Trang thông tin điện tử xã Quỳnh Vinh

https://quynhvinh.gov.vn


Phát huy tiềm năng, lợi thế để hướng đến phát triển kinh tế toàn diện

Quỳnh Vinh là địa phương có diện tích rộng, dân số đông. Trong những năm gần đây, Quỳnh Vinh đã khai thác tốt những thế mạnh của địa phương và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự đồng lòng, chung sức và nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ, nhân dân trong toàn xã, Quỳnh Vinh đã và đang vượt qua khó khăn, tiến tới mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện.
Một số diện tích chuyển sang trồng hoa cho thu nhập cao
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Quỳnh Vinh lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015- 2020, xã Quỳnh Vinh đã định hướng tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, quan tâm chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngay sau Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy xã Quỳnh Vinh đã ban hành Đề án số 01-ĐA/ĐU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị canh tác trên đơn vị diện tích, mở rộng và phát huy mô hình kinh tế trang trại rừng’’.
Sau gần 4 năm thực hiện Đề án, sản xuất nông nghiệp của địa phương đã chuyển dịch theo hướng phát triển hàng hóa, cơ cấu cây trồng, mùa vụ có sự chuyển dịch mạnh, tập trung khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích; đảm bảo vững chắc về an ninh lương thực. Sản xuất lương thực được mùa, diện tích lúa lai được mở rộng (tăng từ 75 % năm 2015 lên 86 % năm 2019). Bước đầu thực hiện được liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Đến nay toàn xã đã chuyển đổi được 43,1 ha/45,6 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó: Diện tích đất 2 lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao hơn là 10,5 ha. Loại giống cây trồng đưa vào sản xuất thay thế chủ yếu là cây nghệ, cây dược liệu, rau màu các loại. Bình quân mỗi ha canh tác cho giá trị thu nhập khoảng 200 - 250 triệu đồng/năm, gấp 2-3 lần so với sản xuất lúa. Một số hộ đã mạnh dạn đưa một số giống mới vào sản xuất thí điểm và có hiệu quả thực sự như mô hình trồng hoa... Ngoài ra, một số hộ gia đình tận dụng đất nương, bái chãi và cải tạo đất đồi rừng khoảng 50 ha để đưa giống nghệ vàng, cam và một số cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Ảnh rau mùi
Mô hình trồng rau gia vị
Ảnh cam
Cam được trồng ở vùng đất bái chải
Ảnh dứa
Một số diện tích vùng đồi chuyển sang trồng dứa
Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp, trang trại, gia trại; toàn xã hiện có 66 trang trại, gia trại, tăng 24 gia trại so với năm 2015. Các trang trại, gia trại được định hướng xây dựng xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường. Các trang trại, gia trại tập trung đầu tư chăn nuôi các loại giống có giá trị kinh tế cao như: Hươu, dê, lợn rừng, bò... Tập trung làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, đến nay diện tích rừng trồng chăm sóc là 540 ha, rừng trồng tập trung 1.420 ha. Sản phẩm chủ yếu là nguyên liệu giấy, tổng giá trị sản xuất ước đạt 19.158 triệu đồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản được mở rộng, năm 2018 đạt 74 ha, năng suất 84 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 62,2 tấn. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đến hết năm 2018 ước đạt 140.286 triệu đồng.
Ảnh Hươu
Chăn nuôi hươu tại các trang trại
          Ngành công nghiệp phát triển tốt, giá trị sản xuất năm 2018 đạt 335.573 triệu đồng, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đúc sò táp lô, hàn xì cửa sắt, lắp ghép mái tôn, xưởng cưa, đồ mộc dân dụng duy trì và tăng số lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu trên địa bàn. Hoạt động xây dựng duy trì tốt mang lại nhiều lợi ích kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Các công trình nhà ở dân cư phát triển mạnh. Hoạt động thương mại, dịch vụ được duy trì và phát triển khá đa dạng, nhiều hàng quán được mở ra và được cấp giấy phép kinh doanh. Đặc biệt là các hoạt động mua bán ở các khu vực chợ trên địa bàn và ở khu vực Đường Quốc lộ 1A, Đường La Ga; tổng giá trị sản xuất năm 2018 đạt 118.230 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2018 đạt 36,2 triệu đồng, tăng 14,5 triệu đồng so với năm 2015.
Công tác xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả khá toàn diện. Đến hết năm 2018 đã đạt 15/19 tiêu chí; 4 tiêu chí còn lại hiện nay đang tập trung mọi nguồn lực và phấn đấu hoàn thành về đích nông thôn mới vào cuối năm 2019.
Các tuyến đường thôn 10 được bê tông hóa
Các tuyến đường giao thông nội thôn được bê tông hóa
Song hành với phát triển nông nghiệp, xã Quỳnh Vinh cùng với UBND thị xã Hoàng Mai đã có nhiều chính sách thu hút các dự án, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn như nhà máy may Vinatex, nhà máy may Đại Minh, nhà máy chế biến Nông-Lâm-Thủy sản Nghi Sơn Food, khu đô thị xi măng Hoàng Mai...
Ảnh nhà máy may
Nhà máy nay Vinatex giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương
Xu thế phát triển của thị xã Hoàng Mai đó là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong thời gian tới Đảng ủy, chính quyền xã Quỳnh Vinh tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị, chất lượng cao, từng bước xây dựng nền nông nghiệp đô thị đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng và từng bước phát triển các vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp theo hình thức trang trại, gia trại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kết nối sản xuất nông nghiệp với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có lợi thế như lúa gạo, gỗ nguyên liệu,...; đồng thời, duy trì quy mô và phương thức sản xuất đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm có tiềm năng như cây nghệ, cây dược liệu, rau màu, các loại cây có múi...
Từng bước làm tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng công nghiệp, dịch vụ. Sẽ chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể phối hợp với các ngành chức năng tăng cường đào tạo nghề ngắn hạn cho nguồn lao động dồi dào của địa phương mỗi năm từ 150-200 lao động để đón đầu trong việc cung ứng cho các nhà máy, xí nghiệp khi đầu tư vào địa phương. Tận dụng lợi thế về đất đai, lao động để đẩy mạnh việc thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào tham gia khai thác tiềm năng về đất để phát triển kinh tế, mở rộng dịch vụ, thương mại, làm nông nghiệp công nghệ cao....
 

Tác giả bài viết: Lê Đăng Thùy- Bí thư Đảng ủy xã

Nguồn tin: quynhvinh.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây