Mai phèi hîp víi bé ®éi phßng kh«ng D12 trong 10 ngµy ®· b¾n r¬i 4 m¸y bay Mü. 7 giê 25 phót ngµy 11/10/1972 ®¹i ®éi 2 tiÓu ®oµn 15 víi 25 viªn ®¹n ph¸o cao x¹ 37 ly ®· b¾n h¹ 1 m¸y bay F8 trªn bÇu trêi Hoµng Mai. Cïng ngµy mét ®¬n vÞ tªn löa thuéc trung ®oµn 263 t¹i Vinh b¾n h¹ chiÕc m¸y bay chiÕn lîc B52 ®Çu tiªn t¹i NghÖ An. Nh÷ng chiÕn th¾ng dån dËp cña qu©n d©n ta trªn ®Êt NghÖ An lµm nøc lßng nh©n d©n c¶ níc.
Cuéc chiÕn tranh ph¸ ho¹i lÇn thø 2 cña ®Õ quèc Mü tõ ngµy 6-4-1972 ®Õn ngµy 14-1-1973 ®· hoµn toµn bÞ thÊt b¹i.
Ngµy 27/1/1973, HiÖp ®Þnh Pari vÒ chÊm døt chiÕn tranh, lËp l¹i hßa b×nh ë ViÖt Nam ®îc chÝnh thøc ký vµ b¾t ®Çu cã hiÖu lùc tõ 7 giê ngµy 28/01/1973. Sù nghiÖp chèng Mü cøu níc cña nh©n d©n ta ®· bíc sang mét bíc ngoÆt lÞch sö nh lêi d¹y cña B¸c “ §¸nh cho Mü cót, ®¸nh cho Ngôy nhµo”, gi¶i phãng miÒn Nam thèng nhÊt Tæ quèc.
Trong sù khèc liÖt cña bom ®¹n, con ngêi Quúnh Vinh kh«ng hÒ bÞ khuÊt phôc, hÇm TriÒu Tiªn, hÇm trßn cã n¾p, giao th«ng hµo, hai bªn ®êng giao th«ng, bê ruéng ®Òu cã hÇm tró Èn khi m¸y bay Mü oanh t¹c, díi lµn bom ®¹n chiÕn tranh, sinh ho¹t cña nh©n d©n vÉn s«i ®éng, võa s¶n xuÊt, võa chiÕn ®Êu, tiÕng h¸t ¸t tiÕng bom, võa lµm ®ång, võa phôc vô bé ®éi ph¸o binh chiÕn ®Êu, m¸y bay ®Õn lµ chiÕn ®Êu, m¸y bay ®i lµ s¶n xuÊt. Mçi ®éi s¶n xuÊt cã mét tiÓu ®éi trùc chiÕn, mçi HTX cã mét ®¹i ®éi trùc chiÕn, hÇu hÕt lµ n÷ du kÝch. Tõ GiÕng Míi ®Õn cån ®åi Cu, nói Nhµ NhÊt, nói ¢m phï xen lÉn víi c¸c trËn ®Þa ph¸o cao x¹ cña qu©n ®éi lµ nh÷ng trËn ®Þa trùc chiÕn cña d©n qu©n.
Trong chiÕn tranh chèng Mü cøu níc, cø ba ngêi cã mét ngêi t¹i ngò chiÕn ®Êu, víi 140 liÖt sü hy sinh, h¬n 100 ngêi d©n thêng thiÖt m¹ng, cÇu cèng, nhµ th¬ng, trêng häc, nhµ d©n bÞ ph¸ hñy. Víi Hµng ngh×n tÊn bom ®¹n ®Õ quèc Mü kh«ng thÓ khuÊt phôc ®îc ý chÝ quyÕt chiÕn, quyÕt th¾ng cña cña con ngêi n¬i ®©y nãi riªng vµ cña d©n téc nãi chung. HTX cµng lín m¹nh, tõ HTX tõng vïng thµnh HTX toµn th«n. ChiÕn tranh vµ con ngêi Quúnh Vinh cµng chiÕn ®Êu cµng dòng c¶m, ngoan cêng tríc ¸p lùc bom ®¹n cña ®Õ quèc Mü.
Tõ n¨m (1965-1966), xuÊt hiÖn anh hïng lùc lîng vò trang Lª §¨ng Tíi, díi lµn bom ®¹n nèi ®êng d©y ®iªn tho¹i ë ga Hoµng Mai ®Ó th«ng tin liªn l¹c c¸c nhµ ga th«ng suèt. Dï m¸y bay Mü oanh t¹c d÷ déi, anh hïng Lª §¨ng Tíi vÉn c¾t toa tµu ®Èy vµo vïng an toµn ®Ó cøu hµng hãa, ®¹n dîc. Sù ¸c liÖt cña chiÕn tranh, cuéc chiÕn ®Êu chÝnh nghÜa cña d©n téc ®· t¹o nªn bao anh hïng trong ®ã anh hïng lùc lîng vò trang quª nhµ.
Nh÷ng n¨m chiÕn tranh ¸c liÖt s¾n khoai thµnh c¬m, dµnh g¹o cho tiÒn tuyÕn chèng giÆc, hµng n¨m cµng nhiÒu h¬n.
Con ngêi Quúnh Vinh kh«ng chØ dòng c¶m mµ cßn rÊt s¸ng t¹o trong chiÕn ®Êu, xe chë ®¹n vµ c¸c lo¹i qu©n nhu kh¸c qua c¸c ®o¹n lÇy sôc, xe c¬ giíi kh«ng thÓ kÐo ®îc, nh©n d©n ®· dïng 4, 5 con tr©u kÐo vµ hoµn toµn xe nµo còng qua lÇy sôc. VËn chuyÓn hµng hãa håi bÊy giê cña nh©n d©n Quúnh Vinh lµ ®oµn xe tr©u b¸nh gç, mét ph¬ng tiÖn vËn chuyÓn u viÖt nhÊt trong chiÕn tranh ®¸nh Mü cña nh©n d©n. Mçi khi ga Hoµng Mai bÞ b¾n ph¸ ®êng goßng kh«ng th«ng, d©n qu©n du kÝch ph¶i vËn chuyÓn hµng hãa s¬ t¸n ®Õn nh÷ng vÞ trÝ an toµn kh¸c ®Ó chê chuyÓn ®i chiÕn trêng, dï ®¹n bom ¸c liÖt nh©n d©n kh«ng hÒ n¶n, ngµy s¶n xuÊt, ®ªm phôc vô chiÕn ®Êu.
Hµng n¨m ®ãng gãp cµng lín cho chiÕn trêng, nh÷ng n¨m 1960 mçi n¨m chØ 120-150 tÊn thãc, nh÷ng n¨m 1970 tõ 230-250 tÊn vµ hµng tr¨m tÊn lîn h¬i. Trong lóc ®ã c«ng lao ®éng kh«ng bao giê vît qu¸ 0,8kg, suÊt ¨n hµng ngµy chØ cã 0,2kg g¹o thÕ mµ còng tÝch cùc nç lùc cho chiÕn ®Êu, chiÕn th¾ng giÆc Mü.
V¨n hãa gi¸o dôc: ®· cã bíc ph¸t triÓn, trêng cÊp II hoµn chØnh tõ líp 5 ®Õn líp 7. Trêng cÊp I ®¹t chØ tiªu chuÈn trêng B¾c Lý, .... lµ trêng ®¹t vë s¹ch ch÷ ®Ñp nhÊt tØnh NghÖ An (thêi gian nµy thÇy Lª §¨ng Träng råi thÇy Vò Lª Tù lµm HiÖu trëng)
HiÖp ®Þnh Pari ®îc ký kÕt ngµy 27/1/1973 chÊm døt chiÕn tranh lËp l¹i hßa b×nh ë ViÖt Nam. Trªn ®Êt Quúnh Vinh hËu qu¶ chiÕn tranh ®Ó l¹i rÊt nÆng nÒ, kh¾p lµng x·, ®ång ruéng ®Òu lç cã bom. Bom ®¹n xÐ n¸t hÕt ruéng ®ång, nh©n d©n ph¶i hµn g¾n nh÷ng vÕt th¬ng chiÕn tranh. B»ng søc ngêi vµ ý chÝ s¾t ®¸, sau 2 n¨m lµng xãm, ®ång ruéng ®· sèng l¹i mét c¸ch m¹nh mÏ, ®Ñp ®Ï toµn d©n gãp cña, gãp c«ng ®Ó x©y dùng míi trêng häc, tr¹m x¸ vµ c¸c c«ng tr×nh t×nh th¬ng, bÖnh viÖn. Trong mét thêi gian ng¾n ®· hoµn thµnh tèt mét c¨n nhµ ngãi ®ãn nhËn th¬ng binh vÒ an dìng; råi bÖnh viÖn Quúnh Th¹ch, nghÜa trang Quúnh Xu©n... C¸n bé ®¶ng viªn vµ nh©n d©n Quúnh Vinh ®· kh«ng qu¶n ng¹i khã kh¨n, thiÕu thèn ®Ó gãp c«ng, gãp cña hoµn thµnh tèt nhiÖm vô ®îc huyÖn giao.
Víi ph¬ng ch©m Nhµ níc vµ nh©n d©n cïng lµm ®· ®a phong trµo hµn g¾n vÕt th¬ng chiÕn tranh vµ x©y dùng kiÕn thiÕt ®Êt níc quª h¬ng ®¹t nhiÒu kÕt qu¶, ®· x©y dùng ®îc mét sè c«ng tr×nh nh: §¾p ®Ëp §åi T¬ng ®îc kh¬i c«ng vµo cuèi n¨m 1975 vµ hoµn thanh n¨m 1976, ®¸p øng nhu cÇu tíi tiªu cho mïa vô.
Trong nh÷ng n¨m chiÕn tranh, c¸c HTX ®· tÝch cùc gãp søc m×nh vµo sù nghiÖp chung ®¸nh Mü cøu níc, gi¶i phãng d©n téc, thèng nhÊt ®Êt níc.
HTX n«ng nghiÖp lu«n cung cÊp ngêi vµ l¬ng thùc thùc phÈm “Qu©n kh«ng thiÕu mét ngêi, thãc kh«ng thiÕu mét c©n”. HTX mua b¸n ®· nç lùc vît bom ®¹n ®Ó ®ua hµng phôc vô ®êi sèng cña nh©n d©n. HTX tÝn dông ®· lµm tèt c«ng t¸c tÝn dông, phôc vô nh©n d©n göi tiÒn vµ vay tiÒn ®Ó phôc vô tèt c«ng t¸c s¶n xuÊt vµ kiÕn thiÕt. Ba ngän cê hång ®îc §¶ng ph¸t ®éng trong nh÷ng n¨m kh¸ng chiÕn chèng Mü vµ kiÕn thiÕt ®Êt níc mang l¹i kÕt qu¶ lín.
§©y còng lµ thêi kú v« cïng gian khæ, chÞu nhiÒu hy sinh, song v« cïng vÎ vang s¸ng l¹ng cña quª h¬ng cã truyÒn thèng yªu níc, chèng giÆc ngo¹i x©m.
Qua 21 n¨m võa tiÕn hµnh cuéc chiÕn tranh gi¶i phãng d©n téc, b¶o vÖ miÒn B¾c, x©y dùng CNXH. §¶ng bé ngµy cµng trëng thµnh vÒ mäi mÆt, ®Æc biÖt lµ nh÷ng nhiÖm vô träng t©m trong thêi chiÕn, ®ång thêi ch¨m lo ph¸t triÓn kinh tÕ, n©ng cao ®êi sèng vËt chÊt, tinh thÇn ®Æc biÖt lµ v¨n hãa, t¹o lªn søc sèng m·nh liÖt cña mét ®Þa ph¬ng cã truyÒn thèng c¸ch m¹ng, cÇn cï s¸ng t¹o. §¶ng bé ®· phÊn ®Êu hÕt m×nh ®Ó x©y dùng b¶o vÖ quª h¬ng ®Êt níc, l·nh ®¹o chÝnh quyÒn vµ c¸c ®oµn thÓ ngµy cµng v÷ng m¹nh.
V¨n hãa gi¸o dôc trong thêi chiÕn ®· ®îc §¶ng bé chó träng. Ho¹t ®éng cña ban v¨n hãa th«ng tin ®· cã nhiÒu s¸ng t¹o, biÕt ph¸t huy kinh nghiÖm cña thêi chèng Ph¸p, trong ®¸nh Mü l¹i cµng linh ho¹t, s¸ng t¹o h¬n, ®éi v¨n hãa quÇn chóng ®îc nh©n réng ®a lêi ca tiÕng h¸t cæ vò ®éng viªn nh©n d©n tin tëng vµo ®êng lèi cña §¶ng, quyÕt t©m cao trong sù nghiÖp chèng Mü cøu níc. KhÈu hiÖu “TiÕng h¸t ¸t tiÕng bom” ®· cã t¸c ®éng rÊt lín vÒ cuéc sèng tinh thÇn thêi chiÕn cña ®Þa ph¬ng. Thµnh tÝch næi bËt cña Ban v¨n hãa th«ng tin lµ kÞp thêi tæng hîp tin tøc, thêi sù nãng báng cña ®Þa ph¬ng cña tiÒn tuyÕn, cña c¸c vïng miÒn trªn toµn quèc nh tin b¾n r¬i m¸y bay, tµu chiÕn Mü trªn miÒn B¾c, nh÷ng chiÕn th¾ng lÉy lõng cña qu©n vµ d©n miÒn Nam,... nh÷ng chñ tr¬ng chÝnh s¸ch cña §¶ng cña ChÝnh phñ kÞp thêi ®Õn víi nh©n d©n.
Nh÷ng khÈu hiÖu lín ®îc treo trªn c¸c bøc têng c¹nh ®êng, trªn nh÷ng ®èc nhµ cña d©n ®Ó lu«n nh¾c nhë mäi ngêi nh: ”QuyÕt t©m ®¸nh th¾ng giÆc Mü x©m lîc”, TÊt c¶ v× miÒn Nam ruét thÞt” vµ nh÷ng chñ tr¬ng lín cña §¶ng bé nh: "thãc kh«ng thiÕu mét c©n, qu©n kh«ng thiÕu mét ngêi” ®· cæ vò nh©n d©n hoµn thµnh tèt nhiÖm vô.
ChiÕn tranh ph¸ ho¹i cña ®Õ quèc Mü v« cïng ¸c liÖt nhng cuéc sèng tinh thÇn cña nh©n d©n ®Þa ph¬ng v« cïng s«i næi, hµo høng phÊn khëi bëi tinh thÇn quyÕt t©m ®¸nh th¾ng giÆc Mü ®· ¨n s©u vµo tiÒm thøc cña mäi ngêi d©n. Tõ trÎ em ®éi mò r¬m ®i häc ®Õn c¸c chÞ d©n qu©n trùc chiÕn ®Òu b×nh th¶n, phÊn chÊn kh«ng mét chót sî h·i, rôt rÌ tríc sù oanh t¹c cña m¸y bay Mü, biÕt tr¸nh vµ biÕt ®¸nh ®Ó chiÕn th¾ng giÆc Mü hoµn thµnh tèt nhiÖm vô cña §¶ng vµ chÝnh quyÒn giao.
Qua cuéc chiÕn tranh vÖ quèc vÜ ®¹i cña d©n téc, §¶ng bé ®· trëng thµnh vÒ mäi mÆt, c¶ vÒ sè lîng vµ chÊt lîng. Löa thö vµng, gian nan thö søc nhiÒu ®¶ng viªn ®· trë thµnh nh÷ng c¸n bé xuÊt s¾c cña ®Þa ph¬ng vµ cña huyÖn nh ®«ng chÝ TrÇn Hanh, TrÇn Lu©n, Lª Th¹c Trêng, Vò Lª Nho¹n, ....
C¸c ®oµn thÓ thanh niªn, phô n÷ ho¹t ®éng tèt t¹o ®iÒu kiÖn phÊn ®Êu trëng thµnh, nhiÒu thanh niªn nhËp ngò trë thµnh c¸n bé qu©n ®éi trung cao cÊp. Thanh niªn vµo c¸c trêng ®¹i häc trong níc vµ níc ngoµi ®· trë thµnh nh÷ng c¸n bé chuyªn m«n giái nh: Nguyªn B¸ Hßa, Lª Th¹c Loan, Nguyªn B¸ Phóc, ...
V× ®éc lËp, v× tù do con ngêi Quúnh Vinh díi sù l·nh ®¹o cña §¶ng bé ®· v¬n lªn kh«ng ngõng trong mäi ®iÒu kiÖn, mäi hoµn c¶nh chiÕn tranh vµ hßa b×nh ®Ó viÕt lªn trang sö hµo hïng cho con cho ch¸u ®êi sau tù hµo, ra søc phÊn ®Êu x©y dùng quª h¬ng ngµy cµng giµu ®Ñp v¨n minh.
CHƯƠNG VI
ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN QUỲNH VINH TRONG CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC (1976-2010)
I. ĐẢNG BỘ XÍ NGHIỆP QUỲNH MAI RA ĐỜI (1976-1981)
Chiến thắng ngày 30 tháng 4 năm 1975 vang dội, Bắc Nam sum họp, đất nước thống nhất là niềm vui lớn của cả dân tộc sau bao nhiêu năm hi sinh đổ máu.
Cách mạng Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới, cải tạo và xây dựng kiến thiết là nhiệm vụ trọng tâm của đất nước; tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta đã khởi xướng.
Đại hội Đảng lần thứ IV đã đề ra những nhiệm vụ mới cho cách mạng: Kết hợp chặt chẽ giữa củng cố sản xuất với phát triển lực lượng sản xuất ở miền Bắc, kết hợp cải tạo quan hệ sản xuất ở miền Nam, thực hiện ba cuộc cách mạng,… Tận dụng mọi khả năng về đất đai, tiền vốn, sức lao động và cơ sở vật chất, kỹ thuật sẵn có, xây dựng thêm quy hoạch, tổ chức lại sản xuất hai miền, tạo ra sự chuyển biển trong trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề. Phân bố đất đai theo hướng thâm canh tập trung. Tập trung cố gắng mở rộng diện tích ở trung du miền núi, ven biển, xây dựng và phát triển nông nghiệp với tốc độ nhanh và vững chắc. Nhằm giải quyết đủ lương thực, thực phẩm và có dự trữ. Đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp, tăng nguồn xuất khẩu. Cải thiện một bước đời sống của nhân dân.
Nghị quyết của tỉnh Nghệ Tĩnh số 11-NQ/TU về việc: Tập trung lãnh đạo, xây dựng huyện Quỳnh Lưu thành huyện mẫu đã đặt ra vấn đề:
“Trong những năm tới, Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Lưu phải phát huy cao độ tinh thần tấn công, tinh thần tự lực tự cường phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động tiếp tục dấy lên cao trào cách mạng sôi nổi; phấn đấu đưa kinh tế Quỳnh Lưu phát triển toàn diện”
Tháng 5 năm 1976, theo quy hoạch của Trung ương, của tỉnh, Quỳnh Lưu là huyện điểm được tổ chức lại sản xuất. Trong đó có xí nghiệp Quỳnh Mai bao gồm các xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị.
Năm 1976, tại Mỏ Kẽm (Quỳnh Thiện) trên cơ sở hợp nhất ba Đảng bộ Vinh – Thiện – Dị, Đại hội Đảng bộ Xí nghiệp Quỳnh Mai được tổ chức. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành và phân công:
Đồng chí: Trần Luân, Bí thư Đảng bộ xí nghiệp
Đồng chí: Trần Đức Hanh, trực Đảng
Đồng chí: Hồ Nuỵ, Chủ tịch xí nghiệp
Đồng chí: Nguyễn Bá Thái, Phó Chủ tịch
Đồng chí: Lê Thạc Trường, Phó Chủ tịch
Đảng bộ Quỳnh Mai ra đời là một sự kiện chính trị lớn của nhân dân Quỳnh Mai, thể hiện sự tập trung tư tưởng lớn để lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ cách mạng mới trong xu thế phát triển nhằm xoá bỏ nền sản xuất nhỏ, manh mún, xây dựng quy mô xí nghiệp lớn. Đẩy nhanh công cuộc cải tạo đất nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong vùng.
Lãnh đạo trên một địa bàn rộng lớn, trên các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, giáo dục và y tế, an ninh quốc phòng sau giải phóng miền Nam một năm là hết sức khó khăn và phức tạp.
Xí nghiệp Quỳnh Mai có diện tích tự nhiên là 4.725 ha; đất trồng lúa và màu là 520 ha, đất nông nghiệp 2.340 ha, đất canh tác 1815 ha, đất lâm nghiệp 32 ha, dân số hiện có (1976) 13.500 người, với 5.500 lao động.
Ngày 30/9/1976, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê chuẩn mô hình sản xuất của huyện Quỳnh Lưu. Nội dung quyết định tập trung nêu rõ phạm vi, ranh giới, phương hướng sản xuất và phân bố đất đai, tổ chức lại sản suất, các biện pháp vay vốn, đầu tư, tăng cường cán bộ chỉ đạo và những nhiệm vụ cần làm trước mắt.
Đảng bộ Nghệ Tĩnh cũng rất quan tâm đến xây dựng huyện Quỳnh Lưu thành huyện mẫu, Nghị quyết 11 của Tỉnh nhấn mạnh “xây dựng Quỳnh Lưu phát triển toàn diện”.
Với niềm tin và khí thế cách mạng mới, nhân dân Quỳnh Mai bước vào giai đoạn mới; trong đó Quỳnh Vinh đã ra quân khai hoang; lấp hố bom; phá bờ thửa nhỏ, san bằng hàng trăm ha đất trả lại mặt bằng cho đồng ruộng. Hàng trăm hố bom, hố đại bác được san lấp, những cách đồng nham nhở hố sâu, những vùng đất như: Đồi Cừa, Đồng Trin, Đồng Lại, Đồng Bạc đã được san bằng phẳng, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Năm 1978, công trình thuỷ lợi Vực Mấu được thi công, ngăn thượng nguồn sông Hoàng Mai để tưới cho 2000 ha đồng ruộng Tây Bắc huyện Quỳnh Lưu gồm: Xí nghiệp Quỳnh Mai và các xã phụ cận đồng thời để ngăn lũ cho hạ nguồn sông Hoàng Mai.
Nhân dân Quỳnh Vinh đã có mặt trên công trình Vực Mấu trong những ngày đầu khởi công cho đến lúc hoàn thành, đóng góp hơn 1 triệu ngày công, đào đắp được 500 triệu m3 đất với tổng giá trị 6 triệu đồng. Hệ thống kênh mương được khơi thông. Về quy hoạch cây trồng, Quỳnh Vinh có đất trồng lúa 2 vụ, đất trồng các loại hoa màu, trồng cây công nghiệp ngắn ngày, có đất trồng rừng. Những vùng đất cao như Đồi Tương được quy hoạch trồng mía, lạc, vừng… Hàng năm kéo được một lượng mật mía rất lớn, hàng trăm tấn cung cấp cho nhân dân trong và ngoài tỉnh sử dụng.
Vùng Đồng Đo được trồng mì cao lương, xen với các giống cây như ngô, kê, đỗ và các loại hoa màu khác…
Về chăn nuôi: Chủ trương phát triển đàn bò, tạo sức kéo tại chỗ đồng thời phát động chăn nuôi đàn lợn, tăng nhanh đầu lợn nái để cung cấp cho nhân dân trong vùng. Hợp tác xã chủ trương thành lập trại chăn nuôi lợn thịt và lợn nái ở vùng Tân Hoa. Hàng năm đã làm nghĩa vụ cho nhà nước hàng trăm tấn thịt và đàn lợn giống cho xã viên trong vùng.
Ngành nghề được tổ chức lại: Các tổ đội sản xuất vật liệu xây dựng như lò gạch, lò vôi, lò ngói được hình thành và bắt đầu cho ra lò, sản phẩm và chất lượng tốt, cung cấp có hiệu quả cho nhân dân xây dựng và kiến tạo.
Tháng 3 năm 1979, tại đền Vưu, Đại hội Đảng bộ xí nghiệp Quỳnh Mai lần thứ II (1979-6/1981) được tiến hành. Đại hội tiếp tục thực hiện chỉ thị của Trung ương và Tỉnh uỷ. Đồng chí Trần Luân được tín nhiệm tiếp tục giữ chức Bí thư xí nghiệp Đảng bộ Quỳnh Mai.
Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, nền kinh tế nước ta bước vào giai đoạn khủng hoảng, cơ chế bao cấp đang cản trở sự phát triển, nhất là trên lĩnh vực phân phối lưu thông, biểu hiện rõ nét nhất là hiệu quả kinh tế thấp, đời sống xã viên gặp nhiều khó khăn, người lao động không thiết tha với ruộng, trình độ cán bộ quản lý yếu, nhiều tiêu cực xẩy ra... Trong hoàn cảnh đó, tháng 8/1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 (IV) bàn và quyết định những nhiệm vụ cấp bách về kinh tế và đời sống. Hướng đổi mới là chống quan liêu, đảm bảo quyền làm chủ về kinh tế của các ngành, các cấp, kết hợp kế hoạch hoá với sự dụng cơ chế thị trường, xoá bỏ những chính sách cơ chế không còn phù hợp với thực tế sản xuất và đời sống.
Trên cơ sở thực tiễn Hội nghị Trung ương 6, ngày 13/1/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 100-CT/TW. Theo nội dung cơ bản của Chỉ thị 100 và sự hướng dẫn của trên, các cơ sở hợp tác xã thực hiện năm khâu, ba khoán. Tập thể đảm nhiệm 5 khâu: Làm đất, cung ứng vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật và bảo vệ đồng ruộng. Nhóm và hộ gia đình xã viên nhận 3 khoán: gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch; giao nạp sản phẩm theo định mức khoán trên đơn vị diện tích.
Chỉ thị 100 của Ban Bí thư như một luồng gió mới cởi trói cho sản xuất nông nghiệp thời bao cấp. Chọn giống mới, thâm canh tăng vụ, xen vụ, thực hiện các giải pháp mới trong lao động giao đất và phân bố lại lao động.
Thực hiện Chỉ thị 100 của ban Bí thư Trung ương Đảng, mở đầu cho sự phát triển mới ở nông thôn, đặc biệt là phát triển về nông nghiệp. Năng suất lao động, năng suất cây trồng được nâng lên, bình quân đầu người đạt 15 kg thóc quy đổi/tháng. Đời sống nhân dân bước đầu được cải thiện. Các tổ đội sản xuất nhỏ trước đây nay được sáp nhập lại. Các khâu cày, bừa, làm cỏ, thu hoạch được phân công phù hợp, tạo ra không khí hồ hởi, vui tươi trong đời sống người lao động.
Cuộc sống thanh bình của những năm đầu sau giải phóng chưa trọn, công cuộc khôi phục và hàn gắn chiến tranh chưa được bao nhiêu, đời sống nhân dân còn vất vả thì tình hình biên giới Tây Nam rồi phía Bắc phức tạp. Các thế lực thù địch đang ráo riết đẩy mạnh sự phá hoại công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Một lần nữa hàng chục ngàn thanh niên lại lên đường nhập ngũ để bảo vệ biên cương và từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Máu các anh hùng và liệt sỹ đã đỗ xuống. Bảy người con thân thương của xã Quỳnh Vinh đã nằm lại ở biên giới Tây Nam.
Ở quê nhà, với tư thế phòng thủ để chiến đấu. Quỳnh Vinh trở thành một cụm chiến đấu của xí nghiệp, lực lượng dân quân du kích được tổ chức thành từng trung đội, tiểu đội án ngự những nơi xung đột, những nơi xung yếu như đường tàu, đường quốc lộ, các cao điểm Hòn Nhọn, đỉnh Mồng Gà để bảo về tại chỗ cho quê hương mình. Hệ thống công sự, hầm ẩn nấp làm bằng gỗ xây lắp, đào 1.275m giao thông hào, vót hàng nghìn mũi chông bằng tre, tạo thành một trận địa lòng dân vững chắc.
Từ thực tiễn trên, Xí nghiệp Quỳnh Mai bắt đầu bộc lộ những nhược điểm đó là: Lực lượng sản xuất chưa phù hợp với quan hệ sản xuất. Đội ngũ cán bộ có đủ nhiệt tình cách mạng, song trình độ quản lý, trí thức khoa học còn thiếu, còn thấp. Tốc độ phát triển nhanh trong khi hạ tầng cơ sở còn đơn giản, lạc hậu chưa phù hợp với yêu cầu phát triển, thói quen sản xuất và canh tác của nhân dân còn mang tính truyền thống, và hiện thực là đời sống nhân dân còn thấp nên tháng 8/1981, xí nghiệp Quỳnh Mai giải thể các đơn vị hành chính trở về như cũ, Quỳnh Vinh trở lại với đơn vị hành chính và xã Quỳnh Vinh.
Qua hai khoá Đại hội, gần 6 năm hình thành, tồn tại và phát triển. Mặc dù giải thể; xí nghiệp Quỳnh Mai và mô hình xí nghiệp đã để lại nhiều bài học quý giá: đội ngũ lãnh đạo cán bộ được rèn luyện và tôi luyện… Tầm nhìn về quản lý, về phương thức sản xuất, về quy luật phát triển của cách mạng trong sản xuất. Xí nghiệp Quỳnh Mai đã khẳng định mô hình sản xuất lớn, trước sau rồi sẻ phát triển, mở ra những bước phát triển có tính quy mô, phá vỡ nền sản xuất nhỏ hẹp và chắp vá. Tạo đà cho việc xây dựng đất nước nhanh, xoá bỏ nghèo nàn lạc hậu.
II. ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN QUỲNH VINH 30 NĂM XÂY DỰNG, KIẾN THIẾT, SẢN XUẤT VÀ PHÁT TRIỂN (1981–2010).
Tháng 10 năm 1981, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XIII được tổ chức. Đại hội đã bầu ra ban chấp hành và phân công:
Đồng chí: Trần Đức Hanh, Bí thư
Đồng chí: Lê Thạc Trường, trực Đảng
Đồng chí: Bùi Đình Tuất, Chủ tịch xã
Đồng chí: Hồ Linh Phó, Chủ tịch xã
Đồng chí: Lê Dưỡng, Chủ tịch Mặt trận
Trở về với địa bàn hành chính cũ, quen địa bàn, quen dân, quen phong tục tập quán, song những vấn đề bức xúc trong đời sống luôn đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân xã nhiều thách thức và suy ngẫm. Tìm ra những giải pháp tích cực, phù hợp và khoa học để phát triển là việc làm quan trọng.
Là xã thuần nông, đất canh tác phong phú nên nông nghiệp được đặt ra hàng đầu. Về nông nghiệp: theo địa bàn sản suất và dân cư, xã thành lập hai hợp tác xã Đại Vinh và Vinh Hoa. Đồng ruộng được chia lại từng đội sản xuất.
Phong trào khai hoang, lấp hố bom, đầm lầy tiếp tục được phát động và thực sự trở thành phong trào lan rộng “tấc đất tấc vàng”. Các loại giống mới như nông nghiệp 5, nông nghiệp 8 và các giống lúa mới cho gạo thơm và dẻo được gieo trồng tạo năng suất cao rõ rệt. Để chủ động nguồn nước các hồ đập: Đồng Làng, Cầm Kỳ, Đồng Trũng được nâng cấp, tạo nguồn nước tưới tiêu tại chỗ cho cây trồng. Cơ cấu cây trồng được định hướng, cây mía, sắn, khoai lang, lạc, vừng, dưa đỏ được trồng ở các vùng Tân Hoa, Tân An, Tân Bình, đã tạo nguồn thu cho nhiều gia đình. Nhiều hộ đã thu hoạch trên 20 tạ mật mía/năm. Có tiền phát triển sản xuất và xây dựng nhà mới.
Quy hoạch địa bàn được sắp xếp và đi vào ổn định: Trụ sở uỷ ban, Đảng uỷ, trạm xá và trường cấp 2 được xây dựng ở vùng đất trung tâm. Trường cấp 2 được xây dựng thành hai dãy nhà cấp 4 gồm 8 phòng học khang trang sạch sẽ, thu hút trên 500 học sinh đến trường đi học.
Chợ Chiền được xây dựng trên vùng đất mới rộng rãi ở Đại Vinh bên dòng sông Mai, là nơi trao đổi hàng hoá của nhân dân nhiều xã trong vùng. Đây là niềm vui lớn của cuộc sống ở một vùng quê yên bình.
Công tác xây dựng Đảng: Đảng ta là Đảng cầm quyền, lấy lợi ích của nhân dân và dân tộc để phục vụ và hành động. Dù ở hoàn cảnh nào, tính Đảng, tính chiến đấu vẫn giữ vững. Đảng bộ Quỳnh Vinh gồm hai Đảng bộ vùng (Đảng bộ vùng Vinh Hoa và Đảng bộ vùng Đại Vinh). Công tác tổ chức đó đã tạo sức mạnh và khả năng cho từng cấp uỷ Đảng, làm nổi bật khả năng lãnh đạo của từng cán bộ lãnh đạo, đưa phong trào phát triển sâu rộng hơn, hiệu quả hơn.
Mặc dù mới tách khỏi xí nghiệp, song Quỳnh Vinh đã có những khởi sắc trong phát triển kinh tế và ổn định đời sống. Các mặt như chính trị, an ninh quốc phòng được củng cố, đội ngũ cán bộ lãnh đạo được rèn luyện và thử thách, nhân dân hồ hởi sản xuất tăng gia, đời sống được cải thiện.
Tháng 10 năm 1982, tại hợp tác xã Vinh Hoa, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XIV khai mạc và thành công tốt đẹp. Đại hội đã thổi vào đời sống nhân dân xã nhà một luồng khí mới.
Đại hội đã bầu ra ban chấp hành và phân công:
Đồng chí: Trần Đức Hanh, Bí thư
Đồng chí: Bùi Đình Tuất, Chủ tịch xã
Đồng chí: Hồ Linh, Phó Chủ tịch xã (giữa khoá đồng chí Trần Sỹ Mỹ)
Đồng chí: Nguyễn Xuân Thịnh, trực Đảng
Đồng chí: Vũ Lê Nhoạn, Chủ tịch Mặt trận
Đây là thời kỳ thực hiện Chỉ thị 100. Các giống lúa mới như khang dân, mộc truyền được đưa vào sản xuất, thâm canh tăng vụ được quan tâm thực sự. Tính năng động đã cởi trói cho nông nghiệp, năng suất lúa đạt được 250 kg/sào. Đời sống nhân dân được cải thiện.
Chăn nuôi: Đàn trâu bò tiếp tục được chăm sóc và phát triển, nghĩa vụ cung cấp thực phẩm với Nhà nước hoàn thành xuất sắc.
Y tế và giáo dục: Các trường cấp 1, 2 vẫn duy trì sỹ số, số học sinh đến lớp đúng tuổi, mạng lưới y tế phát triển và được tổ chức chặt chẽ, được tổ chức theo chuyên đề. Các bệnh sốt rét và tiêu chảy được đẩy lùi. Sức khoẻ cộng đồng được bảo đảm. Xóm làng sạch sẽ, đời sống văn hoá và tinh thần của người dân được nâng lên.
An ninh quốc phòng: Hàng năm việc giao quân, tuyển quân bảo đảm, hàng chục thanh niên có đầy đủ sức khoẻ và tinh thần lên đường nhập ngũ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vượt chỉ tiêu tuyển quân của huyện được cấp nhiều giấy khen về thành tích này. An ninh - trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Mọi người yên tâm sản xuất, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố.
Tháng 7 năm 1985, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XV được tiến hành.
Đại hội đã bầu ra ban chấp hành và phân công:
Đồng chí: Trần Đức Hanh, Bí thư
Đồng chí: Nguyễn Xuân Phức, trực Đảng
Đồng chí: Lê Văn Thành, Chủ tịch xã
Đồng chí: Trần Sỹ Mỹ, Phó Chủ tịch xã
Đồng chí: Lê Công Bang, Chủ tịch Mặt trận
Trong tình hình có nhiều thuận lợi, cùng với Nghị quyết VI của Trung ương Đảng, Nghị quyết 20 của Huyện uỷ Quỳnh Lưu đã nhấn mạnh những nhiệm vụ cơ bản là: “xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN, triệt để xoá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp hình thành cơ chế thị trường có sự lãnh đạo của nhà nước, thực hiện chính sách xã hội, vì hạnh phúc của con người”. Nghị quyết đã làm thay đổi công tác quản lý, tư duy lãnh đạo bung ra, sức cạnh tranh sản xuất và làm phong phú sản phẩm của xã hội. Người lao động được giải phóng đem trí tuệ và sức lực ra, tự do sản xuất hàng hoá. Họ được làm chủ phương tiện sản xuất, tích cực cải tiến khoa học, đẩy nhanh hiệu quả lao động, quay tiền, quay vốn để làm giàu, đời sống nhân dân bắt đầu khởi sắc.
Năm 1985, tổng lương thực đạt được 2.012 tấn, làm nghĩa vụ Nhà nước 450 tấn, vượt mức kế hoạch, được huyện Quỳnh Lưu biểu dương.
Diện tích lúa tăng 22 ha, nhờ nước Vực Mấu với khoa học kỹ thuật, năng suất lúa từ 5, 2 tấn/ha tăng lên 6 tấn/ha, đời sống nhân dân được cải thiện.
Về cây trồng: Năm 1987 trồng được 560 vạn cây, bao gồm bạch đàn, keo vàng, và các loại cây lấy gỗ khác. Nhân dân có ý thức ươm cây con, tạo nhiều giống để trồng rừng.
Đời sống văn hoá – xã hội được chú ý. Đặc biệt là chính sách đối với thương binh và xã hội. Hai hợp tác xã: Đại Vinh và Vinh Hoa đã chia 17 tấn lương thực cho những gia đình chính sách. Giáo dục đạt được về số lượng và chất lượng. Số học sinh được vào cấp 3 mỗi năm một tăng năm 1985 có 31 em, năm 1987 có 41 em.
Năm 1985 xẩy ra sốt xuất huyết, sốt rét, xã được sự chi viện người và thuốc của y tế huyện đã nhanh chóng dập dịch có hiệu quả, hạn chế tử vong, có 44 ca hiểm nghèo, 55 ca điều trị tại trạm xá. Thái độ phục vụ của y bác sỹ đối với với nhân dân được quan tâm. Xây dựng thành công công trình nước sạch.
Đạt được những thành tựu trên là nhờ Đảng uỷ đã vận dụng nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, tỉnh và huyện (Nghị quyết 20 của Huyện uỷ Quỳnh Lưu), bám vào nhiệm vụ địa phương vận dụng đúng đắn tư tưởng tự lực tự cường để đề ra đường lối phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đội ngũ cán bộ hàng năm được bổ sung, trẻ hoá đội ngũ cán bộ, năng động và sáng tạo, nhân dân cần cù lao động sáng tạo. Tuy vậy vẫn còn một số hạn chế, trong nông nghiệp việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn chậm, nhất là vụ hè và vụ thu đông; Quản lý hai hợp tác xã chưa năng động. Thuỷ lợi tưới tiêu chưa phù hợp, nơi úng nơi hạn; Chưa thực sự chú ý đến những giống lúa mới có năng suất cao. Giáo dục chưa chú ý đến thế hệ trẻ, chưa chú ý đến đầu tư cho các trường mẫu giáo, cơ sở mẫu giáo còn nghèo và đơn điệu. An ninh khu vực ga Hoàng Mai và chợ Chiền còn buông lỏng. Một số cán bộ, đảng viên còn sa sút về phẩm chất, vi phạm kỹ luật gây tổn thương và làm mất lòng tin với nhân dân.
Tháng 5 năm 1987, tại trụ sở HTX Vinh Hoa Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XVI được tiến hành và thành công tốt đẹp.
Đại hội đã bầu ra ban chấp hành và phân công:
Đồng chí: Trần Đức Hanh, Bí thư
Đồng chí: Vũ Lê Thảo, trực Đảng
Đồng chí: Lê Văn Thành, Chủ tịch xã
Đồng chí: Nguyễn Bá Hoan, Phó Chủ tịch xã
Đồng chí: Lê Sỹ Tiêm, Chủ tịch Mặt trận
Thường vụ Đảng bộ là những đồng chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tâm huyết, từng trải và đoàn kết.
Tình hình sản xuất do ảnh hưởng của thời tiết đầu năm nắng hạn, cuối năm mưa to, đã có những cách đồng mất trắng không cho thu hoạch, lương thực đầu người chỉ còn 10 kg/tháng. Mức sống của người dân còn thấp. Trước tình hình đó, mặt trận sản xuất nông nghiệp được Đảng bộ đặc biệt quan tâm.
Hai hợp tác xã Đại Vinh và Vinh Hoa là những đơn vị trực tiếp tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất, chủ trương khoán gọn đất đến người lao động tiếp tục được thực hiện. Thâm canh, xen vụ, giống lúa mới được xem là đòn bẩy cho sản xuất. Khơi thông mương máng, phân bón được chở về để phục vụ sản xuất.
Kết quả từ những nỗ lực không ngừng của cán bộ và nhân dân. Cuối năm 1988 đã đạt được 2.478 tấn lương thực, thực hiện nghĩa vụ cho Nhà nước đầy đủ. Đàn trâu, bò và hươu phát triển mạnh, hạn chế được dịch bệnh xảy ra tràn lan. Rừng được quy hoạch, được giao đến từng hộ dân. Năm 1988-1989, trồng được 60 vạn cây, trong đó 3 vạn cây thông. Với địa bàn rộng, có đường tàu, đường Quốc lộ 1 A đi qua, an toàn giao thông đảm bảo, huyết mạch giao thông được giữ vững, lực lượng công an xã kết hợp tuyên truyền với giáo dục các em ý thức bảo vệ các công trình giao thông và kết quả không có các vụ việc mất trật tự, an toàn ở bến tàu, khu chợ Chiền không xảy ra.
Hiện tượng mất trật tự, mất an toàn ở bến tàu, chợ búa không xẩy ra. Bình yên xã hội được giữ vững. Mọi người dân an tâm kinh doanh và lưu thông hàng hoá. Làm thay đổi hẳn giá trị hàng hoá, nông sản sản xuất được.
Tổ chức Đảng được xem là hạt nhân, động lực cho phát triển của xã hội. Ý thức sâu sắc nguyên lý cách mạng, Đảng bộ Quỳnh Vinh đã tăng cường lãnh đạo bằng nhiều biện pháp và phương châm:
- Xây dựng Đảng bộ vững mạnh trong sạch và toàn diện
- Xây dựng Chi bộ trong sạch vững mạnh đạt 70% , chi bộ loại khá.
- Đảng viên đều được phân công nhiệm vụ
- Có biện pháp đổi mới trong sinh hoạt và kiểm tra
- Thực hiện dân chủ rộng rãi trong Đảng
- Tăng cường kiểm tra trách nhiệm của các cấp uỷ
- Trẻ hoá đội ngũ lãnh đạo
Những thành tựu của Đảng bộ khoá XVI là đáng ghi nhận, đó là sự kế thừa và phát triển, là sự phấn đấu, sự nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ và nhân dân xã nhà để đưa Quỳnh Vinh bước vào giai đoạn phát triển mới.
Qua 8 năm thực hiện khoán theo Chỉ thị 100, trên lịch vực nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng chế độ quản lý trong hợp tác xã còn nhiều biểu hiện bất cập, bộ máy quản lý cồng kềnh, trình độ quản lý, điều hành sản xuất kém hiệu quả, nhất là việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tuy vậy, các hợp tác xã vẫn duy trì, mở rộng diện tích và đưa cây con, giống mới vào sản xuất, đẩy mạnh khai hoang phục hoá.
Nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo 3 chương trình mà Đại hội VI (12/1986) của Đảng đề ra, ngày 15/4/1998, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10 –NQ/TW (khoán 10) về đổi mới quản lý trong nông nghiệp. Nghị quyết 10 đã đề ra một cơ chế mới trong các hợp tác xã nông nghiệp, thay cho Chỉ thị 100-CT/TW năm 1981. Nghị quyết 10 khẳng định hợp tác xã là đơn vị kinh tế tự chủ, hộ gia đình xã viên nhận khoán với hợp tác xã. Hợp tác xã khoán sản phẩm đến người lao động và bảo đảm khâu thời vụ, giống, kỹ thuật cho xã viên... Nghị quyết 10 thực sự đã thúc đẩy sức lao động trong xã hội, đánh dấu bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp.
Tháng 9 năm 1991, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XVIII được diễn ra và thành công tốt đẹp.
Đại hội đã bầu ra ban chấp hành và phân công:
Đồng chí: Lê Văn Thành, Bí thư
Đồng chí: Vũ Lê Thảo, trực Đảng
Đồng chí: Đậu Minh Xuyên, Chủ tịch xã
Đồng chí: Nguyễn Bá Hoan, Phó Chủ tịch xã
Đồng chí: Nguyễn Bá Bích, Chủ tịch mặt trận
Những khó khăn và thuận lợi của xã nhà được lãnh đạo phân tích và đánh giá rất cụ thể. Nhân dân Quỳnh Vinh cần cù lao động, lực lượng sản xuất dồi dào, người dân mặn mà gắn bó với quê hương. Trong khi đó mức sống của nhân dân còn thấp, chất lượng cuộc sống còn khiêm tốn, sản xuất còn lạc hậu, năng suất cây trồng hạn chế. Trước tình hình đó, Đảng bộ chỉ đạo:
Trong nông nghiệp: Thực hiện gieo trồng 90% giống lúa mới, quan tâm sản xuất vụ đông xuân, phải trồng xen các loại hoa màu có năng suất cao như khoai tây, cà rốt, đậu đũa, mướp đắng… Diện tích trồng màu năm 1991 đạt 40 ha. Sản xuất đi vào thế ổn định. Đời sống nhân dân bớt khó khăn. Đàn trâu bò phát triển, đặc biệt là số lượng hươu tăng nhanh. Người dân đã đầu tư tiền, công sức để mua hươu về chăn nuôi, đây là nguồn lợi vừa lớn, vừa nhanh, tạo những những bước nhảy vọt trong phát triển. Cả xã có tới 261 con ở thời điểm này.
Trồng rừng tiếp tục phát triển, bằng các biện pháp và các chính sách của Nhà nước, chúng ta đã trồng được 200 ha, đạt 100% dự án. Phong trào trồng cây ăn quả có những bước tiến mới, mô hình CAV mở rộng, các gia đình có vườn cây, vườn rừng phát triển như gia đình ông Tuyên, ông Đình, ông Trương…
Năm 1992, xã đã huy động tổng hợp nhiều nguồn vốn: vốn vay của nhân dân, vốn vay tín dụng xây dựng, ... để xây dựng và đưa vào sử dụng ba nhà mẫu giáo, một nhà kho, 5 cầu trên trục đường liên xóm, liên xã. Tổng giá trị lên đến 16 triệu đồng.
Sự nghiệp giáo dục tiếp tục có bước phát triển: Phong trào thi đua dạy tốt được giáo viên hưởng ứng tích cực. Trường cấp 1 đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc của huyện, trường cấp 2 đạt danh hiệu khá, trường mầm non được biểu dương. Hệ thống giáo dục đã góp phần nâng cao dân trí cho toàn dân.
Hợp tác xã Vinh Hoa xây dựng được hệ thống truyền thanh rãi khắp đến tận từng xóm. Mỗi ngày, mỗi tuần đều có bản tin nội bộ. Mạng lưới truyền thanh này có ý nghĩa rất lớn đối với một vùng dân cư vừa rộng, vừa đông, vừa thưa thớt. Những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước cũng đã kịp thời đến với người dân.
An ninh quân sự địa phương: Từ thực tiễn của tình hình thế giới Đảng bộ và nhân dân xã Quỳnh Vinh nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình đất nước mới. Mạng lưới an ninh xóm, xã được củng cố và xây dựng, có tổ chức chặt chẽ sẵn sàng chiến đấu trong bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra.
Cuối năm 1993, tình hình xã hội có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt là cuộc xung đột từ ngày 28/01/1994 đến ngày 02/02/1994. Sự việc này nghiêm trọng cần giải quyết dứt điểm.
Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Huyện uỷ Quỳnh Lưu ra Chỉ thị số 12- CT/HU ngày 23/3/1994. Chỉ thị viết “Do tình hình phức tạp về vấn đề đất đai, địa giới hành chính giữa hai xã có nhiều mẫu thuẫn kéo dài. Mặc dù đã có sự chỉ đạo trực tiếp của cấp trên trong quá trình giải quyết mâu thuẫn đó, do thiếu bình tĩnh, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, đã xẩy ra xung đột nghiêm trọng. Phải giải quyết dứt điểm, khắc phục nhanh chóng tình hình, giữ sự bình yên cho hai xã, thiết lập trật tự, kỷ cương phép nước”…
Tháng 11/199, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XIX (nhiệm kỳ1994-1996).
Đại hội đã bầu ra ban chấp hành và phân công:
Đồng chí: Trần Đức Dưỡng, Bí thư
Đồng chí: Hoàng Đình Kim, Thường vụ trực Đảng
Đồng chí: Lê Thạc Danh, Chủ tịch xã (sau 3 tháng đồng chí Lê Khắc Nho thay)
Đồng chí: Trần Sỹ Mỹ, Phó Chủ tịch xã
Đồng chí: Lê Ninh, Chủ tịch Mặt trận
Tình hình chính trị và an toàn xã hội tiếp tục được củng cố và giữ vững nhân dân trong xã phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Khu công nghiệp Hoàng Mai được xúc tiến quy hoạch. Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Vinh có quyết tâm rất cao, phát huy được truyền thống cần cù sáng tạo trong toàn xã.
Tuy vậy, trên thực tế Quỳnh Vinh gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là sự băn khoăn, lo lắng của nhân dân lao động về quy hoạch của nhà máy xi măng Hoàng Mai. Đất sản xuất bị thu hẹp, lao động dư thừa, việc làm mất, ngân sách thâm hụt, nông nghiệp chậm phát triển.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Quỳnh Vinh vận dụng linh hoạt Nghị quyết 23 của Huyện uỷ, Nghị quyết Đảng bộ khoá 19, cùng với sự đoàn kết và nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, nên đã đạt được những thành tựu lớn.
Thời tiết có nhiều biến động phức tạp, rét đậm kéo dài liên tục, có thời điểm nhiệt độ xuống thấp 80C, đã làm mất trắng 51 ha lúa mới cấy, 76 ha lúa mới lúa giống mới phải cấy hoặc gieo sạ lại, lượng lúa giống phải bổ sung là 10,4 tấn. Mặc dù gieo chậm, song diện tích vẫn đạt 100%. Tổng sản lượng đạt 2420 tấn bằng 80% kế hoạch. Bình quân đầu người đạt 223 kg/năm. Trồng được 70 ha bạch đàn và cây thông, 10 ha cây ăn quả, rừng được bảo vệ và chăm sóc tốt.
Nhu cầu về văn hoá, thông tin được mọi người quan tâm, Đảng bộ Quỳnh Vinh đã bám sát những nhiệm vụ chỉ đạo của Sở Văn hoá, của Trung tâm văn hoá huyện đã tổ chức thành công nhiều hoạt động mang tính xã hội cao. Chỉ đạo chính quyền xã tổ chức đón nhận bằng di tích lịch sử văn hoá đền Vưu thành công tốt đẹp. Truyền tin 150 buổi thông tin nội bộ, sử dụng 60 khẩu hiệu và băng rôn để tuyên truyền cổ vũ. Tham gia tốt các giải chạy việt giã. Phong trào thể dục thể chất phát triển. Các hoạt động văn hoá được đánh giá cao về nghệ thuật và phong cách biểu diễn.
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có vị trí quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Bác Hồ từng nói: “Vì lợi ích trăm năm mà trồng người”. Nhận thức đó được thể hiện rất rõ trong xây dựng và kiến tạo. Xã xây dựng một dãy nhà hai tầng 16 phòng học cho trường cấp 2. Hệ thống nhà mẫu giáo ở các xóm mọc lên, khang trang, đồng bộ, kiên cố, cao đẹp phục vụ nhu cầu dạy và học của con em trong xã. Các em được học tập trong những phòng học mát mẻ, ấm áp.
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, quan tâm đến việc giáo dục truyền thống cách mạng, một khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã được xây dựng trị giá 250 triệu đồng.
Xây dựng đường điện trị giá hàng tỉ đồng cho 3 khu vực Đại Vinh, Tân Hoa, An Bình. Từ nay điện sẻ thắp sáng mỗi nhà, mang lại niềm vui, và trí tuệ cho nhân dân.
Tháng 10/1996 tại hội trường Vinh Hoa, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XX (nhiệm kỳ 1996-2000) được tiến hành và thành công tốt đẹp.
Đại hội đã bầu ra ban chấp hành và phân công:
Đồng chí: Trần Đức Dưỡng, Bí thư
Đồng chí: Nguyễn Bá Bích, Thường vụ trực Đảng
Đồng chí: Lê Khắc Nho, Chủ tịch xã
Đồng chí: Lê Ninh, Chủ tịch Mặt trận
Đại hội đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vận động các hộ xóm 14 giải phóng mặt bằng về tái định cư. Điều chỉnh đất đai sau khi chuyển 75 ha diện tích đất làm nhà máy ximăng và khu mỏ đất sét.
Hoàn thiện lưới điện, nâng cấp giao thông và trường học.
Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhân dân xã nhà đã đạt được những kết quả vượt bậc, đời sống của nhân dân được cải thiện, an ninh quốc phòng giữ vững, giáo dục tiếp tục phát triển. Nhân dân hồ hởi bắt tay mở rộng sản xuất, tiểu thủ công nghiệp, nghề mộc dân dụng phát triển mạnh.
Từ tháng 10/1996-9/2000, Đảng bộ và nhân dân đã tạo dựng được những thành tích rất đáng trân trọng, là bản lề vững chắc để phát triển chặng đường tiếp theo.
Tháng 9/2000, tại hội trường Vinh Hoa, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XXI đã tiến hành và thành công tốt đẹp.
Đại hội đã bầu ra ban chấp hành và phân công:
Đồng chí: Lê Thạc Hùng, Bí thư
Đồng chí: Lê Văn Thành, Phó Bí thư trực Đảng
Đồng chí: Trần Khâm, Chủ tịch xã
Đồng chí: Lê Xuân Khả, Chủ tịch Mặt trận
Nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội là : Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi dịch vụ, chuyển đổi vụ mùa, chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng. Xây dựng và ổn định khu dân cư, xây dựng xóm văn hoá, nhà văn hoá. Kết quả đạt được :
Về Kinh tế: Tốc độ phát triển khá cao, chuyển dịch kinh tế đúng hướng, tổng bình quân 5 năm là (từ 9/2000-7/2005) 13,6% (chỉ tiêu đề ra là 10-12%). Bình quân thu đầu người từ 2 triệu đồng/người năm 2000 đến năm 2005 đạt 4 triệu đồng/người/năm. Hộ đói nghèo giảm còn 8,1%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tạo lập ba vụ ổn định, sản lượng lương thực năm 2005 là 5200 tấn tăng 640 tấn, vượt chỉ tiêu đề ra.
Về Văn hoá giáo dục : Đầu năm năm 2004-2005, ba trường tiểu học với 1680 học sinh, trong đó trường tiểu học Quỳnh vinh C được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia. Trường THCS có 37 lớp, các trường mẫu giáo tiếp tục phát triển. Chất lượng giáo dục có chuyển biến rõ rệt, số học sinh giỏi ngày càng tăng, số học sinh thi đậu vào các trường đại học và cao đẳng là 250 em.
An ninh quốc phòng: Thực hiện Chỉ thị 11 của Tỉnh uỷ về nhiệm vụ quốc phòng toàn dân, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về an ninh quốc phòng, Quỳnh Vinh đã xây dựng được một số cơ sở quốc phòng gắn với hoạt động kinh tế.
Có thể khẳng định rằng từ 2000-2005, trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá giáo dục, an ninh quốc phòng nhân dân đã đạt được những thành tích có ý nghĩa. Đó là sự phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi thể hiện ý Đảng lòng dân.
Tháng 7/2005 tại hội trường UBND xã, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2005-2010) được diễn ra và thành công tốt đẹp.
Đại hội đã bầu ra ban chấp hành và phân công:
Đồng chí: Lê Thạc Hùng, Bí thư
Đồng chí: Lê Văn Kỳ, Phó Bí thư trực Đảng
Đồng chí: Lê Văn Thành, Phó Bí thư-Chủ tịch UBND
Đồng chí: Trần Trúc, Chủ tịch Mặt trận
Nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội là: Phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng, sức mạnh của toàn dân. Đẩy nhanh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng toàn diện về các lĩnh vực xã hội, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp.
Những thành tựu đạt được:
Kinh tế: Tổng giá trị sản xuất kinh tế năm 2010 đạt 9013,2 triệu đồng, tốc độ phát triển kinh tế 5 năm tăng 13,6%; tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông lâm nghiệp năm 2005 là 68,1%, năm 2010 đạt 44,1%, ngành công nghiệp xây dựng đạt 16,1%, thương mại dịch vụ năm 2010 đạt 39,8%. Thu nhập bình quân đầu người từ 4 triệu/người/năm 2005 đến 2010 đạt 8,5triệu/người/năm. Đời sống vật chất và chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt.
Văn hoá, giáo dục: Từ 2005 đến 2010, đã khởi công xây dựng 7 công trình lớn, với tổng giá trị 2,5 tỷ đồng gồm hệ thống đài truyền thanh, đường laga, đường giao thông liên thôn, bê tông hoá đường làng ở Đại Vinh, nâng cấp trạm y tế, nhà văn hoá, trường tiểu học Quỳnh Vinh A và Quỳnh Vinh B được xây mới và nâng cấp. Có 5/22 xóm đạt xóm văn hoá cấp huyện, có 1944 hộ đạt gia đình văn hoá.
Chất lượng giáo dục ngày được nâng cao, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 95,5%, hàng năm có hơn 300 em đậu đại học và cao đẳng.
Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: thực hiện kịp thời và có chất lượng cuộc vân động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Xếp loại tổ chức cơ sở Đảng có 13/29 Chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, 3 Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Các tổ chức chính trị : Đoàn thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, ... Đã có nhưng hoạt động sôi nổi, hiệu quả, kịp thời đưa phong trào hoật động có chiều sâu, chất lượng.
Từ năm 2005-2010, Đảng bộ và nhân dân đã đạt được nhưng kết quả thật đáng trân trọng và khích lệ.
Tháng 5/2010, tại hội trường UBND xã, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XXIII (2010-2015) được diễn ra thành công tốt đẹp.
Đại hội đã bầu ra ban chấp hành và phân công:
Đồng chí: Lê Văn Thành, Bí thư
Đồng chí: Lê Đăng Thuỳ, Phó Bí thư trực Đảng
Đồng chí: Lê Văn Kỳ, Phó Bí thư-Chủ tịch UBND
Đồng chí: Lê Thạc Hùng, Chủ tịch Mặt trận
Đại hội tiếp tục mục tiêu phương hướng Đại hội XXII.
Đại hội đưa ra một số chỉ tiêu chính:
- Tăng trưởng kinh tế 5 năm là 14-15%.
- Cơ cấu kinh tế : Nông-lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ chuyển dịch theo hướng tăng mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dịch vụ.
- Tiếp tục giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
Đại hội xác định những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đồng thời nhấn mạnh: phải đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; duy trì chế độ giao ban, hội ý; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, xây dựng và bổ sung hoàn thiện quy chế làm việc phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới, tăng cường kiểm tra quy chế, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ; tăng cường giao ban giữa đảng ủy, chính quyền với cơ sở và các ban ngành, các tổ chức. Chú trọng hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy ở cơ sở, sâu sát địa bàn. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng thi đua yêu nước. Quan tâm giải quyết những vấn đề nãy sinh, bức súc từ cơ sở. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với các đơn vị, cá nhân, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, người phụ trách. Xây dựng điển hình tiên tiến, thực hiện tốt công tác thi đua nhân ra diện rộng. Trong chỉ đạo giải quyết công việc phải thực hiện theo phương châm nói đi đôi với làm, lấy hiệu quả công việc, sự chuyển biến phong trào để đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ.
Sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ đã khẩn trương xây dựng quy chế, chương trình công tác toàn khóa, phân công chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đảng ủy đã phân công chỉ đạo từng đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ phụ trách các vùng; các Uỷ viên Ban Chấp hành phụ trách các chi bộ; phân công cán bộ tham gia chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình trọng tâm của Đại hội. Đồng thời, đảng ủy cũng đã tập trung chỉ đạo việc tuyên truyền kết quả của Đại hội, tổ chức triển khai nghị quyết Đại hội tại các chi bộ và các đoàn thể.
Chặng đường mới, với bao thách thức mới đang đặt ra, phát huy truyền thống cách mạng, những thành tích và kết quả đạt được trong thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Vinh nguyện đoàn kết một lòng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, năng lực điều hành của bộ máy chính quyền, khả năng vận động nhân dân của mặt trận và các đoàn thể chính trị. Tập trung xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 về "một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đưa Quỳnh Vinh vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
LỜI KẾT
1. Quỳnh Vinh là địa đầu của Quỳnh Lưu, từng được vinh danh là "thắng địa” là "phên dậu" của Đại Việt qua các triều đại phong kiến.
Mảnh đất Quỳnh Vinh đã ghi dấu và lưu giữ biết bao kỳ tích và chiến công oai hùng của các bậc tiền nhân. Có thể nói đây là mảnh đất "địa linh nhân kiệt”, dải đất đã sản sinh ra các đặc sản quý hiếm, và cũng đã sản sinh ra những con người đẹp, nhiều chính khách, văn nhân, nhà giáo nổi tiếng, nhà khoa học, quản lý giỏi đã và đang đi vào lịch sử tô đẹp và làm rạng rỡ quê hương.
Nằm trong điều kiện thiên nhiên rất khắc nhiệt, mưa nắng thất thường, bão tố dồn dập, núi cao, sông ngòi gần nhau, đồng bằng hẹp, bậc thang, độ dốc lớn, đất bị xói mòn bạc màu độ phì kém, tầng đất canh tác nông, vùng gần sông ngòi nhiễm mặn nặng, môi trường ngày càng bị ô nhiễm, cân bằng sinh thái bị phá vỡ.
Sản xuất chỉ có nghề nông là chính, thủ công nghiệp, công nghiệp không có cơ sở vật chất kỹ thuật lại xa các trung tâm kinh tế, trung tâm tiêu thụ, giao thông bất thuận. Mặc dầu vậy với truyền thống cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo; nhân dân Quỳnh Vinh đã và đang dũng cảm lao động, khắc phục khó khăn đưa ra một mô hình kinh tế nông – lâm – thủ công nghiệp – chăn nuôi – dịch vụ tạo nên một nền sản xuất năng động đa dạng, báo hiệu nhiều triển vọng mới.
2. Vốn là vùng đất cổ, cư dân bản địa và cư dân của hơn 40 dòng họ hợp thành, là đất ”đãi khách” rất nhân bản, nhân ái và nhân văn. Nên đã xây dựng một cộng đồng làng xã bền vững có truyền thống văn hoá tốt đẹp, giao thoa từ nền văn hoá bản địa xa xưa với cộng hưởng văn hoá chọn lọc của cư dân mới, tạo nên thuần phong, mỹ tục thắm đượm tình làng nghĩa nước giúp Quỳnh Vinh vượt qua mọi thử thách, qua các bước thăng trầm của lịch sử bước đi vững vàng, hiên ngang, bất khuất rất đỗi tự hào.
3. Lịch sử Quỳnh Vinh có thể nói là lịch sử chiến đấu và chiến thắng thiên tai, bão tố, lụt lội, hoả hoạn, lịch sử khai sơn phá thạch lập nên làng mạc thôn xóm trù phú một cộng đồng có nền kinh tế năng động, văn hoá rực rỡ và là lịch sử kháng chiến vệ quốc và giải phóng. Từ ngày Đinh Bộ Lĩnh dựng nước, Lê Hoàn ra quân, Lý Nhật Quang mở mang biên cõi, chuẩn bị quân lương đánh thắng giặc phương Nam xâm lấn, những ngày Lê Lợi tiến vào xứ Nghệ, Tây Sơn điều binh ra Bắc, cho đến thời thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhiều sỹ phu, thanh niên tuấn kiệt đã sung vào ngọn cờ khởi nghĩa góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
4. Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước mảnh đất này đã xuất hiện nhiều danh nhân tăm tiếng.
Thời hậu Lê có cụ Trần Lễ làm quan đến đô đốc chỉ huy sứ. Họ Trần thời vua Minh Mạng có cụ Trần Xuyến đậu phó bảng làm đốc học Quảng Nam. Họ Lê thời vua Minh Mạng có cụ Lê Văn Luyện (1789-1855) trong hai kỳ thi hương và thi hội cụ đều đỗ đầu. Sau khi thi hội năm Ất Dậu 1825, cụ được vua Minh Mạng bổ làm quan ngự sử đài chánh chưởng. Từ năm 1832-1837, dạy học ở Quốc tử giám, từ 1837-1841 làm đốc học ở Lạng Giang phủ.
Họ Lê Thạc có thuỷ tổ Lê Bôi là khai quốc công thần triều Hậu Lê, dưới cờ nghĩa của chủ tướng Lê Lợi năm Giáp Thìn 1424, ông đã chỉ huy quân chiến đấu, chiến thắng giặc Minh giòn dã ở Bồ Ải rồi tiếp các trận thắng như trần Bồ Đằng, Trà Lần, ... Do lập nhiều công trạng lớn, năm Đinh Mùi 1427, ông được thăng từ Thượng tướng lên Tổng quản Chấp lệnh công.
Từ ngày có ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ kính yêu, nhân dân Quỳnh Vinh đã nhất tề đứng lên với tinh thần không gì vinh quang bằng chiến đấu dưới cờ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã góp phần thắng lợi, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử. Tiếp đến 9 năm làm một Điện Biên nên vành hoa đỏ nên trang sử vàng, và 21 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam đưa non sông về một mối.
Trong hai cuộc chiến tranh vĩ đại đó đã có 140 người con ưu tú của quê hương Quỳnh Vinh mãi mãi nằm lại trên các chiến trường Tây Bắc-Điện Biên, Bình Trị Thiên, Sài Gòn, Nam Bộ, mặt trận Phía Bắc, Tây Nam, nước Lào, Cam Pu Chia. Đã có 162 thương, bệnh binh các loại, những người đã để lại một phần cơ thể, xương máu mình trên các chiến trường. Đã có 1500 lượt người con Quỳnh Vinh gia nhập quân đội nhân dân Việt Nam, 100 chiến sỹ tham gia thanh niên xung phong. Hai cuộc chiến, gần 1000 lượt người tham gia dân công xe thồ, dân công hoả tuyến phục vụ trên các chiến trường Tây Bắc-Điện Biên, Bình - Trị - Thiên, đường 559, 30 nhà thờ họ, hầu hết nhà dân trở thành kho để hàng hoá, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng cung cấp cho tiền tuyến.
Đảng, Nhà đã ghi nhận công lao to lớn đó của nhân dân Quỳnh Vinh:
- 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng
- 4 cán bộ hoạt động trước 01/01/1945
- 2 cán bộ tiền khởi nghĩa
- 1anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
- 1 gia đình có công nuôi cán bộ cách mạng
- 34 huân, huy chương kháng chiến chống Pháp
- 1060 huân, huy chương kháng chiến chống Mỹ
- 600 huy chương gia đình có công với nước
Ngoài ra còn có hàng trăm huân chương chiến công; huân, huy chương giải phóng; huân, huy chương của nhà nước Lào, Cam Pu Chia tặng quân giải phóng Việt Nam.
- 59 huy chương vì sự nghiệp giáo dục, vì sự nghiệp tuyên giáo
- 3 huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc
- 1000 huân huy chương chiến sỹ vẻ vang, ...
Ngày nay trên bước đường đi lên công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước, Đảng bộ, chính quyền đã sớm nắm bắt chủ trương, quán triệt sâu sắc cho cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh địa phương làm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Nhờ vậy đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn và an sinh xã hội.
Kinh tế tăng trưởng, đời sống nhân dân từng bước cải thiện, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng nhanh chóng mặt bằng nhà máy ximăng Hoàng Mai, nhà máy ximăng Tân Thắng, đường nối Nghĩa Đàn – Thái Hoà - Quỳnh Vinh - Quốc lộ 1A – Đông Hồi.
Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh các năm 2010, 2011.
Đảng bộ có 176 đảng viên đã được nhận huy hiệu 40, 50, 60 tuổi Đảng.
Hội đồng nhân dân, UBND, UBMTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tuy vậy do địa hình, địa mạo phức tạp, khu dân cư rộng, diện tích đồi núi, nhiều hơn đồng bằng. Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm đang ở quy mô nhỏ, tỷ lệ tăng dân số cao, diện tích trồng lúa hẹp. Là xã có dân số đông 15235, tỷ lệ giáo dân chiếm 10%. Đó là trở ngại, khó khăn trên con đường phát triển đi lên của Quỳnh Vinh, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội những Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Vinh nguyện một lòng đoàn kết, gắn bó, nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tiễn của địa phương, nên đã có bước đi vững chắc. Bộ mặt nông thôn đã khởi sắc, làm tiền đề cho những chặng đường tiếp theo.
Gần 80 năm xây dựng và trưởng thành từ khi Chi bộ Quý Vinh-Thiện Kỵ được thành lập. Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Vinh đã tạo nên những thay đổi kỳ diệu trên quê hương. Bao thế hệ đảng viên và thanh niên ưu tú anh dũng hy sinh trên mọi miền của Tổ quốc. Trong suốt 4/5 thế kỷ ấy, Đảng bộ Quỳnh Vinh thực sự là nhân tố quyết định cho mọi thành công. Con đường đi tới hiện đại, văn minh, dân chủ công bằng...và còn lắm gian nan nhưng Đảng bộ Quỳnh Vinh quyết tâm tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, cùng toàn dân xã nhà quyết đưa Quỳnh Vinh nhanh chóng trở thành xã điển hình của huyện.
PHỤ LỤC
I. QUỲNH VINH QUA NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ
Trước 1945, xã Quỳnh Vinh gồm có hai làng: Làng Thọ Vinh và làng Quý Vinh.
Làng Thọ Vinh có các xóm: Xóm Đông, xóm Đoài, xóm Phú, xóm Quý, xóm Yên Lộc, Yên Trạch.
Làng Quý Vinh có các xóm: Xóm Rục, xóm Nhàn, xóm Chiền, xóm Rí. Xóm Rí có ba khu dân cư là khu Vinh Lễ ở xung quanh núi Nhà Thờ (là họ giáo toàn tòng), khu Đồng Gốc và khu Cồn Đình xung quanh đình xóm Rí.
Từ 1946 – 6/1947, gọi là xã Vinh Lộc.
Từ 7/1947, hợp nhất với xã Văn Hoá gọi là xã Vinh Hoa (xã Văn Hoá gồm hai làng Dị Nậu và Thiện Kỵ)
Năm 1948, xã Quỳnh Trang, Quỳnh Thắng hợp nhất với xã Vinh Hoa gọi là xã Quỳnh Mai.
Từ tháng 4/1954, tách xã Quỳnh Mai thành 5 xã: Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị, Quỳnh Trang, Quỳnh Thắng.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu về một mối Quỳnh Lưu được Trung ương phê chuẩn tổ chức lại sản xuất xây dựng cụm sản xuất.
Tháng 5/1976, hợp nhất ba xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị thành xí nghiệp Quỳnh Mai. Xí nghiệp thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư ngày 15/1/1981 mở đầu cho bước phát triển mới về nông thôn, nông nghiệp.
Tháng 8/1981, giải thể Xí nghiệp Quỳnh Mai, tách Xí nghiệp Quỳnh Mai thành ba xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị như trước đây.
II. ĐẢNG BỘ QUỲNH VINH TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI
+ Giữa năm 1935, Đại hội thành lập Chi bộ Quý Vinh - Thiện Kỵ1, Chi bộ có 7 đảng viên, đồng chí Văn Sỹ Thọ-Bí thư, đồng chí Nguyễn Bá Thếp-Phó Bí thư. Đại hội yêu cầu các đảng viên tăng cường sự đoàn kết trong Đảng và phong trào cách mạng quần chúng.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 1 ở Ma Cao (Trung Quốc)
- Củng cố và phát triển Đảng, tổ chức ra các đoàn thể cho hợp với điều kiện bí mật
- Cổ vũ quảng đại quần chúng, khuyếch trương đấu tranh đòi quyền lợi, củng cố phát triển các tổ chức quần chúng.
Từ tháng 9/1936, Chi bộ rút vào hoạt động bí mật.
Ngày 18/9/1946, Đại hội thành lập Chi bộ Vinh Lộc do hai đồng chí cán bộ Huyện uỷ Nguyễn Đức Nghi và Nguyễn Thị Du trực tiếp chỉ đạo, Đại hội tiến hành tại nhà đồng chí Phạm Nhơ, Đại hội có 5 đảng viên (Phạm Nhơ, Lê Thạc Tạo, Hồ Văn Long, Nguyễn Hữu Nghị, Văn Đức Huế). Đồng chí Phạm Nhơ làm Bí thư, Lê Thạc Tạo-Phó Bí thư. Đại hội nêu quyết tâm :
- Đoàn kết tranh thủ khôi phục kinh tế
- Mở mang kinh tế, thực hành đời sống mới, sỹ, nông, công, thương toàn thể mọi người ra sức làm việc.
Tháng 4/1947-11/1947, Đại hội Chi bộ, đồng chí Lê Thạc Tạo làm Bí thư, đồng chí Hồ Văn Long-Phó Bí thư.
Tháng 11/1947, Đại hội Chi bộ Vinh Hoa, đồng chí Nguyễn Bá Nghiêm, Bí thư.
Từ 1947-1949, đồng chí Nguyễn Tượu làm Bí thư, đồng chí Lê Thạc Tạo-Phó Bí thư.
Đại hội diễn ra khi cả nước bước vào giai đoạn kháng chiến chống Pháp quyết liệt. Vùng Hoàng Mai cơ bản diệt xong giặc dốt, giặc đói, đẩy mạnh xây dựng chính quyền.
+ Từ 1949-1951, Đại hội Chi bộ Quỳnh Mai, đồng chí Nguyễn Tượu làm Bí thư, đồng chí Lê Thạc Tạo-Phó Bí thư. Đại hội xác định trách nhiệm: Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng. (Quỳnh Mai quyết tâm là hậu phương cung ứng nhân lực, tài lực, vật lực cho kháng chiến)
+ Tháng 1/1952-10/1952, Đại hội Chi bộ Quỳnh Mai, đồng chí Nguyễn Huấn là Bí thư, đồng chí Nguyễn Tượu làm Phó Bí thư, đồng chí Trần Lưu-Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBKCHC Quỳnh Mai. Đại hội tiếp tục nhiệm vụ của cuộc kháng chiến, tăng cường đoàn kết trong Đảng, phát triển các tổ chức cách mạng.
+ Tháng 11/1952-3/1954, Đại hội Chi bộ Quỳnh Mai, Đại hội kiểm điểm công tác nhiệm kỳ qua xác định trách nhiệm của Chi bộ Quỳnh Mai: Đáp ứng đủ quân số nhập ngũ, kêu gọi tham gia TNXP, dân công xe thồ cung cấp vật lực cho chiến trường Tây Bắc-Điện Biên Phủ, học tập giảm tô, giảm tức, đấu tranh với các phần tử phản cách mạng, Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Tượu-Bí thư, đồng chí Trần Lưu-Phó Bí thư, đồng chí Nguyễn Thị Danh-Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBKCHC.
+ Tháng 4/1954-5/1955, Chi bộ Quỳnh Vinh được tách ra từ Chi bộ Quỳnh Mai, Đại hội đề ra nhiệm vụ trọng tâm: học tập, tiến hành giảm tô, giảm tức, chuẩn bị bước vào cải cách ruộng đất. Tăng gia sản xuất, ổn định đời sống, khắc phục trận lụt lớn từ 23-26/9/1954, Đại hội bầu đồng chí Lê Thị Vang-Bí thư, đồng chí Nguyễn Xiển-Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBHC, đồng chí Lê Văn Trương-Bí thư nông hội.
+ Tháng 5/1955-10/1956, Đại hội Chi bộ Quỳnh Vinh lần thứ II, Quỳnh Lưu được tỉnh chọn thí điểm cải cách ruộng đất, Đại hội bầu những người không liên quan với giai cấp địa chủ bóc lột vào cấp uỷ. Chi bộ, chính quyền được kiện toàn, nhưng quyền lực thuộc về đội cải cách. Đội cải cách ruộng đất thực hiện ba cùng xâu chuổi, bắt rễ với bần, cố nông, hướng dẫn quần chúng đấu tranh.
Đại hồi bầu đồng chí Lê Lập-Bí thư, đồng chí Nguyễn Xuân Lịch-Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBHC, đồng chí Lê Thị Đảm cấp uỷ Phó Chủ tịch xã.
Tháng 11/1956-1957, Đại hội Chi bộ Quỳnh Vinh lần thứ III.
Phương hướng Đại hội:
- Học tập thư Bác Hồ, sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất, xây dựng khối đoàn kết nông thôn, trả lại nhà cửa cho thành phần quy sai.
- Học tập điều lệ HTX nông nghiệp.
Đại hội bầu đồng chí Lê Văn Trương-Bí thư, đồng chí Hoàng Đình Trương-Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã.
Từ 1958-3/1960, Đại hội Chi bộ Quỳnh Vinh lần thứ IV.
Đại hội quán triệt điều lệ HTX nông nghiệp sửa đổi. Tiếp tục sữa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất.
Đại hội bầu đồng chí Hoàng Đình Trương-Bí thư kiêm Chủ tịch UBHC xã, đồng chí Nguyễn Bá Tưu-Thường vụ Đảng uỷ.
+ Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ I (Quỳnh Vinh Thành lập Đảng bộ xã)
+ Từ tháng 4/1961-3/1962, Đại hội triển khai xây dựng HTX bậc cao thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Đại hội bầu đồng chí Hoàng Đình Trương-Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBHC, đồng chí Lý Xuân Nhãn-Phó Bí thư, đồng chí Nguyễn Bá Tưu-Thường vụ trực Đảng.
+ Tháng 4/1962-3/1963, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ II.
- Đại hội kiểm điểm công tác nhiệm kỳ qua
- Đề chỉ tiêu 100% số hộ vào HTX nông nghiệp, tiến hành xây dựng HTX quy mô lớn.
- Bàn việc di dân ra Tân Hùng
Đại hội bầu đồng chí Hoàng Đình Trương-Bí thư Đảng bộ, đồng chí Lý Xuân Nhãn-Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBHC.
Tháng 3/1963-5/1965, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ III.
Phương hướng Đại hội :
- Hoàn thiện quy hoạch sản xuất CNXH, xây dưng HTX quy mô lớn
- Đưa 100% số hộ vào HTX
Đại hội bầu đồng chí Lý Xuân Nhãn-Bí thư Đảng bộ, đồng chí Trần Luân-Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBHC.
Tháng 5/1965-5/1966, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ IV.
Phương hướng chung của Đại hội là:
- Tích cực bảo vệ miền Bắc XHCN, làm tròn nghĩa vụ hậu phương lớn chi viênj cho miền Nam.
- Ổn định dân vùng sơ tán, sơ tán các lớp học.
Đại hội bầu đồng chí Trần Luân-Bí thư Đảng bộ, đồng chí Lê Văn Thung-Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBHC, đồng chí Nguyễn Văn Tuyển-Thường vụ tổ chức.
Tháng 5/1966-8/1967, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ V.
Đại hội khẳng định quyết tâm :
- Đẩy mạnh sản xuất, làm tròn nghĩa vụ với nhà nước chi viện sức người sức của cho miền Nam.
- Quyết Tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Đại hội bầu đồng chí Trần Luân-Bí thư Đảng bộ, đồng chí Lê Văn Thung-Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBHC, đồng chí Nguyễn Văn Tuyển-Thường vụ tổ chức.
+ Tháng 8/1967-11/1069, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ VI.
Quyết tâm lớn của Đại hội là :
- Đẩy mạnh sản xuất, củng cố các hồ đập chứa nước phục vụ tưới tiêu, sắp xếp lại khu dân cư.
- Tăng cường chi viện sức người, của cải vật chất cho miền Nam.
- Tạo điều kiện nhà ở cho khoa vật lý ĐHSP Vinh sơ tán.
Đại hội bầu đồng chí Trần Luân-Bí thư Đảng bộ, đồng chí Lê Thạc Trường-Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBHC, Vũ Lê Nhoạn-Thường vụ tổ chức.
Tháng 12/1069-4/1971, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ VII.
Đại hội diễn ra trong bối cảnh đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bác lần thứ hai, Đại hội củng cố quyết tâm đánh Mỹ, sẵn sàng đánh trả giặc Mỹ bằng đường không, chi viện cho chiến trường. Thực hiện chủ trương : "Thóc không thiếu một cân quân không thiếu một người”.
Đại hội bầu đồng chí Lê Thạc Trường-Bí thư Đảng bộ, đồng chí Vũ Lê Nhoạn-Phó Bí thư Chủ tịch UBHC.
Tháng 4/1971-3/1973, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ VIII.
Đại hội diễn ra ra trong khung cảnh: Việt Nam làm tiếp một Điên Biên Phủ thứ 2 trên bầu trời Hà Nội, miền Bắc được hoà bình sau ký hiệp định Pari về Việt Nam.
Đại hội đề ra mục tiêu :
- Cùng cả nước hoàn thành cách mạng dân tộc nhân dân toàn Huyện, xã dấy lên phong trào điều hành lao động trên quy mô lớn, hàn gắn vết thương chiến tranh.
Đại hội bầu đồng chí Vũ Lê Nhoạn-Bí thư Đảng bộ, đồng chí Lê Thị Vinh-Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBHC, đến tháng 10/1972 đồng chí Lê Thị Cầu thay, đồng chí Lê Thạc Trường-Thường vụ tổ chức .
Tháng 3/1973-5/1975, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ IX.
Đại hội diễn ra trong không khí cả nước sục sôi khí thế giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đại hội bàn biện pháp đẩy mạnh sản xuất, xây dựng cơ sở hạn tầng, đảm nhiệm xây một nhà bệnh viện Quỳnh Thạch, xây dựng lại trường cấp 2, tăng năng suất cây trồng, làm bèo dâu, phân bớn hữu cơ, ...
Đại hội bầu đồng chí Trần Luân-Bí thư Đảng bộ, đồng chí Lê Thạc Trường-Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBHC, đồng chí Vũ Lê Nhoạn-Thường vụ tổ chức.
Tháng 5/1975-5/1976, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ X.
Đại hội diễn ra trong khung cảnh : Quỳnh Lưu đươc Trung ương Đảng phê chuẩn tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện, học tập, thảo luận xây dựng cụm sản xuất
Đại hội bầu đồng chí Trần Luân-Bí thư Đảng bộ, đồng chí Trần Đức Hanh-Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBHC, đồng chí Bùi Đình Tuất-Phó Chủ tịch kiêm trưởng Công an xã.
Tháng 5/1976-12/1978, Đại hội Đảng bộ xí nghiệp Quỳnh Mai lần thứ I
(Đảng bộ Quỳnh Vinh coi đây là Đại hội Đảng bộ lần thứ XI)
Là Đại hội hợp nhất ba Đảng bộ Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị thành Đảng bộ Xí nghiệp Hoàng Mai. Đại hội bàn giải pháp hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện chủ trương di dân, hình thành các khu làng mới.
Đại hội bầu đồng chí Trần Luân-Bí thư Đảng bộ xí nghiệp (10/1977-1978 đồng chí Trần Luân ốm đồng chí Phan Thanh Đắc thay), đồng chí Hồ Nuỵ-Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, đồng chí Trần Đức Hanh-trực Đảng, đồng chí Nguyễn Bá Thái-Đảng uỷ viên Phó Chủ tịch.
Tháng 1979-8/1981, Đại hội Đảng bộ xí nghiệp Quỳnh Mai lần thứ II
Đại hội quán triệt Chỉ thị 100 của ban Bí thư ngày 15/1/1981 mở đầu cho phát triển nông thôn, nông dân, nông nghiệp.
Đại hội bầu đồng chí Phan Thanh Đắc-Bí thư Đảng bộ xí nghiệp, đồng chí Trần Đức Hanh-Phó Bí thư trực Đảng, đồng chí Hồ Nuỵ Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND , đồng chí Lê Thạc Trường-Thường vụ tổ chức.
Tháng 9/1981-10/1982, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XIII.
Đại hội giải thể Xí nghiệp Quỳnh Mai, Đảng bộ xí nghiệp Quỳnh Mai tách thành ba Đảng bộ (Đảng bộ Quỳnh Vinh, Đảng bộ Quỳnh Thiện, Đảng bộ Quỳnh Dị).
Đại hội giải quyết tồn đọng sau tách xí nghiệp, giao nhận một cách sơ lược đất đai, ổn định tình hình, ổn định tổ chức.
Đại hội bầu đồng chí Trần Đức Hanh-Bí thư Đảng bộ, Bùi Đình Tuất-Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, đồng chí Vũ Lê Nhoạn-Thường vụ phụ trách mặt trận, đồng chí Hồ Linh-Thường vụ Phó Chủ tịch, đồng chí Lê Thạc Trường-Thường vụ tổ chức.
Tháng 10/1982-9/1984, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XIV.
Đại hội bàn thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ chính trị.
Đại hội bầu đồng chí Trần Đức Hanh-Bí thư Đảng bộ, Bùi Đình Tuất-Thường vụ kiêm Chủ tịch UBND, đồng chí Vũ Lê Nhoạn-Thường vụ phụ trách mặt trận, đồng chí Nguyễn Xuân Thịnh-Phó Bí thư tổ chức.
Tháng 9/1984-9/1985, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XV.
Đại hội vận dụng đường lối đổi mới của Đại hội VI của Trung ương Đảng, từng bước thực hiện hoàn thiện Chỉ thị 100 đưa chương trình kinh tế nông - lâm vào thế ổn định. Đại hội đề ra chương trình phát triển kinh tế xã hội thi đua làm giàu chính đáng.
Đại hội bầu đồng chí Trần Đức Hanh-Bí thư Đảng bộ, Bùi Đình Tuất-Thường vụ kiêm Chủ tịch UBND, đồng chí Vũ Lê Nhoạn-Thường vụ phụ trách mặt trận.
Tháng 9/1985-11/1987, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XVI.
Đại hội tiếp tục các chương trình kinh tế xã hội. Phát triển ngành nghề, tăng năng suất cây trồng vật nuôi
Đại hội bầu đồng chí Trần Đức Hanh-Bí thư Đảng bộ, đồng chí Lê Văn Thành (xóm 11) Phó Bí thư (Huyện uỷ viên) Chủ tịch UBND, đồng chí Nguyễn Xuân Phức- Thường vụ tổ chức.
Tháng 11/1987-9/1991, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XVII.
Đại hội diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động phức tạp, các thế lực thù địch tăng cường âm mưu diễn biến hoà bình chóng phá nhà nước ta.
Nằm trong bối cảnh chung đó, Quỳnh Vinh còn những khó khăn riêng :
- Thiên tai, kinh tế phát triển không đồng đều, kỹ thuật lạc hậu.
Đại hội bầu đồng chí Lê Thạc Tường-Bí thư Đảng bộ, đồng chí Đậu Minh Xuyên-Phó Bí thư, Chủ tịch UBND (đại biểu HĐND huyện), đồng chí Vũ Lê Thảo-Thường vụ phụ trách tổ chức.
Tháng 9/1991-11/1994, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XVIII.
- Đại hội tiếp tục các chương trình kinh tế xã hội.
- Đẩy mạnh tăng năng suất cây trồng, tiếp tục hoàn thiện giao đất rừng, ao hồ, ổn định đời sống nhân dân, tăng cường giao thông thuỷ lợi, ...
Đại hội bầu đồng chí Lê Văn Thành (xóm 11) Bí thư Đảng bộ (đến tháng 10/1994 đồng chí Vũ Lê Thảo quyền Bí thư), đồng chí Đậu Minh Xuyên-Phó Bí thư, Chủ tịch UBND (đại biểu HĐND huyện), đồng chí Vũ Lê Thảo,Phó Bí thư tổ chức.
Tháng 11/1994-10/1996, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XIX.
Đại hội giải quyết các vấn đề :
- Ổn định đời sống nhân dân, cải thiện lưới điện Đại Vinh, đưa điện về Vinh Hoa, hoàn thiện giao đất rừng.
- Tạo điều kiện giải phóng mặt bằng nhà máy xi măng Hoàng Mai.
- Điều chỉnh đất đai trên toàn xã.
- Xây dựng điện-đường-trường-trạm.
Đại hội bầu đồng chí Trần Đức Dưỡng-Bí thư Đảng bộ, đồng chí Lê Thạc Danh -Chủ tịch UBND xã 3 tháng sau đồng chí Lê Khắc Nho (Huyện uỷ viên) Phó Bí thư Đảng uỷ thay đồng chí Danh làm Chủ tịch UBND xã, đồng chí Hoàng Đình Kim- Thường vụ trực Đảng.
+ Tháng 10/1996-9/2000, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XX.
- Đại hội tiếp tục đấy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, vận động các hộ dân gần nhà máy xi măng về khu tái định cư.
- Điều chỉnh đất đai sau khi chuyển 75 ha đất làm nhà máy xi măng và khu mỏ đất sét.
- Hoàn thiện lưới điện, giao thông, trường học.
Đại hội bầu đồng chí Trần Đức Dưỡng-Bí thư Đảng bộ, đồng chí Lê Khắc Nho (Huyện uỷ viên) Phó Bí thư, Chủ tịch UBND, đồng chí Nguyễn Bá Bích-Thường vụ trực Đảng.
+ Tháng 9/2000-7/2005, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XXI.
- Đại hội tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi đất đai, tăng năng suất cây trồng.
- Xây dựng và ổn định quy hoạch khu dân cư.
- Xây dựng xóm văn hoá, nhà văn hoá.
Đại hội bầu đồng chí Lê Thạc Hùng-Bí thư Đảng bộ, đồng chí Lê Văn Thành (Huyện uỷ viên) Phó Bí thư trực Đảng, đồng chí Trần Khâm-Đảng uỷ viên Chủ tịch UBND đến 10/2003 đồng chí Lê Văn Thành thay, Lê Văn Kỳ thay Lê Văn Thành.
+ Tháng 7/ 2005-5/2010, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XXII.
Phương hướng Đại hội nêu là :
- Phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng, sức mạnh toàn dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, tăng nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng toàn diện các lĩnh vực xã hội, thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Đại hội bầu đồng chí Lê Thạc Hùng-Bí thư Đảng bộ, đồng chí Lê Văn Thành (Huyện uỷ viên) Phó Bí thư, Chủ tịch UBND, đồng chí Lê Văn Kỳ-Phó Bí thư trực Đảng, đồng chí Trần Trúc-Thường vụ Chủ tịch MTTQ.
+ Tháng 5/2010-nay, Đại hội Đảng bộ Quỳnh Vinh lần thứ XXIII.
Đại hội tiếp tục mục tiêu phương hướng Đại hội 22.
Với mục tiêu :
- Tăng trưởng kinh tế 5 năm là 14-15%.
- Cơ cấu kinh tế : Nông lâm nghiệp, công nghiệp dịch vụ chuyển dịch theo hướng tăng mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dịch vụ.
- Tiếp tục giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
Đại hội bầu đồng chí Lê Văn Thành (Huyện uỷ viên) Bí thư, đồng chí Lê Văn Kỳ-Phó Bí thư Chủ tịch UBND, đồng chí Lê Đăng Thuỳ-Phó Bí thư trực Đảng.
III. CÁC BẬC TIÊN HIỀN – CỦA CÁC DÒNG HỌ Ở QUỲNH VINH1
TT | Dòng họ | Họ tên Ông/bà tổ | Số đời |
|
Lê | Lê Thông | 24 |
|
Lê Văn | Lê Văn Thịnh | 20 |
|
Lê Sỹ | Lê Sỹ Chiếu | 18 |
|
Nguyễn Bá | Nguyễn Trọng Định | 17 |
|
Lê Thạc | Lê Tuấn | 17 |
|
Nguyễn Xuân | Nguyễn Xuân Lai | 16 |
|
Nguyễn Hữu | Nguyễn Hữu Tạo | 16 |
|
Trần | Trần Phúc Thông | 15 |
|
Vũ Lê | Vũ Mạnh | 15 |
|
Lê Khắc | Lê Khắc Huệ | 15 |
|
Lê Đăng | Lê Đăng Long | 15 |
|
Nguyễn Đình | Nguyễn Đình Chính | 14 |
|
Hoàng Đình | Hoàng Đình Huê | 14 |
|
Lê | Lê Chính | 13 |
|
Nguyễn Viết | Nguyễn Viết Phúc | 13 |
|
Lê | Hồng Nhung | 12 |
|
Nguyễn Sỹ | Nguyễn Sỹ Hiền | 12 |
|
Nguyễn Công | Nguyễn Công Bài | 10 |
|
Nguyễn Ngọc | Nguyễn Ngọc Toàn | 10 |
20. | Nguyễn Trần | Nguyễn Doãn | 10 |
21. | Bùi Đình | Bùi Hiền Lâm | 10 |
22. | Lê Văn | Lê Văn Giang | 10 |
IV. DANH SÁCH LIỆT SỸ VÀ THƯƠNG BỆNH BINH
LIỆT SỸ CHỐNG PHÁP
TT | Họ Tên | Ngày sinh | Ngày nhập ngũ | Ngày hy sinh | |
|
Lê Văn | Hân | 1934 | 6/1951 | 06/02/1953 |
|
Lê Thạc | Kha | 1923 | 7/1953 | 28/03/1954 |
|
Phan Đức | Kịa | 02/1949 | 02/10/1952 | |
|
Lê Văn | Lênh | 1932 | 23/08/1952 | 12/03/1954 |
|
Nguyễn Bá | Nhiệm | 1932 | 12/1953 | |
|
Lê Đăng | Phan | 1929 | 10/7/1951 | |
|
Lê Thạc | Phun | 1916 | 11/05/1952 | 04/1955 |
|
Nguyễn Đình | Phương | 1922 | 09/1949 | 07/01/1952 |
|
Bùi Đình | Sỹ | 1920 | 1948 | 24/12/1951 |
|
Lê Sỹ | Tác | 1927 | 09/07/1951 | |
|
Lê Thạc | Tài | 17/01/1933 | Du kích xã | 17/09/1953 |
|
Lê Thạc | Thứ | 1924 | 1948 | 04/1951 |
|
Trần Văn | Thương | 1906 | 12/1948 | |
|
Trần | Thường | 1924 | 1949 | 17/10/152 |
|
Lê Thạc | Tứ | 1934 | 10/2/1951 | 04/04/1954 |
|
Trần Đức | Yên | 1921 | 2/1949 | 05/01/1954 |
LIỆT SỸ CHỐNG MỸ VÀ BẢO VỆ BIÊN GIỚI
TT | Họ Tên | Ngày sinh | Ngày nhập ngũ | Ngày hi sinh | |
|
Lê Sỹ | An | 1945 | 07/1967 | 21/01/1968 |
|
Lê Văn | Ái | 1945 | 08/1964 | 23/02/1965 |
|
Nguyễn Đình | Ba | 1945 | 15/08/1966 | |
|
Trần Đức | Biên | 1948 | 02/1968 | 15/01/1975 |
|
Nguyễn Bá | Bỉnh | 1940 | 03/1959 | 15/12/1971 |
|
Nguyễn Đình | Cầu | 1940 | 10/1962 | 03/02/1969 |
|
Trần Đăng | Chí | 1948 | 12/1967 | 11/12/1968 |
|
Lê Trần | Chiến | 1944 | 09/1966 | 26/08/1968 |
|
Vũ Lê | Chinh | 1952 | 04/1970 | 17/07/1971 |
|
Trần | Chính | 1947 | 05/1968 | 19/08/1964 |
|
Lê Đăng | Chung | 1950 | 07/1967 | 11/06/1969 |
|
Lê Sỹ | Doan | 1949 | 12/1967 | 20/06/1969 |
|
Trần Ngọc | Duân | 1947 | 09/1968 | 11/01/1969 |
|
Lê Thạc | Doanh | 1954 | 05/1972 | 21/03/1975 |
|
Nguyễn | Đa | 1936 | 1962 | 22/05/1967 |
|
Lê | Đàm | 1949 | 06/1967 | 27/06/1972 |
|
Hồ Xuân | Đào | 1947 | 03/1968 | 20/12/1968 |
|
Bùi Đình | Đoàn | 1945 | 1964 | 13/10/1968 |
|
Trần Huy | Đông | 1945 | 1964 | 20/7/1967 |
|
Lê Thị | Đức | 1949 | Dân quân | 8/12/1972 |
|
Trần Xuân | Đức | 1948 | 4/1968 | 20/10/1969 |
|
Lê Thạc | Đức | 1949 | 6/1967 | 05/5/1969 |
|
Trần | Đức | 1950 | 02/1969 | 3/1973 |
|
Nguyễn Văn | Được | 1949 | 15/10/1971 | |
|
Lê Thị | Hiên | 1950 | 21/02/1968 | 06/5/1968 |
|
Trần | Hiền | 1949 | 4/1970 | 12/11/1972 |
|
Lê Thanh | Hiệp | 1945 | 12/1967 | 25/6/1971 |
|
Nguyễn Như | Hồ | 07/1941 | 01/1972 | 17/3/1972 |
|
Hồ Đăng | Hoá | 1950 | 25/01/1969 | |
|
Lê Văn | Hoan | 1948 | 7/1968 | 15/3/1969 |
|
Nguyễn Bá | Hoành | 1950 | 7/1968 | 07/8/1972 |
|
Nguyễn Đình | Hoè | 1952 | 10/1969 | 09/02/1971 |
|
Lê Văn | Hưng | 1952 | 1970 | 1971 |
|
Lê Trần | Huy | 1946 | 7/1967 | 06/6/1969 |
|
Lê Đăng | Khai | 1947 | ||
|
Lê Đăng | Khân | 1951 | 01/1970 | 20/3/1973 |
|
Trần | Khiêm | 1948 | 12/1968 | 28/7/1972 |
|
Nguyễn Viết | Khuyên | 1958 | 08/1976 | |
|
Nguyễn Văn | Kỳ | 1958 | 12/02/1979 | |
|
Hồ Huy | Lan | 03/1947 | 04/1972 | 10/1972 |
|
Vũ Lê | Lịch | 1953 | 01/1971 | 17/10/1972 |
|
Lê Công | Liên | 1950 | 12/1970 | 15/10/1972 |
|
Nguyễn Xuân | Lơng | 1936 | Dân quân | 21/04/1966 |
|
Trần Đức | Lơng | 1947 | 1967 | 19/01/1973 |
|
Nguyễn Bá | Luận | 1946 | 08/1964 | 30/11/1969 |
|
Lê Đăng | Lương | 12/1960 | 08/1978 | 19/05/1971 |
|
Phạm Văn | Mẫn | |||
|
Lê Sỹ | Mẫn | 1946 | 08/1964 | 01/02/1972 |
|
Lê Đức | Minh | 1942 | 01/1968 | 18/01/1969 |
|
Nguyễn Văn | Minh | 1949 | 06/06/1969 | |
|
Hồ Quang | Minh | 1963 | 04/12/1985 | |
|
Lê Xuân | Lan | |||
|
Lê Văn | Năm | 1951 | 08/1969 | 17/07/1972 |
|
Trần Thị | Nghĩa | 1947 | 8/12/1972 | |
|
Nguyễn Viết | Nghiệm | 1942 | 22/09/1972 | |
|
Nguyễn Đình | Ngoan | 1943 | 10/1964 | 25/10/1969 |
|
Lê Khắc | Ngũ | 1950 | 12/1967 | 05/04/1968 |
|
Trần | Ngư | 1952 | 06/1970 | 15/08/1973 |
|
Trần Đức | Nhạ | 1949 | 12/1967 | 07/07/1968 |
|
Lê Khắc | Nhâm | 1948 | 07/1968 | 02/02/1971 |
|
Nguyễn Xuân | Nhan | 1952 | 01/1971 | 10/03/1973 |
|
Lê Đăng | Nhật | 1948 | 07/1967 | 02/1968 |
|
Lê Đăng | Nhuận | 1948 | 10/1967 | 15/01/1969 |
|
Lê Đăng | Nhường | 1934 | 05/1965 | 21/03/1969 |
|
Trần | Nhượng | 1944 | 07/1964 | 15/12/1967 |
|
Lê Công | Nhụy | 1931 | 1/1965 | |
|
Lê Văn | Nuôi | 1949 | 09/1966 | 06/06/1969 |
|
Bùi Đình | Phan | 1952 | 12/1969 | 15/03/1972 |
|
Lê Thạc | Phan | 1952 | 11/05/1972 | |
|
Trần | Phú | 1958 | 08/1976 | 29//04/1978 |
|
Lê Hạnh | Phúc | 1943 | 04/1962 | 06/04/1971 |
|
Hoàng Năng | Phương | 1941 | 04/1962 | 29/11/1969 |
|
Phan Thị | Phương | 1944 | 15/08/1966 | |
|
Lê Văn | Phương | 1956 | 08/1976 | 13/07/1978 |
|
Hồ | Quang | 1954 | 8/1972 | |
|
Trần Văn | Quế | 1946 | 02/1965 | 06/1975 |
|
Trần | Quyệt | 1946 | 1968 | 1969 |
|
Trần Đình | Sửu | 1931 | 24/01/1967 | |
|
Lê Thạc | Sỹ | 1946 | 04/1970 | 10/05/1972 |
|
Phan Ngọc | Tác | 1949 | 02/1968 | 18/01/1969 |
|
Lê Văn | Tảo | 1944 | 15/08/1966 | |
|
Lê Thạc | Tập | 1946 | 04/1968 | 24/07/1969 |
|
Lý Xuân | Thân | 1952 | 04/1970 | 12/09/1972 |
|
Lê Đăng | Thăng | 04/1951 | 08/1970 | 19/04/1972 |
|
Lê Công | Thanh | 1960 | 11/1978 | 05/11/1978 |
|
Lê Đăng | Thao | 1940 | 03/1965 | 25/10/1969 |
|
Lê Sỹ | Thảo | 1946 | 10/1967 | 28/05/1970 |
|
Lê Sỹ | Thiêm | 1945 | 04/1963 | 08/10/1968 |
|
Lê Văn | Thiền | 1946 | 12/1967 | 05/05/1968 |
|
Nguyễn Sỹ | Thiết | 1940 | 05/1965 | 26/01/1970 |
|
Nguyễn Nghĩa | Thiết | 1946 | 11/1964 | 15/01/1968 |
|
Nguyễn Bá | Thịnh | 1944 | 1962 | 05/03/1968 |
|
Lê Sỹ | Thởu | 1945 | Dân quân | 11/04/1966 |
|
Nguyễn Văn | Thư | 1940 | 02/1961 | 22/02/1969 |
|
Lê Đăng | Thức | 1950 | 02/1968 | 10/05/1969 |
|
Nguyễn Thị | Tín | 1947 | Dân quân | 15/08/1966 |
|
Lê Khắc | Tính | 1942 | 02/1960 | 15/12/1968 |
|
Nguyễn Công | Tính | 1952 | 04/1970 | 12/05/1971 |
|
Lê Văn | Tình | 1948 | 09/1966 | 18/08/1968 |
|
Lê Ngọc | Tình | 1964 | 02/1984 | 05/08/1985 |
|
Bùi Văn | Toàn | 1952 | 11/1972 | |
|
Bùi Văn | Tôn | 1945 | 07/1962 | 20/05/1969 |
|
Nguyễn Thị | Tởn | 1947 | Dân quân | 15/08/1966 |
|
Nguyễn Đình | Trênh | 1949 | 06/1968 | 15/06/1969 |
|
Lê Thạc | Trí | 10/1949 | 12/1971 | 31/08/1972 |
|
Trần | Trợi | 1948 | 1968 | 1969 |
|
Trần Quang | Trợi | 1948 | 1968 | 1969 |
|
Lê Sỹ | Trơng | 1954 | 08/1973 | 13/03/1975 |
|
Lê Văn | Trúc | 1949 | 04/1968 | 15/02/1970 |
|
Bùi Đức | Trương | 1942 | 05/1965 | 29/08/1965 |
|
Lê Đăng | Tư | 1942 | 09/1966 | 16/11/1968 |
|
Nguyễn Bá | Tư | 1948 | 09/1966 | 25/03/1969 |
|
Trần Văn | Tuất | 1946 | 06/1968 | 06/02/1973 |
|
Nguyễn Ngọc | Tùng | 1948 | 04/1965 | 18/02/1968 |
|
Nguyễn Văn | Tùng | 1956 | 08/1975 | 20/04/1978 |
|
Nguyễn Văn | Tường | 1949 | 04/1968 | 16/05/1969 |
|
Nguyễn Viết | Tuỷ | 1941 | 04/1963 | 09/10/1968 |
|
Nguyễn Văn | Tuyên | 1950 | 04/1970 | 08/1974 |
|
Nguyễn Thị | Tuyết | 1947 | 1966 | 115/08/1966 |
|
Lê Hồng | Vân | 1948 | 1968 | 1969 |
|
Lê Công | Vang | 1958 | 08/1976 | 21/10/1978 |
|
Lê Thạc | Việt | 1950 | 09/1962 | 28/09/1969 |
|
Lê Sỹ | Vinh | 1963 | 02/1984 | 12/01/1985 |
THƯƠNG BINH
TT | Họ và tên | TT | Họ và tên | |
|
Nguyễn Bá Nhu |
|
Trần Ngọc Cư | |
|
Chu Thiện Cơ |
|
Trần Ngọc Hùng | |
|
Nguyến Ngọc Vịnh |
|
Trần Kim Thanh | |
|
Lê Đăng Phúc |
|
Lê Hữu Dung | |
|
Lý Xuân Mẫn |
|
Hồ Đức Khánh | |
|
Hồ Đức Hiến |
|
Nguyễn Xuân Vững | |
|
Lê Sỹ Thọ |
|
Trần Quang Thắng | |
|
Nguyễn Xuân Dưu |
|
Nguyễn Đình Huề | |
|
Phạm Văn Hiển |
|
Nguyễn Viết Luyện | |
|
Hồ Đức Thành |
|
Lê Hồng Tăng | |
|
Nguyễn Xuân Quyển |
|
Lê Khắc Nho | |
|
Trần Nhật |
|
Lê Thị Hòa | |
|
Lê Trần Ngoạn |
|
Nguyễn Đình Trơng | |
|
Lê Đăng Thu |
|
Nguyễn Thị Quỳnh | |
|
Lê Sỹ Tiêm |
|
Nguyễn Thị Huyên | |
|
Trần Đức Dưỡng |
|
Nguyễn Thị Kính | |
|
Lê Thạc Tăng |
|
Nguyễn Đình Thông | |
|
Lê Sỹ Nhự |
|
Văn Thị Tăng | |
|
Lê Thạc Ý |
|
Nguyễn Thị Tròn | |
|
Vũ Lê Thảo |
|
Trần Thị Hồng | |
|
Trần Văn Thịnh |
|
Lê Thị Quế | |
|
Trần Ngọc Hiệp |
|
Vũ Lê Mãn | |
|
Lê Ninh |
|
Trần Thị Diễn | |
|
Nguyễn Văn Dự |
|
Lê Thị Xoan | |
|
Lê Đăng Cợi |
|
Lê Thị Lân | |
|
Nguyễn Xuân Ngoạn |
|
Lê Thị Mỹ | |
|
Nguyễn Viết Duyên |
|
Nguyễn Bá Đức | |
|
Nguyễn Trường Chinh |
|
Lê Thạc Lợi | |
|
Nguyễn Đình Trâm |
|
Lê Quang Kỷ | |
|
Lê Khắc Phúc |
|
Nguyễn Thị Tròn | |
|
Lê Đức Hộ |
|
Nguyễn Thị Miếng | |
|
Lê Văn Đặng |
|
Lê Thạc Lân | |
|
Vũ Hồng Hải |
|
Lê Thị Hường | |
|
Mai Văn Sáng |
|
Lê Thị Vượng | |
|
Lê Văn Khương |
|
Trần Ngân | |
|
Lê Văn Ngãi |
|
Bùi Thị Lan | |
|
Trần Đức Hanh |
|
Nguyễn Thị Hân | |
|
Trần Ngọc Mai |
|
Nguyễn Công Ký | |
|
Nguyễn Đức Trung |
|
Nguyễn Xuân Đại | |
|
Ngô Trần Lạc |
|
Nguyễn Thái Hoành | |
|
Lê Thạc Mạo |
|
Nguyễn Ngọc Hoan | |
|
Lê Văn Vang |
|
Lê Khắc Kính | |
|
Nguyễn Xuân Thịnh |
|
Bùi Văn Hòa | |
|
Hồ Sỹ Thu |
|
Lê Dăng Khánh | |
|
Lê Khắc Trọng |
|
Nguyễn Xuân Hữu | |
|
Nguyễn Thị Vân |
|
Lê Sỹ Lộc | |
|
Nguyễn Sỹ Trường |
|
Lê Đăng Thỉ | |
|
Nguyễn Xuân Hậu |
BỆNH BINH
TT | Họ và tên | TT | Họ và tên | |
|
Lê Thạc Lai |
|
Lê Văn Khải | |
|
Lê Thạc Lộc |
|
Lê Thạc Lan | |
|
Lê Thế |
|
Hoàng Đình Hoan | |
|
Lê Đăng Khương |
|
Nguyễn Ngọc Phớc | |
|
Nguyễn Văn Biếng |
|
Lê Thạc Dụng | |
|
Trần Thanh Liêm |
|
Lê Thạc Thái | |
|
Lê Thạc Nghị |
|
Lê Văn Hảo | |
|
Nguyễn Bá Thoan |
|
Nguyễn Đình Phầu | |
|
Lê Sỹ Hiệp |
|
Nguyễn Thái Hoành | |
|
Lê Đăng Ngãi |
|
Lê Thạc Khâm | |
|
Lê Đăng Thể |
|
Nguyễn Đình Xinh | |
|
Nguyễn Đình Huỳnh |
|
Vũ Lê Tứ | |
|
Lê Sỹ Thạo |
|
Trần Trúc | |
|
Văn Đức Phúc |
|
Lê Khắc Dung | |
|
Lê Khắc Tòng |
|
Nguyễn Mạnh Hiến | |
|
Nguyễn Đình Dũng |
|
Lê Văn Khân | |
|
Lê Thạc Diễn |
|
Trần Ngọc Thanh | |
|
Lê Thạc Vang |
|
Lê Thạc Tự | |
|
Nguyễn Bá Hòa |
|
Lê Đăng Quý | |
|
Lê Sỹ Phúc |
|
Trần Cấp | |
|
Đậu Minh Xuyên |
|
Nguyễn Bá Thiệm | |
|
Lê Thạc Danh |
|
Lê Thạc Phức | |
|
Nguyễn Xuân Cừ |
|
Nguyễn Xuân Hồng | |
|
Nguyễn Minh Truyền |
|
Nguyễn Xuân Đại | |
|
Trần Quốc Lợi |
|
Lê Đăng Dơng |
THƯƠNG BINH, BỆNH BINH ĐÃ TỪ TRẦN
Thương binh | Bệnh binh | |||
TT | Họ và tên | TT | Họ và tên | |
|
Lê Văn Cường |
|
Lê Thạc Lam | |
|
Lê Thạc Nhường |
|
Trần Thuận | |
|
Lê Thạc Thởn |
|
Phạm Văn Tặng | |
|
Hồ Đức Châu |
|
Nguyễn Xuân Chi | |
|
Lê Văn Ba |
|
Nguyễn Bá Cần | |
|
Nguyễn Đình Hưng |
|
Nguyễn Hữu Ước | |
|
Trần Quang Tải |
|
Phạm Cẩn | |
|
Nguyễn Viết Nghĩa |
|
Nguyễn Sỹ Tiệp | |
|
Lê Thạc Phiệt |
|
Hoàng Đình Kim | |
|
Lê Thạc Thế |
|
Trần Đại | |
|
Lê Khắc Quyến |
|
Nguyễn Đình Trường | |
|
Lê Sỹ Mạo |
|
Trần Mỵ | |
|
Hồ Linh |
|
Nguyễn Bá Hằng |
Người tham gia hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hoá học
Có 19 người và 15 người con của họ
V. BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG
TT | Họ Và Tên | Ngày sinh | Ngày phong tặng | Thân nhân hi sinh | |
|
Nguyễn Thị | Bường | 1910 | 12//4/1997 | Con Hoàng Năng Phương |
|
Trần Thị | Luân | 1890 | 09/1995 | Con Phan Đức Kịa |
|
Nguyễn Thị | Nguôn | 1914 | 12//4/1997 | Con Lê Đăng Thao |
|
Nguyễn Thị | Tâm | 1900 | 09/1995 | Con Lê Thạc Tập |
|
Nguyễn Thị | Vinh | 1919 | 12//4/1997 | Con Lê Sỹ Mẫn |
VI. CÁN BỘ HOẠT ĐỘNG TRƯỚC 01/01/1945
TT | Họ tên | Ngày sinh |
1 | Vũ Lê Lự | 1907 |
2 | Nguyễn Bá Thếp | 1910 |
3 | Nguyễn Bá Ngoạn | 1903 |
4 | Trần Văn Thương | 1906 |
VII. CÁN BỘ TIỀN KHỞI NGHĨA
TT | Họ tên | Ngày sinh |
1 | Trần Dục | 1923 |
2 | Hồ Văn Long | 1923 |
3 | Nguyễn Văn Toả |
VIII. GIA ĐÌNH CÓ CÔNG NUÔI CÁN BỘ CÁCH MẠNG
Gia đình Ông Lê Văn Nghĩa
IX. ANH HÙNG LỰC LƯỠNG VŨ TRANG[5]
Đồng chí Lê Đăng Tới sinh năm 1938.
Các danh hiệu:
+ Nhà nước tặng huân chương chiến công hạng nhì
+ Chủ tịch nước tặng danh hiệu anh hùng LLVTND ngày 01/01/ 1967
X. CÁN BỘ CHỦ CHỐT ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN QUA CÁC THƠI KỲ
1. CÁN BỘ CHỦ CHỐT ĐẢNG
Kỳ Đại hội | Thời gian | Bí thư | Phó Bí thư, uỷ viên trực, |
Đại hội lần I: Thành lập Chi bộ Quý Vinh - Thiện Kỵ (Đ/c Phạm Diên HUV trực tiếp chỉ đạo) |
Giữa năm 1935 | Văn Sỹ Thọ | Nguyễn Bá Thếp (có 7 đảng viên) |
Đại hội lần II: Thành lập Chi bộ Vinh Lộc: Đ/c Nguyễn Đức Nghi HUV, Nguyễn Thị Du trực tiếp chỉ đạo |
18/09/1946– 4/1947 |
Phạm Nhơ (phụ trách) |
Lê Thạc Tạo |
Đại hội lần III: Đại hội Chi bộ |
04/1947– 10/1947 | Lê Thạc Tạo | Hồ Văn Long |
Đại hội lần IV: Đại hội Chi bộ Vinh Hoa | 1947 | Nguyễn Bá Nghiêm | |
Đại hội lần V: Đại hội Chi bộ |
12/1947 – 1948 | Nguyễn Tượu | Lê Thạc Tạo |
Đại hội lần VI Chi bộ Quỳnh Mai |
1949 - 1951 | Nguyễn Tượu |
Lê Thạc Tạo |
Đại hội lần VII | 01/1952- 10/1952 | Nguyễn Huấn |
Nguyễn Tượu Trần Lưu |
Đại hội lần VIII | 10/1952 – 03/1954 | Nguyễn Tượu | Trần Lưu Lê Văn Trương |
Đại hội lần IX: Chi bộ Quỳnh Vinh |
04/1954 – 05/1955 Cải cách ruộng đất |
Lê Thị Vang | Nguyễn Xiển Lê Dưỡng |
Đại hội lần X | 1955- 1956 | Lê Lập | Nguyễn Xuân Lịch Nguyễn Thị Đản |
Đại hội lần XI | 1956-1957 Sửa sai cải cách ruộng đất |
Lê Văn Trương | Hoàng Đình Trương |
Đại hội lần XII | 1958 – 03/1960 | Hoàng Đình Trương | Nguyễn Bá Tưu |
Đại hội Đảng bộ I (thành lập Đảng bộ) |
04/1961 – 03/1962 | Hoàng Đình Trương | Lý Xuân Nhãn, Nguyễn Bá Tưu |
Đại hội Đảng bộ II | 04/1962 - 03/1963 | Hoàng Đình Trương | Lý Xuân Nhãn |
Đại hội Đảng bộ III | 03/1963 – 05/1965 | Lý Xuân Nhãn | Trần Luân |
Đại hội Đảng bộ IV | 05/1965 – 05/1966 | Trần Luân | Lê Văn Thung Nguyễn Văn Tuyển |
Đại hội Đảng bộ V | 05/1966 - 08/1967 | Trần Luân | Lê Văn Thung Nguyễn Văn Tuyển |
Đại hội Đảng bộ VI | 08/1967 - 11/1969 | Trần Luân | Lê Thạc Trường Phó Bí thư 1968-1969, Vũ Lê Nhoạn |
Đại hội Đảng bộ VII | 12/1969 – 04/1971 | Lê Thạc Trường | Vũ Lê Nhoạn |
Đại hội Đảng bộ VIII | 04/1971 – 03/1973 | Vũ Lê Nhoạn | Lê Thị Vinh Lê Thị Cầu Lê Thạc Trường |
Đại hội Đảng bộ IX | 03/1973 – 05/1975 | Trần Luân | Lê Thạc Trường, Vũ Lê Nhoạn |
Đại hội Đảng bộ X | 05/1975 – 05/1976 | Trần Luân | Trần Đức Hanh |
Đại hội Đảng bộ XI (nhập 3 Đảng bộ Vinh -Thiện - Dị thành Đảng bộ Quỳnh Mai) | 05/1976 – 10/1978 | Trần Luân | Hồ Nuỵ Trần Đức Hanh |
Đại hội Đảng bộ XII Quỳnh Mai |
1979 – 09/1981 | Phan Thanh Đắc | Trần Đức Hanh Trần Luân |
Đại hội Đảng bộ XIII (tách Đảng bộ Quỳnh Mai ra 3 Đảng bộ) |
09/1981 – 10/1982 ĐH tại văn phòng HTX Đại Vinh xóm 19 |
Trần Đức Hanh |
Bùi Đình Tuất Lê Thạc Trường tv-tc |
Đại hội Đảng bộ XIV |
10/1982 – 09/1984 | Trần Đức Hanh |
Nguyễn Xuân Thịnh tv - tc Bùi Đình Tuất Chủ tịch |
Đại hội Đảng bộ XV |
09/1984 - 09/1985 | Trần Đức Hanh |
Nguyễn Xuân Thịnh tv - tc Bùi Đình Tuất TV, Chủ tịch |
Đại hội Đảng bộ XVI |
09/1985 - 11/1987 | Trần Đức Hanh |
Lê Văn Thành (x11) Nguyễn Xuân Phức |
Đại hội Đảng bộ XVII |
11/1987 - 09/1991 | Lê Thạc Tường | Đậu Minh Xuyên Vũ Lê Thảo |
Đại hội Đảng bộ XVIII |
09/1991 - 11/1994 | Lê Văn Thành 10/1994 Vũ Lê Thảo (quyền Bí thư) |
Đậu Minh Xuyên Vũ Lê Thảo |
Đại hội Đảng bộ XIX |
11/1994 – 10/1996 | Trần Đức Dưỡng | Hoàng Đình Kim Lê Khắc Nho |
Đại hội Đảng bộ XX |
10/1996 – 09/2000 | Trần Đức Dưỡng | Nguyễn Bá Bích Lê Khắc Nho |
Đại hội Đảng bộ XI |
09/2000 – 07/2005 | Lê Thạc Hùng | Lê Văn Thành, đến 10/2003 Lê Văn Kỳ thay. Trần Khâm đến 10/ 2003 Lê Văn Thành thay |
Đại hội Đảng bộ XXII |
07/2005 – 05/2010 | Lê Thạc Hùng | Lê Văn Thành (xóm 3) Lê Văn Kỳ |
Đại hội Đảng bộ XXIII |
05/2010 - nay | Lê Văn Thành (xóm 3) HUV |
Lê Văn Kỳ Lê Đăng Thùy |
2. CÁN BỘ CHỦ CHỐT CHÍNH QUYỀN QUA CÁC THỜI KỲ
Tháng năm | CT UBND | PCT UBND |
08/1945 – 03/1946 | Nguyễn Bá Khính | Trần Trường Trần Phớt |
04/1946 - 03/1947 | Nguyễn Bá Mỡn | Trần Liên |
04/1947 – 12/1947 | Trần Liên | Nguyễn Công Sơng |
01/1948 – 09/1948 | Nguyễn Công Sơng | Trần Lưu |
1948 | Nguyễn Bá Hiềng | Trần Lưu |
1949 | Đậu Phi Duyên | Nguyễn Bá Mậu |
1950 - 1952 | Hồ Sỹ Mưu Nguyễn Bá Thóng |
Trần Văn Lưu Mai Trường Khánh |
05/1952 – 03/1954 | Trần Văn Lưu | Mai Trường Khánh Nguyễn Thị Danh (1952-1953) Lê Khắc Vượng (1953-1954) |
04/1954 - 05/1955 | Nguyễn Xiển | Lê Văn Thung |
06/1955 – 1956 | Nguyễn Xuân Lịch | Nguyễn Thị Đản |
1956 - 1957 | Hoàng Đình Trương | Trần Ngoạn |
1958 - 1961 | Hoàng Đình Trương | Trần Ngoạn |
1961 - 1962 | Hoàng Đình Trương | Trần Ngoạn |
04/1962 – 03/1963 | Lý Xuân Nhãn | Đậu Minh Loan |
04/1963 - 05/1965 | Trần Luân | Đậu Minh Loan |
06/1965 - 05/1966 | Lê Văn Thung | Lê Khắc Cẩn |
06/1966 - 08/1967 | Lê Văn Thung | Nguyễn Thị Hoà |
1967 - 1969 | Lê Thạc Trường | Nguyễn Thị Hoà |
1969 - 1971 | Vũ Lê Nhoạn | Nguyễn Thị Hoà |
1971 - 1972 | Lê Thị Vinh | Lê Văn Bỉnh |
1972 - 1973 | Lê Thị Cầu | Bùi Đình Tuất |
1973 – 04/1975 | Trần Đức Hanh | Bùi Đình Tuất |
05/1975 - 04/1976 | Trần Đức Hanh | Bùi Đình Tuất |
05/1976 – 12/1978 Nhập xã |
Hồ Nuỵ | Nguyễn Bá Thái Lê Thạc Trường |
01/1979 – 09/1981 | Trần Đức Hanh | Lê Thạc Trường |
10/1981 – 10/1982 Tách xã |
Bùi Đình Tuất | Hồ Linh |
1982 – 09/1984 | Bùi Đình Tuất | Trần Sỹ Mỹ |
10/1984 - 10/1985 | Bùi Đình Tuất | Trần Sỹ Mỹ |
11/1985 – 11/1987 | Lê Văn Thành | |
1987 – 09/1989 | Đậu Minh Xuyên | Nguyễn Bá Hoan |
1989 – 09/1991 | Đậu Minh Xuyên | Nguyễn Bá Hoan |
09/1991 - 09/1994 | Đậu Minh Xuyên | Nguyễn Bá Hoan |
10/1994 - 09/1996 | Lê Thạc Danh Lê Khắc Nho |
Trần Sỹ Mỹ |
1996 – 11/1999 | Lê Khắc Nho | Trần Sỹ Mỹ |
12/1999 - 2005 | Trần Khâm Lê Văn Thành (x3) |
Trần Trúc Vũ Lê Công |
2005 - 2010 | Lê Văn Thành (x3) |
Lê Đăng Thùy Vũ Lê Công |
06/2010 - nay | Lê Văn Kỳ | Vũ Lê Công, Trần Hùng |
3. CHỦ TỊCH MẶT TRẬN TỔ QUỐC QUA CÁC THỜI KÌ
Nhiệm kì | Giai đoạn | Chủ tịch | PCT, TT |
1945 - 1947 | 1945 - 1947 | Bùi Đình Chi | |
1 – 10 | 1961 - 1976 | UV BCH hoặc TV phụ trách | |
11 – 12 Nhập xã |
1976 - 1977 1978 - 1980 |
Trần Đức Hanh | |
13 | 1980 - 1981 | Lê Dưỡng | |
14 | 1981 - 1982 | Vũ Lê Nhoạn | |
15 | 1982 - 1984 | ||
16 | 1984 - 1985 | ||
17 | 1985 -1987 | Nguyễn Công Bang | |
18 | 1987 - 1991 | Lê Sỹ Tiêm | |
19 | 1991 - 1994 | Nguyễn Bá Bích | Lê Văn Thung |
20 | 11/1994 - 1997 | Lê Ninh | Bùi Đình Tuất Lê Văn Thành |
21 | 1997 – 10/2000 | Lê Ninh | Bùi Đình Tuất |
22 | 11/2000 – 12/2003 | Lê Xuân Khả | Vũ Lê Nhân |
23 | 12/2003 – 04/2004 | Lê Đăng Thùy | Vũ Lê Nhân |
24 | 05/2004 – 07/2010 | Trần Trúc | Vũ Lê Nhân |
25 | 08/2010 - nay | Lê Thạc Hùng | Vũ Lê Nhân Phạm Văn Tứ |
4. CHỦ TỊCH HỘI NÔNG DÂN QUA CÁC THỜI KÌ
Giai đoạn | Chủ tịch | PCT, TT |
1947 - 1948 | Nguyễn Viết Xiển | |
1948 - 1949 | Nguyễn Hữu Sự | |
1954 - 1955 | Lê Văn Trương | |
1983 - 1985 | Phạm Xan | |
1985 – 05/1989 | Lê Khắc Nho | |
06/1989 - 1990 | Trần Luân | |
1991 - 1994 | Vũ Lê Nhân | |
1994 – 2001 | Vũ Lê Nhân | Trần Phầu |
2001 - 2003 | Lê Văn Kỳ | Trần Phầu |
2003 - 2008 | Nguyễn Xuân Trạch | Nguyễn Xuân Hữu |
2008 - nay | Nguyễn Xuân Trạch | Bùi Đình Long Bùi Xuân Quyền |
5. CHỦ TỊCH CỰU CHIẾN BINH QUA CÁC THỜI KỲ
Nhiệm kì | Giai đoạn | Chủ tịch | PCT, TT |
1 | 07/1990 - 1996 | Nguyễn Bá Bích | |
2 | 12/1996 - 2000 | Lê Thạc Mạo | Trương Văn Thọ Lê Văn Đăng |
3 | 2000 – 09/2006 | Lê Thạc Mạo | Lê Đăng Tuấn Trương Văn Thọ |
4 | 09/2006 - nay | Lê Thạc Khâm | Nguyễn Văn Hoa Trương Văn Thọ |
6. CHỦ TỊCH HỘI PHỤ NỮ QUA CÁC THỜI KỲ
Nhiệm kì | Giai đoạn | Chủ tịch |
|
1945 - 1948 | Lê Thị Đằng |
|
1949 - 1953 | Cao Thị Nghiên |
|
1953 - 1954 | Nguyễn Thị Thiềng |
|
1954 - 1955 | Nguyễn Thị Trơng |
|
1955 - 1956 | Lê Thị Đào |
|
1956 - 1957 | Lê Thị Dơn |
|
1958 - 1965 | Lê Thị Vinh |
|
1965 - 1969 | Lê Thị Diên |
|
1969 - 1971 | Lê Thị Son |
|
1972 - 1975 | Nguyễn Thị Diệu |
|
1976 - 1977 | Nguyễn Thị Đợi |
|
1977 - 1978 | Nguyễn Thị Quơng |
|
1979 - 1983 | Lê Thị Đằng |
|
1984 – 1990 | Lê Thị Hai |
|
1990 – 02/1995 | Vũ Thị Định |
|
03/1995 – nay | Nguyễn Thị Hoa |
7. BÍ THƯ ĐOÀN THANH NIÊN QUA CÁC THỜI KỲ
Nhiệm kì | Giai đoạn | Bí thư |
|
1944 - 1945 | Phạm Nhơ |
|
1945 - 1947 | Hồ văn Long |
|
1948 -1953 | Lê Đăng Tải (chấp hành Huyện đoàn) |
|
1953 - 1955 | Trần Thanh Văn |
|
1955 - 1956 | Lê Văn Cường |
|
1956 - 1957 | Nguyễn Bá Xiển |
|
1957 - 1959 | Nguyễn Hữu An |
|
1960 - 1961 | Nguyễn Đa |
|
1961 - 1962 | Trần Đức Hanh |
|
1962 - 1963 | Lê Khắc Đức Q.Bí thư |
|
1964 - 1965 | Nguyễn Đình Trơng |
|
1965 - 1966 | Trần Xoan |
|
1966 - 1967 | Nguyễn Xuân Phức |
|
1967 - 1968 | Trần Tồng |
|
1968 - 1970 | Lê Danh Luân |
|
1970 - 1971 | Trần Thị Nhượng |
|
1971 - 1972 | Lê Thị Nhị |
|
1973 - 1975 | Nguyễn Thị Miêng |
|
4/1976 – 10/1976 | Vũ Công Trang |
|
11/1976 - 1981 | Phạm Phu |
|
1982 - 1983 | Lê Khắc Phúc |
|
1983 - 1987 | Nguyễn Bá Hoan |
|
1987 - 1991 | Nguyễn Xuân Trường |
|
1991 – 1995 | Lê Hồng Tân |
|
03/1995 – 12/1999 | Lê Văn Thành |
|
01/2000 – 12/2003 | Lê Đăng Thùy |
|
2003 – 06/2004 | Vũ Lê Hùng |
|
06/2004 - nay | Vũ Lê Tín |
8. CHỦ NHIỆM HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP QUA CÁC THỜI KÌ
Hợp tác xã nông nghiệp chòm Đông
TT | Giai đoạn | Chủ nhiệm |
1 | 09/1958 – 10/1960 | Lý Xuân Nhãn |
2 | 1960 - 1961 | Lê Văn Điểng |
3 | 1961 – 1962 | Lê Văn Trương |
4 | 1962 - 1963 | Lê Công Thờng |
5 | 1964 - 1965 | Vũ Lê Nhoạn |
6 | 1965 - 1966 | Nguyễn Xuân Chế |
7 | 1966 - 1967 | Nguyễn Xuân Lan |
8 | 11/1967 – 12/1971 | Nguyễn Đình Chinh |
Hợp tác xã nông nghiệp chòm Đoài
TT | Giai đoạn | Chủ nhiệm |
1 | 09/1959 – 10/1960 | Lê Sỹ Bung |
2 | 1961 – 1962 | Nguyễn Đình Thi |
3 | 1962 – 1964 | Nguyễn Hữu An |
4 | 1964 – 1967 | Trần Huê |
5 | 1967 – 12/1971 | Lê Thị Vinh HTX thống nhất |
Hợp tác xã nông nghiệp chòm Phú
TT | Giai đoạn | Chủ nhiệm |
1 | 09/1959 – 08/1961 | Lê Khắc Nhượng |
2 | 09/1961 – 10/1962 | Nguyễn Bá Tiệng |
3 | 11/1962 – 11/1963 | Trần Luân |
4 | 12/1963 – 10/1965 | Trần Hanh |
5 | 11/1965 – 11/1966 | Lê Ngan |
6 | 12/1966 – 10/1967 | Nguyễn Đình Minh |
7 | 11/1967 – 12/1971 | Lê Thị Vinh HTX thống nhất |
Hợp tác xã nông nghiệp chòm Quý
TT | Giai đoạn | Chủ nhiệm |
1 | 1959 – 1961 | Trần Đức Chuẩn |
2 | 1961 – 1962 | Trần Nuôi |
3 | 1962 - 1964 | Trần Đức Hanh |
4 | 1964 – 1965 | Trần Ngoạn |
5 | 1965 – 11/1967 | Lê Thị Vinh |
6 | 11/1967 – 12/1971 | Lê Thị Vinh HTX thống nhất |
Hợp tác xã nông nghiệp chòm Vinh Yên
TT | Giai đoạn | Chủ nhiệm |
1 | 09/1959 – 10/1960 | Lê Văn Thung |
2 | 11/1960 - 10/1961 | Nguyễn bá Thấu |
3 | 11/1961 - 10/1962 | Nguyễn Văn Tuyển |
4 | 11/1962 - 10/1963 | Lê Văn Thung |
5 | 11/1963 - 10/1964 | Nguyễn Ngọc Phơn |
6 | 11/1964 – 12/1965 | Lê Xuân Thả |
Hợp tác xã Tân Bình
TT | Giai đoạn | Chủ nhiệm |
1 | 1966 – 1967 | Nguyễn Đình Minh |
2 | 1967 - 1968 | Vũ Lê Truy |
Hợp tác xã Tân An
TT | Giai đoạn | Chủ nhiệm |
1 | 1966 – 1968 | Nguyễn Bá Cợm |
Hợp nhất HTX Tân Bình với HTX Tân An thành HTX Tân Vinh
TT | Giai đoạn | Chủ nhiệm |
1 | 1968 – 1971 | Lê Dưỡng |
Hợp tác xã Tân Hùng
TT | Giai đoạn | Chủ nhiệm |
1 | 1966 – 1967 | Bùi Đình Tuất |
2 | 1967 - 1968 | Nguyễn Xuân Hậu |
Hợp tác xã Tân Hoa
TT | Giai đoạn | Chủ nhiệm |
1 | 1966 – 1971 | Lê Xuân Thả |
Hợp tác xã toàn xã Quỳnh Vinh
Giai đoạn | Chủ nhiệm | Phó chủ nhiệm | KT trưởng |
12/1971 - 10/1972 | Lê Thị Vinh | Nguyễn Đình Chinh | Nguyễn Ngọc Trớc |
11/1972 - 08/1973 | Trần Luân | Lê Dưỡng | Nguyễn Xuân Phúc |
09/1973 – 04/1976 | Lê Dưỡng | Phạm Xan Nguyễn Đình Minh |
Lê Thạc Tường |
Xí nghiệp Hoàng Mai
Khóa | Giai đoạn | Chủ Nhiệm |
1 | 05/1976 - 1977 | Văn Huy Luyện |
2 | 1977 - 1979 | Nguyễn Ngọc Cẩn |
Từ năm 1980 trở đi tách xí nghiệp Quỳnh Mai (Quỳnh Vinh có 2 HTX nông nghiệp)
HTX Đại Vinh
Giai đoạn | Chủ nhiệm | Bí thư Đảng bộ vùng |
1980 – 1981 | Nguyễn Đình Chinh | Nguyễn Ngọc Trớc |
1981 – 1984 | Trần Tá | Nguyễn Ngọc Trớc |
1984 – 1985 | Lê Đăng Viêm | Nguyễn Công Bang |
1985 – 1987 | Đậu Minh Xuyên | Nguyễn Đình Huỳnh |
1987 - 1994 | Lê Công Phiên | Lê Thạc Tạo Năm 1990 giải tán ĐB vùng |
1994 – 1999 | Trần Khâm | |
1999 – 2004 | Lê Đăng Sơn | |
2004 – 2009 | Lê Khắc Trình | |
2009 nay | Trần Toản |
Giai đoạn | Chủ nhiệm | Bí thư Đảng bộ vùng |
1979 - 1980 | Lê Dưỡng | Lê Đăng Nhợi |
1980 – 1982 | Phan Xan | Vũ Lê Nhoạn |
1982 – 1985 | Lê Văn Thành (x11) | |
1986 – 1988 | Lê Khắc Nho | Lê Thạc Tường |
1988 – 1989 | Trần Đương | Hoàng Đình Kim |
1990 – 1991 | Lê Văn Thành (x11) | Nguyễn Văn Hoa |
1992 - 1996 | Nguyễn Văn Hoa | Năm 1990 giải tán ĐB vùng |
1996 – 1999 | Lê Thạc Hùng | |
2000 – 2004 | Vũ Lê Công | |
2005 – 2009 | Lê Hồng Tân | |
2009 - nay | Nguyễn Hữu Thảo |
XI. ĐẢNG VIÊN ĐƯỢC TẶNG HUY HIỆU ĐẢNG
(Đã mất)
TT | Họ và tên | Ngày vào Đảng | Ngày chính thức | Huy hiệu Đảng |
|
Nguyễn Hữu Nghị | 18/09/1946 | 18/03/1947 | 60 |
|
Văn Đức Hiếu | 15/03/1948 | 15/05/1948 | 60 |
|
NguyÔn V¨n To¶ | 20/10/1948 | 30/01/1949 | 60 |
|
TrÇn L¬ng | 5/3/1949 | 5/7/1949 | 60 |
|
NguyÔn Xu©n L¬ng | 21/06/1949 | 21/10/1949 | 60 |
|
Lª V¨n §iÓng | 17/12/1949 | 14/04/1950 | 60 |
|
Lª V¨n Thung | 27/11/1949 | 5/3/1950 | 60 |
|
Lê Văn Đang | 15/04/1948 | 15/10/1948 | 50 |
|
Hoµng §×nh Tr¬ng | 2/6/1949 | 21/10/1949 | 50 |
|
Lª V¨n BØnh | 3/11/1949 | 3/3/1950 | 50 |
|
Lª Th¹c Loan | 26/12/1959 | 07/07/1960 | 50 |
|
TrÇn Nu«i | 27/11/1949 | 5/5/1950 | 50 |
|
NguyÔn H÷u Tóc | 3/11/1949 | 3/5/1950 | 50 |
ĐẢNG VIÊN ĐƯỢC TẶNG HUY HIỆU ĐẢNG 60 50 NĂM TUỔI ĐẢNG
(Tính đến tháng 03/2012)
TT | Họ và tên | Ngày vào Đảng | Ngày chính thức | Huy hiệu Đảng |
|
§Ëu Minh Loan | 12/1/1948 | 15/05/1948 | 60 |
|
Lª Sü Trêng | 28/04/1949 | 1/10/1949 | 60 |
|
Lª C«ng TÞnh | 31/05/1950 | 31/06/1950 | 60 |
|
Lª ThÞ Vinh | 17/09/1949 | 11/1/1950 | 60 |
|
Lý Xu©n Nh·n | 6/7/1950 | 9/1/1951 | 60 |
|
TrÇn Duy | 31/01/1950 | 10/4/1951 | 60 |
|
Lª Dìng | 11/10/1949 | 11/1/1950 | 50 |
|
Phan V¨n S¾c | 20/02/1960 | 4/10/1960 | 50 |
|
TrÇn Xu©n Nam | 22/02/1960 | 22/09/1960 | 50 |
|
TrÇn V¨n Thuú | 11/1/1960 | 15/01/1961 | 50 |
|
NguyÔn B¸ Ng¬n | 26/02/1960 | 5/3/1961 | 50 |
|
Lª V¨n Kh¬ng | 20/01/1960 | 20/01/1961 | 50 |
|
Lª Kh¾c Huúnh | 16/12/1961 | 12/4/1962 | 50 |
|
Lª Th¹c Trêng | 12/2/1961 | 12/2/1962 | 50 |
|
NguyÔn Xu©n Lan | 7/2/1961 | 7/2/1962 | 50 |
|
TrÇn §øc Hanh | 22/04/1961 | 4/5/1962 | 50 |
|
NguyÔn §øc Dung | 26/01/1962 | 26/01/1963 | 50 |
XII. CÁN BỘ CAO CẤP TRONG QUÂN ĐỘI
TT | Họ tên | Quân hàm, chức vụ, đơn vị công tác |
1 | Lê Văn Khương | Đại tá, Chỉ huy trưởng BCH quân sự huyện Quỳnh Lưu |
2 | Lê Đăng Nhiệm | Đại tá, Viện Phó viện bảo tàng lịch sử quân sự |
3 | Lê Đăng Trung | Đại tá, F390, Quân đoàn 1 |
4 | Lê Khắc Khánh | Đại tá, hải quân, TP quân khí |
5 | Lê Thanh Thoàn | Đại tá, bộ Công an |
6 | Hoàng Đình Tuất | Đại tá, sở Công an Nghệ An |
7 | Lê Sỹ Phúc | Thượng tá, Chủ nhiệm hậu cần quân khu 5 |
8 | Nguyễn Viết Hoà | Đại tá, Học viện lục quân |
9 | Nguyễn Bá Thuần | Thượng tá, cục kỹ thuật quân khu 4 |
10 | Hoàng Đình Sơn | Thượng tá, giảng viên trường ĐH lục quân 1 |
11 | Nguyễn Xuân Thảo | Đại tá, Giám đốc công ty xi măng QĐ QK5 |
12 | Trần Lập | Đại Tá, Quân khu 7 |
XIII. CÁN BỘ TỪ PHÓ PHÒNG CẤP HUYỆN TRỞ LÊN
TT | Họ tên | Chức vụ |
|
Nguyễn Xuân Nga | Vụ phó lao động tiền lương Tổng LĐLĐ |
|
Lê Đăng Nhiệm | Viện Phó viện bảo tàng lịch sử quân sự |
|
Lê Khắc Thạo | TP công ty giống cây trồng TW |
|
Lê Thạc Xinh | Tổng GĐ công ty phát triển khoáng sản |
|
Lê Thạc Ninh | Tổng GĐ công ty phát triển khoáng sản |
|
Trần Thuỷ | Viện phó viện điện tử tin học tự động hoá |
|
Lê Khắc Nghị | Cục quản lý lao động Bộ lao động TBXH |
|
Nguyễn Bá Phúc | Viện khoa học thuỷ lợi |
|
Vũ Lê Lưu | Phóng viên VNTTX thường trú Nam Mỹ |
|
Nguyễn Văn Quỳnh | Nghiên cứu viên cao cấp Bộ nội vụ |
|
Nguyễn Viết Nhiêm | GĐ Sở GDĐT Long An |
|
Vũ Lê Thống | PGĐ Sở GDĐT Thanh Hóa |
|
Trần Ngọc Thanh | GĐ Sở Xây dựng Vũng Tàu |
|
Lê Thạc Tạo | CB Tổ chức Tỉnh uỷ Nghệ An |
|
Lê Sỹ Chiến | CB UBND Tỉnh Nghệ An |
|
Lê Văn Ngân | GĐ lâm trường Quỳ Châu |
|
Nguyễn Bá Ngơn | Q Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu |
|
Trần Xoan | Bí thư Huyện ủy Krông Ana |
|
Lê Văn Khương | Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Lưu |
|
Lê Thạc Loan | Chính trị viên Phó Huyện đội Quỳnh Lưu |
|
Nguyễn Đình Yên | CT UBND Huyện Quế Phong |
|
Lê Sỹ Trường | Trưởng phòng VH Huyện Quỳnh Lưu |
|
Lê Khắc Nho | Huyện Ủy viên |
|
Lê Văn Thành (x11) | Huyện Ủy viên |
|
Trần Hanh | Phó Ban Tổ chức cán bộ Huyện ủy QLưu |
|
Trần Luân | Cán bộ tổ chức cán bộ Huyện ủy |
|
Vũ Lê Mãn | Phó Chủ tịch hội đồng nhân dân huyện QLưu |
|
Hoàng Đình Trương | Trưởng phòng lương thực huyện QLưu |
|
Lê Văn Thành (x3) | Huyện Ủy viên |
|
Lê Khắc Vượng | Chánh văn phòng Huyện uỷ Quỳnh Lưu |
|
Lê Văn Tuyên | Phó văn phòng UBND Quỳnh Lưu |
|
Lê Minh Chương | Chủ tịch CĐ Công ty Vicem Hoàng Mai |
|
Lê Sỹ Nhạ | Trưởng phòng tư pháp Quỳnh Lưu |
|
Hồ Sỹ Hoàng | Giám đốc công ty công nghệ cao TOSY |
XIV. TIẾN SỸ, THẠC SỸ VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG
TT | Họ tên | Học hàm, học vị, đơn vị công tác |
|
Lê Thạc Long | Tiến sỹ |
|
Lê Thạc Ngoan | Tiến sỹ, bộ Công an |
|
Vũ lê Thắng | Tiến sỹ công tác ở Pháp |
|
Trần Việt Anh | Tiến sỹ, công tác ở Pháp |
|
Lê Sỹ Tuấn | Tiến sỹ, CBGD ĐH tài chính kế toán |
|
Nguyễn Bá Hoàng | Tiến sỹ, CBGD ĐH Giao thông |
|
Nguyễn Bá Ngơn | Tiến sỹ, CBGD trường Nguyễn Ái Quốc |
|
Lê Thạc Chiến | Tiến sỹ, công ty khai thác đá quý Việt Nam |
|
Lê Minh Ngọc | Tiến sỹ, CBGD ĐH Hà Nội |
|
Trần Phầu | Thạc sỹ CBGD CĐSP Nghệ An |
|
Lê Ninh | Thạc sỹ CBGD CĐSP Nghệ An |
|
Lý Xuân Thành | Thạc sỹ CBGD CĐSP Cần Thơ |
|
Lê Thạc Hiền | Thạc sỹ, giáo viên cấp 3 |
|
Lê Đăng Thành | Thạc sỹ, giáo viên, hiệu trưởng c2 |
|
Trần Thuỷ | Thạc sỹ, CBGD ĐH Bách khoa |
|
Lê Sỹ Chiến | Thạc sỹ cán bộ UBND tỉnh Nghệ An |
|
Trần Giao | Thạc sỹ giáo viên cấp 3 |
|
Lê Quang | Thạc sỹ, giáo viên cấp 3 |
|
Lê Thị Thu Thuỷ | Thạc sỹ, Ngân hàng TMCP Đại Dương |
|
Lê Sỹ Thống | Thạc sỹ, CBGD ĐH Mỏ địa chất |
|
Trần Mỹ | Thạc sỹ, CBGD ĐH Ngoại ngữ |
|
Nguyễn Bá Hải | Thạc sỹ, |
|
Lê Trung Kiên | Thạc sỹ, sở tài nguyên môi trường HN |
|
Nguyễn Thị Hồng | Thạc sỹ, giáo viên cấp 3 |
|
Hồ Mạnh Tài | Thạc sỹ, CBGD ĐH Đà Nẵng |
|
Vũ Lê Chung | Thạc sỹ, Ngân hàng Hà Nội |
|
Trần Thị Việt Nga | Thạc sỹ, công tác ở Pháp |
|
Lê Thị An | Thạc sỹ, BTV đài VTV |
|
Phạm Thuỳ Dương | Thạc sỹ, CBGD ĐH Phương Đông |
|
Nguyễn Xuân Hạnh | Thạc sỹ, Ngân hàng công thương Hà Nội |
XV. TƯ LIỆU VỀ TRƯỜNG HỌC QUỲNH VINH
TƯ LIỆU TRƯỜNG MẦM NON QUỲNH VINH
1. Các trường tiền thân của trường mầm non
Do truyền thống quý trọng hiền tài, các tương tác của cộng đồng, nhân dân Quỳnh Vinh rất coi trong công tác giáo dục, bồi dưỡng.
Nhiều nho gia tài năng của Quỳnh Vinh đều được cha mẹ mời thầy giáo giỏi về nhà để kèm cặp.
Trước 1930 là các cụ Học Tơn, Học Vơn, Học Lạp, ....
Sau cách mạng tháng Tám 1945 là các cụ Nguyễn Bá Ngoạn, Nguyễn Bá Thếp, Nguyễn Bá Mỡn, Lê Sỹ Trường, ... và sau này chính các cụ vừa là thầy giáo vừa là người vận động phong trào giải phóng dân tộc.
Trước 1945, 95% dân số là mù chữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phiên họp chính phủ VNDCCH đầu tiên đã nói Nạn dốt là một trong phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Một dân tộc dốt là một dân yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở chiến dịch chống nạn mù chữ”.
Với tinh thần đó các lớp bình dân học vụ được đặt ở khắp nơi, đình Thọ Vinh, đình Quý Vinh, đình các xóm, nhà thờ họ Vũ, họ Lê Thạc,... lớp học tổ chức ngay tại đình chợ cho chị em bán hàng cũng được mở ra.
Với khí phách hào hùng của một dân tộc, một làng xã vừa đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Toàn dân ta đã hào hứng tham gia học tập xoá nạn mù chữ sau 10 năm. Quỳnh Vinh đã có hàng ngàn người biết đọc, biết viết được huyện, tỉnh khen ngợi.
2. Trường mầm non Quỳnh Vinh ra đời
Năm 1974, trường mầm non Quỳnh Vinh được thành lập
Tháng 9 năm 1976, cô Nguyễn Thị Trừ được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.
Cô Trần Thị Hợi làm Phó Hiệu trưởng.
Toàn trường có 16 giáo viên, nhân viên học sinh học ở cả ba vùng Đại Vinh, Tân Bình, Tân Hoa có 12 lớp khoảng 300 cháu (mẫu giáo và vỡ lòng học chung). Phòng học chủ yếu mượn nhà dân, nhà kho xóm, HTX. Chế độ phụ cấp cho giáo viên do HTX và xã mỗi vụ được 150 – 200 kg lúa.
Từ năm 1980 – 2000, trường có 24 lớp gần 700 học sinh và được tách ra thành hai trường.
Trường mầm non Quỳnh Vinh A
Do cô giáo Lê Thị Mỹ làm Hiệu trưởng, cô Nguyễn Thị Tân Hiệu phó, trường có 10 lớp, 14 giáo viên, nhân viên. Cơ sở vật chất trường học khá tốt có phòng học, sân chơi, đồ dùng học tập khá đầy đủ.
Trường mầm non Quỳnh Vinh B
Do cô Nguyễn Thị Trừ làm hiệu trưởng, cô Bùi Thị Liên, cô Trần Thị Hợi hiệu phó. Trường có 22 lớp và 24 giáo viên, nhân viên.
Toàn xã có 32 lớp với 659 học sinh, 34 cán bộ giáo viên, nhân viên. Đội ngũ giáo viên giỏi huyện có 10 cô.
Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên một bước mới. Đội ngũ giáo viên được đào tạo đạt chuẩn, trường mầm non thuộc hệ thống giáo dục quốc gia, giáo viên nhân viên được hưởng đầy đủ quyền lợi theo bảng bậc lượng quy định. Được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Có thể nói Đảng bộ, nhân dân đã nhận thức đầy đủ: Trẻ em là mầm xanh tương lai của đất nước, nên việc dạy dỗ giáo dục các em ngay từ buổi đầu có vai trò vô cùng quan trọng. Trường mầm non là bước khởi đầu của các em, những tâm hồn non nớt trong sáng hơn bao giờ hết luôn được yêu thương, dạy dỗ. Một môi trường sư phạm tốt là mảnh đất màu mỡ sẽ ươm được mầm xanh tươi tốt. Các cấp uỷ Đảng , chính quyền, xã hội, phụ huynh học sinh chúng ta cố gắng nhiều hơn nữa cho hệ thống trường mầm non. Giúp nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần ươm tài năng cho xã hội, cho Quỳnh Vinh hôm nay và mai sau.
TƯ LIỆU TRƯỜNG TIỂU HỌC QUỲNH VINH A, QUỲNH VINH B, QUỲNH VINH C
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Quỳnh Vinh chưa có hệ thống trường cấp 1.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, là trường cấp 1 Quỳnh Vinh, có hai lớp, giáo viên phụ trách là thầy Nguyễn Bá Mỡn và thầy Lê Sỹ Trường.
Năm 1947, Hiệu trưởng là thầy Hồ Sỹ Quý, trường có bốn lớp từ lớp 1 đến lớp 3.
Từ năm 1948-1954, thầy Văn-Hiệu trưởng sau này thầy là cán bộ công đoàn ngành giáo dục Việt Nam.
Trường học là toàn bộ khuôn viên đình Thọ Vinh.
Từ 1955-1959, thầy Nguyễn Danh Phương làm Hiệu trưởng. Trường có 4 lớp mỗi lớp 35 – 40 học sinh, toàn trường có 140 – 160 học sinh.
Lớp 1 thầy Bằng người Quỳnh Đôi dạy; Lớp 2 thầy Cương dạy, từ năm 1970 – 1990 thầy là trưởng đoàn văn công Nghệ An.
Hai lớp này học ở gian tả và hữu của đình Thọ Vinh
Lớp 3 do thầy Nhiêm dạy học ở Nhà Lé của khuôn viên.
Lớp 4 do thầy Nguyễn Danh Phương Hiệu trưởng dạy ở nhà Hiếu Từ
Từ 1959-1961, thầy Lê Sỹ Thiềm làm Hiệu trưởng
Từ 1961-1963, thầy Lê Đăng Trọng làm Hiệu trưởng
Từ 1963-1964, thầy Nguyễn Hữu Phương làm Hiệu trưởng
Từ 1964-1975, thầy Vũ Lê Tự làm Hiệu trưởng
Từ 1976-1979, khi nhập 3 xã (Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị) thầy Vũ Lê Tự làm Hiệu trưởng Quỳnh Mai 1.
Từ 1980-1987, thầy Vũ Lê Tự làm Hiệu trưởng trường cấp 1, 2 Quỳnh Vinh.
Từ 1987-1990, tách cấp 1, 2 Quỳnh Vinh ra 2 trường:
+ Thầy Vũ Lê Tự làm Hiệu trưởng Quỳnh Vinh 1(toàn bộ cấp 1 vùng làng mới và cấp 2 toàn xã).
+ Thầy Lê Thạc Khân-Hiệu trưởng cấp 1 Quỳnh Vinh , cô Hồ Thị Lý và thầy Bùi Đình Châu-Hiệu phó.
Đến năm 1993, toàn xã có 3 trường tiểu học:
Trường tiểu học Quỳnh Vinh A
Từ 1993-2002, cô Hồ Thị Lý làm Hiệu trưởng
Từ 2002-2006, thầy Tiềm làm Hiệu trưởng
Từ 2006-nay, cô Ngô Thị Yến làm Hiệu trưởng
Trường tiểu học Quỳnh Vinh B
Từ 1993-1998, thầy Lê Thạc Khân Hiệu trưởng
Từ 1998-nay, cô Phạm Thị Thi Hiệu trưởng.
Năm 2009, trường đạt chuẩn quốc gia
Trường tiểu học Quỳnh Vinh C
Từ 1993-2008, thầy Nguyễn Hữu Điều Hiệu trưởng
Từ 1998-2009, thầy Lê Thạc Khân Hiệu trưởng
Từ 2009-nay, thầy Nguyễn Viết Thanh Hiệu trưởng
Trường chuẩn quốc gia năm 2002
TƯ LIỆU LỊCH SỬ TRƯỜNG THCS QUỲNH VINH
a. Các trường tiền thân của THCS Quỳnh Vinh
Trường THCS Quỳnh Vinh ngày nay, tiền thân là trường cấp 2 Quỳnh Thiện. Trường cấp 2 Quỳnh Thiện tiền thân là trường tư thục, một trong hai trường của Huyện Quỳnh Lưu .
Từ năm 1949-1950, trường cấp 2 Quỳnh Thiện chỉ có hai lớp 5 (lớp 6 bây giờ) các lớp phải học tạm ở chùa Sư bên bờ sông Hoàng Mai. Trường thu hút hầu hết học sinh của tổng Hoàng Mai cũ (Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị, Quỳnh Trang, Quỳnh Lập, Quỳnh Lộc, Quỳnh kim, Quỳnh Hợp).
Hiệu trưởng là thầy Hà Mạch, sau đấu tranh chính trị năm 1953, rồi giảm tô, trường giải thể, học sinh của trường tiếp tục theo học ở Quỳnh Bá, Quỳnh Tiến, Quỳnh Đôi, ...
Từ năm 1955-1956, trường tái lập, các lớp phải học ở đình, chùa, nhà Bang Diễn, nhà thờ họ, nhà dân do thầy Nguyễn Hữu Tín làm Hiệu trưởng. Trường chỉ có 1 lớp 5, 1 lớp 6, lên lớp 7 phải học ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Bá.
Năm 1957-1958, trường chuyển về xóm An Thịnh (trường cây phượng) trên đường đi Quỳnh Dị, thầy Thái làm Hiệu trưởng, bây giờ trường có 2 lớp 5, 2 lớp 6 và 1 lớp 7.
Năm 1958-1959, trường có ba khối lớp, mỗi khối 2 lớp do thầy Đinh Ngọc Sam (người Quảng Trị) làm Hiệu trưởng (thời gian này học sinh học hai buổi, 1 buổi lao động làm mặt bằng để xây dựng trường ở Cồn Chỉnh).
Từ năm 1959-1965, trường do thầy Nguyễn Đức Nhuận-Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng, trường có 6 lớp mỗi khối 2 lớp mỗi lớp có 40-45 học sinh, các lớp cuối cấp do thầy Phạm Đăng Đàn và thầy Hồ Trọng Hùng làm Chủ nhiệm, sau này thầy Hùng là Hiệu phó trường Quỳnh Lưu 1.
Từ những năm học này khuôn viên trường học thoáng mát với diện tích trên 1 ha, cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, trường có bàn bóng bàn, sân bóng đá, bóng chuyền. Học sinh được học đầy đủ tất cả các môn học kể cả nhạc, hoạ, thể dục để phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ… Tốt nghiệp cấp 2 học sinh được thi chuyển cấp vào học cấp 3 Quỳnh lưu.
b. Trường THCS Quỳnh Vinh ra đời
Thực hiện chủ trương của Bộ và của Ty giáo dục Nghệ An, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của mọi học sinh; huyện Quỳnh Lưu thành lập 4 trường cấp 2 phổ thông nông nghiệp.
Thầy Nguyễn Bá Ngơn được bổ nhiệm làm Hệu trưởng trường ở vùng Hoàng Mai từ năm học 1962-1963. Khoá 1 trường có 2 lớp 5,mỗi lớp 45 học sinh,chương trình cấp 2 ba năm chỉ học trong 2 năm. Đình xóm Vinh Yên Quỳnh Vinh được sử dụng làm lớp học.
Các thầy Nguyễn Văn Lý là giáo viên tự nhiên, thầy Tráng là giáo viên xã hội… Khoá 2 của trường năm 1963-1964 có 2 lớp. Cũng từ năm học này ngoài 4 lớp phổ thông nông nghiệp, trường chiêu sinh đào tạo cả cấp 2 phổ thông. Toàn trường có 7 lớp với hơn 360 học sinh.
Thầy Nguyễn Bá Ngơn tiếp tục làm Hệu trưởng trường cấp 2 và trường chuyển về học tại đình làng Thọ Vinh.
Học sinh khoá 1 là các anh: Lê Văn Hanh bác sỹ, Trần Lập đại tá quân đội, Nguyễn Bá Bảy giáo viên,... Khoá 2 là các anh: Trần Tình kỹ sư thuỷ sản, cô Nguyễn Thị Hương giáo viên,… Điều đó chứng tỏ sự sáng tạo của mô hình đào tạo mới Việt Nam và sự khổ học thành tài của học sinh các lớp trước.
Từ năm 1965-1968, thầy Nguyễn Viết Nhiêm làm Hiệu trưởng và giai đoạn này trường thôi đào tạo phổ thông nông nghiệp cấp 2. Toàn trường có 2 lớp 5, 2 lớp 6, 2 lớp 7 với gần 300 học sinh. Trường phải sở tán lớp học, làm trường học ở trong nhà dân, rồi lên Đồng Trọn, Đồng Đo, Đồng Thể, Thung Lân… Trường học phải đào giao thông hào, hầm chữ A ngay trong lớp học, học sinh phải đội mũ rơm, đi học đường dài…khó khăn chồng chất. Nhưng thầy và trò vẫn bám trường, bám lớp hoàn thành suất sắc nhiệm vụ giảng dạy, học tập.
Từ năm 1969-1972, thầy Bùi Nguyên Hùng làm Hiệu trưởng, bây giờ trường có 6 lớp, mỗi khối 2 lớp toàn trường khoảng 300 học sinh.
Từ năm 1972-1976, thầy Nguyễn Bá Huệ làm Hiệu trưởng. Do cơ sở vật chất thiếu thốn, được sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền, cơ sở vật chất nhà trường được tăng cường, đình Thọ Vinh, đình Kẻ Trấu được dỡ để xây dựng lại thành trường học tạm, thời kỳ này bác Trần Đức Hanh làm Chủ tịch xã Quỳnh Vinh. Quy mô trường lớp vẫn được giữ nguyên toàn trường có 6 lớp với khoảng 300 học sinh.
Từ 1976-1979, ba xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị hợp nhất thành xã Quỳnh Mai. Thầy Vũ Lê Tự hiệu trưởng trường cấp 1, 2 Quỳnh Mai 1. Sau đó xã Quỳnh Mai tách thành ba xã.
Từ 1980-1988, thầy Vũ Lê Tự tiếp tục làm Hiệu trưởng trường cấp 1, 2 Quỳnh Vinh. Lúc bấy giờ trường được xây dựng khang trang, tại vùng Đồi Cừa trung tâm của toàn xã.
Từ 1988-1990, thầy Nguyễn Hữu Tín-Hiệu trưởng.
Từ 1990-1992, thầy Nguyễn Hữu Điều-Hiệu trưởng
Từ 1992-2003, thầy Lê Đăng Thành-Hiệu trưởng.
Từ 2003-2008, thầy Phạm Quốc Tuấn-Hiệu trưởng.
Từ 2008-2010, thầy Đậu Minh Quyết-Hiệu trưởng.
Từ 2010-nay, thầy Lê Đăng Thành làm Hiệu trưởng.
XVI. MỘT SỐ TƯ LIỆU VỀ NGÀNH Y TẾ QUỲNH VINH
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và từ 1945-1954, Quỳnh Vinh chưa có trạm y tế. Các thầy thuốc chủ yếu là thầy thuốc bắc, thuốc nam (đông y). Những thầy thuốc nổi tiếng của Quỳnh Vinh gồm: Cụ Thượng Lạp, thầy Học Lạp, thầy Học Tính, thầy Học Lơu (họ Lê Thạc), cụ Bản Chất (họ Nguyễn Bá), cụ Phó Lưu (họ Hồ), cụ Cựu Khuyến, …
Nhân dân trong xã, trong vùng ai có bệnh tật gì, mời các thầy tới bắt mạch, kê đơn rồi đến các sứ thuốc: cụ Sứ Điện, cụ Cựu Phơng là các sứ thuốc lớn hồi đó để mua thuốc. Gặp bệnh trọng các thầy thuốc hội chẩn kê đơn, đa số tai qua nạn khỏi. Các bà đỡ là những người có kinh nghiệm, gia truyền như bà Xiêm,… Người bệnh sau khi khỏi cảm ơn thầy thuốc rồi mồng năm, ngày tết, tết thầy; nhiều khi thầy chỉ lấy một nữa quà biếu gọi là. Đúng là lương y như từ mẫu, thầy thuốc hành nghề là để cứu nhân độ thế, trị bệnh cứu người với phương châm: Cứu được một mạng người phúc đẳng hà sa.
Một số thầy thuốc còn là thầy dạy chữ Hán, chữ Quốc ngữ phần lớn là những bậc cao minh về nho, y, lý, số.
Trên kệ sách cụ Thượng Lạp, cụ Học Lạp có hàng chục cuốn sách chữ nho dày, hỏi ra cụ cho biết đó là bộ:
- Y tông tâm tỉnh 28 tập 66 cuốn dày đầy đủ lý luận cơ bản về nội, ngoại sản, phụ, nhi giới thiệu cho người đời học thuốc.
- Cụ còn những bộ: Vệ sinh yếu quyết nói về dưỡng tâm: Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần, thanh tâm quả dục, thủ chân luyện hình.
Cụ nói đó là các sách đông y của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Rất tiếc bị quy sai địa chủ, gia sản y học đó đã trở thành mây khói và giấy gói thuốc lào…
Mãi tới năm 1957-1958, chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà cho phép thành lập Hội Đông y Việt Nam, các lương y được đào tạo trọng dụng, cụ Trần Ngoạn, cụ Nguyễn Bá Liêu, con cháu cụ Phó Lưu, cụ Mai Úc… tiếp tục hành nghề đông y gia truyền trị bệnh cứu người được nhân dân mến phục.
Từ 1954-1958, Quỳnh Vinh đã xây nhà thương ở phía Tây đình Thọ Vinh, y tá sản là Bà Nhuỵ người miền Nam, y tá trực là ông Võ Văn Phú người Quỳnh Xuân làm Trạm trưởng.
Từ 1960-1964, nhà thương chuyển về chợ Chiền cũ, xóm 20 bây giờ.
Từ những năm 1965-1973, giặc Mỹ ném bom miền Bắc, trạm y tế phải di chuyển lên khe Đồng Vọng, Rú Chùa, Bờ Đẹp…
Từ năm 1965 – 1970, các ông Phạm Thường, Lê Khắc Tới, Lê Thịnh, Lê Thạc Trị, bà Lê Thị Hoan, Nguyễn Xuân Cương,… được học tây y, đông y. Sau 1975, xã có thêm đội ngũ các y bác sỹ quân đội về hưu như ông Lê Đăng Thĩ, Nguyễn Văn Trúc, Trần Liêm, Lê Văn Khải, Lê Thạc Đức,… đã giúp đỡ nhiều trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân xã nhà và nhân dân trong vùng.
Trạm xây dựng khá hoàn chỉnh từ năm 1981 – 1982 và đã được Nhà nước công nhận xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế năm 2009.
Trưởng trạm y tế qua các thời kì tiếp theo là:
TT | Giai đoạn | Trưởng trạm |
1 | 08/1964 – 10/1972 | Trần Ngoạn |
2 | 1973 - 1974 | Phạm Thường |
3 | 1975 – 1981 | Lê Khắc Tởi |
4 | 1982 – 1985 | Phạm Thường |
5 | 1986 – 1992 | Trần Liêm |
6 | 1992- 09/1997 | Lê Đức Thịnh |
7 | 10/1997- nay | Lê Văn Khải Phó trạm Lê Thạc Quyền |
Theo gương sáng của các thầy thuốc tiền bối, các thế hệ thầy thuốc Quỳnh Vinh đã thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “lương y như từ mẫu” làm tốt công tác phòng bệnh, chữa bệnh hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình xứng đáng với danh hiệu: “Xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế”.
XVII. CÁC CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI ĐẮP HỒ ĐẬP Ở QUỲNH VINH1
Đập khe Bung
- Khởi công 1957 -1958
- Lực lượng: dân công toàn Huyện (chủ yếu Hoàng Mai)
- Lưu vực: 560 ha
- Trên công trường thường xuyên có 500 – 1200 người
- Khối lượng: - Lượng nước 800000 m3
- Đá 2753 m3
- Bê tông 100 m3
- Đất đắp 101331 m3
- Kênh dài 7 km
Tưới cho một phần Vinh – Thiện – Dỵ
Đập Khe Chuối (chắn dòng đưa nước về Đê Bung)
- Khởi công 06/1965
- Lưu vực 100 ha
- Đá 80 m3
- Đất đắp 14000 m3
Đập Đồi Tương
- Khởi công 1970 – 1971
- Bắt đầu thi công bằng cơ giới (đầm nện)
- San 3 km mương, đập Đồi Tương đưa kênh dẫn về hợp dòng với hệ thống kênh Đồng Bung tưới cho cả Vinh – Thiện – Dỵ
Đập Khe Điển
Khởi công 1976 hoàn thành 1978 lấy nước thừa Đồi Tương, Đồng Bung tưới cho vùng Yên Hoà
Đập Khe Dài (Đập Làng Đồng)
- Khởi công 11/1967 hoàn thành 12/1968
- Lưu vực 50 ha
- Trữ lượng 10000 m3 nước
- Tưới cho vùng An Bình (xóm 9, 10 bây giờ)
- Khối lượng đất đắp 100000 m3
- Đá 17500 m3
- Kênh mương dài 1 km
Đập Đồng Thạch
- Khởi công 05/1967 hoàn thành 12/1968
- Lưu vực 30 ha
- Khối lượng đất đắp 100000 m3
- Đá 100 m3
- Kênh mương dài 500 m
- Tưới cho 6 ha (xóm 14 bây giờ)
Đập Khe Trũng (Bãi Bằng)
- Khởi công 11/1968 hoàn thành 12/1969
- Lưu vực 40 ha
- Trữ lượng 400000 m3 nước
- Khối lượng đất đắp 4000000 m3
- Đá 100 m3
- Kênh mương dài 500 m
- Tưới cho 30 ha (xóm 13 bây giờ)
Đập Vực Mấu
- Khởi công năm 1978
- Công trình thi công bằng phương pháp cơ giới
- Tổng kinh phí 20 triệu đồng nhân dân đóng góp 2/3, nhà nước hộ trợ 1/3
- Diện tích tưới 2000 ha.
Đập Cầm Kỳ
- Khởi công năm 1982
- Phục vụ nước tưới và sinh hoạt cho vùng xóm 10 và 11 ngày nay.
XVIII. TƯ LIỆU VỀ HỢP TÁC XÃ MUA BÁN QUỲNH VINH
Cùng với sự nghiệp xây dựng đổi mới nông thôn, đưa nông dân vào tổ đổi công, HTX nông nghiệp. Thì HTX mua bán tín dụng có nhiệm vụ cung ứng hầu như toàn bộ vật tư, phân bón, giống cho sản xuất nông nghiệp, ngành nghề và mọi nhu yếu phẩm cho đời sống, sinh hoạt theo chế độ phân phối đến từng hộ dân, là việc vô cùng quan trọng, cấp thiết thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời cũng là người đứng ra thu mua những sản phẩm của nông dân làm ra theo chỉ tiêu kế hoạch của chính quyền để làm nghĩa vụ cho nhà nước như: lợn hơi, than củi, rau củ quả và các mặt hàng phục vụ sản xuất như cuốc xẻng, cày bừa...
Hợp tác xã mua bán có khoảng 5000 xã viên.
Từ 1960-1975 và 1975-1990, HTX mua bán phân phối theo kiểu bao cấp đã phục vụ cơ bản yêu cầu đời sống nhân dân, đáp ứng sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Chủ nhiện hợp tác xã mua bán qua các thời kỳ
TT | Giai đoạn | Chủ nhiệm | Phó Chủ nhiệm |
1 | 1959-1963 | Lê Văn Cầu | |
2 | 1963-1966 | Nguyễn Bá Tiệng | |
3 | 1966-1970 | Nguyễn Đình Chi | Lê Văn Khiêm |
4 | 1971-1972 | Trần Ngoạn | |
5 | 1973-1975 | Lê Thị Phúc | |
6 | 1976-1979 | Lê Xuân Kha | Huyện điều về |
7 | 1979-1981 | Nguyễn Bá Doãn | |
8 | 1981-1987 | Nguyễn Thị Xinh | |
9 | 1987-1988 | Lê Danh Luận | Trần Luân TBKS |
10 | 1989-1992 | Lê Thị Xinh |
Năm 1993, HTX mua bán bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất cho UBND xã cửa hàng HTX đóng tại phía tây bắc chợ Chiền trị giá 25 triệu đồng.
XIX. LÀNG XÓM QUỲNH VINH NGÀY NAY1
Làng Thọ Vinh với các xóm Đông, Đoài, Phú, Quý, Yên lộc, Yên Trạch và làng Quý Vinh với các xóm: xóm Rục, xóm Nhàn, xóm Rí, Vinh Lễ, xóm Chiền được nêu ở trên chỉ còn lại trong ký ức của lớp người sinh từ 1940 trở về trước.
Từ năm 1964, do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ gây ra và do phát triển dân số. Quy hoạch khu dân cư đã thay đổi.
Các khu dân cư hiện tại: Toàn xã có 22 thôn
Khu dân cư vùng Tân Hoa có các thôn: từ thôn 1 đến 6 và thôn 22
Khu dân cư vùng Tân Bình gồm các thôn: từ Thôn 7 đến thôn 14
Khu dân cư vùng Đại Vinh gồm các thôn: Từ thôn 15 đến thôn 21
Ngoài ra còn khu dân cư tập trung gần trụ sở UBND xã, phía Tây đường Quốc lộ 1A và dọc đường lên ga Hoàng Mai.
Với cách bố trí dân cư hiện tại tương đối phù hợp với điều kiện sản xuất, tuy nhiên cần có quy hoạch tổng thể. quy hoạch đón đầu quy hoạch khu công nghiệp Hoàng Mai.
Thống kê số hộ số khẩu từng thôn:
Tên thôn | Số hộ | Số khẩu | Ghi chú |
Thôn 1 | 149 | 729 | |
Thôn 2 | 126 | 627 | Thôn văn hoá |
Thôn 3 | 176 | 942 | |
Thôn 4 | 147 | 926 | |
Thôn 5 | 120 | 620 | Thôn văn hoá |
Thôn 6 | 114 | 575 | Thôn văn hoá |
Thôn 7 | 116 | 558 | |
Thôn 8 | 110 | 532 | |
Thôn 9 | 123 | 632 | |
Thôn 10 | 214 | 1065 | |
Thôn 11 | 180 | 818 | Thôn văn hoá |
Thôn12 | 162 | 738 | |
Thôn 13 | 117 | 562 | Thôn văn hoá |
Thôn 14 | 137 | 613 | |
Thôn 15 | 156 | 756 | Chưa có nhà VH |
Thôn 16 | 142 | 646 | Chưa có nhà VH |
Thôn 17 | 99 | 431 | |
Thôn 18 | 170 | 795 | Thôn văn hoá |
Thôn 19 | 181 | 825 | |
Thôn 20 | 200 | 978 | |
Thôn 21 | 146 | 861 | Thôn văn hoá |
Thôn 22 | 37 | 172 | Chưa có nhà VH |
XX. MỘT SỐ CA KHÚC TIÊU BIỂU TRÍCH TRONG TẬP KHÚC HÁT QUÊ HƯƠNG
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lịch sử Đảng bộ Nghệ An tập 1 (1930 - 1954), NXB chính trị quốc gia
- Quỳnh Lưu huyện địa đầu xứ Nghệ, NXB Nghệ Tỉnh 1990
- Họ Hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, NXB văn hoá thông tin 1995
- Hồ Chí Minh toàn tập, NXB chính trị quốc gia Hà Nội 2000
- Lịch sử lực lưỡng vũ trang nhân dân Huyện Quỳnh Lưu (1930 - 2010), NXB Quân đội nhân dân
- Bà mẹ Việt Nam anh hùng Tỉnh Nghệ An, NXB Nghệ An 1999
- Tài liệu lịch sử Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu
- Lịch sử các xã, thị trấn trong huyện Quỳnh Lưu
- Văn bản các kỳ Đại hội của Đảng bộ Quỳnh Vinh
- Hồ Chí Minh tuyển tập, NXB Hà Nội. Về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
- Lê Duẩn thanh niên với cách mạng xã hội chủ nghĩa, NXB Hà Nội 1966
- Lịch sử Việt Nam quyển 1, quyển 2, quyển 3. NXb quân đội nhân dân
- Kể chuyện các vua nhà Nguyễn, NXB Đà Nẵng
- Các dòng họ ở Nghệ An (hội thảo), NXB Nghệ An 1996
- Lịch sử 10, 11, 12 NXB giáo dục
MỤC LỤC | Trang |
LỜI GIỚI THIỆU | 2 |
Chương I . Tổng quan về Quỳnh Vinh | 3 |
I. Địa lý, lịch sử, thiên nhiên, tài nguyên và môi trường | 3 |
II. Thọ Vinh và Quý Vinh xưa | 13 |
III. Các dòng họ ở Quỳnh Vinh | 23 |
Chương II. Thiết chế làng xã, phong tục tập quán | 42 |
I. Thiết chế làng xã | 42 |
II. Phong tục tập quán | 44 |
III. Hệ thống đình, đền, chùa, nhà văn thánh | 48 |
IV. Truyền thống văn hoá | 52 |
Chương III. Truyền thống đấu tranh chống cường quyền áp bức của nhân dân Quỳnh Vinh trong lịch sử | 61 |
I. Trước khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời | 61 |
II. Từ khi có Đảng CSVN ra đời đến cách mạng tháng Tám năm 1945 | 62 |
Chương IV. Nhân dân Quỳnh Vinh với sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và kiến quốc thắng lợi 1946 - 1954 | 69 |
I. Những thành tích sau xây dựng chế độ mới | 69 |
II. Chi bộ Đảng thành lập trực tiếp lãnh đạo quân và dân xã nhà thực hiện cuộc kháng chiến kiến quốc | 72 |
III. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (12/1946 – 7/1954) | 73 |
Chương V. Quỳnh Vinh với sự nghiệp cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước | 87 |
I. Công cuộc khôi phục kinh tế và phát triển xã hội năm 1954 – 1957 | 87 |
II. Đảng bộ Quỳnh Vinh lãnh đạo nhân dân cải tạo XHCN 8/1960 | 89 |
III. Đảng bộ Quỳnh Vinh lãnh đạo nhân dân thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 1 (1961 – 1965) | 90 |
IV. Đảng bộ Quỳnh Vinh lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1964 – 1975) | 92 |
Chương VI. Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Vinh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước 1976 - 2010 | 99 |
I. Đảng bộ xí nghiệp Quỳnh Mai ra đời | 99 |
II. Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Vinh 20 năm sản xuất, xây dựng và phát triển (1980 – 2000) | 102 |
Lời kết | 110 |
Phụ lục | 113 |
I. Quỳnh Vinh qua những chặng đường lịch sử | 113 |
II. Đảng bộ Quỳnh Vinh từ Đại hội đến Đại hội | 113 |
III. Các bậc tiên hiền các dòng họ ở Quỳnh Vinh | 119 |
IV. Danh sách liệt sỹ - thương – bênh binh | 120 |
V. Bà mẹ Việt Nam anh hùng | 126 |
VI. Cán bộ hoạt động trước 1945 | 126 |
VII. Cán bộ tiền khởi nghĩa | 126 |
VIII. Gia đình có công nuôi cán bộ cách mạng | 126 |
IX. Anh hùng lực lưỡng vũ trang | 126 |
X. Cán bộ chủ chốt Đảng, chính quyền, đoàn thể, HTX qua các thời kỳ | 127 |
XI. Đảng viên được tặng huy hiệu Đảng | 134 |
XII. Cán bộ cao cấp trong quân đội | 135 |
XIII. Cán bộ từ phó phòng cấp Huyện trở lên | 135 |
XIV. Tiến sỹ, thạc sỹ và tương đương | 136 |
XV. Tư liệu về trường mầm non, tiểu học, THCS | 137 |
XVI. Tư liệu về ngành y tế | 142 |
XVII. Các công trình thuỷ lợi ở Quỳnh Vinh | 144 |
XVIII. Tư liệu về HTX mua bán | 145 |
XIX. Một số ca khúc tiêu biểu trích trong tập khúc hát quê hương | 146 |
XX. Làng xóm Quỳnh Vinh ngày nay | 152 |
Tài liệu tham khảo | 153 |
[1] Theo hồ sơ, lý lịch: - Đồng chí Lê Thạc Tạo nguyên cán bộ tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An
- Đồng chí Lê Khắc Vượng cán bộ tổ chức Huyện ủy Quỳnh Lưu
- Đồng chí Lê Khắc Vượng cán bộ tổ chức Huyện ủy Quỳnh Lưu
[2] Xem phụ lục.
1 . Theo Niên giám Quỳnh Vinh, năm 2011.
1 . Theo Văn bia tại di tích cụ Lê Bôi.
1 . Theo Văn hóa các dòng họ ở Nghệ An, NXB Nghệ AN, năm 1997.
2 . Theo Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919), NXB Văn học Hà Nội.
1 . Xem số 05/A27 tổng cục an ninh – Bộ Công an.
1 . Theo Quỳnh Lưu huyện địa đầu xứ. Nghệ NXB Nghệ Tĩnh, 1990.
1 . Theo Hồ Văn Long, Trần Dục cán bộ tiền khởi nghĩa cung cấp, Nguyễn Đức Nghi xác nhận.
1 . Theo lịch sử Đảng bộ Quỳnh Lưu, NXB CTQG, năm 2000.
1 . Theo Hồ Văn Long-cán bộ tiền khởi nghĩa; Vũ Lê Nhoạn-nguyên Bí thư Đảng uỷ; Lý Xuân Nhãn-nguyên Bí thư Đảng uỷ, đảng viên 60 năm tuổi đảng.
1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 1995.
1 . Toàn Tỉnh có 993 làng được nhập chia lại thành 185 xã mới (tài liệu năm 1946, tại Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An).
1 . Hồ Chí Minh toàn tập – NXB Chính trị quốc gia 1995-Trang 480.
2 . Hồ Chí Minh toàn tập – NXB Chính trị quốc gia 1995-Trang 25.
[3] Xã Vinh Lộc gồm 2 làng Thọ Vinh và Quý Vinh, xã Văn Hoá gồm 2 làng Thiện Kỵ và Dị Nậu
1 . Lịch sử Đảng bộ Nghệ An. NXB chính trị Quốc gia trang 202.
1 . Xem lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân Huyện Quỳnh Lưu NXB QĐND trang 99.
1 . Theo lời kể của đồng chí Lê Đang, đảng viên 50 năm tuổi Đảng, vệ quốc quân thời 1949 – 1954.
2 . Theo lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Quỳnh Lưu , NXB QĐND, trang 121.
1 . Theo báo cáo của đồng chí Lý Xuân Nhãn Nguyên Bí thư Đảng bộ.
1 . Xem danh sách TNXP chống Pháp phục vụ chiến dịch Tây Bắc.
2 . Xem danh sách tân binh chống Pháp.
1 . Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 1966, trang 7 và 16.
1 . Theo lịch sử Đảng bộ Nghệ An, Báo Nghệ An ngày 8/5/2011.
[4] Theo lịch sử các xã vùng Hoàng Mai
1 . §ç L¬ng B»ng lµ mét chiÕn sü cã h¬n 2 n¨m chiÕn ®¸u ë Hoµng Mai, anh ®· tham gia gÇn 500 trËn, gãp phÇn cïng ®ång ®éi b¾n r¬i 20 m¸y bay c¸c lo¹i cña ®Õ quèc Mü. TrËn chiÕn ngµy 10 -7-1966, m¸y bay Mü ®¸nh th¼ng vµo trËn ®Þa, anh bÞ th¬ng nÆng vµ hy sinh t¹i vïng Hoµng Mai. NhËt ký cña anh hiÖn ®îc lu gi÷ t¹i b¶o tµng Qu©n khu IV.
1 . Tài liệu lưu trử lại Huyện uỷ Quỳnh Lưu.
1 . Các danh nhân là ông tổ của dòng họ được suy tôn bậc tiên hiền là người có công với làng đến Quỳnh Vinh 250 năm trở lên và được thờ tại đình Thọ Vinh và đình Quý Vinh sau hợp tự về đền đền Vưu.
[5] Tài liệu lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Quỳnh Lưu
1 . Theo niên giám tháng 10/2010 xã Quỳnh Vinh.